01 – Nguyễn Sinh tùng chinh

Tại tỉnh Trà Vinh, làng X, có hai vợ chồng Nguyễn Phước là người cự phú, giàu sang. Bạc dư muôn, ruộng đất cả ngàn, xài phỉ chí lên xe xuống ngựa. Hải vị sơn trân ăn đòi bữa, đồ tây, đồ Khách nếm tư niên. Bằng hữu nhiều lui tới liền liền, chả khác của Mạnh Thường thuở nọ. Tuy phú túc mà tật kiêu không có, ở ăn cùng hàng xóm, bát nước ỷ khôn xao; làm huyện hàm vinh quí biết bao, thấy kẻ khó làm ơn lòng chẳng bỏ. Bởi vậy cho nên: tiếng ngợi hương thôn đều ngưỡng mộ, đức hiền châu quận thảy bia danh.

Còn như cái gia cư của ông là một tòa nhà xinh tợ bức tranh, lợp ngói móc lại thêm sự tốt. Phòng đãi khách, phòng ăn, phòng ngủ đều dọn chưng theo lối kim thời; nhà tiêu, nhà tắm cất có nơi, noi cách vệ sanh coi rất đẹp.

Trong gia đạo rập khuôn phải phép, phu xướng, phụ tùy, nam hiếu nữ trinh. Dưới tôi đòi, thầy thương tớ, tớ mến thầy, thảy vui dạ thượng hòa hạ lục.

Ông Nguyễn Phước tuổi ngoài bất hoặc, có một trai một gái rất xinh. Con trai thì chữ Nguyễn Sinh, còn con gái mỹ danh Cẩm Tú.

Nguyễn Sinh lúc hài đồng, nhủ xú, xem dung quang đà có sắc anh hùng. Thuở nên mười ăn học rất thông,  hai mươi tuổi lãnh bằng tốt nghiệp.

Còn Cẩm Tú hình dung dường ngọc, má hồng như đầm Pháp tốt tươi; miệng hữu duyên coi thể muốn cười, môi son đỏ, móng tay mũi viết. Tóc dợn dợn nước mây đen kịt, bới thả đều bánh lái chuốt chai, mắt như sao một cặp mày ngài, răng rạnh rạnh thể hột dưa đều đặn.

Thiệt là:

Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,

Liệng du trời nhạn ngẩn ngơ sa.

Đây nói về nhà nước Langsa cùng Đức quốc can qua khởi chiến. Bởi quan Đức thục thành tập luyện và sẵn lòng quyết chiến bấy lâu. Cho nên, hễ hưng binh mã đáo đến đâu, đều trọn thắng thế như phá trước.

Vì Đức tặc làm điều bội ước (xem tờ giao hòa như miếng vải rách), Bỉ quốc khi không mà bị hắn xâm lăng, cớ ấy Bỉ quốc đón ngăn, làm cho Đức trễ nãi mà Langsa rộng ngày giờ mộ binh mã.

Thấy Đức quốc đem lòng tham chạ, nên nước Anh mới hạ chiến thơ. Đức không dè sẽ có sự cơ, tức mình giận phá tan Bỉ quốc (nay còn nhiều chỗ tiêu tan).

Tuy Đại Pháp có liệt cường giúp sức, chớ cũng toàn cần thuộc địa trợ hoài. Năm 1915 chiêu mộ anh tài, tuyển lính tình nguyện tại Nam Kỳ Lục tỉnh.

Nguyễn Sinh khi hay đặng quan trên hạ lịnh, thì trong lòng đã quyết xin đi. Bèn làm đơn cho quan Chánh bố tường tri, khai tên họ tổng làng tỏ rõ. Việc ấy đã hoàn thành sẵn đó, còn chờ ngày đặng có đăng trình.

Khi hai vợ chồng Nguyễn Phước hay được thất kinh, lật đật kêu con vào hỏi rằng:

– Nầy con, con rất dại làm điều tội lỗi, sao không cho cha mẹ trước hay? Nay mà ra đến nỗi cớ nầy, con dám cải mẹ cha thế ấy.

Nguyễn Sinh thưa rằng:

– Xin cha mẹ rộng tình suy xét, cho ấu nhi bày tỏ nỗi thiệt hơn. Nghĩa cù lao nặng tợ thái sơn, ơn cúc dục rộng dường Đông Hải. Phàm nhơn tử sự quân trước phải, giữa sự thân, sau rốt lập thân. Làm sao cho danh chói các lân, ấy mới gọi là binh hiển kỳ phụ mẫu.

– Con tuổi trẻ việc đời chưa thấu, dám đam thân ra chốn sa trường! Mũi thiên oai họa phước nan lương, hiển chưa thấy mà mạng căn đã tuyệt. Có phải: để cha mẹ thương thương tiếc tiếc, tre khóc măng con nỡ dạ nào!

– Thưa cha cùng mẹ, xưa nay những đứng anh hào, xem cái thân rất nhẹ như phao, chữ trung hiếu lưỡng toàn sao? Như con mà ra đi rồi thì; chút mạng bạc phó cùng đất rộng, mảnh cốt hài cậy có trời cao. Nhưng mà, kẻ trung lương dầu lâm thửa binh đao, cũng có lẽ thiện nhơn thiện tướng chớ! Vậy thì xin cha mẽ hải hà chi lượng cho con trả nợ tang bồng.

– Con ví dầu rủi có mạng chung, thì cha mẹ lấy ai kế tự?

– Thưa cha cùng mẹ, sự chí ư thử bất khả nại hà! Bề phụng dưỡng có em con đó, việc định đôi gả phức cho xong. Mai sau dầu cha mẹ được ít đứa ngoại tôn, thì cha mẹ xin một đứa để mà kế tự. Chớ như con đạo làm thần tử, dễ điềm nhiên khi thế nước chung chinh.

Cẩm Tú đứng một bên mắc cỡ, hứ Nguyễn Sinh một cái rồi nói rằng:

– Thưa anh Hai, anh chẳng xét công ơn cha mẹ đi nỡ rằng vì nước mà tùng chinh. Nước của ai nào phải nước của mình, dòng Pháp Việt khác nhau đôi giống.

– Nầy em Ba, em chưa biết nên cho rằng khác giống, chớ Tây Nam rày đã thuộc nhứt gia, nước An Nam nhờ có Langsa, ơn bảo hộ sáu mươi năm đó. Có mẫu quấc không nước nào dám ngó, không thôi thì cũng bị Trung Hoa hay là Nhựt Bổn lấy rồi! Ôi! Trung Hoa người độc ác vô hồi, Annam ta bị hắn 1000 năm áp chế. Sử nhắc lại bạo tàn chi xiết kể, hành Annam thấu đến thịt xương. Nhựt Bổn nghe lại cũng bạo cường, dân Cao Ly bị họ cai trị cháy da phỏng trán. Nên anh quyết ra vùi tên đạn, đam chút thân mà trả nợ Langsa, sự khải hườn sau vững đặt sơn hà, ta mới được ngồi yên nệm chiếu, nếu như nước Langsa thua chịu, và A Lơ Măn (Alleman: Đức quốc) qua lấy Nam Kỳ. Tứ dân thời khốn khổ xiết chi, vì mỗi lần hoán triều không phải dễ. Xin em khá gìn lòng kim tế, phụng hai thân mà thế cho anh. Xin muội nương em hãy tận tình, câu dụng nữ vì vô nam em cũng thường đọc. Không phải một mình anh mà đủ an bang định quấc, song nhiều tay thì vỗ bộp nên nhiều. Và dân nghèo coi anh đó làm nêu, mới hăm hở mà đi tùng chinh tới ức triệu.

Hai vợ chồng Nguyễn Phước can gián con không đặng, lấy làm buồn mà chẳng biết mần sao. Vì thấy con có chí anh hào, phần đã vô đơn lỡ rồi! Cho nên mới sửa soạn hành lý cho trẻ, cho nhiều tiền bạc và dặn rằng:

– Từ đây nhà nước cấp lương cho con bao nhiêu, hãy để mà dùng, chớ gởi về cho cha mẹ. Chừng qua bển, hãy gởi thơ về đề chỗ ở cho rành rẽ, cha mẹ biết, lâu lâu sẽ gởi đồ vật thực cho con. Tới xứ người lạ nước lạ non, như có túng bạc, hãy cho cha mẹ hay mà gởi.

Ô qua thỏ lại mau như thoi cửi, đã gần đến bữa ra đi. Ngày ấy trong nhà làm thịt bò, heo, mời thân tộc cùng hàng xóm đến dự tiệc tiễn hành mà đưa Nguyễn Sinh.

Con giữa tiệc, Nguyễn Sinh đứng dậy thi lễ và nói rằng:

– Thưa cùng bà con cô bác, nay tôi phải trẩy sang Tây thổ, biết ngày nào trở lại Nam bang? Cúi tạ từ xin gởi cội song đàng, cơn mưa nắng xin cậy cùng cô bác. Ơn ấy dầu đội hai trời còn tạc, ngậm vành kết cỏ mới ưng. Tôi xin từ tạ cúc cung, chúc cô bác ở lại bình an mạnh giỏi.

Nghe thổ lộ nhiều người sái lụy và nói rằng:

– Hễ nhứt gia hữu sự bá gia ưu. Cháu ra đi trả nợ quốc gia, phần chúng ta sẽ bảo phò quí quyến.

Khi tiễn biệt, lắm người quyến luyến, không  về, ở chờ tối đưa xuống tàu. Tối 9 giờ tàu vội đi mau, hai vợ chồng Nguyễn Phước và Cẩm Tú cũng theo lên Sài Gòn mà đưa Nguyễn Sinh. Lên tới Sài Gòn Nguyễn Sinh ở lại đó ít bữa, kế rồi có tàu chở lính đi Tây.

Lúc giã từ, cha con, mẹ con, anh em khóc ngây, bút khó tỏ hết cái sanh ly thảm trạng. Nhưng mà phải gác sầu làm gượng, tàu đà kéo neo, chỉ dặ, giang hà. Kẻ dưới sông, người trên bộ rất thiết tha, trong ít khắc tàu đà khuất dạng. Ngày thứ, Nguyễn Phước mới phản hồi Trà Vinh.

Chiếc tàu ấy khi tới phá Ban-Em-Măn-Dếp (Détroit de Bal el Mandeb), bị lố cồn, hầu gần đã chìm. Cả bộ hành, lính tráng hoảng kinh, duy có lính An Nam thật là tỉnh táo. Người nước khác, mặt cắt không còn chút máu, mà Annam coi thể như không. Cho nên Annam được khen ngợi vô cùng, có điển tín của quan Bộ thuộc địa Thượng thơ đánh qua mà khen người Lục tỉnh.

Tin ấy thấ đến tai Nguyễn Phước, sợ vô ngần mà mầng cũng khó cân. Sợ vì nghe tàu lố rạng thì kiết thiểu đa hung, chừng nghe nội lính Annam có một mình Nguyễn Sinh can đảm thứ nhứt thì mầng chi xiết, vì con biết làm cho khen ngợi đến cha mẹ.

Khi tàu tới thành Bọt-Xê-Íc (Port Said) thì ghé tại hải trình ấy, Nguyễn Sinh lên bờ bỏ thơ gởi về cho cha mẹ.

Thơ rằng:

Cha mẹ rất yêu dấu,

Con kính lạy song thân ba bái,

Chúc thung huyên đôi cụm diềm dà.

Kể từ ngày cách mặt mẹ cha,

Chi xiết nỗi thương thương nhớ nhớ.

Con vì nước mà ra trả nợ,

Phận làm trai hồ hải tang bồng.

Để mạ cha đêm nhớ, ngày trông,

Câu thất hiếu đã đành phận trẻ.

Nay con tới tại thành Bọt-Xê-Íc.

Lên dạo chơi ngỏ gởi thơ nầy.

Lạ xứ người khó nỗi làm khuây,

Xác ở đây mà trí về gia nội.

Nhờ trời Phật cho con mạnh giỏi,

Cũng có ngày Nam cõi phản hồi.

Ngó đăm đăm mịt mịt phương trời,

Tấc lòng những trông vời cố quốc.

Từ Khánh Hội rẽ phân như cắt,

Tàu lui ra biệt đất Saigon,

Sông Bến Thành nhiều chỗ quanh cong,

Mà tàu cũng nhập giang tùy khúc.

Khỏi Ô Cấp tàu đi vụt vụt,

Những mênh mông trời nước một màu.

Nhờ gió êm sóng chẳng dợn xao,

Hai ngày tới Xanh-Ga-Bo (Singapore) vậy.

Tàu bèn đậu nghỉ ngơi nơi đấy,

Còn lên chơi hầu giải tấc sầu.

Xanh-Ga-Bo thành phố rất giàu,

Ấy thuộc địa của người Anh quốc.

Đường rộng lớn kẻ chen như nước,

Phố tốt xinh, hàng hóa như nêm.

Thấy đầy dẫy những tiệm của Thanh,

Đông sấp bội hơn bên mình nhiều lắm.

Người Tàu thiệt ở đâu cũng đặng,

Đến kinh dinh sự nghiệp tha bang;

Xanh-Ga-Bo người giống da vàng,

Cũng như thể Chà Và Châu Giang vậy.

Qua ngày thứ kéo neo chạy,

Đây ra biển Thiên Trước đa,

Hai mươi ngày tới Cô-Lôm-Bô (Colombo),

Thành ấy cũng thuộc về Anh quốc,

Vẫn thuở trước của người Thiên Trước,

Là tỉnh thành của đại đảo Xây-Lăng (Ceyland),

Tại nơi đây đạo Phật rất thịnh hành,

Nhiều chùa tốt biết sao mà kể.

Qua ngày thứ kéo neo thẳng chỉ,

Cũng còn trong biển Thiên Trước mà,

Nhắm phương Tây lướt giọng dòng là,

Sáu ngày tới Ba-Ben-Măn-Đép.

Chỗ nầy ấy là một cái phá,

Cũng như phá Xanh-Ga-Bo và phá Xây-Lăng.

Tàu mới vô vừa khỏi Ba-Ben,

Bỗng đâu rủi tàu bị lố rạng.

Hiềm vì lúc trời đương chạng vạng,

Các bộ hành sợ hãi biết bao,

Cả kêu la và chạy lao xao,

Một hai kẻ nhảy đùa mà lội.

Annam ta sao mà lại giỏi,

Chẳng sợ chi, còn thêm giúp mấy bộ hành kia,

Quan cò tàu khen ngợi xiết chi,

Và ráng hết sức làm tàu mới ra khỏi.

(Nhờ bọn Annam nhiều lắm).

Tàu ra khỏi rồi vô Hồng Hải,

Biển nầy nóng nực biết dường nào.

Mỗi người đều bị đổ mồ hôi,

Vì sức nóng bằng ba Lục tỉnh.

Hai bên biển núi non lỉnh nghỉnh,

Đỏ trày trày vì ít cỏ cây.

Người ta kêu Hồng Hải xưa nay,

Là vì màu đá núi hai bên bể.

Khỏi Hồng Hải tới kinh Xú-Ế (Canal de Suez),

Kinh nầy ngang 60 thước tây.

Cái bề sâu được 8 thước nầy,

Bề dài đặng 160.

Kinh thì nhỏ mà tàu đi lúc ngúc,

Trong một ngày cũng mấy chục chiếc lại qua.

Khi tránh nhau thì vào ụ cho chiếc kia qua,

Rồi chiếc trong ụ mới ra mà lướt dặm,

Hết kinh ấy rồi tới Bọt-Xê-Íc,

Hải trình nầy tốt lớn lắm thay,

Con lên chơi thấy đủ da người.

Trắng, vàng với người đen hắc hắc,

Tại cửa biển có hình ông Lết-Xép (Ferdinand de Lassep).

Xưa ngài đào kinh Xú-Ế cho thế gian,

Người Langsa thiệt rất đởm can,

Đào kinh ấy tốn năm ngàn triệu,

Nay Âu, Á giao thông giản tiện,

Ai cũng vì, cũng kính bái ngài,

Tính đậu đây chừng đặng hai ngày,

Tàu mới vô biển Địa Trung Hải,

Chừng tới Pháp con sẽ viết thơ nữa.

Thăm mẹ cha với lại em Ba,

Em ôi, anh xin gởi việc nhà,

Hãy hết dạ thờ thân cho trọn đạo.

Chừng tới Pháp có nơi nương náu,

Anh viết thơ về cho em biết mà hồi âm.

Anh bên nầy dồi bổn phận lo làm,

Một giúp nước, hai lo cha mẹ.

Anh có làm mười bài bát cú,

Để lâu lâu em đọc cho cha mẹ nghe.

Thơ rằng:

I.

Mười ơn chưa hổ trả làm con,

Tình nghĩa anh em cũng chả tròn.

Đất khách ngậm ngùi cây với cỏ,

Trời Nam chua xót nước cùng non.

Năm canh thổn thức lòng thê thảm,

Sáu khắc bồi hồi dạ héo hon.

Cao thẳm nỡ xui chi đến thế,

Mười ơn chưa trả hổ làm con.

II.

Làm con đâu lại có đi xa?

Ngay thảo ghi xương mới gọi là,

Chén rượu làm khuây miền đất khách.

Hơi cơm khôn lấp nẻo quê nhà,

Một niềm nghĩa nặng đâu quên mẹ,

Hai chữ ân dày lại nhớ cha.

Nghĩ đến ba giềng tuôn mấy giọt,

Đêm trường thơ thẩn luống vào ra.

III.

Vào ra chẳng ngớt sự lo âu,

Cảnh lạ người buồn đoái trước sau.

Mịt mịt vừng mây gieo đoạn thảm,

Hiu hiu ngọn gió giục cơn sầu.

Ước như cánh nhạn bay giây phút,

Cho tới quê nhà biệt bấy lâu.

Cao thẳm nỡ xui chi đến thế?

Muôn trùng xa cách bởi vì đâu?

IV.

Vì đâu chua xót đủ trăm đường?

Nghĩ lại gia đình dạ tiếc thương.

Ơn nước nợ nhà lao khổ chán,

Nầy thân nọ phận đắng cay thường.

Tuyết sương chịu vậy theo trần thế,

Gió bụi hiềm chi với cố hương.

Đã đứng làm trai trong bốn biển,

Hết lòng ái quốc với cần vương.

V.

Cần vương tua trả nợ Langsa,

Ngay thảo xưa nay khó trọn mà!

Quân tử tùy thời đâu để vậy,

Anh hùng xử thế phải vầy ma!

Ba giềng đạo cả ra công lớn,

Hai chữ cang thường ráng sức xa.

Phải có Như Lai tôi hỏi thử,

Chừng nào cho hết cuộc can qua.

VI.

Can qua thế sự đổi lăng xăng,

Chán ngán lòng son thảm lắm ngằn,

Chưa hãn cân trời là mấy bực,

Cho hay lò Tạo cũng nhiều ngăn,

Nhà Nam một nước ơn triều triệu,

Nợ Pháp hai vai gánh nặng oằn,

Bao quản thớt trên đè thớt dưới,

Nực cười chước mọn của Anh-Măng (Đức quốc).

VII.

Anh-Măng gây dữ đã nhiều điều,

Ỷ tận oai hùng luống tự kiêu;

Báo quấc quên nhà đầy thứ, sĩ,

Liều thân bỏ mạng lắm đồ, nhiêu.

Chiến tranh nay phải đày lao khổ,

Đắc thắng ngày sau được đỏ điều.

Muôn dặm lòng hiếu tử bận như khêu.

VIII.

Như khêu tấc dạ quặn thêm buồn,

Muốn thấy đường ngay phải dọn ruồng.

Khói tỏa ngúc ung nơi đất Pháp,

Gan trung mật ngãi chốn Đông Dương.

Vận trù quyết sách đà nên thế,

Định quấc an bang đã phải luồng.

Đứng dựa bô tàu hồn như gởi,

Nhà Nam trông vọi cụm mây tuôn.

XI.

Mây tuôn tịch mịch cảnh trời chiều,

Nam, Bắc, Đông, Tây gió hắt hiu.

Nhớ thuở xa cha nơi Khánh Hội,

Tưởng hồi biệt mẹ tại tàu kiều.

Bởi dây ái quấc vương chưa mãn,

Vì nợ tang bồng vấn vít theo.

Ngắm cảnh hoàng hôn trông cố quấc,

Mây trông tịch mịch cảnh trời chiều.

X.

Chiều chiều nhớ đến gió hiu hiu,

Vậy bởi nên vui ít, thảm nhiều.

Trăng với nước kia trong lại sáng,

Ai cùng thành nọ, ngả rồi xiêu.

Liều thân trung trọn cho danh rạng,

Dốc chí ơn đền đặng tiếng bêu.

Nhiều thảm ít vui nên bởi vậy,

Hiu hiu nhớ đến gió chiều chiều.

Nhục nhi bái thơ.

Nguyễn Sinh đốn thủ.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!