LẬP TƯỚNG ĐÀI TÔN SOÁI NGUYỄN ÁNH,
MỞ ĐẠI TIỆC THƯỞNG KHAO QUÂN SĨ.
Đây nói lại khi Tổng đốc Châu trấn thủ tại thành Saigon, nửa đêm bị Đỗ Thanh Nhơn đem một đạo binh đi bọc ngã tắt, áp xuống vây thành. Tổng đốc Châu cự chiến không lại, liền bỏ thành đem gia quyến với ít tướng tâm phúc, theo đường bộ, chạy về Qui Nhơn mà tị nạn.
Đỗ Thanh Nhơn lấy thành Saigon, chẳng đầy một đêm, và chém Tư khấu Oai tại vàm Bến Nghé, đoạt hết chiến thuyền Tây Sơn, dẹp yên quân giặc, bèn mở tiệc khao thưởng tướng sĩ tam quân, rồi truyền binh vỗ an dân chúng.
Cách bữa sau, Đỗ Thanh Nhơn sai một tướng báo tin thắng trận cho Đức Nguyễn Ánh hay.
Lúc bấy giờ Đức Nguyễn Ánh đương hiệp binh với Châu Văn Tiếp đánh lấy Mỹ Tho, rồi tấn binh thẳng lên Bến Lức, giữa đường xảy gặp một đạo binh Tây Sơn đóng tại Gò Đen, và một đội chiến thuyền tại sông Bến Lức, liền phân binh hỗn chiến một trận rất kịch liệt, quân Tây Sơn cả thua, lớp xin hàng đầu, lớp chạy tản lạc.
Đó rồi Đức Nguyễn Ánh truyền lịnh kéo binh tấn lên Saigon.
Đỗ Thanh Nhơn bèn sắp đặt binh sĩ giàn hầu tại Saigon, rồi bổn thân đem các tướng xuống Gò Đen, tiếp nghinh thánh giá.
Đức Nguyễn Ánh và các tướng kéo binh về Saigon, quân giặc dẹp xong, toàn xứ Nam Kỳ đều đặng định yên thâu phục.
Đỗ Thanh Nhơn và các tướng xin tôn Đức Nguyễn Ánh lên làm Đại nguyên soái, đặng cầm quyền hành binh khiển tướng, và lo chấn chỉnh việc chánh trị trong cõi Nam kỳ.
Các tướng sĩ đều hiệp ý bằng lòng, liền giao cho Trịnh Hoài Đức sắm sửa lễ nghi, bài trí cuộc tiệc, đặng trạch ngày tôn soái cho Đức Nguyễn Ánh, và khao thưởng tam quân tướng sĩ.
Bữa nọ nhằm tháng giêng năm Mậu Tuất (1778) trong lúc trời vừa tảng sáng, ác đã rựng hồng, bỗng nghe mấy tiếng đại bác thần công, phát ra đùng đùng, long trời động đất, ngó lên bốn phía mặt thành, thấy quân sĩ la liệt, hàng ngũ nghiêm trang, khí giới đặt bày, cờ xí bao giăng rực rỡ.
Trong thành có cất một cái đài cao, trước đài đã thấy một đạo võ lâm quân, cầm giáo mang gươm, ra đứng dàn hầu hai bên tề chỉnh, kế thấy một đội nhạc binh kéo tới, thình thùng trống giục, thảnh thót chiêng reo, sáo quyển rập rình, xem rất oai nghi thứ tự.
Bỗng chút thấy Đức Nguyễn Ánh đầu đội một mão kim quang, mình mặc một cây bạch giáp, ngoài choàng một áo huỳnh bào, long, phụng qui lân, chơn mang một đôi võ hài, có thêu kim ngân văn thể, thật là tướng mạo đường đường, xem ra đáng đứng một bực anh hùng khí tượng, thỉnh thoảng bước lên trên đài, và có các hàng võ tướng văn ban theo sau, thảy đều y quan tề chỉnh.
Đức Nguyễn Ánh lên đứng giữa đài, còn các quan văn võ đứng hàu hai bên, kế Trịnh Hoài Đức đem ra một ấn soái và một cây Long Phụng bửu kiếm dâng lên, chúc tụng ít lời, rồi các căn võ tướng sĩ từ trong tới ngoài, đều rập nhau tung hô một tiếng vạn phước rất lớn, nghe dậy hết cả vòng thành.
Đức Nguyễn Ánh lãnh chức Nguyên sáoi rồi liền ban phong cho các quan văn võ, đều đặng quyền tước gia thăng, và mở tiệc khao quân thưởng tướng.
Ấy là:
Tiệc bày thưởng tướng khao binh,
Ầm ầm trống trận rập rình nhạc quân.
Đức Nguyễn Ánh thâu phục đặng Saigon và các xứ trong Nam kỳ nầy rồi, lên làm Đại Nguyên soái, ngày đêm lo chấn chỉnh binh nhung, sửa sang chánh trị, sai người ra Bình Thuận, Khánh Hòa, chiêu mộ nhơn dân, đem vào Gia Định, đặng cho khẩu ruộng khai rừng, mở mang bờ cõi, và đặt quan coi trưng thâu thuế khóa, tích súc binh lương, chế tạo chiến thuyền, đặng phòng khi cự chiến với quân Tây Sơn Nguyễn Nhạc.