Gia Long tẩu quốc – Hồi thứ tám

ĐỨC NGUYỄN ÁNH THÂU PHỤC LONG GIANG;

ĐỖ THANH NHƠN ĐOẠT HỒI GIA ĐỊNH.

Đây nói về tướng Tây Sơn là Tổng đốc Châu trấn thủ Saigon, bữa nọ đương ngồi nơi thính đường, xảy có quan Tri phủ ở Long Xuyên bước vào ra mắt.

Tổng đốc Châu thấy thì hỏi rằng:

 – Quan Tri phủ về đây có việc chi?

 – Bẩm quan Tổng đốc, có việc rất cẩn cấp, nên tôi phải bổn thân, lật đật đi trọn một ngày một đêm đặng về đây báo tin cho quan lớn rõ.

Tổng đốc Châu nghe nói nheo mày ngó sững Tri phủ và vội vã hỏi rằng:

 – Có việc chi cẩn cấp, quan Phủ hãy nói mau cho ta nghe.

 – Bẩm quan lớn, hôm qua tôi mới bắt đặng một cái mật thơ của bọn Nguyễn Ánh.

Tổng đốc Châu nghe nói tới bọn Nguyễn Ánh, thì có sắc hãi kinh, rồi hỏi tiếp rằng:

 – Quan Phủ nói rằng có bắt đặng mật thơ của bọn Nguyễn Ánh, mà bọn Nguyễn Ánh là ai?

 – Bẩm quan lớn, bọn Nguyễn Ánh là Nguyễn Hữu Thoại.

Tổng đốc Châu nghe nói thì có ý trầm tư nghĩ nghị một chút rồi hỏi rằng:

 – Nguyễn Hữu Thoại gởi mật thơ cho ai?

Quan Tri phủ ngó ra hai bên, coi chẳng có ai rồi day lại nói rằng:

 – Bẩm quan lớn, Nguyễn Hữu Thoại gởi mật thơ cho quan Vệ húy là Đặng Tấn Hưng ở Long Xuyên.

Tổng đốc Châu nghe nói như sét nổ bên tai, đất bằng dậy sóng, liền nheo mày trợn mắt, chờn vờn đứng dậy và hỏi rằng:

 – Vệ húy Đặng Tấn Hưng là tướng của nhà Tây Sơn ta, có lẽ nào Nguyễn Hữu Thoại lại gởi mật thơi nói về chuyện gì?

Quan Tri phủ liền thò tay lấy thơ trong áo trao ra, và xin Tổng đốc xem thơ thì rõ.

Tổng đốc Châu lật đật lấy thơ dở xem, trong thơ ấy nói như vầy:

“Tôi là Nguyễn Hữu Thoại tướng của Đức Nguyễn Ánh, kính gởi thơ nầy cho quan Vệ húy rõ. Chúa tôi là Đức Nguyễn Ánh nhứt định nội ba ngày nữa, đem binh vào Rạch Giá, rồi tấn lên thâu đoạt Long Xuyên, vậy xin Vệ húy hãy sắp đặt binh cơ đặng giết quân nghịch Tây Sơn mà làm nội ứng.

Đức Nguyễn Ánh một lòng tin cậy nơi quan Vệ húy, mà phú thác việc nầy, xin hãy y lịnh thi hành, chẳng nên sơ thất.

Ký tên NGUYỄN HỮU THOẠI kỉnh cáo.”

Tổng đốc Châu xem thơ rồi, thấy nói nội ba ngày nữa, Nguyễn Ánh độ binh vào Rạch Giá, thì mặt liền thất sắc, trán rịn mồ hôi, tay cầm thơ mà rung rung như người bị chứng cảm hàn, rồi nghĩ nghị một chút day lại hỏi quan Tri phủ rằng:

 – Theo thơ nầy thì nội ba ngày nữa, Nguyễn Ánh sẽ độ binh vào Rạch Giá phải chăng?

 – Bẩm quan lớn phải vậy.

 – Mà quan Phủ bắt thơ nầy tại đâu?

 – Bẩm, tôi bắt đặng thơ ấy tại nhà Vệ húy Đặng Tấn Hưng, trong khi va đi cứu hỏa.

Tổng đốc Châu lấy khăn lau mồ hôi trên trán, mà sắc mặt nhàu nhò, liền kêu đội Hầu một tiếng; bỗng thấy tên đội Hầu hé cửa bước vô cúi đầu.

Tổng đốc Châu ngó lại và bảo tên đội Hầu rằng:

 – Ngươi hãy đi vời quan Tư khấu Oai và quan Tuần phủ Đạt đến đây lập tức.

Tên đội Hầu thưa vâng, rồi cúi đầu lật đạt bước ra, một chút đã thấy quan Tư khấu Oai và Tuần phủ Đạt, hai người ngoài cửa bước vô.

Tổng đốc Châu liền thạnh nộ, ngó nghinh Tuần phủ Đạt mà hỏi rằng:

 – Ngươi có nghe bọn Nguyễn Ánh ở đâu chăng?

Tuần phủ Đạt nghe hỏi, thì ra lính quýnh và khép nép bẩm rằng:

 – Bẩm quan lớn, tôi không nghe.

Tổng đốc Châu nghiêm sắc mặt mà nói xẵng tiếng rằng:

 – Ngươi lãnh một trách nhậm về việc Tuần phòng tế soát trong các xứ, mà ngươi không nghe biết chi hết, vậy thì phận sự ngươi để làm gì? Nội ba ngày nữa, Nguyễn Ánh sẽ độ binh vào Rạch Giá, mà ngươi không nghe, vậy để chừng nào Nguyễn Ánh lên tới Saigon, đem binh lấy thành Gia Định nầy, chừng ấy ngươi mới báo tin cho biết phải chăng? Ngươi phải biết rằng nếu thành Saigon nầy mấy, thì chẳng những cái quyền lợi gia sản của ta mất mà thôi, lại cái quyền lợi gia sản của ngươi và của ai nấy cũng đều tiêu điều tận tuyệt hết cả, sao ngươi không lo tuần phòng tế sát cho kỷ cang, để nước tới trôn thì làm gì cho kịp.

Nói rồi lấy cái mật thơ đọc cho Tư khấu Oai và Tuần phủ Đạt nghe. Tư khấu Oai nghe rồi, rất nên kinh ngạc, còn Tuần phủ Đạt mặt liền biến sắc, và đứng ngẩn ngơ sững sờ rồi rụt rè hỏi rằng:

 – Bẩm quan Tổng đốc, tôi có sai người đi tuần thám các nơi, nhưng việc nầy là việc rất bí mật, nên tôi không hay, vậy chẳng biết thơ ấy ở đâu, mà quan lớn bắt đặng?

Tổng đốc Châu mặt còn phừng phừng sắc giận, liền lấy tay chỉ quan Tri phủ mà nói rằng:

 – Thơ ấy của quan Phủ Long Xuyên nầy bắt đặng hôm qua, mới đến báo tin cho ta đó.

Nói rồi day lại ngó quan Tư khấu Oai và nối tiếp rằng:

 – Nay Vệ húy Đặng Tấn Hưng đã đem lòng phản nghịch, nhập theo phe đảng Nguyễn Ánh, vậy thì Tư khấu phải lập tức sai người đem binh tiếp cứu Long Xuyên và bắt Đặng Tấn Hưng mà trị tội, nếu trễ thì bọn Nguyễn Ánh tấn vào Long Xuyên, ắt sanh đại biến.

Tư Khấu Oai lãnh mạng, liền trở về dinh, rồi sai hai tướng là Phạm Ngạn với Ngô Lăng đem hai ngàn binh ngày đêm tốc xuống Long Xuyên tiếp cứu.

Tổng đốc Châu day lại hỏi quan Tri phủ rằng:

 – Quan Phủ có rõ binh mã ở đâu mà Nguyễn Ánh độ vào Rạch Giá rất lẹ như vậy?

 – Bẩm quan Tổng đốc, theo ý tôi tưởng Nguyễn Ánh quần tụ quân sĩ tại mấy cù lao ngoài biển, và các thuộc tướng của Nguyễn Ánh còn tàng ẩn các nơi để làm tiếp ứng, nếu Nguyễn Ánh độ binh lên bờ đánh lấy Long Xuyên được rồi, tức nhiên kéo binh thẳng lên Saigon, chừng ấy chúng ta khó bề ngăn cản lại được.

Tổng đốc Châu nói:

 – Vậy thì quan Phủ phải lập tức trở về Long Xuyên, hiệp với đạo binh Phạm Ngạn mà bắt Vệ húy Đặng Tấn Hưng, nếu trì hưỡn ắt sanh đại biến.

Quan Phủ thưa vâng lui ra, rồi trở về Long Xuyên tức tốc.

Nguyên tên Vệ húy Đặng Tấn Hưng nầy, tuy ra làm tướng Tây Sơn, nhưng mà lòng không thiệt phục, nên muốn theo phe đảng của Đức Nguyễn Ánh, khi đặng mật thơ của Nguyễn Hữu Thoại gởi cho, dỡ ra xem rồi, vừa để trên bàn, bỗng có việc hỏa hoạn thình lình phát lên ở gần binh trại.

Đặng Tấn Hưng hoảng kinh lật đật chạy đi tốc binh cứu hỏa, không kịp cất thơ, kế đó quan Tri phủ Long Xuyên đi tới, lúc ấy trong nhà không ai lại thấy cái thơ để trên bàn, liền dỡ ra xem, thấy nói Nguyễn Ánh nội ba ngày nữa thì độ binh vào Rạch Giá, rồi tấn lên thâu đoạt Long Xuyên, thì thất kinh, nên lập tức tuốt về Saigon đặng thôn báo cho Tổng đốc Châu rõ.

Còn Đặng Tấn Hưng khi đốc quân chữa lửa xong rồi, lật đật về nhà, thấy mất phong thơ, kiếm tìm hết sức mà không đặng, thì nghĩ thầm rằng: “Nếu thơ nầy bị quân Tây Sơn bắt đặng, chắc phải bại lộ cơ mưu, vậy thì ta phải lo liệu thế nào, nếu trì hưỡn sẽ bị chúng nó sát hại.”

Kế qua gôm sau nghe đạo binh của Đức Nguyễn Ánh đã kéo tới Long Xuyên, liền đem bốn trăm binh ra xin hàng đầu, và nghinh tiếp.

Đức Nguyễn Ánh thâu phục đặng Long Xuyên chẳng tốn mộ tên quân, không hao một mũi đạn, kế nghe Châu Văn Tiếp đã sai quân đem ba chục chiến thuyền chực tại Long Xuyên, thì ngài truyền lịnh cho tướng sĩ sắm sửa độ binh qua sông, rồi kéo tới Sa Đéc, bỗng thấy một toán quân Tây Sơn ở Sa Đéc kéo đến qui hàng.

Đức Nguyễn Ánh liền thâu dụng, để làm đội quân tiền phong, rồi đem binh tấn vào Sa Đéc, và thâu phục thành trì, vỗ an dân chúng. Đức Nguyễn Ánh thâu phục Long Xuyên và Sa Đéc, lấy đặng lương thảo rất nhiều, và binh thế quân oai càng thêm hùng tráng.

Kế đó gặp hai đạo binh Tây Sơn ở Saigon sai xuống tiếp cứu, một đạo thì Phạm Ngạn làm Chánh tổng binh, còn một đạo thì Ngô Lăng làm Phó tướng, hai đạo binh nầy ở dưới Long Hồ tấn lên Sa Đéc, vừa đặng nửa đường, gặp đạo binh của Đức Nguyễn Ánh kéo xuống.

Đức Nguyễn Ánh liền hội nghị cùng các tướng rồi sai Nguyễn Huỳnh Đức đem năm trăm binh, bọc qua phía hữu đặng xốc tới đánh ngang hông đạo binh Tây Sơn, và sai Nguyễn Hữu Thoại đem một đạo chiến thuyền, với sáu trăm thủy binh, vòng xuống Long Hồ, rồi bọc qua phía hậu đạo binh Tây Sơn, đặng đoạt thâu lương thảo, và tuyệt đường vận tải của giặc, còn Đức Nguyễn Ánh với các tướng dẫn một ngàn binh, để đi hậu tập mà tiếp ứng, rồi sai Tôn Thất Hội dẫn một đạo binh đi tiền phong, và hỗn chiến với quân Tây Sơn rất kịch liệt.

Khi đạo binh tiền phong đương hỗn chiến với quân Tây Sơn gần hai giờ, chưa phân thắng bại, bỗng đạo binh Hữu dực của Nguyễn Huỳnh Đức thình lình bọc tới đánh ngang hông đạo binh Tay Sơn, làm cho chúng nó chẳng kịp trở tay, rồi hàng ngũ rối loạn, lúc bấy giờ Nguyễn Huỳnh Đức cỡi ngựa tới trước đốc binh xốc vô, lớp súng bắn, lớp thương đâm, tràn tới ào ào như nước, giết quân Tây Sơn chết không biết sa số nào mà kể.

Quân Tây Sơn thất vía kinh hồn, rồi lớp thì kéo đến hàng đầu, lớp thì kéo nhau chạy chết.

Lúc bấy giờ đạo chiến thuyền của Nguyễn Hữu Thoại trương buồm bọc gió chạy xuống gần tới Vĩnh Long, xảy gặp một đội chiến thuyền của Tây Sơn, đương vận tải khí giới lương thảo đi dọc mé sông.

Nguyễn Hữu Thoại liền lên đứng trên mui thuyền, cầm cờ phất qua một cái, tức thì năm chục chiến thuyền đều giăng hàng chữ nhứt ngang sông, rồi lần lần áp lại phủ vây thuyền giặc, còn đạo chiến thuyền vận tải của quân Tây Sơn bị chở lương thảo khí giới nặng nề, day trở chẳng đặng lẹ làng, nên khó bề vận động; chỉ có mấy chiến thuyền hộ tống đi cập hai bên, phát súng xạ tên, xốc tới cự chiến.

Nguyễn Hữu Thoại chẳng cho bắn lại, cứ truyền quân lấy khiên đỡ đạn ngăn tên, để chúng nó bắn riết một hồi cho mệt mỏi aty chơn, hết đạn lơi cung, rồi mới truyền quân xông vào bắn lại, tên đạn bay ra như mưa, chừng xáp lại gần, Nguyễn Hữu Thoại hô lên một tiếng, các tướng sĩ đều rần rần nhảy qua thuyền giặc, lớp chém lớp đâm, quân giặc thấy thế cự địch không kham, liền bỏ giáo quăng gươm mà xin hàng đầu qui phục.

Trận nầy Nguyễn Hữu Thoại đoạt thâu lương thảo khí giới rất nhiều, bắt đặng binh giặc hàng đầu hơn ba trăm, và lấy đặng bốn năm chục chiến thuyền vận tải.

Tướng Tây Sơn là Phạm Ngạn thấy đạo tiền phong đã bại trận, còn đạo vận tải lại bị đoạt hết lương thuyền, thì thối chí ngã lòng, kế nghe tin báo rằng: ‘Nguyễn Hữu Thoại đã độ binh lên bờ, và kéo vào Long Hồ mà chận đường hậu lộ, thật là một chiến tranh dữ dội, tứ hướng bao vi, mặt tiền thì Tôn Thất Hội đem binh rượt theo, phía hữu thì Nguyễn Huỳnh Đức bọc hông đánh tới.

Phạm Ngạn thấy cái hiện tượng binh cùng thế bức thì biết bao là táng đợm kinh hồn, rầi thầm tính lặng suy, trong ba mươi sáu chước, chước gì là hay, chỉ còn một chước dĩ đào vi thượng thì mới đặng, đó rồi lập tức truyền quân thối lại, nhổ trại cuốn cờ, cứ việc lướt bụi băng đồng, mạnh ai nấy chạy.

Tôn Thất Hội và Nguyễn Huỳnh Đức đem binh ngày đêm rượt theo không nghỉ.

Còn đạo binh của Phạm Ngạn phần thì lương phạn không có, bụng đói xếp ve, phần thì mệt mỏi tay chơn, chạy không nổi nữa, rồi kéo nhau ra xin hàng đầu, chẳng biết bao nhiêu mà kể.

Đức Nguyễn Ánh đem binh khởi chiến, chẳng đầy ba ngày mà lấy đặng Long Xuyên, Sa Đéc, Long Hồ, ba xứ.

Đây nhắc lại đạo binh của Đỗ Thanh Nhơn khi đi theo đường rừng, băng qua Thủ Dầu Một, rồi phân làm ba đạo, một đạo thì Võ Nhàn làm tiền phong, một đạo Nguyễn Văn Hoằng làm hậu tập, còn một đạo Đỗ Thanh Nhơn làm thống tướng, và có luyện một đạo binh mã kỵ, đều dùng trường thương, để khi gặp giặc thì xông tới mà công thành hãm trận, lại có lập một đạo binh kêu là Hổ lang quân, đạo binh nầy đều mặc y phục vằn vện như cọp, và vẻ mặt dữ tợn như quỉ dạ xoa, đều dùng cung tên và lao nhọn, để mai phục hai bên đường rừng, chờ khi ngộ trận xáp binh, thì xạ tiễn phóng lao mà ám sát quân giặc.

Khi Đỗ Thanh Nhơn sắp đặt tướng sĩ xong rồi, liền độ binh qua sông, kéo xuống địa phận Hóc Môn, đặng tấn vào Saigon là chỗ nhao rún của giặc.

Lúc bấy giờ Tổng đốc Châu và Tư khấu Oai ở Saigon, nghe báo Đỗ Thanh Nhơn khởi binh kéo xuống, tức thì hội các tướng lại, bàn luận chiến lược, rồi phân làm hai đạo tấn lên, một đạo thì sai Hổ tướng hãn, làm tiên phong, còn một đạo thì Tư khấu Oai làm thống chế.

Tư khấu Oai nầy cũng là một viên danh tướng của Tây Sơn, võ dõng siêu quần, nhưng ít có mưu mô trí lược.

Khi gặp đạo binh Đỗ Thanh Nhơn ở gần Hóc Môn, thì hai bên đều bày binh liệt trận, rồi xáp lại hỗn chiến cùng nhau một trận rất dữ dằn, hai đàng chưa ai hơn thua, bỗng thấy một đạo binh mã kỵ của Đỗ Thanh Nhơn rần rần sãi tới như giông, rồi lướt vào mặt trận của Tư khấu Oai mà hỗn chiến.

Binh của Tư khấu Oai lớp bị ngựa đạp, lớp bị thương đâm, chết nằm lểnh nghểnh, Tư khấu Oai thấy vậy thạnh nộ, liền huơi siêu cỡi ngựa xốc ra, tả xung hữu đột, giết quân mã kỵ của Đỗ Thanh Nhơn một trận rất nhiều, rồi xua binh lướt tới.

Võ Nhàn thấy vậy liền huơi thương xáp lại đánh với Tư khấu Oai, một đàng thương đâm, một đàng siêu vớt, lúc qua lúc lại, khi tới khi lui, binh đánh với binh, tướng tranh với tướng, thật là tướng ngộ lương tài, kỳ phùng địch thủ; hai bên hỗn chiến cùng nhau hơn một giờ, kế mặt trời chen lặng, bờ bụi tối tăm. Đỗ Thanh Nhơn liền truyền lịnh thâu binh, Tư khấu Oai cũng rút quân về trại.

Đêm ấy Đỗ Thanh Nhơn hội các tướng lại bàn nghị và nói rằng:

 – Tư khấu Oai có sức mạnh, mà ít có mưu sâu. Vậy ta phải dụng mưu thì thắng va mới đặng,

Liền giao cho Nguyễn Văn Hoằng điều khiển cơ binh, và dặn các tướng phải y lịnh mà làm như vậy như vậy …

Qua bữa sau Nguyễn Văn Hoằng truyền cho Võ Nhàn đem binh khiêu chiến, Tư khấu Oai cũng truyền cho Hổ tướng Hãn sắp đặt quân ngũ chỉnh tề, rồi kéo ra đánh nhầu một trận.

Bỗng thấy Võ Nhàn lần lần rút binh thối lui, vừa chạy vừa đánh; Tư khấu Oai thấy binh giặc thua chạy, thì kiêu căng đắc ý, liền đốc quân rượt theo, rượt đặng một đỗi rất xa, ngó ra đã thấy rừng bụi lờ mờ, trời hầu chạng vạng, chẳng bao lâu kế tối, Tư khấu Oai bèn truyền các tướng đình binh, đặng cho quân sĩ nghỉ ngơi cơm nước, còn Nguyễn Văn Hoằng thấy Tư khấu Oai đình binh, cũng lập tức truyền quân hạ trại.

Đêm ấy Nguyễn Văn Hoằng bèn truyền lịnh cho Võ Nhàn, bước đầu canh ba phải đem năm trăm mã kỵ đi trước, và Hồ Văn Lân đem năm trăm quân Hổ lang theo sau, hễ nghe một tiếng súng phát lên, thì lập tức xông vào vòng binh của Tư khấu Oai mà cướp trại, và sai Tống Phước Khuông và Tống Phước Lương mỗi người đem năm trăm binh bộ, núp theo đường rừng, chờ Tư khấu Oai chạy tới, sẽ ào ra hỗn chiến.

Đêm ấy Hổ tướng hãn lại dinh bàn nghị với Tư khấu Oai rằng:

 – Chỗ nầy bốn phía đều rừng hoang bụi rậm, ta phải để ý cẩn thận đề phòng, e quân giặc thừa lúc tối tăm, thình lình đem binh cướp trại.

Tư khấu Oai mỉm cười và nói rằng:

 – Quân giặc đã bại trận chạy dài, lẽ nào chúng nó còn dám đem binh cướp trại,

Nói rồi chỉ để ít đội quân canh giữ mặt trận, và truyền cho các tướng nghỉ ngơi, đặng rạng ngày quyết ý rượt theo mà tận sát quân giặc.

Kế bước qua đầu canh ba, Võ Nhàn và Hồ Văn Lân kéo binh lén theo đường rừng lần lần đi tới, khi đi gần tới vòng binh của Tư khấu Oai, kế nghe một tiếng súng phát lên, tức thì năm trăm mã kỵ rần rần sãi tới như giông, rồi xông vào mặt trận.

Quân giặc đương ngủ, thình lình nghe đạo mã kỵ rần rần chạy vào mặt trận, áp tới như gió như giông, kế thấy đạo Hổ lang quân ào ào kéo tới, mặt mày dữ tợn, mình mẩy có vằn, rồi ré lên một tiếng dậy trời, làm cho cả vòng binh của Tư khấu Oai đều hoảng vía kinh hồn, ngỡ là quỷ tướng thiên binh, ở đâu dưới đất trồi lên, trên trời rớt xuống.

Còn quân Hổ lang nầy mỗi đứa đều có mang cung đai tiễn, và cầm một nắm lao nhọn vắc trong tay, hễ xa thì xạ tiễn, gần thì phóng lao, vì vậy đạo binh của Tư khấu Oai bị thương mà chết chẳng biết bao nhiêu, rồi rùng rùng kéo nhau vỡ chạy.

Tư khấu Oai với Hổ tướng Hãn nghe la thì biết quân giặc tấn vào cướp trại, liền cắp đao lên ngựa xông ra, gặp Võ Nhàn và Hồ Văn Lân đùa binh rượt tới, hỗn chiến một trận rất dữ dằn.

Hổ tướng Hãn là viên tướng tài của Tư khấu Oai bị Hồ Văn Lân bắn một mũi tên té nhào xuống ngựa.

Tư khấu Oai thấy Hổ tướng Hãn bị tên bắn chết, mất một viên Hỗ tướng cũng như gãy hết một cánh tay, và thấy quân giặc ào ào tràn tới vạn mã thiên binh, thế khó tranh đương, liền kéo binh ra sau, kiếm đường mà chạy, Hồ Văn Lân liền giục binh rượt theo, đánh giết một trận rất dữ.

Tư khấu Oai chạy đặng một đỗi, thấy hai bên đường, rừng cây lúp xúp, gò nỗng ngổn ngang, thình lình nghe một tiếng pháo nổ lên động đất long trời, kế thấy trong rừng kéo ra hai đạo binh, áp tới hỗn chiến.

Tư khấu Oai với mấy tướng bộ hạ ra sức huơi đao cự địch một hồi, bỗng thấy một tướng cỡi ngựa đứng trên gò cao, là Tống Phước Khuông, kêu tên Tư khấu Oai và nói lớn rằng:

 – Tư khấu Oai, ngươi đã binh cùn thế nhược, sao chưa chịu thúc thủ qui hàng, còn đợi chừng nào.

Tư khấu Oai thấy binh giặc càng đông, còn binh mình thì ít, không thế cự nổi, liền kêu mấy tướng tùy tùng, hiệp lực huơi đao chém đùa một hồi, rồi mở đường mà chạy.

Tống Phước Khuông, và Tống Phước Lương đem binh rượt đùa, bắt đặng bốn năm trăm quân hàng đầu, và nhung xa, chiến mã, khí giới lương phạn, bỏ lại dọc đường, chẳng biết bao nhiêu mà kể cho xiết.

Lúc bấy giờ Tư khấu Oai với mấy tướng, dắt nhau chạy về Saigon, quân sĩ còn lại chẳng đầy một trăm, Tư khấu Oai thấy vậy liền ngước mặt mà than rằng:

 – Thuở nay ta làm một viên chiến tướng, đề binh xuất trận, chẳng biết mấy phen, nhưng không khi nào thất tướng bại binh như trận nầy vậy,

Nói vừa dứt lời, thì trời đã rựng sáng, bỗng thấy một đội binh mã, ước chừng mộ trăm, ở mé rừng phía tây, bôn ba chạy tới.

Tư khấu Oai liền gò cương ngừng ngựa, đứng lại nhắm coi, ngỡ là binh giặc rượt theo, chừng chạy lại gần, té ra một tướng bộ hạ của Tư khấu Oai, bị thất trận lạc tướng, tới đây mới gặp, đó rồi cả hai đạo binh dắt nhau trở về Saigon một lượt.

Khi đi vừa tới, thấy trên các cửa thành đều cặm cờ của Đỗ Thanh Nhơn, thì rất sững sờ mà nghĩ thầm rằng: “Thành Saigon đã mất rồi sao? Mà cờ Đỗ Thanh Nhơn cặm đó?”

Kế thấy một người mặc giáp võ đằng màu xanh, lưng đai một cây bửu kiếm, đầu đội một mũ thanh cân, chơn mang một đôi võ hài đen, chung quanh có các tướng hộ tùy, xem diện mạo đường đường oai võ, đứng trên mặt thành kêu lớn nói rằng:

 – Tư khấu Oai, ta nói cho ngươi biết rằng: Thành nầy đã về tay ta rồi, ngươi hãy xem trên các cửa thành, đều cặm cờ Đông Sơn của ta hết cả, mà ngươi chưa chịu hạ mã qui hàng, còn đợi chừng nào?

Tư khấu Oai nghe nói liền gò cương ngừng ngựa, ngoảnh mặt trông lên, thấy người ấy là Đỗ Thanh Nhơn, thì thạnh nộ mà đáp rằng:

 – Chừng nào sông Saigon nầy cạn, thành Qui Nhơn kia tan, chừng ấy ngươi sẽ nói chuyện chiêu hàng cùng ta, bây giờ ta xin ngươi chớ hở môi, mà hao hơi mỏi miệng.

Nói rồi liền quày ngựa chạy đi, nhắm theo mé sông Saigon thẳng tới.

Đỗ Thanh Nhơn liền lên ngựa, kéo binh rượt theo, Tư khấu Oai giục ngựa chạy theo mé sông, bỗng thấy một chiếc chiến thuyền của Tây Sơn đương đậu dựa bờ, Tư khấu Oai liền bỏ ngựa, rồi nhảy ngay xuống thuyền, và bảo trương buồm, bọc gió, nhắm theo ngã sông Nhà Bè chạy tới.

Đỗ Thanh Nhơn thấy vậy cũng bỏ ngựa, cỡi thuyền rượt theo, khi gần tới đồn Tam Kỳ, Đỗ Thanh Nhơn liền lấy cờ Đông Sơn phất lên một cái, tức thì năm chục chiến thuyền ngữ tại ngã ba Nhà Bè đã giăng ngang qua sông, rồi áp lại vây thuyền của Tư khấu Oai mà bắt.

Lúc bấy giờ Tư khấu Oai như cá nọ mắc lờ, hùm kia phải rọ, sau thì Đỗ Thanh Nhơn rượt tới, trước thì thuyền giặc đón ngăn.

Tư khấu Oai thấy mình đã vào chỗ đường cùng thế bức, thì quyết đánh liều xả mạng quyên sanh, thà cam một thác cho tròn, chẳng chịu hàng đầu quân giặc, bèn lên đứng trên mui thuyền huơi thương đánh nhầu với các tướng của Đỗ Thanh Nhơn, rủi thất thế sa cơ, bị Đỗ Thanh Nhơn bắt đặng, dẫn về Saigon. Khi Tư khấu Oai vào tới viên môn, Đỗ Thanh Nhơn với các tướng lật đật ra trước nghinh tiếp, rồi Đỗ Thanh Nhơn bước tới và nói rằng:

 – Tướng quân là một người kiến thức cao minh, và thông tri thời vụ, nay đã sa cơ thất thế, binh bại thành vong rồi, tôi không nỡ lấy hình luật mà sát hại một người tài năng, võ dõng như tướng quân, vậy xin tướng quân giải giáp qui hàng, thì ngày kia tướng quân cũng đặng phong hầu tước vị, xin tướng quân nghĩ lại.

Tư khấu Oai nghe Đỗ Thanh Nhơn nói bấy nhiêu lời, liền cười gằn một tiếng, rồi nghiêm sắc mặt mà đáp rằng:

 – Ta chẳng phải là một đứa húy tử tham sanh, như mấy đứa nhát gan kia, mà ngươi phòng đem lời khuyến dụ, ta đã nói cùng ngươi rằng: Chừng nào sông Saigon nầy cạn, thành Qui Nhơn kia tan thì ngươi sẽ nói sự ấy cùng ta, bây giờ đây dầu ngươi nói gãy lưỡi, ta cũng chẳng thèm nghe đâu, ngươi hãy chém ta đi, đừng nói với ta mà uổng công vô ích.

Đỗ Thanh Nhơn khuyến dụ hết sức không được, rốt cuộc rồi phải đem ra trước vàm Bến Nghé mà xử trảm.

error: Content is protected !!