Bưu chính thời kỳ đầu Pháp thuộc

Tác giả: Lê Nguyễn

Nguồn: trích trong sách “Thành cổ Sài Gòn và mấy vấn đề về triều Nguyễn”, Nhà xuất bản Trẻ -1998


Công tác bưu chính ở nước ta đã có từ thế kỷ X, XI, là một công cụ trong guồng máy hành chính thời phong kiến. Người lính trạm hay phu trạm là gạch nối giữa triều đình và tổ chức chính quyền địa phương nên luật lệ thời ất khép tội tử hình những ai xâm phạm đến thân thể họ trong khi đang thi hành công vụ.

Đến nửa cuối thế kỷ XIX, công tác bưu chính có một bước ngoặt với những phương tiện hiện đại do người Pháp mang sang Việt Nam, những từ ngữ mới: Nhà dây thép, dây nói,… bắt đầu xâm nhập vào sinh hoạt thường ngày.


Năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn lần đầu tiên và đến năm 1862, ba tỉnh miền Đông Nam kỳ: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường lọt vào tay quân Pháp, buộc triều đình Huế phải ký Hòa ước 5-6-1862 công nhận chủ quyền của Pháp tại đây.

Nhưng những cuộc khởi nghĩa cũng đồng thời bùng lên mãnh liệt dưới sự lãnh đạo của Phó Quản cơ Trương Định, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực,… Những cuộc hành quân trên một địa bàn xa lạ, hiểm trở, đầy rắn rết, bệnh tật và thiếu hẳn các phương tiện thông tin liên lạc khiến quân Pháp bị tổn thất rất nhiều.

Để khắc phục tình trạng này, công việc đầu tiên mà Pháp thực hiện là lập hệ thống bưu chính, điện báo để đảm bảo những liên lạc cần thiết cho các cánh quân triển khai trên những cùng cách xa nhau.

Ngày 18-3-1860, Đại tá Hải quân Dariès tới Saigon và ngày 11-4-1860, ông ta cho thiết lập văn phòng bưu chính đầu tiên của Pháp tại Đông Dương.

Ngay sau đó, một hệ thống đường dây điện báo được khởi công xây dựng. Đường dây điện báo đầu tiên tại Đông Dương là đường Saigon – Biên Hòa kéo dài ra đến Bà Rịa, Cap Saint – Jacques (Vũng Tàu). Hãy nghe một nhân viên bưu chính kỳ cựu của Pháp là Lemire kể về ngày đầu tiên liên lạc được bằng điện báo giữa Saigon – Biên Hòa.

“Ngày 27-3-1862 là ngày khánh thành đường dây điện báo đầu tiên Saigon – Biên Hòa dài 28km. Đường bộ bị cắt bởi một con kênh cách Saigon 8km và một nhánh sống Biên Hòa, do đó cần phải đặt đường dây cáp ngầm ở những chỗ cắt. Công việc khó khăn với tình hình phương tiện hiện có. Tuy nhiên mọi việc đã hoàn thành,…

Vào 18 giờ 30, khi dây cáp được đặt hoàn chỉnh, hai bờ sông được nối liền và một bức điện báo gửi từ Biên Hòa về Saigon được nhận trong vòng 2 phút …” (trích L.Malleret: Lemire ou la foi coloniale. Bulletin de la Société des Etudes Indochinoise – 1936).

Đường dây điện báo thứ hai được khánh thành ngày 17-4-1862 nối liền Saigon – Chợ Lớn, dài 7km.

Đầu tháng 6-1862, phái bộ đại diện triều đình Huế do các ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp dẫn đầu vào Saigon để ký hòa ước 5-6-1862, có sự tháp tùng của ông Phạm Văn Trung, phụ trách bưu chính An Nam, đã đến thăm văn phòng điện báo Saigon.

Ở đây, Đề đốc Bonard và các viên chức Pháp đã làm cho các quan chức Việt Nam cực kỳ ngạc nhiên khi họ điều khiển cho chuông điện reo và ngừng theo ý mình …

Vào lúc ấy, tổ chức bưu chính tại 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ có 7 phòng: Gia Định, Bà Rịa, Mỹ Tho, Gò Công, Tây Ninh, Thuận Kiều, Trảng Bàng. Các trạm bưu chính vẫn được duy trì, ở mỗi trạm có một đội trưởng và 50 nhân viên trang bị giáo mác, được cung cấp thuyền, phà để di chuyển trên kênh rạch. Việc bảo quản nhà trạm, thuyền bè được giao cho các làng xã đảm trách.

Cũng trong năm 1863, những con tem đầu tiên được phát hành, tem hình vuông, in hình chim đại bàng, chia làm 4 giá biểu: 0,01 franc; 0,05fr; 0,10fr; 0,40fr.

Phải đợi đến ngày 1-4-1864, hệ thống bưu chính mới bắt đầu phục vụ công chúng, dĩ nhiên đây chủ yếu là loại công chúng “ông tây bà đầm” và một thiểu số dân trí thức bản xứ cộng tác với Pháp.

Công việc phát thư trong nội thành Saigon được giao cho một bưu tá, lương tháng 30 franc, đi phát thư ngày 2 lần: 8 giờ và 16 giờ. Phương tiện di chuyển được cải tiến, đường xá được mở mang, việc chuyển thư đi các tỉnh cũng khá nhanh, thư đi từ Saigon xuống Mỹ Tho mất 21 giờ, từ Saigon đi Gò Công hết 16 giờ.

Bưu điện Saigon thập niên 1860

Đầu thập niên 1870, công tác điện báo vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Tổng trưởng Bộ Hải quân Pháp thương thảo trực tiếp với “Công ty điện báo bằng cáp ngầm qua biển” của Trung Quốc để thiết lập một đường dây nối liền chính quốc với Nam kỳ qua ngả Cap Saint – Jacques (Vũng Tàu).

Ngày 31-7-1871, bức điện báo đầu tiên được trao đổi giữa Pháp và Saigon, đánh dấu kết quả cuộc thương thảo nêu trên.

Tổng kết sau 10 năm, kể từ đầu thập niên 1860, hệ thống bưu chính điện báo tại Nam kỳ đã có 6.600km đường dây, 36 đường cáp ngầm dài 13.225km và 16 phòng bưu chính, điện báo điều hành mọi công việc liên quan trên vùng đất này.

Đến giữa thập niên 1870, hệ thống điện báo tại Nam kỳ đã tương đối ổn định và bắt đầu vương dài đến những vùng đất phía Bắc.

Vào thời điểm này, hình ảnh người lính trạm hay phu trạm lưng đeo các ống tre, tay cầm lục lạc chạy bằng chân hay phi ngựa hàng ngàn cây số đường từ Nam ra Bắc không còn nữa. Công việc của họ được chuyển sang cho một phương tiện hiện đại hơn: tàu thủy của Nhà nước.


Một vài sự kiện đánh nhớ trong thập niên 1870:

  • Năm 1876: bắt đầu nhận gửi bưu phẩm bảo đảm, bưu thiếp (carte – postale). Mở phòng bưu chính ở Hải Phòng và Qui Nhơn.
  • Năm 1877: Cho gửi phiếu chuyển tiền giữa Pháp và Nam kỳ, tối ta 500 franc (khoảng gần 100 đồng VN hồi đó).
  • Năm 1879: thiết lập điện chuyển tiền, tối đa 100 đồng VN.

Đầu thập niên 1880, để bổ sung cho hệ thống nhân sự đang thiếu thốn, Pháp mở kỳ thi đầu tiên để tuyển thơ ký điện báo Đông Dương.

Năm 1889, một sự kiện quan trọng khác diễn ra: đường dây điện thoại được thiết lập đầu tiên tại Đông Dương. Nhưng đường dây này chỉ mới được sử dụng riêng cho văn phòng của hội trưng thầu á phiện, trụ sở ở đường Paul Bert (Hà Nội), liên lạc với nhà nấu thuốc phiện ở phố hàng Buồm.

Phải đợi đến 1-7-1894, thành phố Saigon mới có tuyến điện thoại đầu tiên, 2 phụ nữ Pháp là các bà Charvein và Torche được cử làm điện thoại viên đầu tiên trong lịch sử nghành điện thoại Đông Dương.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!