Gió bấc lạnh lẽo thổi về, bứt nốt những tấm lá vàng còn lác đác bám trên những cành cây khẳng khiu, trơ trụi. Bầu trời xám ngắt, những làn mây vẩn đục chìm phíc chân trời. Từng đàn chim dang cánh tìm nơi xây tổ ấm. Cảnh vật tiêu điều trước những ngọn gió phũ phàng, sự sống như đang bị nhận chìm dưới bầu trời mùa đông ảm đạm.
Bảo Trung thắt lại ca vát cho ấm cổ, anh lững thững bước trên đường phố vắng, hy vọng tìm được liên lạc với cơ sở do một sự tình cờ nào đó. Anh đã bao nhiêu lần cố lần mò nhưng cuối cùng đều thất vọng. Hơn một tháng nay, từ sau ngày đấu súng với Vũ Nghị, và cũng từ ngày Tuyết Trinh bị nạn, tâm hồn anh day dứt không yên. Đường liên lạc với các đồng chí bên ngoài không sao nối được, các cơ sở nội thành bị khủng bố gắt ga, hai địa điểm dự bị cũng phải rút đi. Bọn Mỹ ngày càng thọc sâu vào Đông Dương. Đã có cuộc gặp gỡ giữa Cút-xô – trùm mật thám Pháp và A-len Đa-lét, trùm CIA Mỹ. Chúng định bàn tính những gì? “Phải làm gì bây giờ?” Anh tự chất vấn nhưng chưa tìm được câu trả lời.
Một đoàn xe nhà binh đang rầm rập chạy qua, trên căng bạt kín mít. Anh rẽ sang một phố đông người, nên những bước dài không chủ định …
Một em bé chừng 5 tuổi ôm quả bón cao su mải ngước mắt nhìn đoàn xe điện rầm rập chạy qua, nên tuột tay để rơi quả bóng. Quả bóng lăn trên mặt đường, em vội chạy theo để nhặt. Bỗng một chiếc xe díp do một tên hiến binh Pháp lái, rú ga vun vút chạy qua. Bảo Trung giật mình thét lên một tiếng, nhưng … không kịp nữa rồi, chiếc xe hung bạo đã xô em bé xuống đường rồi nghiến nát thân hình nhỏ bé của em.
Mọi người hoảng hốt rú lên, nhưng chiếc xe díp vẫn phóng thẳng, coi như không có chuyện gì xảy ra, mặc tiếng còi cảnh sát.
Bảo Trung chạy đến, an chứng kiến cảnh tượng thương tâm: một thiếu phụ đang ôm xác em bé, kêu gào thảm thiết. Mọi người xúm quanh nơi xảy ra tai nạn, căm giận, nguyền rủa tên hiến binh không tiếc lời.
Bảo Trung bắt gặp những ánh mắt căm hờn nhìn thẳng váo anh. Anh giật mình, nhớ ra mình đang mặc quân phục quốc gia. Bỗng có bàn tay nào đó nắm lấy vai anh, một ông cụ nhìn anh ằn học:
– Ông trung úy, ông hãy giương mắt nhìn cho kỹ. Quân lính ông như thế đấy?
Một bà cụ cũng níu lấy áo anh sỉ vả:
– Sung sướng chưa, mở mắt ra mà nhìn.
Tê tái cả lòng, anh thấy mặt nóng bừng, muốn phân trần mà không thể nói ra được. Chịu đựng trước những lời đay nghiến nhục mạ, anh cúi mặt quay đi và trốn khỏi đám người đang công phẫn ấy.
Bảo Trung thấy lẻ loi, có ai hiểu anh lúc này. Mọi người đều nhìn anh bằng con mắt thù hằn. Bao giờ anh mới được hít thở không khí tự do? Bao giờ anh mới được sống thực sự cuộc sống của anh? Anh thèm khát được nói những lời thành thực. Ôi, hoàn cảnh thật cay nghiệt!
Thấy cần phải trở về nhà cho tinh thần bớt căng thẳng, anh bèn nhẩy vội lên một chiếc xích lô bảo phóng thẳng lên phía Cửa Bắc. Về đến nhà Bảo Trung ném mình xuống giường, vò đầu suy nghĩ.
Nhớ lại những ngày chiến đấu sôi nổi trong Nam, anh thấy nhớ các đồng chí của mình. Nếu có cách gì về thăm đơn vị chốc lát thì sung sướng biết bao.
Hình ảnh người thiếu phụ ôm xác em nhỏ lại hiện ra như nhắc nhở anh phải trả thù. Anh phải trả thù cho đồng bào đang bị thực dân Pháp giày xéo!
Tình hình chiến sự ngày càng phức tạp. Quân Pháp đã tiến công Sơn Tây, Vĩnh Yên, Việt Trì và đang tiến lên Phú Thọ. Chúng âm mưu cắt đứt đường từ Sơn Tây đi Hòa Bình. Thế là chúng đã lấn chiếm thêm một số đất đai thuộc vùng tự do của ta. Trong khi các đồng chí đang cầm súng chiến đấu trực diện với quân thù ngoài mặt trận, thì ở đây, anh phải đóng vai trưởng giả, sống phè phỡn trong lòng Hà Nội. Từng giây, từng phút phải câm miệng, không được nói những điều muốn nói.
Buồn rầu, Bảo Trung cầm tờ nhật trình lên xem. Qua tin tức hàng ngày, anh hy vọng tìm ra sơ hở của địch để nắm tình hình, nhưng toàn những tin vụn vặt. Ném tờ báo xuống bàn, anh định ngủ một giấc, nhưng không tài nào ngủ được. Nằm nhà không yên, anh bảo Nghĩa sửa soạn xe, anh với Nghĩa đến tiệm cà phên giải sầu.
Hai người bước vào một tiệm Hoa kiều, anh gọi hai tách cà phê, lấy thuốc lá hảo hạng cho Nghĩa hút. Nghĩa rất thích được giúp việc một sĩ quan hào phóng như anh.
Trong quán khách khứa không đông lắm, mấy cô phục vụ ăn mặc diêm dúa, chạy lăng xăng từ bàn này sang bàn khác, trông cũng cui mắt. Vài thanh niên cao bồi, mặc quần áo sặc sỡ cũng kéo ghế gọi tên các cô ầm ĩ. Chúng ngả người trên ghế, ghếch chân lên bàn, trông vừa bất lịch sự vừa ngang tàng. Nhiều người tử tế nhìn chúng bằng con mắt ác cảm.
Bảo Trung và Nghĩa đều mặc thường phục vì mặc quân phục ra đường, nhiều khi bất lợi. Sáng nay, anh đã chịu nhục rồi.
Trng tiệm tiếng cốc tách, tiếng cười nói ồn ào huyên náo, không khí có vẻ sầm uất, bà chủ tiệm luôn mỉm cười tươi tỉnh.
Đột nhiên căn phòng im bặt, chỉ còn những tiếng xì xào nho nhỏ; mặc dù lúc này tiệm đã hết chỗ ngồi. Bảo Trung thấy có hai người khách đi vào. Một tên thiếu úy hiến binh Pháp, và một tên hạ sĩ người Việt, chúng nghênh ngang và hung hãn. Chúng đi qua từng bàn, trừng mắt nhìn từng người vẻ dữ tợn, khiến người nhát gan phải quay vội mặt đi không dám nhìn lại. Có người đã đứng dậy trả tiền, ra khỏi cửa.
Hai tên vẫn hung hăng bước thẳng vào phía trong, Bảo Trung và Nghĩa đang mơ màng theo khói thuốc. Không để ý, họ gọi thêm rượu và bánh ngọt.
Bỗng hai tên xăm xăm bước đến bàn Bảo Trung. Tên hiến binh Pháp bắt đầu ra hiệu, tên cần vụ lớn tiếng bảo:
– Bàn này là chỗ quan hiến binh vẫn ngồi, các anh sang bàn khác.
Nhìn vẻ mặt hung ác và hống hách của bọn chúng Nghĩa nóng mắt xô ghế định đứng dậy, nhưng Bảo Trung lấy cah6n ra hiệu cho Nghĩa bìn h tĩnh. Tên hiến binh Pháp đứn sừng sững, mắt nẩy lửa nhìn anh, tay tì vào khẩu côn bát bên hông, tỏ vẻ sốt ruột. Tên hạ sĩ ngụy cũng chống ta vào háng, ngạo nghễ nhìn Nghĩa một cách tức giận.
Bảo Trung điềm tĩnh nói tiếng Pháp với tên hiến binh người Pháp:
– Ngài sĩ quan, còn chỗ kia mà?
Tên hiến binh không thèm trả lời, chỉ cau mày nói tiếng Việt chưa sõi:
– Mau lân! Cút đi!
Bảo Trung nháy mắt nhìn Nghĩa, đạon anh từ từ đứng dậy:
– Thôi, nhường chỗ cho các ngài đi!
Nghĩa dường như tự ái, còn dùng dằng chưa muốn đứng dậy. Tên hạ si4 ngụy đắc chí, hỗn xược túm lấy cổ áo Nghĩa kéo lên. Mấy người khách gần đấy tuy bất bình nhưng chỉ sợ hãi đưa mắt nhìn nhau.
Bảo Trung bước lên một bước, hình ảnh em bé lại hiện lên. Trước mắt anh là kẻ thù đang đứng nhìn anh như thách thức. Căm thù dồn lên cánh tay. Với một động tác hết sức nhanh nhẹn, anh vận dụng môn võ hiểm, tống một quả như trời giáa1g vào tên hiến binh Pháp. tên này chỉ kịp kêu lên một tiếng ự rồi ôm bụng, nhắm mắt đỏ gục xuống.
Tên hạ sĩ thấy động vội quay lại, hắn đang ngạc nhiên vì sự việc xảy ra quá nhanh thì cũng là lúc Nghĩa thừa cơ tóm luôn cổ chai bia ở bàn bên cạnh thẳng cánh nên một cú vào đầu nó. Nó chỉ còn ú ớ mấy tiếng rồi ngã gục bên cạnh quan thầy. Bảo Trung cúi xuống sờ khẩu côn bát của tên hiến binh, anh nhanh nhẹn tháo băng đạn ở thắt lưng. Nghĩa cũng làm theo như vậy với tên hạ sĩ quan. Hai người lặng lẽ trả tiền rồi đi ra.
Vừa lúc đó mấy tên cảnh sát ngụy ập đến cản anh lại.
Bảo Trung giơ cho chúng xem tấm các sĩ quan an ninh quốc gia. Bọn chúng đành phải để anh và Nghĩa ra xe.
Sự việc xảy ra làm xôn xao dư luận. Nhân dân bàn tán không hiểu hai anh chàng này là ai mà dám đánh cả hiến binh. Mọi người đều hả dạ thán phục hai thanh niên võ nghệ cao cường. Mấy tay cao bồi anh chị từ nãy đến giờ cũng trố mắt nhìn không dám ba hoa như trước nữa.
Mười lăm phút sau, xe cấp cứu của nhà binh đến chở hai thầy trò trên hiến binh về bệnh viện.
Trên đường về, Bảo Trung trầm ngâm không nói, anh đang xem xét lại sự việc vừa xảy ra để rút lấy một nhận định. Riêng Nghĩa thì hởi lòng hởi dạ tủ tê hỏi Bảo Trung:
– Trung úy, anh đánh thế nào mà tên hiến binh Pháp ngã gục ngay thế?
– Chú đã học qua võ ‘dỉu đô’ chưa?
– Chưa, em mới chỉ nghe nói thôi, hôm nào anh dạy em nhé!
– Được, cứ đi với anh ít lâu rồi khắc giỏi thôi.
Nghĩa phấn khởi, anh cảm phục người sĩ quan trẻ tuổi vô cùng.
Về đến buồng riêng, một luồng gió lạnh thốc vào làm tung cánh cửa, đem theo mấy chiếc lá vàng. Bảo Trung vội khép cửa, anh mở tủ lấy chiếc áo len do Ngọc Mai đan gửi sang, mặc vào người, hơi len ấm áp làm anh dễ chịu. Cách đấy mấy ngày, anh nhận được thư của ông bà Ứng Lại gửi kèm theo chiếc áo, thư của Giát-manh cũng gửi sang cùng một ngày.
Thư của ông bà Ứng Lại anh chỉ xem qua. Vẫn những lời khuyên bảo của một người cha, nỗi mong nhớ của một bà mẹ. Hai người dặn anh phải cẩn thận; khi cần thiết thì xin về Pháp, vì xem ra tình hình ở Việt Nam không lấy gì ổn định lắm.
Trong thư cũng nhắc đến Giát-manh, họ khen cô ta ngoan và có nhiều hứa hẹn. Cuối cùng là những dòng chữ của Ngọc Mai, cô em gái cnu4ng nịu đòi anh phải gửi quà ở Đông Dương về.
Lá thư Bảo Trung xem kỹ là thư của cô gái Pháp.
Pa-ri, ngày …
Anh Trung thân yêu!
Hôm nay, em viết lá thư thứ năm cho anh, kể từ ngày về đến tổ quốc. Thế mà em chỉ nhận được của anh hai lá thư thôi. Chứng tỏ anh lười viết thư cho em, có đúng không? Nhưng em cũng hiểu hoàn cảnh bận rộn của anh …
Em đã đến nhà gặp ba má anh. Sao má anh hiền thế. Má rất quý em. Cô Ngọc Mai thì giống anh như đúc. Không ngày nào chúng em không gặp nhau.
Anh Trung ạ, còn hai năm nữa, em cố giành lấy tấm bằng tốt nghiệp. Nếu lúc đó anh chưa về thì em sẽ sin sang công tác tại một bệnh viện nào đó bên Việt Nam để có thể gần anh. Anh có đồng ý không?
Tuy xa nhau nhưng hình ảnh anh lúc nào cũng ẩn hiện trong trái tim em. Không hiểu anh đối với em thế nào? Em thấy hơi ngại vì vấn đề chủng tộc. Anh có coi em như một thiếu nữ Việt Nam không?
Thấy người ta nói con gái Hà Nội đẹp lắm, phải không anh? Tình hình Đông Dương dạo này có gay go lắm không? Em nghe dư luận nói rằng chính phủ mới phải điều động thêmo65qua6n từ Bắc Phi sang tiếp viện, em đoán là chiến tranh còn kéo dài, chúng ta còn phải chịu đựng đến bao giờ anh nhỉ?
Thôi, em còn phải học bài đây! Tạm dừng bút để chờ thư sau. Chúc anh mạnh khỏe và luôn nhớ tới Giát-manh … Giát-manh chỉ có thể quên anh khi nào trái đất ngừng quay.
Hôn anh nồng nàn và tha thiết!
GIẮC-CƠ-LIN GÁT-MANH
Bảo Trung gấp thư lại, cất vào trong chiếc hộp đựng mớ tóc màu hung do cô gái Pháp tặng anh khi chia tay. Một ý nghĩ thoáng qua rồi tan biến trong luồng gió lạnh. Anh thở dài nghĩ đến cô gái Pháp tốt bụng. Cô có tấm lòng trong trắng, nồng nhiệt. Mối tình của cô đối với anh, thật đằm thắm nhưng viễn vông.
Cuộc sống hai mặt tạo cho anh có dịp làm quen với mọi người. Cảm tình càng nhiều, nguy hiểm càng lắm. Anh phải ngụy trang cả tấm thân lẫn tình cảm. Rõ ràng anh sống đấy, nhưng không phải sống cuộc sống thực sự của mình. Tất cả những gì có lợi cho kháng chiến, có lợi cho cách mạng, anh cần phải tranh thủ, miễn là đừng sa ngã.
Sau giây phút bối rối, Bảo Trung quyết định phải tập trung sức lực vào việc tìm bắt liên lạc nhanh chóng để làm tròn sứ mệnh tổ chức giao phó cho anh.