Chương 6: Thủ đô dưới gót sắt

Các báo chí ở Sài Gòn, Hà Nội đều đang tuyên truyền rùm beng cho cái gọi là ‘Độc lập’ vừa ký kết giữa Bảo Đại, Nguyễn Văn Xuân và Bô-la-ec ở Việt Nam mấy ngày qua. Trong giấy giao kèo ấy người ta thấy có bốn điểm như sau:

 – Pháp công nhận Việt Nam độc lập, Việt Nam tự do và tạo thành thống nhất.

 – Việt Nam nằm trong khối liên hiệp Pháp.

– Độc lập cũng có khuôn khổ nhất định trong khối liên hiệp Pháp.

– Vấn đề ngoại giao, quân sự, kinh tế sẽ bàn sau (?)

Người ta đang mở rộng chiến dịch tuyên truyền, kể lể công ơn của Bảo Đại. Người ta ca tụng lòng ái quốc của ngài, người ta đang vận động một cuộc đón rước nhà vua, nay mai sẽ trở về nước để vững tay chèo lái con thuyền rồng mọt rỗng, ọp ẹp, đang được sơn lại bằng một nước sơn Pháp quốc bóng bẩy và kéo lên một cánh buồm Mỹ.

Đấy là sự sôi nổi bề mặt của thủ đô Hà Nội, làm cho mấy chú bán báo ngày nào cũng gân cổ mà rao.

Đồng bào kháo nhau:

 – Này, hôm qua sân bay Gia Lâm bị đột kích đấy! Cháy hai chiếc máy bay Spit-phai.

 – Sô-va-nhắc mới chạy dài ở An-thi, cu cậu bị một vố điếng người.

– Tụi nó lại mới nướng hai trăm tên ở Mỹ Tho.

 – Mấy thằng pa-ra-suýt chết hụt ở Hưng Yên về, còn nằm bẹp ở nhà thương Phủ Doãn, bọn này mất hết tinh

 – Chúng vừa ráp ở Đồng Xuân, lựu đạn nổ ở đầu cầu, chết mấy thằng nhọ.

 – Thôi liệu mồm, liệu miệng, coi chừng béc-giê đến kia kìa!

Nhân dân xì xào trao đổi với nhau những chiến công kỳ diệu của du kích ở khắp nơi, nhưng hễ thấy bóng cảnh sát hoặc mật thám là họ lập tức lảng tránh.

Dưới bầu không khí ồn ào bề ngoài ấy, lòng người dân Hà Nội lúc nào cũng như bị đè nén bởi một tâm trạng nặng nề. Người ta cảm thấy cuộc sống ngột ngạt.

Trên trời, từng đoàn máy bay, suốt ngày ầm ầm bay đi tiếp tế và oanh tạc. Tiếng súng, tiếng bom từ xa vọng lại càng làm cho người Hà Nội đau nhói ruột gan. Xe vận tải của nhà binh chạy rầm rập ngoài đường, bất chấp cả luật lệ giao thông, càng làm cho thành phố hỗn loạn điên cuồng. Lính lê dương, lính ngụy, lính mũ đỏ, mũ đen nện giầy đinh trên các vỉa hè như những cái gai đâm vào da thịt. Những trại giam không khi nào ngớt tiếng kêu gào, chửi bới. Những cảnh tượng đã man, đẫm máu được diễn đi diễn lại trong phòng hỏi cung của sở mật thám, an ninh, phòng nhì. Nhà tù mọc chi chít như những nhọt ung thư khắp thành phố, khiến người ta trông thấy phải gai người, sởn óc.

Một sự phồn hoa giả tạo được quảng cáo rầm rĩ dưới những ánh đèn nê-ông xanh đỏ, chói mắt. Những phim ảnh cao bồi, lõa thể, những gái đĩ đón khách bên vườn hoa, những tiệm nhảy thâu đêm với bao điệu nhạc dâm dật của các bài huynh, đĩ thỏa của tăng-gô, sầu não của điệu bơ-lu và cuồng loạn của rôm-ba.

Hà Nội nặng nề.

Hà Nội nhơ nhớp và đau thương.

Đây Hồ Gươm xanh ngắt, đây Tháp Rùa bạc màu cổ kính đã từng chứng kiến bao cảnh biến thiên. Đây đền Ngọc Sơn với cầu Thệ Húc. Vẫn những cảnh vật ấy nhưng nay u uất khác xưa nhiều.

Chân bước trên đường, Bảo Trung thấy lòng nặng trĩu. Anh thờ ơ nhìn cảnh vật xung quanh, tất cả hầu như bao phủ một màn tang.

Bỗng có tiếng gọi:

 – Thưa ngài sĩ quan … Xin mời ngài lên xe! – Tiếng mời của người Xích-lô cắt đứt dòng suy nghĩ của Bảo Trung.

 – Cho tôi về cửa Đông.

– Xin vâng, năm phút bảo đảm đến nơi.

Người lái xe gò lưng đạp, hơi thở dồn dập, mồ hôi nhễ nhại thấm ướt chiếc áo nâu cũ kỹ làm Bảo Trung ái ngại.

Sau khi trả tiền xe rất hậu, anh bước xuống, giơ tay chào người lính gác cổng thành, rồi bước vội về phòng mình, cởi bỏ áo ngoài, gieo mình xuống giường.

Mấy ngày vừa qua, sau khi cùng Toàn Cơ trở về Hà Nội, Toàn Cơ đã giới thiệu anh với tên đại tá Ô-buy để xếp đặt cho anh một công tác đặc biệt trong Bộ tham mưu quân đội miền Bắc. Chúng đã thỏa thuận gắn cho anh chiếc lon trung úy quân đội liên hiệp Pháp và để anh tạm thời điều tra tin tức trên các mặt trận.

Tình hình chính trị ở Pháp thời kỳ này rất rối ren, chính phủ Ra-ma-điê đổ; Suy-man, người của đảng Cộng hòa bình dân lên cầm quyền, lại càng tỏ ra phản động hơn. Dưới nội các Suy-man, bộ trưởng quốc phòng Pháp là Tét-ghen, một đầy tớ trung thành của kế hoạch Mác-san, mọi hoạt động quân sự đều do Mỹ giật dây.

Pháp đã chính thức nhận viện trợ quân sự của Mỹ ở Đông Dương. Mặc dù vậy cũng không sao lấp được lổ hổng hao hụt ngân quỹ, nên chỉ ít lâu sau, nội các Suy-man lại đổ, nhường quyền cho Ăng-đơ-rê Ma-ri lên thay. Nội các này cũng toàn người thân Mỹ.

Cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam sẽ có bàn tay can thiệp trực tiếp của đế quốc Mỹ, kẻ thù của nhân dân Việt Nam ngày nay lại có thêm cả Mỹ, làm cho cuộc kháng chiến thêm phần khó khăn hơn.

Ngoài hình thức viện trợ cho Pháp, bọn Mỹ còn ý đồ về chính trị? Liệu Mỹ có trực tiếp nhảy vào Đông Dương không? Xem chừng Nhà Trắng đang quan tâm đến Việt Nam nên các chính khách qua lại luôn luôn. Tình hình rất phức tạp, anh không thể nằm chờ được.

Đã mấy ngày qua, Toàn CƠ bận đi họp vắng, công việc của Bảo Trung chưa được xếp đặt chính thức, vì vậy anh cũng có thì giờ để xúc tiến việc riêng của mình. Anh tiếp tục nghiên cứu những tài liệu ở trường tham mưu Mút-xô Ý, xem kỹ những nét chữ của Bảo Trung. Qua những dòng nhật ký, anh nắm vũng được đặc điểm, cá tính của chàng công tử này. Anh tự huấn luyện cho mình những điều cơ bản nhất để người ta không thể ngờ vực giữa anh với Bảo Trung có những nét khác nhau.

Hiện nay anh chàng này ra sao? Các đồng chí của mình đã giam chân gã, liệu có thể giáo dục gã trở thành người tốt không? Điều cần nhất là chớ để nó sổng. Anh rất tin ở sự bố trí của trên. Nếu được giác ngộ, gã sẽ có ích cho kháng chiến nhiều.

Anh vụt nhớ lại những kỷ niệm của đời mình. Gia đình anh sống ở Hà Nội từ khi anh ra đời co đến năm mười tuổi. Mẹ anh bị bệnh chết, để lại hai bố con sống với nhau. Vì buồn, hai bố con đem nhau vào Sài Gòn sinh sống, được hai năm. Rồi được một người bạn giúp đỡ, cha anh dẫn anh qua Pháp, ông cụ xin được làm việc trong một hãng ô tô ở Tu-lu-dơ, từ đó ông cụ là một nhà sơn xì nổi tiếng.Với số lương tương đối khá, ông cụ cho anh theo học một trường trung học trong thành phố, cho tới khi tốt nghiệp.

Năm anh mười bảy tuổi thì cũng là năm ở quê hương có nhiều biến đổi. Nhật làm đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945. Đến ngày 19 tháng 8 năm 1945, Việt Minh tổng khởi nghĩa cướp chính quyền từ trong tay Nhật. Nước nhà tuyên bố độc lập nhày 2 tháng 9. Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời.

Tin tức trong nước làm cho bà con Việt kiều ở Pháp phấn khởi hân hoan. Từ nay nước nhà đã độc lập, Việt kiều phải làm gì để giúp ích cho quốc gia một các thiết thực.

Thế là cha anh quyết định đem anh về nước, lúc này ông cụ đã trở thành đảng viên cộng sản ở chi bộ thành Tu-lu.

Anh về tơi Sài Gòn vào giữa lúc quân đội Pháp núp sau lưng quân đội Anh, Ấn, nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Chính quyền non trẻ vừa thành lập được ít ngày đã phải đương đầu với một lực lượng quân sự tối tân. Nhưng tinh thần quật khởi của quân dân Sài Gòn và Nam bộ đang dâng lên như nước thủy triều, không sức mạnh nào cản được, Nhân dân Việt Nam quyết vùng lên kháng chiến, chứ không chịu làm nô lệ một lần nữa.

Ủy ban kháng chiến các địa phương đã thành lập, thanh niên hăng hái tòng quân, tham gia dân quân tự vệ. Bằng mọi loại vũ khí, nhân dân miền Nam quyết chiến đấu đến cùng.

Cha con anh đã bắt được liên lạc với cơ sở kháng chiến, ông cụ được phân công phụ trách công xưởng chế tạo vũ khí, còn anh được cử đi học lớp quân chính ở chiến khi, rồi sau được phân công chỉ huy một đơn vị chiến đấu.

Căn cứ vào khả năng, Bàn chỉ huy mặt trận cử anh làm công tác địch vận, rồi chuyển lên công tác tình báo tham mưu. Qua gian lao thử thách, anh đã xứng đáng là người con ưu tú, và đã được kết nạp vào Đảng.

Một ngày cuối đông, anh nhận được tin đau đớn: Cha anh đã trúng bom trong một vụ công bình xưởng bị áy bay Pháp oanh tạc vì có việt gian chỉ điểm. Từ đó lòng căm thù giặc Pháp càng nung nấu trong lòng. Anh đem hết khả năng của mình ra công tác không biết mệt mỏi.

Đầu mùa hè năm nay, anh được cấp trên giao cho một công tác quan trọng. Có một tên sĩ quan tình báo người Việt Nam, vừa tốt nghiệp ở trường tham mưu Ý về nước, đang đi trên chuyến tàu I-rông-đen, sắp đến Sài Gòn. Anh được lệnh theo sát tên này ra Bắc để liên lạc với các đồng chí, tổ chức bắt cóc khai thác tài liệu.

Và sự việc đã diễn ra một cách thuận lợi, cho đến nay anh lại nhận nhiệm vụ đội lốt tên sĩ quan ấy để lọt vào hàng ngũ quân đội Pháp hoạt động.

Cái tên Bảo Trung thật xa lạ với anh, nhưng hiện nay nó lại gần chặt với tính mệnh anh. Con người anh hiện nay có hai mặt: vừa là cán bộ tình báo của quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu vì lý tưởng thiêng liêng giải phóng dân tộc, vừa là một sĩ quan ngụy quân tàn ác, chiến đấu với mục đích, bán nước hại dân. Nhiệm vụ của anh thật nặng nề, thật phức tạp nhưng cũng rất vẻ vang.

Chiều nay, sau khi làm một bản báo cáo tình hình chiến sự, Bảo Trung giao cho tên thư ký đánh máy gửi đi, anh bước ra khỏi doanh trại với mục đích đi tìm liên lạc theo mật hiệu già Thuận đã hương dẫn khi chia tay.

Qua mấy quán bán hoa ở bờ hồ, anh tạt vào hỏi:

– Có mào gà tía không cô?

– Có mào gà nhung đẹp lắm ông ạ, ông mua cho em một bó nhá!

Cô hàng đon đả mời, và liếc mắt đưa tình. Bảo Trung mỉm cười lắc đầu, anh quay vội về mượn một chiếc xe díp, tự lái đi. Phố xá lướt qua trước mặt anh, những biển quảng cáo lòe loẹt, những gian hàng tràn ngập toàn đồ Mỹ, Pháp, Nhật nom rối mắt. Xe anh dừng lại cuối phố Quan Thánh. Bảo Trung bước xuống, anh lững thững bước vào đền.

Ngoài cửa đền, những ông thầy bói, tướng số, ngồi la liệt cạnh mấy gánh hàng hoa. Một vài bà đang chờ các thầy gieo quẻ. Bảo Trung nhìn thấy một cụ bán hoa ngồi đúng chỗ đã quy định, vẻ mặt phúc hậu, đang nhìn mình. Mọt hy vọng thoáng qua, anh bước lại gần và hỏi:

 – Cụ có hoa nhài không ạ?

Bà cụ niềm nở:

– Vừa bán hết rồi cậu ạ! Chỉ còn hoa lan thôi. Cậu lấy một ít nhé!

 – Vâng, cũng được, cụ tìm cho cháu mấy nhánh hoa hồng trắng được không?

 – Hoa hồng trắng ư? Khó tìm đấy nhưng cậu cần bao nhiêu nào?

– Năm nhánh, và cuống phải thật dài cơ ạ!

Bà cụ nhìn Bảo Trung như dò xét, lát sau cụ vui vẻ nói:

 – Vậy sáng mai, khoảng tám giờ, cậu ra đây tôi bảo cháu nó đưa cho.

Bảo Trung mừng rỡ nói nhỏ:

– Vâng, may quá! Mai cháu đi xe ra lấy nhé! Thôi chào cụ:

Thế là bắt được liên lạc. Anh sung sướng trở về trại, lòng vô cùng phấn khởi.

Sáng hôm sau, Bảo Trung mượn chiếc xe díp của phòng tác chiến, tự lái lên Quan Thánh. Nhưng vì còn sớm nên anh lái vòng quanh Hà Nội. Đúng giờ hẹn, anh trở về Quan Thánh. Xe vừa đỗ ở cửa đền, anh đã thấy một cô gái đang cầm một bó hoa đứng chờ sẵn ở đó.

Bảo Trung bước xuống xe, cô gái vội bước đến gần, rất tự nhiên, cô nói:

 – Bà cụ tôi bảo mang hoa lại cho anh. – Bảo Trung nhận bó hoa, chưa kịp nói gì thì cô ta lại nói tiếp – Trời nóng quá, chúng tôi đón gió biển thổi về.

 – Vâng, gió biển đã thổi về rồi, mời cô lên xe, tôi đưa cô đi dạo quanh mọt lát.

Không chút ngượng ngùng, cô gái bước lên xe như đã quen anh từ lâu, cô vui mừng nói:

 – Anh cho tôi lên Quần Ngựa nhé!

Bảo Trung gật đầu, anh cho xe quay lên Bách thảo, thẳng đường ra Quần Ngựa. Một số thanh niên ăn mặc lố lăng, đứng gần đấy xì xào bàn tán:

 – Thằng cha trẻ quá nhỉ. Nó đeo lon gì thế? Trung úy à?

 – Ừ, trông bảnh trai quá. Con bé hôm nay vớ được món bở, tha hồ mà đếm tiền.

 – Hình như con này mới ở đâu đến, không phải dân làm tiền quen mật.

Một tên nhận xét như vậy rồi cả bọn cùng nhìn theo chiếc xe díp đang phóng nhanh.

Lên đến quãng đường vắng, Bảo Trung cho xe chạy từ từ rồi hỏi:

– Cô từ đâu đến?

– Em ở ngoại thành vào.

– Ai cử cô đến đây?

– Già Thuận.

 – Ôi, già Thuận! – Bảo Trung mừng rỡ hỏi tiếp – Cơ sở của ta ở đây có vững không, có thể cho tôi gặp già Thuận được không?

 – Chiều nay, đúng ba giờ, già Thuận sẽ chờ anh ở trước cửa nhà băng Đông Dương, cạnh vườn hoa Chi Linh.

 – Tại sao cô tin tôi ngay, không sợ bị mắc lừa à>

Bảo Trung liếc nhìn cô gái. Đôi má cô đỏ ửng, cô mỉm cười kín đáo:

 – Tại sao ư? Đơn giản thôi, già Thuận đã cho tôi xem ảnh của anh.

 – À, ra thế, thảo nào! Cả cụ bán hoa nữa! Thế sau này muốn gặp cô thì gặp ở đâu?

 – Cứ đến thẳng quán sách học sinh đường Hai Bà Trưng, quán số hai, hỏi Tâm. Thôi nhé, nhiệm vụ của em chỉ có thế, anh cho em xuống đây!

Chiếc xe chạy qua đường Yên Phụ, đến dốc Hàng Than thì Bảo Trung hãm máy để cô gái bước xuống.

 – Chào cô nhé!

– Không dám! Chào ngài sĩ quan! – Cô gái giơ tay vẫy một cách tình tứ.

Bảo Trung thấy người khoan khoái, anh cho xe phóng thẳng xuống khách sạn Li-béc-tê rồi đỗ lại.

Tiếng nhạc jazz ầm ĩ, hôm nay đối với anh cũng không đến nỗi nhức tai lắm. Anh gọi một cốc sâm ban.

Tất cả các bàn xung quanh đều rất đông những sĩ quan người Pháp lẫn người Việt. Những cô phục vụ chạy lăng xăng. Bọn gái nhảy đang đú đởn cười đùa với mấy tên lê dương béo phị. Tiếng mở nút chai lốp lốp, tiếng cốc tách va nhau loảng xoảng, tiếng nói cười huyên náo pha lẫn giọng hát ồm ồm của mấy tên lê dương đang hợp ca một hành khúc man rợ.

Ở một góc phòng, mấy cô gái nhảy đang bá cổ những tên sĩ quan cao cấp, tiếng Tây giả cầy nghe rất lố lăng, bọn chúng bấu véo nhau chí chóe, cười cợt khả ố làm cho gian phòng càng hỗn loạn.

Âm nhạc bỗng cử một điệu tăng-gô.

Tiếng xô ghế rào rào, từng cặp đứng dậy ôm lấy nhau quay cuồng theo nhịp trống, thỉnh thoảng tiếng kèn ca-ri-nét lại réo lên the thé. Trong cảnh hỗn độn ấy, bỗng xẩy ra một chuyện bất ngờ.

Một sĩ quan ngụy vừa ôm một cô gái nhảy được mấy vòng thì bỗng nhiên bị một tên lê dương tiến ra cắt ngang cướp lấy người vũ nữ nhảy tiếp.

Thái độ ấy làm cho tên sĩ quan ngụy tức vô cùng, hắn làu bàu văng tục mấy câu bằng tiếng Pháp. Lập tức, một tên lê dương khác đứng gần đấy nghe thấy, tiến lại giáng một cái tát vào mặt hắn. Thế là cuộc ấu đả xảy ra giữa đám sĩ quan Pháp, ngụy. Thái độ trịch thượng của tên sĩ quan Pháp làm cho ai nấy đều bất bình. Cuộc xô xát càng lớn, họ lấy chai ném nhau, vác bàn ghế đập nhau, đấm đá nhau túi bụi giữa tiếng kêu thất thanh của mụ chủ tiệm và những cô gái nhảy.

Mấy chàng nhạc sĩ thấy vậy, vội vàng ôm kèn trống lỉnh ra cửa sau chuồn cho nhanh, để tránh tai vạ.

Trong lúc hỗn độn, Bảo Trung nhanh nhẹn rút trong túi ra một vật nhỏ bằng bao diêm, anh vặn nhanh kim hẹn giờ và mở chốt an toàn, đoạn luồn tay xuống gầm bàn gài vào đấy. Xong xuôi, Bảo Trung bước nhanh ra khỏi khách sạn, nhảy lên xe phóng thẳng.

Một tiếng nổ kinh khủng vang lên trong khách sạn Li-béc-tê. Những cây thịt lê dương nặng nề, những tên sĩ quan ngụy mặt mày xanh xám, đổ xuống đè lên nhau, máu me tung tóe.

Những tên bị thương la ó rên rỉ, tên nào còn sống sót đều cuống cuồng, mặt không còn một hột máu, ù té lao ra để thoát khỏi cơn khủng khiếp.

 – Thế là tan một cuộc khiêu vũ đẫm máu.

Bọn hiến binh, phòng nhì, vừa kịp kéo đến, làm biên bản và thu dọn những xác chết; những tên bị thương được đưa ngay vào bệnh viện cứu chữa.

Nhân dân trong phố truyền tin nhau: “Sĩ quan Pháp và ngụy đán nhau vì tranh gái nhẩy, họ ném lựu đạn để giết lẫn nhau”.

Báo chí lại được dịp rùm beng về cái tin giật gân nóng hổi ấy. Tin báo về tới sở mật thám, tên Mít-xen vội thân hành cuống điều tra. Sau khi tìm vết tích, hắn phán đoán là có Việt Minh lẻn vào gài mìn để phá hoại, ám sát các sĩ quan Pháp.

Một cuộc vây ráp khám xét được tiến hành ngay trong khu vực vừa xảy ra nhưng không mang lại kết quả gì.

Ba giờ chiều, Bảo Trung nện gót giày quanh vườn hoa Chi Linh, anh bước thẳng sang nhà băng Đông Dương. Anh đang chú ý nhìn mọi người qua lại xem có gặp già Thuận không thì bỗng nghe thấy tiếng người mời:

 – Ngài sĩ quan, xin mời ngài đánh lại đôi giày, có kem U.S.A rất tốt!

Anh quay lại, ngồi xuống chiếc ghế đà gần đó. Người đánh giày ngẩng mặt lên nhìn anh, sau khi nhận kỹ nét mặt người ấy. Bảo Trung vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ kêu lên se sẽ:

 – Kìa, già Thuận!

 – Suỵt! Khẽ chứ, đồng chí nghe đây – Già Thuận vừa đánh giày vừa nói – Vũ Nghị bị ám sát hụt, hắn đã chuồn về Hà Nội, hiện đang ở Sở mật thám của Mít-xen, hắn rất gian ngoan, cần đề phòng cẩn thận. Trung ương chỉ thị cho đồng chí phải điều tra tình hình viện trợ quân sự của Mỹ cho Pháp ở Đông Dương. Những vũ khí gì mới, việc tập trung quân lực vào chiến dịch thu đông tới, địch tổ chức theo hướng nào? Báo cáo ngay qua điện tín viên sẽ giới thiệu sau.

Bảo Trung vừa mừng vừa lo, anh báo cáo với già Thuận:

 – Có lẽ chúng sắp điều tôi sang huấn luyện trường biệt kích của Bộ tham mưu Pháp để cộng tác với cố vấn Mỹ.

 – Càng tốt, nắm lấy tất cả chương trình, kế hoạch giảng dạy, danh sách điệp viên, gửi về cho Cục. Khi nào thay đổi sẽ có chỉ thị mới, phải liên lạc thường xuyên với cơ sở. Cơ sở của ta ở đây rất vững, không lo. Nơi liên lạc vẫn ở chỗ cũ, nếu cần báo tin cứ tìm Tâm, ở quán sách học sinh số hai. Cô ta là điện tín viên rất cứ … Ồ … đôi giày của ngài đánh tốn kem quá … Trung ương cho biết Pi-nhông sẽ sang thay thế Bô-la làm cao ủy. Tên này sẽ kiện toàn mạng lưới gián điệp biệt kích ở Việt Nam và dùng chiến lược lấy chiến tranh nuôi chiến tranh để chống lại cuộc kháng chiến trường kỳ của ta. Đồng chí phải nắm lấy cơ hội để hoạt động. Nếu gặp khó khăn phải báo ngay … Đồng chí phải chú ý không vì nóng nẩy mà manh động, hỏng việc lớn … Thôi, giày bóng quá rồi, xin ngài thưởng cho thêm tiền …

Nghe những lời già Thuận vừa dặn, anh tự nhủ: “Thế là các đồng chí vẫn luôn luôn ở bên ta, công việc nặng nề đấy, nhưng có sự giúp đỡ của hậu phương, nhất định phải hoàn thành nhiệm vụ”. Vụ nổ ở khách sạn Li-béc-tê sáng nay lại hiện rõ trong óc anh. Vì không kìm giữ được tình cảm, anh đã hành động một cách manh động. Bảo Trung thấy rõ được thiếu sót của mình.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!