Theo lời anh hai nói thì chồng chị Bảy A không thể lậu diện ở Sài Gòn, dễ bị người khác làm khó; lại thêm chị Bảy nhớ mong đứa con trai nhỏ còn ở quê nhà nên ba người vội vàng gói ghém đồ đạc về quê, không hẹn ngày trở lại. Ngoài việc ở chung bấy lâu có tình cảm thì chị Bảy A về quê rồi không ai đi cùng với Liên. Cô phải hứa hẹn với má Ngọc rất nhiều lần rằng mình sẽ không đi đâu xa, không về trễ thì mới được lái xe ra khỏi nhà.
Một tuần trôi qua an ổn. Chuyện bên hãng chừng như đã dịu xuống, ba Hoài tuyển thêm thợ để làm đơn hàng cho dịp Tết. Anh hai cũng trở xuống Tân Châu. Ai nấy đều bận rộn, ngó qua ngoảnh lại thì cũng sắp tới Tết rồi. Vợ chồng Ba Thanh đúng hẹn, cuối tháng mười lên tới Sài Gòn. Dượng ba qua hãng dệt Chánh Hưng làm việc, em Thanh phụ má buôn bán ở tiệm vải Long Hồ. Em ấy đã từng làm buôn bán ở nhà nên rất lanh lẹ, chỉ khác là khách hàng ở Long Hồ khác khách ở Sài Gòn. Mấy ngày đầu, em ấy gặp khách ngoại quốc thì líu lưỡi sút tay khiến mọi người nghe kể lại mà cười không dứt.
Em Thanh cũng kể chuyện của cha mình ở Mỹ Tho. Thì ra, không phải là chú ấy bị lừa gạt gì mà chính vì người đờn bà sau này đã mang bầu, còn nói chắc là sẽ sanh con trai nên chú ấy mới ‘’lập lờ’’ để cho bà ta đứng tên trên bằng khoán ngôi nhà. Nói rằng ‘’lập lờ’’ là vì chú ấy biết chuyện này sẽ thành một vụ kiện, chú ấy đương kiếm cớ kéo dài … chắc là cho tới khi người kia sanh con mới dứt.
Má Ngọc nghe xong thở dài than vãn.
– Đờn bà … có tính toán thế nào cũng thua trí đờn ông đa! Một khi họ không tình không nghĩa thì thôi cho rồi.
Em Thanh rờ lên bụng mình, cười khổ nói.
– Cha con ham có con trai, sao con thấy … hỏng chắc gì …
Em ấy bỏ lỡ câu nói giữa chừng vì không nỡ nói điều gở cho cha mình. Lòng hiếu thảo đó chú tư đâu có nghe có biết.
Mong có con trai nối dõi dòng họ không phải chỉ riêng mình chú tư mà người đờn ông nào cũng vậy, má Ngọc và dì Tư đã từng thấy nhiều gia đình oan trái hơn nhiều vì chuyện ‘’kiếm con trai’’ nên không có chỉ trích chú tư. Liên vẫn ác cảm với chú nhưng cô không biểu lậu quá rõ ràng. Dẫu sao thì mỗi người mỗi cảnh, đâu ai dám chắc là tới bảy mươi tuổi vẫn chưa làm điều gì trái lương tâm.
Vào nửa sau tháng mười này Liên có một chuyến đi lên miệt vườn Sông Bé để dự đám cưới của một cô bạn học. Tiếc là Thu Hòa không thể đi chung, nhóm bốn người chỉ còn ba mà Bích Hảo lại chẳng vui vẻ lắm cho nên cả chuyến đi lẫn về đều hơi gượng gạo. Chỉ có lúc ở nhà cô dâu, gặp lại nhiều bạn bè nên cảm giác đặc biệt xúc động.
Mấy cô gái được học trường Tây ở Sài Gòn đều là con cháu những gia đình khá giả. Sau khi rời trường học về nhà liền coi như trưởng thành, giống như Laurent và Liên, họ cũng tham gia vào công việc nhà. Người lấy chồng sớm lại càng phải mau chóng học cách quán xuyến nhà cửa, biết cách kiếm tiền và xài tiền. Thế nên câu chuyện giữa các cô gái thay đổi nhiều so với lúc còn học. Liên ngạc nhiên vì có mấy cô bạn hiếm khi nói chuyện trong suốt ba năm học, vậy mà chỉ vài tiếng nói chuyện trong tiệc cưới đã trở nên thân quen hơn rất nhiều.
Laurent với Liên tận dụng cơ hội gặp gỡ này để giới thiệu mấy món đồ mình bán. Không ngờ chính cô dâu, người ở tuốt miệt Sông Bé cũng nghe tiếng tiệm thời trang Les Roses của hai người. Cả hai càng tận lực giới thiệu và quảng bá đồ nhà mình, cho tới lúc chia tay thì Liên đã bán đặng vài món đồ rồi. Quan trọng hơn nữa là những lời giao ước giữ mối liên hệ bền lâu. Tất cả đã lớn, hiểu biết nhiều hơn về các mối quan hệ xã giao, từ sơ giao tới thâm tình đều cần được vun đắp. Họ không chỉ nói suông như lúc bãi trường năm trước, mà thực lòng muốn kết giao.
Cửa tiệm Les Roses có thêm vài khách hàng mới, tuy khoản thâu vô chưa đủ chi phí nhưng Liên và Laurent không còn nản lòng nữa. Sắp tới Tết rồi, lại thêm việc thương xá chuẩn bị trang hoàng lộng lẫy đón Giáng sinh, khách tới đông thể nào họ cũng bán thêm để bù lỗ.
Hôm nay là mười bốn tháng mười, rằm Hạ Nguyên nên má Ngọc sẽ lên chùa cúng dường vào buổi chiều. Liên thay má ghé tiệm vải Long Hồ coi sổ sách. Trăng mười bốn tròn vành vạnh tiếc là vẫn không sáng bằng dãy đèn mới lắp ở cuối đường, chỗ khách sạn Majestic. Liên rùng mình một cái, chắc là vì có cơn gió lạnh thổi qua. Anh ba Hảo tiễn cô ra tới tận cửa xe. Anh ba vừa quay lưng định trở vô trong tiệm thì có bóng người vọt tới, giựt mạnh cửa xe.
– Nè, nè …
– Tao đi nhờ một đỗi không đặng sao?
Liên và anh Ba Hảo nhận ra người chạy tới là dì Út Hậu nhưng anh ba vẫn đứng cản phía trước Liên. Dì Út Hậu ăn vận khác hơn mọi ngày, rất tươm tất và sạch sẽ.
– Làm gì, tao là dì m… của cháu đó. Lỡ xe điện rồi, cho dì đi nhờ về Khánh Hội … đi mà!
Liên nhíu mày vì giọng điệu của dì Út rất lạ lùng, không sẵng như những lần trước nhưng cũng chẳng tử tế lịch sự gì hết. Liên có cảm giác như dì đương giả bộ, ừm, hẳn là giả bộ tử tế với cô.
– Để tôi kêu xe cho dì về. Tôi không rảnh chở dì đâu! Anh ba,
Anh Ba Hảo có cùng ý nghĩ với Liên. Ảnh sẽ không để Liên chạy xe một mình qua khu vực Khánh Hội vào giờ này.
Trong lúc chờ anh ba kiếm xe, dì út ngắc ngứ nói cho Liên hay rằng dạo này dì làm thợ phụ trong tiệm làm tóc gần đây, chuyên làm cho mấy bà đầm với mấy cô đào. Dì kể họ sang trọng và xinh đẹp ra sao, còn hay cho dì thêm tiền vì ‘’phục vụ’’ tốt. Trong bóng tối, dì út không thấy Liên nhướng mày khi nghe dì nói hai tiếng ‘’phục vụ’’, đúng là rất lạ. Từ khi nào thì dì út hiểu rõ phục vụ thế nào vậy! Chỉ bằng thái độ của dì với nhà họ Châu, người đã cho dì tới ở nhờ, cho dì công việc mà không hề so đo thì không biết ai ‘’xứng đáng’’ cho dì phục vụ? Cũng có thể, đối với dì út thì đưa tiền mới tính là tốt, còn những thứ khác đều không cần thiết.
Đường Catinat lúc này hơi đông người, xe ngựa qua lại đều đã có khách nên đã qua gần mười phút rồi mà chưa đón được xe. Anh Ba Hảo nói.
– Hay là dì chờ chút rồi đi xe một lượt với tôi. Để cô Ba về nhà trước, trễ rồi!
– Xí, nó mới là cháu tôi. Anh là ai chớ! Sao tôi phải đợi anh!
Coi ra, dì út nhứt quyết muốn lên xe cô, là vì nguyên do gì? Vì tiền sao? Liên bất giác siết chặt tay nắm cái cặp da bên người. Dạo này lượng hàng ra vô nhiều, tiền bạc trong ngày của cả ba cửa tiệm lớn, chiếc cặp căng phồng lên dễ gây chú ý.
Rốt cuộc anh Ba Hảo cũng nhờ được một chiếc xe bò tới rước người làm trong hẻm cho dì út quá giang tới bãi xe bò gần chợ Cầu Ông Lãnh. Dì út vừa lên xe người ta vừa càm ràm, không quên ‘’kể xấu’’ về Liên, đứa cháu gái bất nghĩa của dì. Liên cảm ơn anh ba rồi lên xe. Cô cẩn thận để cặp da ở góc khuất của ghế ngồi rồi mới đạp ga, cho xe chạy dọc đường Catinat về nhà.
Liên không coi trọng việc chặn đường đón ngỏ của dì út cho tới khi dì tìm cô lần thứ ba, lần này là ở bên dưới thương xá. Theo lẽ thường, dì út đã có thể đi bộ từ chỗ làm của mình tới thương xá thì tại sao không đi thẳng ra bãi xe bò bên kia luôn mà lại ‘’tình cờ’’ tới đúng lúc cô ra về rồi đòi lên xe quá giang?
Liên kéo dì út vô góc khuất, hỏi.
– Dì muốn gì thì nói đi?
– Muốn gì đâu? Đi nhờ xe không đặng hả?
– Xì,
Liên phì cười rồi quay lưng, cô thử mặc kệ dì coi sao thì quả nhiên … dì út gấp gáp nắm cánh tay cô nói.
– Dì hết tiền rồi,
– Chẳng phải dì dượng đều đi làm, còn nhận tiền boa đó sao,
– Xí, có đặng bao nhiêu đâu, không đủ …
– Tôi không có.
Liên nói dứt khoát, giằng cánh tay ra muốn rời đi. Dì út lập tức lớn tiếng la lên, vẫn là giọng điệu kể lể thường khi. Tiếc là dì út vừa nói mấy tiếng đã thấy ba người đi thẳng tới chỗ hai người. Người đi giữa lên tiếng.
– Liên, gì vậy em? Ai làm quấy em à?
– Dạ,
Liên nghe tiếng Bình Hướng thì hơi ngượng ngùng, cô không muốn anh chứng kiến cảnh nhà lộn xộn của mình. Nhưng mà đây là thương xá, cô muốn Nguyễn gia và anh không biết là không thể nào!
Dưới ánh đèn, dì út nhận ra hai người theo sau kia vận cảnh phục, bộ dáng của người có võ. Dì út vội buông cánh tay Liên ra, theo bản năng tránh xa ra một góc, miệng vẫn không quên phân trần.
– Tôi là dì n … của cổ. Tôi chỉ … quá giang một đỗi!
– Được.
Bình Hướng dứt khoát đồng ý làm Liên và Út Hậu giựt mình. Thì ra anh đã tính toán xong xuôi, cũng rất đơn giản. Quan trọng là anh không muốn nhiều người chú ý tới chuyện của Liên. Lúc lên xe, Liên buộc phải kể anh nghe hai lần quấy rầy trước rồi nói ra nghi vấn của mình.
– Dì út không thể nào làm thợ ở tiệm tóc đâu. Em biết tánh tình của dì … chỉ là không biết sao dì lại lảng vãng quanh đây. Dì cũng không thích ở …, nói là hết tiền thì sao ăn vận rất tốt. Theo lẽ thì dì sẽ cầm hoặc bán hết đồ … à, em nghĩ …
– Em cứ nói vậy sao anh hiểu!
Tuy Bình Hướng nhăn mày nhắc nhở Liên nhưng trong giọng nói có chút vui vẻ và cưng chìu. Anh biết cô e ngại nói chuyện xấu nhà mình nhưng cô đã không giấu diếm gì, đây là việc tốt! Thực ra, anh đã đoán ra một phần câu chuyện và nghi nan trong lòng Liên rồi. Anh nghĩ sẽ thay cô tra rõ chuyện này.