056 – Lâu Viên giác liệp (1)

Nguyên tác chữ Nho (*)

Phiên âm

Lâu viên nguyên thấp uất bồng gian,

Thụ mộc âm âm liệp tử nhàn,

Tẩu cẩu bôn xu tùy chỉ thị,

Phi ưng (2) bác kích hợp cơ quan.

Ngũ ba nhất phát cung sơ thí, (3)

Thập điểu tam khu giá sạ hoàn. (4)

Nhược vấn công hầu tâm phúc lữ,

Ưng tri tế tế tại lâm san.

Dịch nghĩa: Săn bắn thi ở vườn trầu

Vườn trầu là vùng ẩm thấp đầy cỏ bồng và cỏ may,

Cây cối um tùm, nhưng người đi săn đã quen thuộc.

Chó săn chạy nhanh theo hiệu lệnh,

Chim ưng bay đi đánh bắt hợp với cung nỏ.

Thoạt tiên thử bắn một phát vào năm con heo đực chạy tới,

Bao vây ba mặt mười con chim rồi liền quay ngựa trở lại.

Nếu người bạn tâm phúc hỏi chuyện công hầu,

Thì nên biết phải nhân đạo ở chốn núi rừng.

Chú thích

(1): Lâu Viên: vườn trầu ở vùng Hóc Môn Bà Điểm. Lúc xưa có 18 thôn, tục gọi là “18 thôn Vườn Trầu”, dân cư trù mật. Dân chúng vùng này làm ăn phồn thịnh, họ thường gánh trầu đi từng tốp ba bốn mươi người xuống bán ở chợ Sài Gòn, Bến Nghé. Xưa đất này nhiều rừng rậm, cọp thường hay bắt người, nên có câu “Dữ như cọp Vườn Trầu.

(2): Phi ưng: chim ưng, còn gọi là chim cắt, giống chim chuyên bắt các chim khác ăn thịt, người đi săn thường nuôi nó để săn các chim khác.

(3): Câu này mượn ý bài Trâu ngu trong Kinh thi: Nhất phát ngũ ba (chỉ bắn một phát vào năm con heo đực chạy đến). Ý nói đi săn vẫn có lòng nhân, không nỡ giết hết cả năm con.

(4): Câu này mượn ý hào cửu ngũ, quẻ Tỉ trong Kinh dịch: Vương dụng tam ngu, thất tiền cầm (Vua dùng cách bao vây ba mặt để sổng con chim bay phía trước). Ý câu này giống câu trên, chừa một mặt cho chim thoát.

Nguyễn Khuê dịch thơ: Săn bắn ở Vườn Trầu

Khắp chốn Vườn Trầu rợp cỏ cây,

Người săn quen địa thế nơi đây.

Chó theo hiệu lệnh xông tìm gấp,

Ưng đợi nỏ cung đánh bắt ngay.

Heo bắn một tên dành mạng sống,

Chim vây ba mặt để đường bay.

Kìa ai hỏi chuyện công hầu đó,

Nhân đạo núi rừng trước phải hay.


(*): Tôi chưa tìm được bản gốc chữ Nho, sẽ bổ sung sau.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!