Nguyên tác chữ Nho (*)
Phiên âm
Viên mai tiêu bạch, cúc từu hoàng,
Phồn tháp (2) trần sinh thảo mộng mang.
Đắc lộ côn bằng (3) nam đồ hải,
Ly quần hồng nhạn (4) dạ minh sương,
Thạch thành túy phỏng chung mai tích,
Kim tháp nhàn bình bố hệ phương.
Lao ngã Dữu lâu tần ỷ vọng,
Thê mê lãnh thu thủy thương mang.
Dịch nghĩa: Gửi Hối Sơn Hoàng Ngọc Uẩn đi Chân Lạp
Mai vườn rụng trắng, cúc nhú vàng,
Giường Trần Phồn bụi đóng, mộng cỏ bận bịu.
Côn bằng gặp đường mây bay về nam vượt biển,
Lìa đàn hồng nhạn đêm kêu sương.
Thạch thành say tìm dấu tích chôn chuông,
Nhàn bàn về cách lấy vải buộc tháp vàng lại.
Nhọc công ta lầu Dữu cứ trông ngóng hoài,
Cây lạnh mờ mịt, nước mênh mang.
Chú thích
(1): Hoàng Ngọc Uẩn Hối Sơn là người quê quán huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Năm 1801 ông trúng tuyển khoa thi chọn nhân tài, được bổ làm Tham mưu rồi đổi sang Hàn lâm viện Thị độc. Ông từng đi sứ Trung Quốc hai lần và sang Xiêm. Sau ông làm Cai bạ, rồi làm Tả tham tri bộ Hình và Hiệp trấn Nghệ An. Ông có tham gia trong nhóm “Sơn Hội”.
(2): Phồn tháp là giường của Trần Phồn, đời Hậu Hán.
(3): Côn bằng: Côn là cá Côn; bằng là chim bằng. Có câu nói “Côn bằng đắc lộ” ý chỉ kẻ sĩ gặp thời tha hồ bay nhảy.
(4): Hồng nhạn là thơ Hồng nhạn, ý chỉ những người phiêu bạt khi bị loạn lạc hay gặp tai biến.
(5): Thạch thành (theo chú thích của Trịnh Hoài Đức) là “Phía Tây Nam nước Chân Lạp, giữa rừng núi hoang vu có chùa Đế Thích là nơi Phật ngồi tịnh hóa thành. Từ đó, đi một ngày đường mới tới thành cổ. Tương truyền là thành Đại Tần của Tây Nhung xưa. Biển chữ trong thành đều tiêu mất, nhưng cung điện, bao lơn toàn bằng đá trắng, chạm trổ rõ ràng tinh xảo. Người đi trên sân nghe như tiếng chuông. Tục truyền dưới nền có chôn chuông, giữa khoảng trống có đặt máy, khi người bước chân lên đá, máy cử động ắt chuông kêu”.
(6): Kim tháp (theo chú thích của Trịnh Hoài Đức) là “Bờ phía Đông sông Nam Vang có một ngôi tháp xưa, trên có khảm một bầu vàng, hiệu là Kim tháp, cũng gọi là Kim đài. Tục truyền: có tích nước dâng, một cái tháp trôi theo dòng, một nhà sư Cao Miên lấy sợ vải chín mối làm phép buộc lại, rồi giữ tháp luôn nơi đó, ngày nay đã thánh gò”.
(7): Dữu lầu là lầu của Dữu Lượng, đời Đông Tấn.
Hoài Anh dịch thơ
Mai rụng trắng, cúc nhú vàng,
Giường Phồn bụi đóng, mộng xoàng cũng say.
Côn bằng vượt biển tung mây,
Đêm nghe hồng nhạn lạc bầy kêu thương.
Thạch thành hỏi dấu chôn chuông,
Chuyện bàn vải buộc tháp vàng khỏi trôi.
Nhọc ta lầu Dữu trông vời,
Cây thời mờ mịt, nước thời mênh mang.
(*): Tôi chưa tìm được bản gốc chữ Nho, sẽ bổ sung sau.