Không ranh giới

Tác giả: Nguyễn Thị Liên Tâm, trích trong tuyển tập Truyện ngắn hay năm 2010-2011


Tháng ba hanh và khô. Thời tiết khá lạ lùng. Có lẽ không giống bất kỳ năm nào từ trước đến nay vì trời vẫn còn se sắt lạnh dù đã sắp cuối xuân. Gió nổi lên là bụi trắng mù trời. Hình như ông trời khá khắc nghiệt khi ban cho vùng đất này quá nhiều bụi, nắng, gió và sỏi đó … Nhưng bù lại đã hào phóng ban một bàu nước mênh mông chiếm ngự giữa làng, giúp làng giải nhiệt vào mùa hạ song cũng khiến cho không khí làng lạnh lẽo hơn khi đông về. Cái bàu ấy, không biết từ bao giờ, được người ta gọi là bàu cây Bông.

Chiều tím lịm. Người đàn ông có đôi chân vòng kiềng nhanh chân băng qua một chiếc cầu gỗ cong cong lượn trên một dòng nước khá sâu – không thể gọi là lạch và cũng chưa thể gọi là suối – để lên một khu đất cao bằng phẳng bao bọc xung quanh là những hàng tre, hàng trúc xanh mướt mắt.

Khu đất mênh mông rộng lớn ấy là đài liệt sĩ của xã. Chiếc lư hương to án ngữ giữa sân, sau lư hương là tấm bia lớn ghi tên những người đã ngã xuống trên cùng đất trước kia khô cháy khát ”chó ăn đá, gà ăn muối”. Cách một con đường đất, đối diện với đài liệt sĩ là bàu cây Bông nước anh ngăn ngắt. Những bụi tre cổ kính mọc dày ven bờ bàu. Từng ngọn tre xanh dài nhọn hoắt như những thanh kiếm sắc mỏng vươn lên bầu trời rộng. Có ngọn phủ lòa xòa sát mặt đất ven bờ. Có ngọn thong thả vươn mình ngang trên mặt nước như đỏng đảnh với trời xanh. Giữa bàu nhô lên một mô đất nhỏ. Buổi chiều về loang loáng nước, thế nào cũng có một hai chú cò trắng đậu yên bình rỉa lông rỉa cánh. Có khi mỏi, cò trắng co một chân lên, nhìn xa tựa như cô vũ nữ múa ba lê tuyệt đẹp. Những đêm trăng sáng vằng vặc, gió xô nhịp sóng gợn lăn tăn; mặt bàu mênh mang, lung linh như được dát vàng. Vàng nhấp nhô trên sóng.

Xóm bàu cây Bông nằm gần sát chân núi. Nếu trông chừng ngọn núi thì tưởng là như thế, chứ thật ra muốn đi đến chân núi cũng khá xa, phải hơn nửa ngày đường bộ. Gió chiều thường lạnh buốt xương, có lẽ cộng hưởng với hơi nước từ bàu thốc lên hơn là ảnh hưởng hơi sương núi. Chiều nay gió bàu cũng thổi lộng xôn xao, mang hơi nước mát lạnh thấm lên tận đài liệt sĩ. Người đàn ông bước đi thoăn thoắt, nhẹ hẫng. Người ta nói đàn ông có bước chân đi nhẹ như thế là mang số khổ thân. Nhưng trái với lời tiên đoán ấy, người đàn ông này đã có một cuộc đời rất sung sướng, ít ra là so với mọi người trong gia đình. Nghe má ông kể: ”Lúc đỡ đẻ, cô mụ phải xé cái bọc điều mà lôi thằng Tám ra.”

Thằng Tám là cháu nội đích tôn của ông Bộ ở làng. Ruộng đất của gia đình ”cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi”. Ông Bộ hiền lành, hay thương người, chỉ thích cưỡi ngựa đi đánh tổ tôm cho vui. Cho vui chứ không say mê. Bất kỳ tá điền nào làm việc trong nhà cũng yêu mến ông. Đến đời con trai làm ông Xã cũng giống hệt tính cha. Mọi việc cai quản, cất nhắc công việc, lo cho người ăn kẻ ở trong nhà do một tay bà Xã nhỏ. Bà Xã nhỏ sinh ra chín người con, bốn trai năm gái. Nối với đám con của bà Xã lớn đã mất thì con đầu của bà Xã nhỏ phải gọi đến thứ bảy. Người đàn ông – cháu đích tôn của ông Bộ được gia đình và người làng gọi là cậu Tán – cậu Tám Sang.

Tám Sang bước rẽ qua tay phải, ngồi thụp xuống trước những ngôi mộ xếp dọc như đang xếp hàng ra trận. Trong gió chiều lành lạnh, bàn tay ông tẩn mẩn tần mần nhổ từng cọng cỏ mọc trên ngôi mộ nằm ngoài rìa. Tiếng thì thầm cất lên: ”Anh Sáu! Hồi đó em nhớ có lần bị anh đánh một bạt tai vì cứ nèo nẹo đòi theo anh lên núi. Nhưng lên núi vui quá trời. Các cô, các chú hát hò hay ghê. Còn chỉ dẫn, tập tành cho lũ bạn em làm liên lạc, làm sao mà không mê hả anh. Nghĩ hồi đó bị anh đánh, em ức lắm”.

Rồi Tám Sang bật cười một mình: ”Mà hồi đó anh oai thiệt. Súng giắt ngang hông, mặc bộ đồ xanh lính đẹp quá trời, ai chẳng thích. Chị Ngọc lén dòm chừng anh hoài”.

Nhớ đến chị Ngọc, Tám Sang lại cười tủm tỉm, cái miệng móm sọm vì mấy cái răng hàm đã theo tháng ngày đi mất. Tám Sang cười vì nhớ câu chuyện mà má ông thường kể lại: ”Con gái xóm Bàu xinh xắn, hiền lành như thế nhưng gan lì, chắc dạ khỏi chê. Không biết có phải là do thích ăn ớt và chịu cay giỏi không? Trời ơi! Cay xé họng, cay chảy nước mắt mà vẫn cầm cả trái đưa vào miệng cắn xừng xực, rồi nhai rau ráu một cách ngon lành. Khi má con Ngọc tới ngày đẻ em nó, đau bụng hung lắm nhưng leo lên bàn đẻ, kép cái lưng quần luồn dây thun xuống, thì trời đất, mấy trái ớt hiểm rớt ra đầy nên nhà”. Chuyện má kể như vậy làm sao mà không nhớ, không cười được.

Nghĩ đến chị Ngọc, Tám Sang lại bồi hồi nhớ về anh bộ đội người Bắc năm xưa đã từng được bảo vệ bí mật ở căn hầm trong vườn nhà. Khi được tổ chức phân công về tập huấn công tác dân vận, anh ấy đã từng để ý đến chị Ngọc xinh xắn, đáng yêu, hát hay, múa dẻo. Mọi người trong đội du kích đều yêu quý anh. Nhưng chị Ngọc thì không vì đã gửi tình cảm cho anh Sáu Bình rồi. Sau này anh ấy bị lọt vào ổ phục kích và hy sinh. Giờ đây anh nằm sát bên mộ chị Ngọc và trên bia có ghi dòng chữ ”Mộ anh Bắc Thanh – chiến sĩ dân vận, hy sinh năm 1966”. Cắm mấy cây nhang vào bát, Tám Sang thẫn thờ nhớ khuôn mặt nhân hậu của anh Bắc Thanh và nghe xót cả người: ”Nguyện cầu trời thiêng, đất linh run rủi để đồng đội tìm được mộ phần của anh”. Vì cho đến bây giờ, anh ấy vẫn chưa được về nằm nơi chôn nhau cắt rốn.

Chiều ngã khuất sau rặng núi Ông. Những tai nắng còn sót lại hắt lên bầu trời những vệt ráng đỏ hồng đẹp như bức tranh hoang dã mà bàn tay họa sĩ đã tung cả đĩa màu nước lên trời. Bàn tay của Tám Sang lần tới ngôi mộ gần bên cạnh. Nhẹ nhàng bỏ mấy cọng nhang cháy dở dang ra khỏi lư hương, ông khẽ nói: ”Còn thằng Hùng nhí này, nhớ hồi đó tao với mày hay chia phe đánh cờ lau. Mỗi thằng là mỗi thủ lĩnh. Đánh trận xong, phe nào thua là phải cõng phe thắng chạy một vòng quanh bàu cây Bông. Mệt chí chết nhưng vui không tả nổi. Phe mày chuyên môn bị thua. Mày hay bị con Ngà – em chị Ngọc – bắt cõng, nhớ không? Mà hình như lúc đó con Ngà yêu mày rồi, phải không Hùng? Con Ngà nằm gần mày đây này, chỉ cách mày ba ngôi mộ. Đi cùng tao qua thăm nó nghe Hùng!”

Tám Sang đứng lên bước qua một ngôi mộ nhỏ cạnh mép hàng râm bụt đỏ tươi. Gió lẹp kẹp thổi qua luồn qua hàng tre thưa, thổi vờn trên những cọng cỏ xanh mềm mượt khiêm tốn nằm ở cuối mộ. Lần nhổ từng cọng cỏ thư thả như mặc kệ thời gian, Tám Sang hình dung lại khuôn mặt của Ngà. Một khuôn mặt tròn vành, hai con mắt mí lót nhưng dài và to, rất đẹp, nước da bánh mật ưa nhìn, dáng người nhỏ nhưng chắc gọn. Nhiều thằng bạn cùng xóm hay để ý dòm ngó, chọc ghẹo nhưng Ngà chỉ để ý một mình thằng Hùng. Mà thằng Hùng nhí lại có nước da trắng hồng, trông tươi như con gái, đụng một tí là đỏ mặt, ai cũng trêu gọi là chị Hùng Huyền.

Tám Sang rất đẹp người, ăn nói có duyên, hát hay. Dù là con ông Xã nhưng Tám Sang luyện nhiều ngón độc đáo: cày bừa giỏi; viết chữ đẹp; tay vót nan nhỏ rứt, chuốt bóng nhẫy, đan nong nia, rổ rá, giần sàng mượt khít không chê vào đâu được … Cháu chắt trong nhà vẫn thường tôn vinh là ông cậu tài hoa nhất họ tộc. Sau giải phóng 1975, Tám Sang về quê giữ việc chăm sóc đài liệt sĩ, nhang khói cho các phần mộ nằm ở đài liệt sĩ như một ông Từ. Người bên này thua trện chăm sóc cho người bên kia thắng trận. Nhưng bên này, bên kia là bên nào?

Viết một bình luận

error: Content is protected !!