Lược sử Nhà thuốc Nhị Thiên Đường
Nhà thuốc Nhị Thiên Đường là một hiệu thuốc của người Quảng Đông có trụ sở tại Singapore, Malaysia và Sài Gòn vào những năm đầu thế kỷ 20.
Dầu Nhị Thiên Đường lúc đó được bà con lao động gọi là “dầu trị bá bệnh”. Vì hễ khó ở là người ta lấy ra xài. Đau đầu lấy ra thoa hai thái dương, ho thoa cổ, đau bụng thoa chỗ bao tử, cảm lạnh sổ mũi thoa hai lỗ mũi, cần cạo gió thì thoa lưng, đau cơ đâu thoa đó. Cần xông hơi khỏi cần kiếm lá xông chi mắc công, nhỏ vài giọt dầu vào nồi nước sôi là xong. Chẳng may trúng thực cũng cho vài giọt vào ly nước nóng uống.
Thậm chí côn trùng cắn, dị ứng cũng thoa. Rồi người ta bị mèo cào, gai xước, chảy máu thì dầu xài như thuốc sát trùng hay cồn y tế. Đến mức sâu răng cũng lấy cây tăm quấn miếng bông gòn thấm dầu chấm vào chỗ đau nhức … thì đúng là xài dầu đã thành… nghiện.
Ngày nay, hãng dầu gió Nhị Thiên Đường không còn hoạt động ở Việt Nam nữa nhưng vẫn được sản xuất ở nước ngoài. Ngôi nhà trước đây là hiệu thuốc và cây cầu ngót gần 100 tuổi tên Nhị Thiên Đường vẫn còn. Ba chữ Nhị Thiên Đường bằng gạch xây vẫn còn sau cả trăm năm biến đổi.
Quảng bá chữ Quốc Ngữ
Để quảng bá nhãn hiệu Nhị Thiên Đường, ông chủ đã chọn cách khá độc đáo. Đó là thay vì đăng quảng cáo trên sách, báo thì ông ta thuê một số trí thức viết ra các bộ sách quảng cáo bằng chữ Quốc ngữ, luôn cả chữ Pháp và Hán gọi là Vệ sanh chỉ nam.
Trong cuốn sách này in đầy hình ảnh và chữ quảng cáo cho các cao đơn hoàn tán của Nhị Thiên Đường. Đồng thời in kèm vào trong đó các loại thơ văn để người xem có thể đọc thêm.
Chẳng hạn bên cạnh quảng cáo dầu cù là Ông Tiên là trích đoạn thơ Lục Vân Tiên. Hay năm 1919-1920, bên cạnh nhãn hiệu Nhị Thiên Đường là từng phần Nghĩa hiệp kỳ duyên. Đây là bộ Kim thời tiểu thuyết cực kỳ ăn khách do tác giả Nguyễn Chánh Sắt viết. Lúc đó ông Nguyễn Chánh Sắt được gọi thêm cái tên khác là Monsieur Chăng Cà Mum (tên nhân vật chính của truyện).
Nhiều khi khách đang đọc quảng cáo thuốc xổ lãi thì được đọc thêm Hậu chàng Lía. Các truyện uyên ương ly hận của tác giả Hồ Biểu Chánh cũng được in theo cách này.
Ban đầu mấy tập sách này tặng cho khách mua thuốc hay khách qua đường để quảng cáo. Nhưng sau khách xin nhiều quá nên cuối cùng nhà thuốc phải in số lượng lớn và bán với giá rẻ, chỉ vài cắc một bản. Sách này không bán ở nhà sách mà bán ở chợ, bến xe… cho người lao động bình dân mua đọc.
Những nhà văn không có tiền in sách đã chọn cách đưa in ở sách quảng cáo nhà thuốc. Đây đã là một kênh tốt để đưa được tác phẩm chữ quốc ngữ đến với người đọc.
Vì sao nhà văn Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt không muốn in sách đẹp? Vì ông biết nếu sách in đẹp sẽ phải bán mắc. Và như vậy sẽ không đến được tay những độc giả bình dân thân thiết của ông.
Những năm đầu thế kỷ 20, chữ quốc ngữ đang hình thành và phổ biến. Chính nhờ những cuốn sách quảng cáo giá rẻ in xấu của nhà thuốc Nhị Thiên Đường mà văn chương chữ Quốc ngữ bình dân giai đoạn này được phổ biến rộng rãi. Những truyện này lưu truyền trong tầng lớp lao động. Và trở thành món ăn tinh thần, đi sâu vào lòng người. Góp phần truyền bá và hình thành “chuẩn mực” về lối sống nhân nghĩa, trọng nghĩa khinh tài không nơi nào sánh được.
Hơi tiếc là đến ngày nay thì chúng ta rất khó tìm lại Nguyên bản những truyện được in dạng này.