Chương 10: Phải bắt đầu rồi!

Hôm đó có sáu người bị trúng đạn, năm người chết vì đuối nước, vị bị thương không cứu kịp. Còn có một đứa con trai lạc mất. Ông bà Châu quay về Long Hồ an táng vợ chồng ông Trần, ở lại hơn ba tháng tìm kiếm con trai nhưng không thấy.

Hai bên nội ngoại nhà bé Liên chỉ còn một người dì lấy chồng xa tận miệt thứ, mấy năm nay không về thăm nên không biết làm sao để báo tin. Ông bà Châu làm giấy tờ để Trần Ngọc Liên làm con nuôi. Vẫn giữ lại họ tên, tài sản ông bà Trần do ông Châu tạm thời quản lý, có ký chứng ở tòa Long Hồ và Sài Gòn hẳn hoi.

Sau hôm đó, Liên bịnh một trận, không nặng nhưng cứ sốt, mê man rồi lại sốt. Bà Châu cũng qua một lần bệnh vì lo chăm sóc Liên, còn buồn rầu lạc mất con trai. Tối tháng chín trời mưa tầm tả, ông Châu châm điếu thuốc, ngồi trên ghế dài nói.

– Mình phải ráng khoẻ mạnh phụ tôi lo cho con Liên. Nếu không phải tôi bị thương, chú thím Trần cũng không bơi ra tiếp rồi trúng đạn mà chết. Còn thằng hai nữa, mình bệnh rề rề ai lo cho hai đứa nó. Tôi định lên Sài Gòn làm tiếp chuyện đã tính với chú thím Trần. Sản nghiệp đó ngồi không ăn cũng hết. Tìm thằng hai phải có của, có tiền. Con Liên lớn lên cũng thành gia lập thất, có tiền có của thì nó sống đỡ hơn. Mình nghe đặng không?

Bà Châu gục đầu không nói. Từ hôm đó bà không mãi khóc lóc ủ ê mà gượng dậy lo thu xếp để đi Sài Gòn. Trước Tết Nguyên đán năm 1918, gia đình họ Châu ba người khăn gói lên Sài Gòn.

Năm tháng trôi qua, vết thương đã liền thành sẹo nhưng nỗi đau và mất mát vẫn còn đó. Bà Châu thầm nghĩ may là lúc đó người lính già đánh cho Liên bất tỉnh. Con bé không nhớ nhiều cảnh thương tâm hôm đó. Hai năm đầu con bé còn hay hỏi chuyện ba má ruột, ông bà chỉ nhắc kể chuyện vui nên cô bé cũng lờ mờ rồi ít hỏi chuyện ngày đó.

Năm nay Liên đã mười tám, còn thằng hai cũng hai mươi mốt tuổi. Nếu nó ở nhà, biết đâu bà đã có cháu nội rồi. Liệu bà có chờ được ngày gặp lại nó không? Khóc một lát bà đã thấy mệt, vuối cánh tay Liên nói.

– Con về nghỉ di, má không sao. Mấy tháng nữa giỗ ba má con, năm nay con về Long Hồ ở nhiều ngày chút.

– Dạ, má ngủ đi. Sáng mai con ghé toà soạn nhựt trình coi sao. Con tính đổi nhựt trình đó má.

– Ừ, con tính vậy cũng được.

Bà Châu đồng ý nhưng Liên biết bà không để tâm lắm. Tám năm nay đã đăng gần hết các tờ nhựt trình rồi. Chỉ là bà không biết Liên có bí mật.

Hôm sau bà Châu mệt, không dậy nổi. Bà lại không chịu đi nhà thương mà dặn dì tư ra thầy Bảy hốt mấy thang thuốc về uống.

– Đã nói là không sao mà. Cha con hai người cứ đi lo công chuyện đi.

– Liên đi đi con, con ghé toà soạn nhựt trình đi.

– Dạ.

Chuyện nhà Liên đăng tin tìm con trai thất lạc đã mấy năm, trên khắp các báo đã thành khách quen của mấy ký giả, thư ký toà soạn. Lúc bước xuống cổng toà soạn báo trên đường Charner thì gặp Đoàn Biền, ký giả phóng sự an ninh.

– Cô ba Châu, có tin tức gì chưa cô?

– Thưa chưa ông. Gặp ông ở đây may quá, ông nhính chút thời gian được không?

– Được, cô muốn hỏi gì à?

– Thưa phải, mời ông qua quán cà phê Le Cafe‘ Art đó được không?

– Được.

Ký giả Đoàn Biền hơi ngạc nhiên, không nghĩ cô ba Châu này lại thật sự có chuyện cần gặp mình. Quán cà phê đó rất yên tĩnh, mỗi chỗ ngồi đều riêng tư, chỉ những người muốn nói chuyện riêng mới vào. Mình và cô ba nhà họ Châu này trước đây chưa từng liên hệ, mình là ký giả an ninh. Mấy điều này hợp lại thì lần gặp này ‘có vấn đề’ rồi.

Quán cà phê có hai tầng, các chỗ ngồi đôi, ngồi ba đều được ngăn bởi chậu cây kiểng hoặc các tượng trang trí. Các trang trí ở đây cũng rất phong phú, có đầu tượng là điêu khắc đá Hy Lạp cổ, có mấy mặt nạ của thổ dân Châu Phi. Tượng nữ thần Apsara từ Angkor Wat, đầu rồng thời nhà Lý rồi mặt trống đồng Đông Sơn. Ông chủ quán này chắc là người say mê sưu tầm văn hóa cổ, có cái gì thì trưng bày hết cái đó, Đông Tây phối hiệp, mà không hiệp cũng ép cho hiệp.

Liên chọn góc ngồi khuất sau hai chậu cây cau kiểng. Đoàn Biền bước theo sau ngồi vào ghế còn lại.

– Ký giả gọi món ăn sáng luôn nhé, chắc ông biết rõ món nào ngon?

– Cảm ơn cô, tôi đã ăn sáng rồi. Ở đây có món beafsteak đúng kiểu Tây.

Trả lời không thừa, không thiếu chút nào, đúng là chỉ có người khác rò tin cho mình, còn mình thì luôn kín kẽ.

– Tôi đã ăn sáng ở nhà rồi. Tôi uống cam vắt mật ong.

Liên quay sang nói với cậu bồi bàn trẻ vừa đi đến. Liên và bồi bàn nhìn Đoàn Biền như hỏi ý.

– Tôi uống café sữa nóng.

– Dạ, anh chị chờ một lát.

– Cảm ơn.

Đợi cậu bồi đi khuất, Liên cũng không vòng vo mà hỏi luôn. Dù sao vị ký giả này dày dạn kinh nghiệm hơn cô nhiều.

– Nghe nói nghề ký giả cũng có qui tắc giữ bí mật phải không?

Đoàn Biền cân nhắc mới nói.

– Có, nhưng không được luật bảo hộ như giới luật sư. Đó là đạo đức nghề nghiệp.

– Theo tôi, với người trọng chữ tín như ký giả Đoàn, thì lời hứa và đạo đức còn mạnh hơn luật.

– Được, cô Châu nói đi. Tôi sẽ không lậu ra.

– Với bất cứ ai, bất cứ nguyên nhân nào!

– Được.

– Cảm ơn.

Liên thở dài nói cảm ơn, ánh mắt nhìn thẳng vị ký giả có tiếng ở Sài Gòn. Cô đang cân nhắc nên bắt đầu như thế nào.

– Xin lỗi ký giả, tôi hơi đường đột. Nhưng câu chuyện tôi sắp nói liên quan đến những người thân trong gia đình nên tôi phải cẩn trọng. Ông cũng biết sơ qua chuyện nhà tôi. Đã tám năm rồi vẫn chưa tìm được anh hai. Ba má tôi ngày càng phiền muộn, sức khoẻ giảm sút.

Chuyện này rất nhiều người biết, Đoàn Biền nhìn ra ngoài cửa sổ quán, kiên nhẫn chờ đợi. Ông biết chắc rằng chuyện quan trọng ở phía sau.

– Ngoài việc đăng nhựt trình, ba má tôi cũng thuê người đi tìm khắp lục tỉnh mà không hề có chút tin tức. Tôi có vài nghi ngờ, cho đến thời gian gần đây tôi được tin có người ở giữa không muốn tìm thấy anh hai. Tuy là nguồn tin đáng tin cậy nhưng tôi cần chứng cứ trước khi cho ba má tôi biết.

Liên hơi ngừng lời, đợi đến khi Đoàn Biền quay lại nhìn mình, cô mới nói tiếp.

– Ông rất giỏi tìm hiểu thông tin, tôi muốn ông tìm giúp tất cả thông tin của Châu Tân.

– Đúng, là chú tư tôi, Châu Tân.

Thấy ánh sáng loé lên trong mắt Đoàn Biền, Liên khẳng định nghi ngờ của ông.

– Tôi nghi ngờ những gì nhà tôi biết chỉ là bề nổi, chú tôi có bí mật phía sau. Đó là động cơ làm chú không muốn anh hai tôi quay về. Gia sản ba má tôi không giàu có, nhưng có hãng dệt đem về lợi nhuận cũng khá.

– Nghe nói hơn một nửa gia sản đó sẽ để lại cho cô?

– Đúng, ba má tôi có làm giấy. Nhưng ai biết đến khi đó là tình hình gì. Quan trọng hơn là tôi muốn anh hai tôi quay về. Tôi tin là anh hai ở đâu đó, chỉ cần không bị ngăn cản, anh ấy nhất định sẽ về.

Đoàn Biền im lặng quan sát cô gái trẻ, rất trẻ ngồi trước mặt. Thiếu nữ mười tám tuổi xuân không phải nên hồn nhiên, rạng rỡ sao? Các tiểu thơ ở Sài Gòn độ tuổi này luôn được cưng chiều, vô tư mua sắm, học nhảy đầm, đi xi-nê, tham dự tiệc tùng thượng lưu. Cô Châu không phải nên như vậy sao? Sao mình nhìn trong ánh mắt đó như có đau thương, mất mát và sâu như vực thẳm?

Đúng là hoàn cảnh nhà ông Châu có khác, nhưng nghe nói cô ba Liên rất được thương yêu, cưng chiều. Có nội tình gì? Trí óc của một ký giả chạy nhanh qua các giả thiết, tình huống, gợi lên sự hiếu kỳ, tò mò và cảm giác hưng phấn quen thuộc.

– Tôi được gì trong việc này?

Rất thẳng thắn, cô muốn như vậy.

– Thù lao cho ông, những người làm việc với ông. Còn nữa,

Thấy ký giả hơi nhướn mi, Liên nói tiếp.

– Còn nữa, nếu ông điều tra ra bằng chứng như nguồn tin tôi nhận, câu chuyện này là của ông. Ông có thể dùng nó viết bài, đương nhiên sẽ thay đổi tên tuổi để không ảnh hưởng đến gia đình tôi. Nếu điều tra không ra điều gì hứng thú, tôi sẽ kể ông nghe một câu chuyện còn hấp dẫn hơn.

– Sao bây giờ cô không kể luôn, xem có thật sự hấp dẫn không?

Liên không trả lời, chỉ hơi nhếch môi nhìn vị ký giả. Lá bài của mình làm sao lật cho đối thủ coi, dù là tàn cuộc đi nữa cô cũng sẽ giữ lại nó.

– Thù lao sẽ cao đó, nghe nói chú tư cô đi khắp lục tỉnh, quen biết không ít.

Liên nhẹ thở ra, vậy là coi như bước đầu đã đạt, con cờ đầu tiên đã đặt xuống rồi. Trong ván cờ này cô nhất định phải thắng, nếu không hậu quả sẽ là cái chết và nỗi nhục.

– Phải, tôi sẽ chu cấp đầy đủ. Ông tìm tôi khi nào cần.

– Được, tôi sẽ trực tiếp liên lạc khi cần.

– Được, càng ít người biết càng tốt.

Liên uống thêm một ít nước cam rồi đứng dậy chào hỏi đi về. Lúc nãy cô đã nói anh tư Bốn đánh xe về đưa ba cô qua hãng. Từ đây cô đi bộ đến tiệm chỉ cỡ năm mười phút. Có mấy chiếc xe kéo cứ hỏi tìm khách làm Liên hơi phân tâm, cô đi sát vào bên trong báo hiệu là cô không tìm xe.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!