Bản gốc chữ Nho (*)
Phiên âm
Tân Châu giải lãm hệ Phiên (2) thành,
Việt khách tương tư xúc xứ sinh.
Đế Thích (3) tư tiền Hồ (4) kệ điệu,
Nam Vinh (5) giang thượng mạch (6) ca thanh.
Đồng ngâm nhan sắc cô bồng nguyệt,
Cố quốc âm thư vạn lý trình.
Cực mục phong đào hành bất đắc (7),
Liệu nhân thời phục giá cô minh.
Dịch nghĩa: Làm khách ở nước Cao Miên gửi Kỳ Sơn Diệp Minh Phụng
Tân Châu cởi dây neo thuyền buộc ở thành Phiên,
Bỗng dưng khách Việt động mối tương tư.
Trước chùa Đế Thích tiếng đọc kệ điệu Hồ,
Trên sông Nam Vang tiếng hát mạch vẳng lên.
Người cùng ngâm thơ dáng vẻ nay ở con thuyền lẻ dưới trăng,
Nước cũ tin thư dặm ngàn xa xôi.
Nhìn hút tầm mắt sóng to không đi được,
Trêu người dắn dỏi tiếng chim đa đa kêu.
Chú thích
(1): Diệp Minh Phụng Kỳ Sơn là bạn thơ của tác giả, quê huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, có chân trong nhóm Sơn hội.
(2): Phiên là cách phong kiến Trung Quốc gọi các nước phụ thuộc.
(3): Đền Ăng Co ở Cao Miên (Campuchia ngày nay).
(4): Hồ là cách phong kiến Trung Quốc gọi các nước ở phía Bắc và phía Tây Trung Quốc.
(5): Nam Vinh (Vang) là kinh đô Phnom Penh ngày nay.
(6): Thượng mạch cách phong kiến Trung Quốc dùng để chỉ các tỉnh miền Nam, Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc.
(7): Tiếng chim đa đa kêu người Trung Quốc nghe như tiếng hành bất đắc kha kha (Đi chẳng được anh ơi!).
Hoài Anh dịch thơ
Rời Tân Châu, đậu Phiên thành,
Bỗng dưng khách Việt động tình tương tư.
Chùa Đế Thích tiếng kệ Hồ,
Trên sông văng vẳng câu hò Nam Vang.
Bạn thơ, thuyền lẻ mơ màng,
Tin thư nước cũ dặm đàng xa xôi.
Sóng to “đi chẳng được” rồi,
Tiếng đa đa khéo trêu ngươi chi mà.
(*): Tôi chưa tìm được bản gốc chữ Nho, sẽ bổ sung sau.