Tuần sau đó tôi vẫn đến lớp sân khấu, và vẫn không thấy tăm hơi gì của Midori Kobayashi. Sau khi nhìn quanh một lượt và đã chắc là không có cô ta ở lớp, tôi ngồi vào chỗ quen thuộc của mình ở hàng ghế đầu và viết thư cho Naoko trong khi ông giáo còn chưa đến. Tôi viết về những chuyến du lịch mùa hè – những con đường tôi đã đi bộ, những thị trấn tôi đã qua, những con người tôi đã gặp. Và đêm nào mình cũng nghĩ đến cậu. Giờ đây khi không thể gặp cậu được nữa, mình mới biết rằng mình cần cậu biết dường nào. Trường lớp buồn tẻ vô cùng, nhưng để tự kỷ luật, mình vẫn dự lớp và làm bài đầy đủ. Từ khi cậu đi, tất cả đều như vô nghĩa. Mình thèm được nói chuyện thật dài và thật thoả với cậu. Nếu có thể được, mình muốn đến thăm cậu ở khu an dưỡng và ở với cậu nhiều giờ. Và nếu có thể được, mình muốn được đi bộ với cậu như kiểu chúng mình vẫn đi với nhau. Cậu hay cố gắng trả lời thư này của mình nhé – dù chỉ mấy chữ thôi cũng được. Mình sẽ không buồn đâu.
Tôi viết kín bốn tờ giấy, gập chúng lại, cho vào phong bì, và đề gởi cho Naoko, nhờ gia đình nàng chuyển hộ.
Lúc ấy ông giáo mới đến, vừa bước lên bục giảng vừa lau mồ hôi trán. Ông ta nhỏ người, vẻ mặt lúc nào cũng như đang khóc, chống gậy kim loại. Tuy không vui, nhưng các bài giảng của ông trong chương trình đều rất chu đáo và đáng nghe. Sau khi nhận xét rằng thời tiết đang nóng hơn bao giờ hết, ông bắt đầu nói về thủ pháp dùng một sự kiện hoặc nhân vật thần thánh để cởi nút vở kịch trong các tác phẩm của Euripides, và giảng giải những chỗ khác nhau trong khái niệm “thần thánh” giữa Euripides và Aeschylus hoặc Sophocles. Ông nói được khoảng mười lăm phút thì cửa giảng đường mở ra và Midori bước vào. Cô mặc sơ-mi thể thao xanh nước biển thẫm, quần vải bông màu kem và cặp kính râm thường lệ. Sau khi nở một nụ cười theo kiểu “Xin lỗi em đến muộn” về phía ông giáo, cô ngồi xuống cạnh tôi. Rồi cô lấy một cuốn vở – vở của tôi – từ túi đeo vai và đưa nó cho tôi. Trong vở có kẹp một mẩu giấy viết: Xin lỗi hôm thứ Tư nhé. Cậu có giận không đấy?
Được độ nửa bài giảng, ông giáo sư đang vẽ phác một cái sâu khấu Hy Lạp lên bảng đen thì cửa lại mở, và hai sinh viên đội mũ sắt bước vào. Trông họ giống như một cặp kép hài, một anh cao gày nhợt nhạt, anh kia lùn béo đen nhẻm với một bộ râu dễ dài không hợp với mình chút nào. Cao kều ôm theo một mớ truyền đơn trong tay. Lùn tè bước lên chỗ ông giáo sư và nói, giọng có phần lễ độ, rằng họ muốn dùng nửa thời gian còn lại của giờ giảng để thảo luận chính trị và hy vọng là ông sẽ hợp tác. Rồi hắn nói thêm, “Thế giới đang đầy những vấn đề cấp bách và có ý nghĩa hơn bi kịch Hy Lạp.” Nghe không ra một lời đề nghị nữa, mà là một tuyên cáo. Ông giáo sư đáp “Ta vẫn không muốn tin rằng thế giới đang có những vấn đề cấp bách và có ý nghĩa hơn bi kịch Hy Lạp, nhưng ta biết có nói gì thì các anh cũng chẳng nghe, nên thôi, các anh muốn làm gì thì làm.” Vịn tay vào mép bàn, ông bước từ bục giảng xuống sàn, nhặt cái gậy chống rồi khập khiễng ra khỏi lớp.
Trong khi cao kều phát truyền đơn, lùn tè bước lên bục giảng và bắt đầu lên lớp. Truyền đơn đầy những câu hô khẩu hiệu đơn giản: “Đả đảo bầu cử gian lận chức chủ tịch đại học!”, “Hãy tập hợp mọi lực lượng để bãi khoá toàn trường một lần nữa.”, “Đả đảo tổ hợp công nghiệp-giáo dục-đế quốc!” Tôi không có vấn đề gì với những điều họ đang nói, nhưng cách viết của họ thì dở quá. Chẳng có gì gây được lòng tin hoặc kích động nhiệt huyết. Cả bài nói của anh lùn cũng chẳng hơn gì – vẫn một giọng điệu cũ rích với những từ ngữ khác mà thôi. Kẻ thù thực sự của bọn này không phải là chính quyền mà là tình trạng Thiếu trí Tưởng tượng.
“Bọn mình chuồn đi,” Midori nói.
Tôi gật đầu và đứng dậy và cả hai chúng tôi bước ra cửa. Lúc ấy anh lùn nói với theo tôi cái gì đó mà tôi không nghe ra. Midori vẫy hắn và nói, “Gặp lại sau nhé.”
“Này cậu, bọn mình có phải phản cách mạng không thế?” Midori hỏi tôi khi hai đứa đã ra đến ngoài. “Nếu cách mạng thành công liệu họ có treo tụi mình lên cột điện thoại không?”
“Cũng chưa biết thế nào, hay cứ đi ăn trưa luôn cái đã”
“Phải đấy. Tớ muốn mời cậu đến một chỗ này. Hơi xa một tí. Cậu có thời gian không?”
“Có, tớ rảnh, đến hai giờ mới có lớp.”
Midori đưa tôi đi xe buýt đến Yotsuya, vào một hiệu chuyên phục vụ cơm phần rất đỏm đáng, nằm trong một chỗ có mái che ngay sau trạm đỗ xe. Vừa ngồi vào bàn họ đã mang ngay ra món súp và các thức ăn đặc biệt của ngày hôm đó, dọn trong hai cái hộp sơn mài vuông vức màu đỏ. Đúng là một nơi ăn trưa có phải đi xe buýt cũng bõ.
“Ngon quá,” tôi nói.
“Và rẻ nữa. Tớ vẫn ăn ở đây từ hồi còn ở trung học. Trường cũ của tớ ở ngay dưới phố kia kìa. Họ nghiêm lắm, bọn tớ đều phải lẻn ra ăn ở đây. Bị bắt đi ăn ngoài là họ phạt nghỉ học liền.”
Không đeo kính râm, mắt Midori có vẻ buồn ngủ hơn so với lần gặp trước. Khi không mải nghịch cái vòng bạc nho nhỏ đeo ở cổ tay trái, thế nào cô cũng đưa một đầu ngón tay út lên day day các khóe mắt.
“Mệt à?” tôi hỏi.
“Đại loại thế. Tớ thiếu ngủ. Nhưng không sao, đừng lo,” cô nói. “Xin lỗi chuyện hôm nọ nhé. Tự nhiên có chuyện quan trọng và tớ không thể dứt ra được. Đùng một cái, ngay sáng ngày ra. Tớ đã nghĩ đến chuyện gọi cậu ở quán ăn, nhưng không thể nhớ ra cái tên quán, mà số ở nhà của cậu thì tớ không có. Cậu có đợi lâu không?”
“Không có gì đâu. Tớ có nhiều thời gian lắm.”
“Nhiều lắm ư?”
“Nhiều quá mức cần thiết. Giá mà tớ có thể cho cậu một ít để cậu ngủ.”
Midori dựa má vào bàn tay và mỉm cười với tôi.
“Cậu là một thằng tốt thật đấy.”
“Không tốt đâu. Chỉ là vì tớ có thời gian để giết thôi,” tôi nói. “Mà này, tớ có gọi đến nhà cậu hôm ấy và có người bảo tớ rằng cậu đang ở bệnh viện. Có chuyện gì thế?”
“Cậu gọi đến nhà tớ?” cô hỏi, hơi nhăn trán lại một tí ở giữa hai lông mày. “Làm sao mà cậu có số điện của tớ?”
“Tìm ở văn phòng sự vụ sinh viên. Ai chẳng làm được”
Cô gật gù mấy cái rồi lại bắt đầu nghịch cái vòng bạc.
“Thế mà tớ chưa hề nghĩ ra. Nhẽ ra tớ cũng có thể tìm được số của cậu. Mà thôi, về chuyện bệnh viện, lần sau tớ sẽ kể. Bây giờ thì tớ chưa thích. Xin lỗi nhé.”
“Được thôi. Tớ không định tọc mạch đâu.”
“Không, cậu không tọc mạch. Chỉ là vì tớ cứ mệt mệt thế nào ấy. Như khi gặp mưa.”
“Có lẽ cậu nên về nhà ngủ một tí?”
“Chưa đâu. Mình chuồn khỏi đây đã.”
Cô dẫn tôi đến ngôi trường trung học cũ, một quãng đi bộ ngắn từ Yotsuya.
Lúc đi ngang trạm xe, tôi nghĩ đến Naoko và nhưng cuộc đi bộ vô tận của chúng tôi. Tất cả đã bắt đầu từ đây. Tôi nhận ra rằng nếu đã không tình cờ gặp Naoko trên chuyến tàu chủ nhật tháng Năm ấy, đời tôi chắc đã rất khác bây giờ. Nhưng rồi tôi lại nghĩ khác: Không, ngay cả nếu chúng tôi đã không gặp nhau ngày ấy, cuộc đời tôi chắc cũng chẳng có gì khác. Chúng tôi phải gặp nhau. Nếu không phải bấy giờ thì cũng sẽ vào một lúc nào đó. Tôi cũng chẳng có cơ sở gì để nghĩ thế. Chỉ là cảm giác thôi.
Midori Koyabashi và tôi ngồi với nhau trên ghế trong công viên, nhìn ngôi trường xưa của cô ta. Thường xuân bám chặt trên các bức tường, và lũ bồ câu lúi húi dưới hồi nhà, sã cánh nghỉ ngơi. Một toà nhà cổ, đẹp và có cá tính. Trong sân chơi có một cây sồi lớn, và một cột khói trắng bốc thẳng lên trời ngay cạnh đó. Trong nắng chiều hè đang phai dần, cột khói trông như một làn mây xốp nhẹ.
“Cậu có biết khói gì đấy không?” Midori đột ngột hỏi tôi.
“Chịu,” tôi nói.
“Họ đốt băng vệ sinh đấy.”
“Thật ư?” tôi không biết nói gì khác.
“Băng vệ sinh, tăm-pông, những thứ như thế,” cô nói với một nụ cười. “Trường nữ sinh mà. Ông già chuyên dọn dẹp đi thu thập chúng ở tất cả những thùng đựng rồi đốt chúng trong lò. Khói đó đấy.”
“Uao!”
“Ờ, tớ cũng thường tự kêu lên như thế mỗi khi ngồi trong lớp nhìn ra và thấy cột khói ấy ngoài cửa sổ. “Uao! Cứ nghĩ mà xem: trường có gần một nghìn đứa con gái. Vậy cứ giả dụ là chín trăm đứa vừa mới vào tuổi kinh nguyệt, và có thể một phần năm số đó lúc nào cũng đang hành kinh: một trăm tám mươi đứa. Vậy là ngày nào cũng phải đốt băng vệ sinh của một trăm tám mươi đứa ấy”
“Chắc cậu nói phải; mặc dù tớ không chắc cậu tính thế có đúng không.”
“Gì thì gì cũng là rất nhiều. Một trăm tám mươi đứa con gái. Cậu nghĩ phải đi thu lượm và đốt ngần ấy mỗi ngày thì nó ra làm sao?”
“Chịu không tưởng tượng được,” tôi nói. Làm sao tôi có thể tưởng tượng ông già kia cảm thấy như thế nào?” Midori và tôi vẫn tiếp tục nhìn cột khói.
“Tớ đã không muốn học ở trường này tí nào,” Midori nói. Cô hơi lắc đầu. “Tớ muốn vào một trường công tuyệt đối bình thường, với những con người bình thường, để tớ có thể thoải mái và vui vẻ như một đứa trẻ bình thường. Nhưng bố mẹ tớ lại nghĩ vào được cái chỗ điệu đà kia thì trông tớ sẽ khá hơn. Họ là người đã cương quyết nhét tớ vào đó. Cậu biết không, cứ học giỏi ở tiểu học là thể nào cũng rơi vào cảnh ấy. Thầy cô giáo sẽ nói với bố mẹ “Với điểm số như thế thì cháu nhất định phải vào học ở đó!” Và thế là tớ bị rơi vào đó thật. Sáu năm trời tất cả, và tớ chưa bao giờ thích nó cả. Tớ chỉ tìm cách chuồn. Và cậu biết không, tớ còn được bằng khen vì chưa bao giờ muộn giờ hoặc vắng mặt ở trường. Tớ căm ghét chỗ ấy đến như vậy đấy. Cậu hiểu không?”
“Không, không hiểu.”
“Vì tớ ghét cái trường này thậm tệ, nên tớ nhất định không chịu để nó hạ nhục mình. Chỉ để nó làm vậy một lần thôi là tớ đi tong. Tớ sợ mình sẽ bị tụt hậu. Tớ bò đến trường khi đang sốt hơn bốn mươi độ. Thầy hỏi tớ có ốm không, nhưng tớ bảo không. Khi ra trường họ cho tớ nhiều bằng khen về đi học đều và đúng giờ, với một cuốn tự điển tiếng Pháp. Vì thế mà bây giờ tớ đang học tiếng Đức. Tớ không muốn mắc nợ cái trường này bất kì thứ gì. Tớ không nói đùa đâu.”
“Sao cậu lại ghét nó đến thế?”
“Thế cậu có thích trường cậu không đã nào?”
“Ừ, thì không, nhưng tớ cũng không đặc biệt ghét nó. Tớ học ở một trường công bình thường nhưng chẳng bao giờ nghĩ ngợi về nó thế này hay thế nọ.”
“Nhưng mà, cái trường này,” Midori nói, ngón tay út gãi gãi khóe mắt, “chỉ có rặt một bọn con gái thượng lưu gần một nghìn đứa, đứa nào cũng có lí lịch tốt, và điểm thi tốt. Lại giàu có nữa. Chúng phải giàu mới sống được Học phí cao, đóng góp liên miên, những chuyến tham quan đắt tiền. Ví dụ nếu chúng tớ đi Kyoto, họ sẽ đưa chúng tớ vào một nhà hàng hạng nhất và bưng ra những món ăn trà đạo bày trên bàn sơn mài, và năm nào họ cũng đưa chúng tớ vào khách sạn đắt tiền nhất ở Tokyo để học cũng cách ứng xử trong bữa ăn. Tớ muốn nói là cái trường này không bình thường tí nào. Trong số một trăm sáu mươi đứa con gái cùng năm, tớ là đứa duy nhất sống trong một khu trung lưu như Toshima. Đã có lần tớ lục danh sách học sinh ở trường để xem bọn nó sống ở đâu, hoá ra đứa nào cũng ở những khu giàu có cả. Gượm đã, cũng có một đứa ở mãi tận Chiba với nông dân, và tự nhiên tớ cũng có cảm tình thế nào đó với nó. Con bé cũng rất hay. Nó mời tớ về nhà, cứ xin lỗi vì tớ phải đi xa. Tớ đi và thật không thể tin được, cái khu đất ở khổng lồ ấy, phải đi mười lăm phút mới hết xung quanh.
Lại còn một cái vườn tuyệt vời và hai con chó to như hai cái xe con mà họ vẫn nuôi bằng thịt bò bí-tết. Thế mà con bé ấy vẫn thấy ngượng là phải sống ở Chiba. Đó là một đứa mà hễ muộn giờ là nó đi Mercedes Benz đến trường? Có tài xế riêng lái. Giống hệt như ở phim Green Honet bước ra: nào mũ, nào găng trắng, đủ thứ. Mà nó vẫn cứ bị mặc cảm tự ti. Cậu có tin được không?”
Tôi lắc đầu.
“Tớ là đứa duy nhất trong trường sống ở một nơi như Kita-Otsuka Toshima. Và ở mục “nghề nghiệp cha mẹ” thì là “chủ hiệu sách”. Ai ở trong lớp tớ cũng tưởng thế là oách lắm: “Ôi chao, may mắn thế, cậu có thể tha hồ đọc sách” và đại loại nhưng câu như thế. Tất nhiên chúng nó chỉ nghĩ đến những hiệu sách khổng lồ như Kinokuniya. Chúng không thể tưởng tượng ra một hiệu sách Kobayashi nghèo nàn bé nhỏ. Cửa mở thì cọt kẹt và chẳng thấy có gì ngoài tạp chí. Bán đều nhất là tạp chí đàn bà bóng bẩy có kẹp nhưng phụ trương rời minh hoạ nhưng kỹ thuật làm tình mới nhất. Các bà nội trợ ở quanh đấy mua về và ngồi đọc ở bàn làm bếp từ bìa trước đến bìa sau, và khi chồng về thì đem ra thực hành thử. Mà cũng có những tư thế kì lạ không thể tin được! Có phải các bà nội trợ chỉ nghĩ đến những chuyện ấy suốt ngày không nhỉ? Bán chạy thứ hai là chuyện tranh: những tờ như Magazine, Sunday, Jump. Và tất nhiên là các loại báo tuần nữa. Nghĩa là hiệu sách hầu như toàn tạp chí. Nhưng mà cũng có một ít sách, loại tái bản rẻ tiền, truyện trinh thám giật gân và tiểu thuyết ái tình lãng mạn. Chỉ bán được những loại ấy. Và còn cả loại sách “Làm thế nào” nữa chứ: làm thế nào để được bạc, trồng bonsai ra làm sao, phát biểu ở đám cưới như thế nào, làm tình như thế nào, làm cách nào để cai thuốc lá, muốn loại gì có loại ấy. Nhà mình còn bán cả văn phòng phẩm – hàng bó bút bi bút chì và vở viết chất đống ở cạnh quầy thu tiền. Nhưng chỉ có thế. Không có Chiến tranh và hoà bình, không có Kenzaburo Oe, không có Bắt trẻ đồng xanh. Hiệu sách Kobayashi là như vậy đấy. Tớ may mắn như vậy đấy. Cậu có thấy tớ may mắn không?”
“Tớ chỉ mới thấy cái cửa hàng.”
“Cậu biết tớ nói gì mà. Người nào trong khu phố cũng đến hàng nhà tớ, có những người liên tục hàng nhiều năm liền, và gia đình tớ đáp ứng được nhu cầu của họ. Làm ăn vậy là tốt, dư dật đối với một gia đình bốn người; không nợ nần, hai con gái học đại học, nhưng chỉ thế thôi. Không làm được gì thêm nữa. Nhẽ ra bố mẹ đừng bao giờ cho tớ vào một trường như thế. Nó chỉ là bài thuốc gây đau đầu. Tớ phải nghe họ lầu bầu mỗi lần nhà trường đòi một khoản đóng góp, và lúc nào cũng sợ gần chết mỗi khi đi chơi với bạn và chúng lại muốn ăn ở một chỗ đắt tiền. Sống như vậy thật đến khổ. Gia đình cậu có giàu không?”
“Gia đình tớ ư? Không, bố mẹ tớ chỉ là người lao động hoàn toàn bình thường, không giàu, cũng chẳng nghèo. Tớ biết vào học ở một đại học tư ở Tokyo như thế này cũng là khó khăn với họ, nhưng nhà chỉ có mình tớ, nên cũng không đến nỗi gay go quá. Họ không cho tớ nhiều tiền sinh hoạt, nên tớ đi làm thêm. Gia đình tớ sống trong một ngôi nhà phổ biến có một mảnh vườn nhỏ và đi xe Toyota Corolla.”
“Việc làm thêm của cậu thế nào?”
“Tớ làm ở một tiệm nhỏ bán đĩa nhạc trong khu Shinjuku, ba đêm một tuần. Dễ ợt. Chỉ việc ngồi đó và để ý cửa hàng.”
“Cậu không đùa đấy chứ?” Midori nói. “Tớ không biết thế nào, nhưng nhìn cậu thì tớ nghĩ là cậu chưa bao giờ phải vất vả cả.”
“Đúng vậy. Tớ chưa bao giờ phải vất vả. Nhưng tớ cũng chẳng có nhiều tiền. Tớ cũng như hầu hết mọi người thôi.”
“Vâng, nhưng hầu hết mọi người ở trường cậu đều giàu cả,” Midori nói, úp tay trong lòng. “Đó mới là vấn đề”
“Vậy bây giờ cậu sẽ có nhiều cơ hội thấy một thế giới không vướng phải vấn đề đó. Có thể nhiều hơn cậu muốn nữa.”
“Thôi nào, hay nói xem, giàu có thì cái gì là hay nhất?”
“Tớ không biết.”
“Là có thể nói tớ chẳng có đồng nào. Đây nhé, nêu tớ rủ một đứa bạn ở trường làm cái gì đó, nó có thể nói “Tiếc quá, tớ chẳng có đồng nào”. Đó là điều mà tớ không thể mở mồm nói nếu tớ ở vào hoàn cảnh của nó. Nếu tớ nói “tớ chẳng có đồng nào”, đó sẽ là vì thực sự là tớ chẳng có đồng nào. Buồn thật. Nó giống thế này này: nếu một đứa con gái xinh đẹp nói “hôm nay trông tớ xinh quá, tớ chẳng muốn ra ngoài nữa” thì không sao, nhưng nếu một đứa xấu xí mà nói thế thì mọi người sẽ cười vào mũi nó. Với tớ, thế giới là như vậy đấy. Sáu năm liền như thế, cho tới tận năm ngoái.”
“Rồi cậu sẽ quên thôi.”
“Hy vọng thế. Vào đại học thật nhẹ hết cả người. Xung quanh đày nhưng người bình thường.”
Cô mỉm cười mà chỉ hơi cong môi một tí và vuốt mái tóc ngắn bằng lòng bàn tay.
“Cậu có làm thêm không?”
“Có. Tớ viết chú giải bản đồ. Cậu biết loại sách quảng cáo nhỏ kèm bản đồ chứ? Có mô tả các khu vực khác nhau, số dân cư, và nhưng chỗ đáng tham quan ấy mà. Chỗ này chỗ nọ có đường để đi bộ hoặc một huyền thoại gì đó, hoặc một vài loài chim hoa cây cỏ đặc biệt nào đó. Tớ viết những cái đó. Rất dễ. Chẳng mất thì giờ chút nào. Một ngày ngồi trong thư viện là tớ có thể xong một cuốn sách nhỏ. Chỉ cần thành thạo mấy bí quyết thôi là làm không hết việc.”
“Bí quyết gì thế?”
“Đại loại như thêm thắt những chi tiết chưa ai viết bao giờ và thế là những người ở công ty bản đồ sẽ tưởng mình là thiên tài văn chương và đưa thêm việc cho mình ngay. Chẳng cần chuyện gì to tát, chỉ vài chi tiết là đủ. Ví dụ như khi xây dựng con đập này ở cái thung lũng nọ, nước đã ngập hết ngôi làng ấy nhưng mỗi độ xuân sang những loài chim từ phương nam vẫn nhớ đường về và bạn có thể thấy chúng bay lượn trên mặt hồ. Cứ thêm một giai thoại nho nhỏ như thế và ai đọc cũng thấy thích, rất hình ảnh và tình cảm. Bọn làm thêm bình thường không nghĩ đến những cái như thế, nhưng tớ có thể viết và kiếm được khối tiền.”
“Ờ, nhưng cũng phải tìm ra những giai thoại ấy chứ.”
“Đúng thế,” Midori nói, hơi nghiêng đầu. “Nhưng nếu đã tìm là thể nào cũng có. Còn nếu không thì mình bịa ra cái gì đó cũng có chết ai đâu?”
“Á, à…”
“Hoà bình mà!” Midori nói.
Cô nói muốn nghe chuyện khu học xá của tôi, và tôi kể những câu chuyện quen thuộc về lễ kéo cờ và về các bài thể dục theo đài của Quốc-xã. Cũng như mọi người khác, Midori phì cười vì anh chàng Quốc-xã này. Cô nói giá được vào thăm khu học xá chắc sẽ vui lắm. Làm gì có cái gì vui, tôi bảo, “Chỉ có mấy trăm thằng trong những căn phòng đày rác rưởi, uống rượu và thủ dâm.”
“Kể cả cậu chứ.”
“Thì thằng đàn ông nào trên thế giới này mà chẳng thế,” tôi giải thích. “Con gái thì hành kinh mà con trai thì thủ dâm. Tất tật.”
“Kể cả những đứa có bồ gái ư? Nghĩa là có bạn tình ấy”
“Chuyện ấy chẳng có liên quan gì. Thằng ở cạnh phòng tớ lại còn phải cho ra trước khi đi chơi với bồ. Nó bảo thế nó mới thấy thoải mái.”
“Tớ không biết lắm những chuyện ấy. Tớ ở trường nữ sinh quá lâu.”
“Tớ đoán những tạp chí đàn bà bóng bẩy kia không đề cập đến chuyện này.”
“Đúng thế! Chẳng có tí nào!” cô nói, cười ầm lên.
“Mà này, Watanabe, Chủ nhật này cậu có thời gian không? Có rảnh không?”
“Chủ nhật nào tớ cũng rảnh. Ít nhất là đến sáu giờ. Lúc ấy tớ phải đi làm”
“Thế thì đến tớ chơi nhé! Đến hiệu sách Kobayashi. Hàng thì nghỉ, nhưng tớ phải loanh quanh ở đó cả ngày một mình. Có thể sẽ có một cú điện thoại quan trọng. Cậu đến ăn trưa nhé! Tớ sẽ nấu.”
“Nghe được đấy,” tôi nói.
Midori xé một trang vở rồi vẻ một bản đồ chi tiết chỉ đường đến chỗ cô. Cô lấy bút đỏ đánh một cái dấu X to tướng vào chỗ ngôi nhà.
“Thể nào cậu cũng thấy nó ngay, có cả biển đề “Hiệu sách Kobayashi”. Đến buổi trưa nhé. Tớ sẽ soạn bữa chờ cậu.”
Tôi cám ơn và bỏ cái bản đồ vào túi quần.
“Bây giờ tớ phải về trường,” tôi nói. “Lớp tiếng Đức của tớ bắt đầu lúc hai giờ.” Midori nói cô phải đi đâu đó, rồi lên tàu ở trạm Yotsuya.