Hình luật Gia Long

Tác giả: Lê Nguyễn

Nguồn: trích trong sách “Thành cổ Sài Gòn và mấy vấn đề về triều Nguyễn”, Nhà xuất bản Trẻ -1998


Hai văn kiện luật pháp chủ yếu chi phối đời sống xã hội ở nước ta ngày xưa là Bộ luật Hồng Đức triều Lê Thánh Tông và bộ Luật Gia Long triều Nguyễn Phúc Ánh. Có thể nhận thấy những dấu ấn khá đậm nét của hình luật Trung Hoa trong các bộ luật này. Tuy nhiên, trải qua gần 300 năm, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, hình lật nước ta cũng có nhiều bước tiến đáng kể.


Từ thời kỳ mới lập quốc đến giai đoạn Bắc thuộc dài hàng ngàn năm, tổ chức luật pháp của nước ta không ổn định và rõ ràng. Việc cư xử giữa người trong xứ với nhau chủ yếu dựa vào lễ nghĩa phong kiến, chưa có những luật lệ thành văn.

Đến khi giành lại độc lập, nhà Lê và các triều đại về sau mới chú trọng đến việc đặt ra các luật lệ chi phối sinh hoạt trong nước.

Điều có thể thấy rõ là luật lệ thời phong kiến chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của giai tầng thống trị, do đó các hình phạt đặt ra chỉ mới nghe qua đã đủ rợn người, như: cũi hổ, vạc dầu, xẻo mũi, cắt chân, thiến,…

Đến thời các chúa Trịnh, từ thế kỷ 17 – 18, trong lục Bộ ở triều đình đã có Bộ Hình phụ trách việc hình pháp, kiện tụng, … Luật hình không khác mấy so với các thời trước, còn về hình pháp thì đã chia thành ngũ hình (xem ra có tính ‘nhơn đạo’ hơn), gồm: xung, trượng (đánh bằng hèo), đồ (đày làm lính), lưu (đày biệt xứ), tử (giết chết).

Sự cắt đặt các chức quan hình pháp và thẩm quyền phân xử tương đối rõ ràng hơn trước. Chúc Trịnh Tạc (1657 – 1682) chia việc kiện tụng ra làm 2 loại: những việc mưu sát, trộm cướp gọi là đại tụng; việc kiện cáo thông thường hay đánh nhau gọi là tiểu tụng.

Các quan chức dự vào việc xét xử gồm phủ huyện ở địa phương, Thừa ti, Hiến ti ở trấn, Đề lĩnh ở kinh đô. Những việc các phủ huyện xử không xong thì chuyển dần đến Thừa ti, Hiến ti, Giám sát, Đề lĩnh và cuối cùng là Ngự sử đài để xét lại.

Nhà làm luật thời đó cũng có những quan điểm tương đối tiến bộ. Để tránh gây khó khăn cho đời sống của người dân, chúa Trịnh đã ấn định hạn tối đa trong việc xét xử: tội nặng liên quan đến nhân mạng, tối đa 4 tháng; tội trộm cướp là 3 tháng; việc hôn nhân, ẩu đả là 2 tháng. Những quan chức xử kiện không hợp lệ sẽ bị phạt tiền.

Tra khảo tội nhân trước công đường

Trước thập niên 1650, triều đình đặt ra lệ cho chuộc tiền, mức tiền chuộc tùy theo địa vị trong xã hội: cứ mỗi trượng, quan tam phẩm phải chuộc 5 tiền; quan ngũ phẩm 3 tiền, còn thứ dân chỉ 1 tiền.

Tội đồ chuộc từ 60 quan (lính coi chuồng voi) đến 100 quan (lính đồn điền), tội lưu từ 130 đến 290 quan (tùy lưu cận châu hay viễn châu), tội tử 330 quan.

Qua lệ này, ta thấy ngay đến quan tam phẩm (vào hàng cao cấp) mà cũng bị phạt trượng và địa vị xã hội càng cao thì tiền chuộc tội càng lớn.

Tuy nhiên, nhược điểm của lệ chuộc này cũng bộc lộ khá rõ ràng: kẻ có tiền sẽ dễ dàng thoát trọng tội. Đến đời chúa Trịnh Tạc, việc chuộc tiền bị bãi bỏ (Trần Trọng Kim – Việt Nam sử lược – Saigon 1971).


Thời Nguyễn 1811, vua Gia Long sai Tiền quân Nguyễn Văn Thành làm Tổng tài trông coi việc soạn một bộ luật mới, lấy bộ luật Hồng Đức nhà Lê và luật nhà Thanh làm tài liệu tham khảo chính.

Tháng 7 – 1812, bộ luật này hoàn thành, gồm 22 quyển, chứa đựng 398 điều áp dụng trong từng lĩnh vực song hành với Lục Bộ, ví dụ: luật Lại 27 Điều, luật Hộ 66 Điều, luật Lễ 26 Điều, luật Binh 58 Điều, luật Hình 166 Điều, luật Công 10 Điều … (Đại Nam thực lục chính biên – Nxb Sử học – Hà Nội 1963).

Về án phạt, gồm có phạt trượng, phạt gông cùm đối với những khinh tội, lưu đày dành cho những tội nặng hơn và cuối cùng là xử tử dành cho những tội nặng nhứt (như tội giết cha mẹ, tội chống lại triều đình)…

Các chức quan phụ trách việc hình pháp thời Nguyễn gôm có Tri phủ, tri huyện ở cấp phủ, huyện; Ánh sát sứ ở cấp tỉnh và các quan Bộ Hình ở kinh đô.

Trong thời gian bị xét xử hay thi hành án, tội nhân bị nhốt trong những nhà ngục đóng kín, 2 chân tra vào một chiếc cùm dài làm bằng gỗ cứng, đục những lỗ tròn cách đều nhau. Khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác, họ phải mang một chiếc gông làm bằng hai thanh tre hay gỗ, dài khoảng 60 đến 70cm được nối lại bằng những thanh ngang chặn phía trước và phía sau cổ.

Trong trường hợp tội nhân là tử tù hay thành phần nguy hiểm thì 5-7 người chung nhau một chiếc gông dài, nhất cử, nhất động đều phải nhịp nhàng, đồng loạt.

Tội nhân bị mang gông – Thế kỷ 19

Án tử trong thời kỳ này được thực hiện dưới 3 hình thức: xử giảo (chết treo), xử lăng trì (lóc thịt, chặt tay chân cho chết dần mòn) và xử trảm (chém). Án giảo và án trảm thường được tạm treo và trong đa số trường hợp, nhà vua ra lệnh ân giảm thành án lưu đày hay xiếng xích, gông cùm nhiều năm. Còn án lăng trì hay bá đao thường được áp dụng trong những vụ “phản loạn” chống lại triều đình phong kiến, được thực thi nhiều nhứt trong thời kỳ cấm đạo của các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

Linh mục Marette, trong một bức thơ đề ngày 21-2-1836, đã kể lại vụ xử lăng trì linh mục Marchand (Cố Du), người đã cộng tác với Lê Văn Khôi trong cuộc nổi dậy tại Gia Định thành vào những năm 1833-1835.

Theo quan niệm của Đông phương, án trảm là án nặng nhất vì tội nhân chết không toàn thây. Thông thường, chiếc đầu được bỏ vào một cái giỏ, treo ở nơi nhiều người qua lại để làm gương, còn thân xác thì được thân nhân mang về mai táng.

Ngoài những mức án áp dụng chung cho mọi người, tại triều đình còn có lệ “Tam ban triều điển”. Đây là một biện pháp nhằm giải quyết bất đồng, mâu thuẫn trong nội bộ hàng ngũ thống trị. Người bị xem như có tội, được phép chọn cho mình cái chết bằng một trong 3 hình thức: 1 vuông lụa, 1 lưỡi đoản đao, 1 chén thuốc độc.

Chiều ngày 19-11-1883, Ông Ích Khiêm đã theo lệnh 2 quyền thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết thí vua Hiệp Hòa bằng lệ này.

Đến thời Pháp thuộc, lúc đầu thực dân Pháp phân chia tại Nam kỳ 2 loại tòa án: Tòa án Pháp xét xử người Pháp và người châu Âu theo luật Pháp; tòa án Việt xét xử người bản xứ và người châu Á theo luật An Nam.

Về sau, sắc lệnh 25-5-1881 của Tổng thống Pháp hủy bỏ tòa án Việt Nam tại Nam kỳ, giao cho tòa án Pháp tại các quận xét xử cả người bản xứ, nhưng có chiếu cố các điều khoản của luật An Nam.

Mặt khác, Pháp cũng chuyển những loại hình phạt của Triều Nguyễn ra những hình thức mới, thí dụ:

  • Phạt 100 trượng chuyển thành 9 – 10 tháng tù giam
  • Lưu đày và 100 trượng chuyển thành 3 -12 năm khổ sai
  • Án giảo, trảm, lăng trì chuyển thành xử chém

Khoảng thập niên 1880 – 1890, máy chém được mang từ Pháp sang để việc giết người bớt thủ công. Thầy thông Chánh, người đã bắn chết viên Biện lý Tây ở Trà Vinh vào ngày 14-5-1893 vì tên này đã thông dâm với vợ thầy, là một trong những người đầu tiên bị chém bằng máy chém của Pháp.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!