Chương 101: Người đờn bà từ quá khứ

Dì Út Hậu làm loạn một hồi, khi cả nhà rời đi thì trời đã sụp tối. Những người ở lại nhìn theo hai bóng dáng nhỏ xíu chạy lon ton phía sau mà mủi lòng. Trong nhà đã lâu không có con nít, hai đứa nhỏ không phải quá ngoan ngoãn hay dễ dạy nhưng vẫn còn nhỏ, vẫn thường cười nói lanh lảnh, nhảy nhót tung tăng khiến người ta quên đi rất nhiều phiền muộn.

Thiếm tư chắt lưỡi nói với em Thanh.

– Chuyện người lớn làm mà tội hai đứa nhỏ, theo đó rồi ăn ngủ ở đâu, thiệt là …

Má Ngọc có mủi lòng nhưng nhìn lại Liên thì bà dứt khoát quay người, kéo cô vô nhà trong. Con gái mà bà cưng chìu bao năm nay, một lời nói nặng còn chưa có, sao có thể để người ta khi dễ ngay chính trong nhà mình.

– Con lên rửa mặt thay đồ rồi xuống ăn cơm!

– Dạ.

Má Ngọc còn vói tay vuốt lưng Liên an ủi mấy lượt rồi mới để cô đi. Thực lòng thì Liên không quá đau buồn chuyện của dì Út, cô không có cảm giác tình thân hay quyến luyến từ khi gặp lại dì; ngược lại dì Út chỉ muốn tiền của cô, không hề thương tiếc cho đứa cháu mồ côi cũng không lạ. Người ta hay nói ‘’bánh ít đi, bánh quy lại’’ là lẽ thường, cô đã không thương dì thì dì ấy cũng chẳng mến cô, vậy thôi!

Tuy nhiên, Liên hơi hoảng lúc dì đột nhiên xông tới, rồi ngỡ ngàng vì bị mắng chửi thô tục. Lời nói làm người ta đau hơn cả cái tát tay, đúng là vậy. Dì Út nói cô sống giàu sang lên xe xuống ngựa nên khinh khi, ghét bỏ người thân ruột thịt nghèo khổ. Cô có đúng là người vậy không?

Liên mở cửa vô phòng, tới phòng tắm, cúi mặt xuống rồi hứng nước trong lòng hai bàn tay hất mạnh lên mặt mình. Nước lạnh làm cô tỉnh táo hơn. Cô nhìn vào kiếng, tự hỏi lại mình lần nữa. Phải chăng cô không thích dì Út vì dì ấy nghèo khó, dữ dằn, ham mê bài bạc và còn vì dì ấy đã không trở lại thăm cô một lần nào trong những năm qua?

Lúc ba má qua đời, cô biết mình còn một người dì ruột nhưng cô chưa hề nhắc tới. Sau khi tỉnh dậy từ chuyện đời trước, cô vẫn không hề muốn tìm dì. Có lẽ vì lần cuối cùng cô gặp dì là lúc má Phước và dì cãi nhau, dì mang theo hết của cải ông bà ngoại để lại rồi bỏ đi biệt xứ. Trong lòng cô biết rõ, dì không hề quyến luyến thân tình, thế nên cô cũng trả lại bằng sự lạnh lùng, xa lạ.

Liên khỏa nước lên mặt lần nữa, gạt đi những ý nghĩ vụn vặt khác. Cô không hề có ý qua lại với dì Út từ trước khi biết dì sống trong cảnh gian nan lận đận. Khi biết rồi thì cô không hề cảm thông bởi đó là dì chọn lựa, không ai ép buộc, cũng không thể đổ thừa cho hoàn cảnh đưa đẩy mà thành ra vậy.

Cộc, cộc.

Liên nghe tiếng gõ cửa bên ngoài liền vội vàng lau khô mặt, vuốt lại tóc rồi đi ra. Anh hai dựa người lên tường, lơ đãng nhìn Liên nói.

– Xuống ăn cơm. Khóc à,

– Đâu có.

– Sao mắt sưng đỏ kìa!

– Làm gì có,

Liên vừa nói vừa đưa hai tay quẹt quẹt mắt. Lúc cô nghe tiếng anh hai cười khì khì mới biết mình bị gạt. Cô nhăn mặt, bất đắc dĩ nói.

– Anh còn chưa tắm, ở đó mà hối em!

– Ờ, giờ anh đi tắm. Để coi ai xuống nhà trước, một chầu cà phê, cá không?

– Hứ, ai thèm!

Liên vừa nói vừa đẩy lưng anh hai về phía cầu thang. Cô sẽ gác lại cảm xúc về mối quan hệ với dì út, mai mốt rồi nghĩ tới vẫn không muộn. Mọi người trong nhà đã mệt mỏi rồi, không cần phải vì cô mà lo lắng thêm nữa.

Lúc ăn cơm, ba Hoài nói muốn tới hãng vào ngày mai. Lần này thì không ai lên tiếng ngăn cản nữa. Thiếm tư sẽ về Long Hồ trước vì chỉ có mình em Thủy ở nhà, thiếm không yên tâm. Vợ chồng Ba Thanh ở lại thêm vài ngày. Liên không nghe nhắc tới vụ kiện của chú tư ở Mỹ Tho. Cô đoán chắc ban ngày mọi người đã bàn tính xong rồi nên cũng không hỏi.

Liên không nghe anh hai nói sẽ đi đâu sau giờ cơm, còn nghĩ là bữa nay ảnh ‘’hiền’’ dữ. Ai dè cô phụ dọn dẹp chén đũa xong thì ba Hoài biểu.

– Pha cho ba ly cà phê, đem vô thơ phòng.

Liên thấy anh hai đã đi trước vô đó liền biết là ba má có chuyện muốn nói, ngoài chuyện dì Út thì còn có chuyện khác nữa sao?

Phòng làm việc hơi nhỏ cho bốn người, Liên thấy anh hai đứng dựa cửa thì đặt ly cà phê lên bàn rồi bước lui đứng song song với ảnh qua cánh cửa. Ba Hoài nhìn anh hai gật đầu ra hiệu.

Hai Liêm nhìn Liên một cái, kể lại vắn tắt chuyện anh Bảy Hùng cùng vài đàn em dò la tin tức, tìm kẻ phóng dao hôm nọ.

– Bắt đặng y rồi,

Liên chăm chú nghe tiếp, cô biết phía sau còn có tin tức khác nữa.

–  Y khai … dì dượng Út cùng phe với y. Muốn gây rối để hãng không thể chạy. Có người muốn thâu tóm hãng dệt.

Chuyện phía sau thì Liên đã đoán đặng rồi, chỉ có việc dì dượng Út khiến Liên bất ngờ, cô hỏi.

– Có liên quan tới chú Tư không?

Hai Liêm nhếch khóe môi, hất cằm về phía ba Hoài. Ông đằng hắng rồi mới nói.

– Chú … thông qua một người khác để sai khiến Út Hậu.

– Ai vậy ba?

– Bà ta, bà Lâm Thị Tứ chớ ai!

Liên chớp mắt nhìn má Ngọc, giọng nói của má cao rất bất thường. Ba Hoài vội vàng nói tiếp như muốn chặn lời má Ngọc. Phản ứng của hai người làm Liên ngẩn ngơ, đây là lần đầu tiên cô thấy cảnh ba má ‘’lườm, nguýt’’ nhau như vầy.

– Trước lúc con về, ba má cũng định bàn với con, không để dì dượng Út tiếp tục làm trong hãng nữa. Con biết đó,

– Dạ, con biết.

– Ờ, định tìm đường khác cho hai người sinh sống. Không ngờ dì Út Hậu lại … thôi thì, họ đi càng sớm càng yên thân, bằng ở lại đây sẽ chịu liên lụy nhiều hơn. Đợi sau này an ổn rồi thì con tìm dì … nối lại thân tình ruột thịt, con thấy đặng không?

Giọng ba Hoài ngậm ngùi, Liên bất giác xúc động. Cô đi ngang qua phòng, tới dựa lên cánh tay ba nói nhỏ.

– Con biết ý ba mà! Con thay dì xin lỗi ba má,

Má Ngọc cũng bước tới, vuốt tóc cô an ủi.

– Nói cái gì lỗi phải … thôi, không có nhõng nhẽo, lớn rồi!

Liên chưa kịp đứng thẳng người thì ba Hoài đã nghiêng vai, quay đầu nhìn cô hỏi.

– Con nhờ cậu hai kỹ sư thả dì dượng Út à?

Liên ngẩn người giây lát, không biết ba đương nói tới ai thì anh hai lên tiếng.

– Là Nguyễn thiếu gia, Nguyễn Bình Hướng đó. Anh nghe đám lính ở đồn Chợ Quán nói cậu hai biểu họ thả, bằng không thì mấy ngày nữa dì dượng Út mới được tha lận.

Liên vừa lắc đầu vừa xua tay liên tục, tỏ ra mình vô can.

– Từ bữa cậu hai kỹ sư tới thăm ba về rồi con chưa gặp lại mà. Con đâu có nhờ cậy … không nên nhờ mà.

– Ờ, con biết vậy là tốt. Nếu như mình còn cách khác lo liệu thì đừng nên nhờ vả … nhà mình so với người ta … cách xa lắm, con biết chớ? Làm ăn kinh dinh thì đặng, còn cái khác thì không nên …

Liên cúi mắt nhìn xuống sàn, một bàn tay không bị má Ngọc vịn bất giác siết chặt vạt áo. Cô hiểu ý ba Hoài nói, cũng biết lời ba là sự thực. Nhưng cô lúng túng và căng thẳng bởi không biết trả lời ra sao. Cô không thể nói rằng mình chỉ lợi dụng anh Bình Hướng vì mục đích riêng, cũng không thể gật đầu nghe theo lời ba, mà lắc đầu phản đối thì cô không dám.

Má Ngọc thấy cô không lên tiếng thì giảng hòa.

– Được rồi, để sau đi. Cả ngày nay con nó mệt mỏi rồi. Ông cũng mệt, nghỉ sớm …

– Ba, chuyện bà Tứ là sao? Bà ta quen biết chú Tư ra sao để còn biết đường mà dò hỏi,

Má Ngọc chưa nói hết câu thì anh hai ngắt lời, nhắc lại chuyện dở dang ban nãy. Anh hai và Liên đều cảm thấy ba má quen biết người đờn bà này nhưng lại không muốn nhắc tới.

Quả nhiên, vừa nhắc tới người này, má Ngọc lại trở giọng chanh chua ngay lập tức.

– Quen chớ, không những chú tư quen mà ba bây cũng quen. Thân thiết lắm đa, mấy chục năm rồi mà vẫn còn nhớ đó,

– Bà cũng biết là mấy chục năm rồi mà còn … còn …

– Còn sao?

Ba Hoài coi bộ nói không lại, không muốn hai đứa con nghe thấy chuyện không nên nghe nên xua tay biểu hai đứa đi đi. Anh hai đứng thẳng người, mở cửa cho hai anh em. Trước khi ra khỏi, anh nói vọng lại.

– Sáng mai ba nói tôi nghe coi muốn tìm bà Tứ thì tìm ở đâu. Không thì mất thời giờ lắm đa!

Liên đứng bên ngoài nháy mắt với anh hai, ý là cô cũng muốn biết chuyện của bà Tứ thế nào. Anh hai cười cười rồi đắc ý nói.

– Vậy thì em cũng phải nói coi em với cậu hai kỹ sư kia là thế nào với nhau? Lúc anh không có …

– Gì chớ! Gì mà với nhau! Em đi ngủ.

Liên cắt ngang lời anh hai rồi chạy nhanh tới chưn cầu thang mất dạng.

Hai Liêm cũng giựt mình, may mắn Liên không nghe rõ ý tứ trong mấy lời sau cùng vừa rồi. Anh không nên để cảm xúc lấn át suy nghĩ, chuyện ở hãng dệt vẫn chưa xong, sợ là thời gian tới sẽ gặp thêm rắc rối khác. Trước đây có chú Tư nên ông già cứ lần khần không dứt khoát. Nay lại xuất hiện bà Lâm Thị Tứ, là người khiến cả ông già, bà già đều e ngại; e rằng anh càng vướng chưn tay hơn. Mấy chục năm rồi, người đó còn quan trọng tới vậy sao?

error: Content is protected !!