Má Ngọc với Liên nói chuyện kiện cáo của chú Tư ở chợ Mỹ Tho cho ba Hoài nghe. Ba nghe xong, ăn cơm xong không nói gì hết mà trở qua dặn chuyện ngày mai ba sẽ qua hãng. Má Ngọc với Liên đều không chịu. Lúc Liên thay băng gạt ở sườn phải của ba thì cố tình để nước thuốc đỏ dây ra rồi chỉ má Ngọc coi. Má hít hà rồi xụ mặt, bắt đầu cằn nhằn ba còn gạt bà nói không sao. Liên làm ngơ cái trừng mắt của ba, dọn dẹp các thứ rồi bưng mâm cơm xuống nhà dưới.
Cả ngày hôm nay mọi người đều mệt, lại thêm ba với anh hai bị thương nên ai nấy đều tranh thủ dọn dẹp rồi đi nghỉ. Liên nhìn đồng hồ, mới hơn tám giờ mà phần lớn ngôi nhà đã chìm trong bóng tối. Tuy vậy, cô biết anh hai và cậu Tư Tấn vẫn còn trong thơ phòng. Liên nghe tiếng nói chuyện bên trong, gõ nhẹ cánh cửa khép hờ rồi mới đẩy nó mở ra.
Trong phòng nồng nặc mùi thuốc lá, Liên hơi bất ngờ vì có chồng chị Bảy A nữa. Anh hai dụi điếu thuốc trên tay rồi vói tay ra đẩy hai cánh cửa sổ mở rộng, xong rồi quay lại hỏi.
– Sao còn chưa ngủ, xuống đây làm gì?
Liên nhìn nhanh ba người một vòng rồi nói thẳng.
– Em muốn biết người phóng dao trúng ba là ai? Do ai sai tới? … Có đúng như em suy đoán hay không.
Cô hơi ngập ngừng mới nói ra câu cuối.
– Em đoán là ai?
Hai Liêm nhếch khóe môi, theo thói quen muốn châm điếu thuốc khác nhưng ngừng lại, tay cầm cái hộp quẹt xoay xoay, buông lỏng hai chưn dài chờ cô trả lời.
– Em … em muốn có bằng chứng rồi mới hành … mới tính tiếp.
Tư Tấn không kiềm đặng cái miệng của mình, vọt nói ra trước khi suy nghĩ.
– Cô Ba muốn làm gì, để tôi làm cho!
– Làm cái gì mà làm!
Hai Liêm nạt ngang rồi quay qua bực bội với Liên.
– Đã nói em không được xen vô!
– Anh không được gạt em ra ngoài. Em nhứt định phải làm gì đó, nhứt là dính líu tới Mathieu. Hứ, anh mà muốn biết về y thì phải cần tới em đó.
– Vậy hả? Vậy sao hồi chiều ai sợ hoảng hồn. Như chuột thấy mèo, chuồn mất dạng!
– Làm gì sợ! Em chỉ thấy ghét! Giả mèo khóc chuột! Mình cũng phải là chuột!
Ba người trong phòng nhìn biểu cảm trên gương mặt Liên không khỏi cảm thán, đúng là cô gái, thương ghét lậu ra hết rồi! Nếu như trước mặt là đối thủ thì khác nào lậu điểm yếu ra cho người ta biết. Thua là cái chắc, còn tính toán hay hành động gì nữa!
– Cô Ba tính đem lính mã tà tới nữa sao?
– Anh Bảy!
Hai Liêm trầm giọng nhắc nhở Bảy Hùng trong khi Liên ngạc nhiên vì sự khinh bỉ và giận dữ trong câu nói vừa rồi. Cô mới gặp Bảy Hùng tối qua, đây là lần đầu tiên hai người chính thức nói chuyện. Vậy thái độ này là vì cô đã cầu cứu bác Phó Trần tới nên làm lỡ chuyện trong hãng. Cô đã nghĩ là chuyện ở hãng tối qua là do anh hai làm nên chỉ phàn nàn riêng với ảnh, nhưng nếu là do Bảy Hùng dẫn đầu thì chuyện lại hoàn toàn khác. Bất kể là ai, với nguyên do gì cũng không thể khiến ba Hoài gặp nguy hiểm, gây bất lợi cho hãng dệt. Cô không cho phép điều đó.
Liên nhíu mày, quay người đối mặt với Bảy Hùng.
– Nếu không có lính tới, ba tôi sẽ ra sao? Từ đầu họ đã nhắm vào ba tôi, ông nghĩ sẽ có chuyện gì?
Gian phòng thoáng chốc trở nên lạnh lẽo và ngột ngạt, gương mặt trắng trẻo của cô gái lạnh như băng, ánh mắt như thiêu đốt người đối diện.
Hai Liêm đẩy ghế đứng dậy, chắn giữa hai người đương lạnh lùng đối mặt.
– Liên, em hiểu lầm rồi! Anh Bảy … không ưa lính mã tà.
Hai Liêm vừa nói vừa nhìn Bảy Hùng ra hiệu để anh tránh xa một chút rồi quay lại nhìn Liên. Khóe môi anh bất giác nhếch lên, bàn tay ôm lên bả vai bị thương, giả bộ nhăn mặt nói.
– Anh mệt rồi, có gì mai mốt nói tiếp, nghe?
Nãy giờ Tư Tấn vẫn nhìn trân trân nét mặt lạnh lùng khác lạ của Liên, sực tỉnh thần cười giả lả tiếp lời.
– Anh hai mệt rồi đa! Về thôi, anh Bảy!
Tư Tấn đẩy ghế ồn ào, mở cửa cái két rồi giậm gót giày cộp cộp rời đi. Bảy Hùng lặng lẽ theo sau. Cả hai ra khỏi cửa còn nhìn lại hai người trong phòng rồi mới đi thẳng ra sân. Trước khi lên xe, Tư Tấn dựa cửa thở ra một tiếng dài, lẩm bẩm.
– Đúng là đờn bà con gái chỉ ra vẻ dịu dàng vậy thôi. Tới chừng giận lên thì chẳng khác gì … bà-la-sát hết! Anh Bảy thấy đúng không?
Bảy Hùng không trả lời, khoát tay một cái liền mất hút ở vách tường.
Hai Liêm khép lại cửa phòng rồi ngồi trở lại cái ghế của mình, nhìn Liên một hồi thì bật cười rồi lắc đầu.
– Ngồi xuống đi. Ba bị thương là lỗi của anh. Anh sẽ bắt kẻ phóng dao, tra rõ ràng rồi nói với em, đặng chưa? Đừng có giận nữa,
Liên ngồi xuống ghế, nhìn băng gạt trắng gồ lên trên bả vai Hai Liêm rồi nói.
– Anh Bảy đó … rõ ràng em thấy ảnh,
– Có nghe chuyện mấy người đi làm cao su ở miệt Bình Dương, Trảng Bàng chưa?
– Anh tìm thấy anh Bảy trên đó hả?
– Ờ, cũng gần như vậy!
Tuy Liên chỉ quanh quẩn ở nhà và tiệm may nhưng mấy chuyện bên ngoài cũng có nghe thấy, rồi dì Tư và mấy chị thợ may cũng hay nói với nhau.
Người ta vẫn hay nói:
‘’Cao su đi dễ khó về,
Khi đi trai tráng, khi về bủng beo.’’
Mới hồi tối này, lúc nhắc tới chuyện dì dượng Út Hậu bị tạm giam thì thiếm tư đã kể chuyện vài người ở gần nhà dưới Long Hồ. Họ cũng mê bài bạc rồi nợ nần, bán nhà cũng trả không hết nợ nên phải bỏ xứ mà đi. Họ đi đâu ư? Người thì trốn chui trốn lủi, tìm tạm việc gì đó kiếm cái ăn; có khi quay lại bài bạc tiếp, lần hồi thì trở thành kẻ không nhà, không nghề rồi sanh ra trộm cắp, bị bắt bớ hoặc là trốn tới chỗ khác nữa, xa hơn và heo hút hơn và sau cùng là tới mấy đồn điền cao su ở nơi hẻo lánh nhứt.
Có người thì bần cùng ở chính trên đất quê mình nên muốn tìm nơi khác làm ăn. Họ chưa từng học qua nghề gì, tới nơi xa lạ thì chỉ có thể làm những việc nặng nhọc, lao khổ. Người muốn nhàn hạ hơn thì sẽ tìm tới mấy đồn điền cao su miệt Bình Dương hay Trảng Bàng, Tây Ninh.
Các đồn điền cao su luôn thiếu người là vì công việc ở đó rất đặc thù, nói nặng cũng không tính là nặng nhọc nhưng sẽ chẳng dễ dàng gì. Đất rộng mênh mông chỉ toàn cây cao su, người làm phải chăm sóc và cạo mủ cao su từ sáng tới tối, toàn đi bộ, mang vác bằng sức người, ăn uống kham khổ. Đặc biệt là khí hậu vùng trồng cây cao su thường không thích hợp cho người ta ở lâu, thể nào cũng sanh ra đủ thứ bịnh, chẳng có thuốc men chữa trị thì con người sẽ mệt mỏi, xanh xao không cách nào hồi phục.
Liên nhớ chồng chị Bảy A đã từng có lệnh bắt giam nên mới trốn đi thoát ly. Có lẽ anh Bảy đã dạt tới nơi đó. Nhưng mà Liên thấy anh Bảy rất tráng kiện, đâu có giống như lời người ta kể về những người từng làm việc ở đồn điền cao su.
– Anh tìm thấy anh Bảy lúc ảnh trốn người giám sát đồn điền. Tưởng ảnh trầm tĩnh nhưng khi đụng chuyện rất nóng nảy … gây ra nhiều … hiểu lầm.
Hai Liêm thấy Liên bĩu môi giả như còn giận thì cười nói tiếp.
– Tụi lính mã tà dồn ảnh vào đường cùng mấy lần rồi. Ừ, ảnh không trả đũa mấy phen. Ảnh vẫn dùng tên giả đó, cho nên hễ ảnh thấy tụi lính thì không đánh không đặng. Anh … trước đây anh cũng vậy!
Hai Liêm ngừng lời, cân nhắc một lát rồi nhìn Liên chậm rãi nói cho cô biết sự thực về thời cuộc.
– Không phải ai cũng là con gái ruột ông Phó sở Cảnh sát, hay là bạn của con gái ông Phó. Em hiểu không?
Liên dựa người ra lưng ghế, cô hiểu ý anh hai vừa ám chỉ.
Đây là lần đầu tiên anh hai nói ra quan điểm của mình, sự khác biệt giữa những người không cùng chung giai tầng trong xã hội.
Tối hôm qua, khi cô đoán ra anh hai đang che giấu cho ai thì cô đã thầm than thở, cô không muốn chọn lựa, không muốn phân biệt bên này bên kia. Bây giờ anh hai lại nhắc tới, có phải ảnh muốn biết lập trường của mình? Muốn mình chuẩn bị tinh thần trước?
– Nhăn nhăn cái gì! Đi ngủ đi, anh sẽ sớm cho em câu trả lời. Mà em cũng phải nói ra suy đoán của em.
Liên đứng dậy, gật gật đầu rồi ra cửa. Cô quay lại định kêu anh hai nghỉ ngơi thì có tiếng chuông điện thoại. Hai Liêm nhấc ống nghe lên, đưa mắt liếc cô rồi khoát tay biểu cô đi. Liên cũng không muốn nghe lén điện thoại riêng tư của anh hai nên rời đi. Cô không chú ý thấy biểu cảm lạ lùng của Hai Liêm khi nghe người bên kia đầu dây nói. Họ cũng không nói nhiều, chỉ hẹn gặp nhau vào ngày mai rồi thôi, thế nhưng cuộc hẹn này khiến Hai Liêm bất an, thao thức cả đêm.
Ở bên kia bức tường thấp, Bảy Hùng nương theo bóng tối về tới gần cửa phòng của mình thì dừng lại, dựa người trong góc khuất, châm điếu thuốc, rít mấy hơi để tâm trí bình tĩnh lại. Vợ anh đã kể sơ qua chuyện gặp gỡ cô Ba Liên ra sao, còn có mấy lần trải qua nguy hiểm thế nào. Anh vẫn có lòng biết ơn cô Ba đã giúp đỡ vợ con mình nhưng rốt lại vẫn là một tiểu thơ trẻ tuổi kiêu ngạo. Thiệt không ngờ cô Ba Liên cũng lớn gan lớn mật. Người dám đối mặt, lạnh lùng lên giọng với Bảy Hùng không nhiều. Phần lớn những kẻ đối nghịch dám làm vậy đều bị bại dưới tay ông; phần còn lại sẽ trở thành ‘’anh em’’ với Bảy Hùng, giống như Hai Liêm vậy.
Nói thiệt, Bảy Hùng đã gần bốn mươi tuổi, gần gấp đôi tuổi Hai Liêm mà cả hai xưng anh xưng em vậy là điều hiếm thấy. Chẳng qua Bảy Hùng nể vì tài nghệ và tánh khí hào phóng của Hai Liêm nên mới theo về đây. Chuyện ở hãng dệt hôm qua đúng là bọn họ có sơ hở làm cho ông Châu Hoài bị thương. Tối qua tới giờ họ ráo riết tìm kiếm kẻ phóng dao kia để tìm ra đầu sỏ sai khiến, không nghĩ tới cô Ba Liên nói hai ba câu đã đụng trúng chỗ thẹn của họ, còn nhắc tới đám lính mã tà kia khiến anh không giằng nổi cảm xúc.
– Sao vậy, bên kia có chuyện gì à?
Bảy A nghe tiếng bước chưn bên ngoài, dừng lại lâu vậy mà không vô phòng chắc là có tâm sự gì đó. Chị ra ngoài, đúng như dự đoán, chồng chị đương rít thuốc liên tục.
– Không có gì, bị một đứa nhóc làm cho tức giận.
– Ai? Cô Ba Liên hả? Sao mà … cổ thường ngày rất tốt tánh, không nặng lời với ai,
– Em rất ưa cổ à?
– Em thấy cổ … đúng như người ta nói, người có ăn học,
– Ha ha, chỉ là lúc thường thôi. Để coi, nãy cậu Tư Tấn nói là đờn bà con gái chỉ ra vẻ dịu dàng, lúc giận lên thì y như bà-la-sát. Hình như mình cũng vậy,
Mấy tiếng sau cùng được Bảy Hùng đổi giọng thành lời nỉ non, trầm ấm; anh cũng áp sát tới gần chị Bảy A. Chị Bảy không ngại ngần mà vòng tay ra ôm lưng anh, hơi ngửa mặt thì thầm.
– Bà-la-sát mới hiệp với hùm beo xứ Bảy Núi chớ!
Bảy Hùng cười ùng ục trong cổ họng vì miệng đã dùng để nghiền nát đôi môi của chị. Hai người xa cách nhiều năm như vậy, đêm qua gặp lại thì bị thằng nhóc con quấn lấy nên chẳng gần gũi gì nhiều. Đêm nay, anh muốn được bù lại những tháng năm xa cách.