LẬP VỌNG ĐÀI PHÒNG VIỆC CHIẾN CHINH,
NHỚ THỆ ƯỚC TÌM NGƯỜI NGHĨA CŨ.
Đây nhắc lại khi Châu Văn Tiếp từ biệt cô Ngọc Sương, theo phò đức Nguyễn Ánh, dẹp Tây Sơn thâu phục Saigon đặng rồi, thì Nguyễn vương phong làm Khâm sai Đô đốc, sai ra trấn Bình Thuận, Khánh Hòa, chỗ nầy là một chỗ quan phòng yếu địa, nên Châu Văn Tiếp ngày đêm lo chấn chỉnh binh nhung, luyện tập quân sĩ, trên bộ thì lo bồi thành đắp lũy, bố trại lập đồn, dưới thủy thì lo chế tạo chiến thuyền, đặng phòng ngự quân giặc Tây Sơn, trong khi đem binh xâm lược, nhứt diện lại cho người ra Khánh Hòa, Phú Yên, chiêu mộ nhơn dân, đem về tập rèn, đặng lập thêm quân ngũ, nhứt diện thì sai các tướng bộ hạ, vào rừng chiêu dụ mấy mán mọi, bảo dỡ gỗ đốn cây, đặng dùng làm công vụ, và cất một cái vọng đài trên một hòn núi rất cao, để trông ra bốn phía mà coi chừng quân giặc.
Từ dưới chơn núi lên tới vọng đài, bề cao độ chừng hai trăm trượng, có làm đường thông hành quanh qua lộn lại, để cho quân lính xuống lên, còn các nơi hiểm yếu, cùng các chỗ biên thùy, thì có cất phong hỏa đài, trong các phong hỏa đài nầy, có chứa củi khô và rơm bổi để khi có giặc thì đốt lên mà làm hiệu lịnh, còn dưới thủy có đặt chiến thuyền, ngày đêm tuần phòng dọc theo mé biển.
Châu Văn Tiếp lại đặt một đạo binh tuần phòng dọc theo mé rừng, từ Bình Thuận ra tới địa phận Phú Yên, đặng ngăn ngừa quân giặc Tây Sơn, và thám thính binh tình động tịnh, đâu đó sắp đặt chỉnh tề, và ngày đêm tuần phòng nghiêm nhặt.
Các sắc binh của Đô đốc Châu Văn Tiếp trấn tại Bình Thuận kể ra dưới đây.
1 – Một ngàn binh bộ đều dùng cung nỏ và trường thương.
2 – Hai trăm binh pháo thủ coi các vị súng lớn trí chung quanh thành lũy.
3 – Năm trăm binh mã kỵ để làm 5 đội binh Du kích.
4 – Ba chục chiến tượng (voi đánh giặc) mỗi thớt có 4 tên quân ở trên bành voi đều dùng trường thương và hỏa hỗ trong khi xuất trận.
5 – Một ngàn binh thủy và 20 chiến thuyền lớn, mỗi chiếc có 50 thủy binh, và 30 chiến thuyền nhỏ, mỗi chiếc có 20 binh thủy. Cả thảy đều tập luyện tinh thục.
Bữa nọ cái vọng đài cất trên núi hoàn thành rồi, Châu Văn Tiếp và các tướng bộ hạ kéo nhau lên xem, khi lên tới vọng đài thấy phía hậu có một sơn động rất to, phía tiền có một thạch bàn rộng rãi.
Châu Văn Tiếp và các tướng liền leo lên vọng đài, ngó quanh bốn mặt, trông qua hướng tây, thấy minh mông biển bạc, trời nước một màu, nhìn qua hướng bắc thấy chớn chở non cao. Cỏ cây xanh mịt, ấy là:
Non mặc áo cây xanh mịt mịt,
Biển trùm mền nước trắng phao phao.
Ngó xuống biển thì thấy sóng bồi bãi cát, trông lên đảnh lại thấy núi đội vừng mây, xem ra như tuồng:
Biên lo đất thiếu bồi thêm cát,
Núi sợ trời nghiêng đỡ lấy mây.
Kìa là ráng hồng ửng ửng, nọ là gió thổi hiu hiu, thật là một cảnh trời chiều, xem ra như ai thêu ai vẽ.
Đó rồi Châu Văn Tiếp lại đứng bên góc vọng đài, trông vào Nam kỳ, thấy ngàn trùng vân thọ, thinh thang đất rộng trời cao, muôn dặm quan hà thăm thẳm non xanh nước biếc, bỗng chút vì đâu nổng nổi, khiến cho nhắm cảnh rồi chạnh lòng, dường như có một mối cảm tình, ai đem vấn vương vào ruột.
Châu Văn Tiếp đương đứng trầm tư mặc tưởng, bỗng thấy một người thấp thoáng hiện ra trước mắt, hình dung yểu điệu, cốt cách dịu dàng, đẹp thay một gái hồng nhan, rõ ràng là người giai nhơn tuyệt sắc, nào là chơn mày nét mặt, nào là vóc liễu hình mai, diện mạo nghiễm nhiên hiện ra trước mắt Châu Văn Tiếp, ấy là một nàng tình xưa nghĩa cũ của người là cô Ngọc Sương khi trước.
Cô ngọc Sương nào đây? Cô ngọc Sương ở đâu sao lại hiện ra trước mắt?
Vì trong khi Châu Văn Tiếp đứng trên vọng đài, ngó vào Gia Định, đương lúc đối cảnh sinh tình, nhớ lại cô ngọc Sương trong lúc gặp gỡ tại Long Xuyên, nên làm cho người tưởng tượng nơi lòng, mơ màng trong trí, nhớ khi gặp hội tao phùng, nhớ lúc trao lời tiễn biệt, rồi bao nhiêu mặt mày hình trạng, dường nhju7 thấy cô hiện ra trước mắt, nên người đứng ngò sững sờ vào Nam, rồi lẳng lặng làm thinh chẳng nói chi hết.
Bỗng có quan Tham tá là Đặng Đình Huy thấy người đứng sững yêm lìm, thì ước tới và hỏi rằng:
– Bẩn Đô đốc, Đô đốc ngó vào Nam kỳ xem địa cuộc phong cảnh thế nào? Dường như có ý nghĩ nghị điều chi, mà Đô đốc lặng thinh chẳng nói?
Châu Văn Tiếp nghe hỏi liền day lại nói trớ đi rằng:
– Ta xem vào Nam kỳ thật là một xứ điền phi địa quãng, vật thạnh dân phong (1) nếu ngày kia chúa thượng dẹp yên quân giặc Tây Sơn và khôi phục san hà nầy rồi, thì xứ Nam kỳ đó là một kho vàng rất to của Nam Việt.
Quan Tham tá Đặng Đình Huy nói:
– Thật xứ Nam kỳ ấy là một kho vàng rất to, và cũng là một vựa lúa rất lớn. Vì vậy mà quân giặc Tây Sơn Nguyễn Nhạc không thế nào chịu để kho vàng vựa lúa ấy lại cho ai, bởi vậy ghe ngày chúng nó sẽ đem binh xông vào mà chiếm đoạt, vậy nếu trong khi có giặc, thì xứ Bình Thuận nầy là chỗ địa đầu, để chịu mũi đạn lằng tên, và là một nẻo đường để cho quân giặc xông vào Gia Định.
Châu Văn Tiếp nói:
– Nếu ta còn trấn thủ xứ nầy, thì chẳng hề để cho quân giặc đến đây mà xông vào Gia Định.
Nói rồi liền dắt nhau xuống núi trở về, và các tướng sĩ cáo từ, rồi ai về dinh nấy.
Đêm ấy Châu Văn Tiếp nghĩ lại khi tri ngộ cô Ngọc Sương tại Long Xuyên, và gá nghĩa tóc tơ cùng cô, từ ấy đến nay, mảng lo bôn ba việc nước, nên không cơ hội nào rảnh mà hiệp mặt cùng nàng, tội nghiệp thay cho nàng, phận gái linh đinh, cha già yếu đuối chẳng biết nàng cùng ông thân nàng bây giờ lưu lạc xứ nào.
Nghĩ vậy thì chạnh lòng ly biệt, xót dạ ân tình, tức thì sáng bữa ấy, Châu Văn Tiếp ra trước văn phòng viết một tâm thơ, niêm phong tử tế, rồi bảo quân hầu đòi hai tướng bộ hạ tâm phúc của người là Hồ Công với Lý Viễn, và dặn rằng:
– Hai nugo7i lập tức sắm sửa hành trang, rồi vào Nam kỳ đến tại Long Xuyên, hỏi thăm nhà ông CỬ Khôi, và con gái ông tên là Hồng Ngọc Sương, như gặp thì trao thơ nầy cho cô xem, nếu ông và cô gái nầy không có ở Long Xuyên, thì hai ngươi phải qua Long Hồ mà tìm kiếm cho được, như gặp thì hai ngươi phải tiếp rước về đây cho tử tế.
Nói rồi lấy bạc tiền đưa cho hai tướng ấy đặng làm lộ phí mà lên đường.
Hai tướng bộ hạ liền cúi đầu phụng mạng ra đi, tuốt vào Nam kỳ mà tìm kiếm.
(1) Vật thạnh dân phong là vật thực nhiều và dân giàu có đông đảo.