Chương 97: Một ông mà có ba bà

Tiễn khách đi rồi thì ba Hoài cũng mệt, anh hai đỡ ba lên phòng rồi ở lại hơi lâu trong đó. Liên vừa phụ mọi người lo cơm nước vừa nhìn ngó lên lầu, rồi còn cố ý muốn nghe chuyện cậu Tư Tấn với dượng Ba Thanh nói với nhau. Má Ngọc thấy vậy liền rầy, sợ cô lơ đãng mà làm đổ bề đồ đạc hay là cắt trúng tay.

– Lên hỏi ba con coi muốn xuống đây ăn hay ở trong phòng.

– Dạ.

Liên đi tới chưn cầu thang thì anh hai xuống tới, bặm môi trêu chọc cô một cái mới nói ba muốn nằm nghỉ một lát.

Má Ngọc ở phía sau nghe đặng thì nói.

– Vậy má dọn mâm ở nhà trên cho tụi con ăn, uống bia rượu lai rai. Liên à, chia ra đi con.

Em Thanh nghe vậy đứng lên muốn phụ nhưng má Ngọc không cho. Bà bầu mới ba tháng vẫn nên cẩn thận, huống chi em ấy mới đi đường vất vả.

Ở nhà trước, anh hai đi nhanh qua sân bên kia mời cả nhà chị Bảy A qua luôn. Thằng Đậu mặc bộ quần áo mới, đầu tóc cũng gọn gàng hơn ngày trước. Nó không chịu ăn cơm chung với hai đứa nhỏ con dì Út Hậu mà đòi ngồi theo cha nó ở bàn trên. Hai Liêm vỗ vai nó nói.

– Phải nhậu mới cho ngồi chung!

– Nhậu thì nhậu chớ!

Cả nhà cười cái rần vì dáng vẻ bướng bỉnh của nó. Cậu Tư Tấn góp lời.

– Phải vậy chớ! Hồi bằng tuổi này là qua đã biết nhậu, còn biết …

– Được rồi, con ngồi đây rót rượu cho cha với mấy chú một lát rồi về,

Cha thằng Đậu cắt ngang lời của cậu Tư, ấn vai nó ngồi xuống bên cạnh. Coi ra lâu ngày không gặp, cha con nhóc Đậu rất quyến luyến nhau. Liên thấy mặt mày chị Bảy A cũng tươi tỉnh hơn xưa, thỉnh thoảng nhìn hai cha con mỉm cười.

Liên nghe mọi người kêu chồng chị bảy cũng là anh Bảy, cô nghĩ là gọi theo thứ của chỉ. Lúc hỏi ra thì mới biết ở phía nội thằng Đậu, chồng chỉ cũng thứ bảy, còn tên giấy tờ Lương Văn Hùng. Sau đó, cô nghe anh Tư Bốn thì thầm với thằng Đậu, nó khoe rằng cha nó có biệt danh rất oách là Hùm Bảy Núi. Dầu là Hùng hay Hùm thì đều chứng tỏ cha nó là ‘’dân thứ dữ’’, danh tiếng không nhỏ ở vùng Thất Sơn, Châu Đốc.

Liên đã từng thấy anh Bảy Hùng đánh nhau ở đêm trước, từng chiêu thức dứt khoát, hữu lực lại rất điềm tĩnh như người đã quen cận chiến hàng trăm trận. Với người trầm tĩnh như vậy, không biết vì chuyện gì làm cho ảnh tức giận đến mức đả thương người rồi phải chạy trốn tha hương biệt xứ?

Liên gạt đi suy nghĩ về quá khứ của Hùm Bảy Núi vì cô vừa nghe thiếm tư nhắc tới Châu Tân ở chợ Mỹ Tho. Thì ra, chú tư mở một tiệm bán vải ở chợ Mỹ Tho được mấy tháng nay. Đương nhiên là vợ bé và con gái của hai ngưởi họ dọn về sống ở đó. Thế nhưng không hiểu sao giấy tờ căn nhà đó lại đứng tên của người khác.

– Người nào? Sao lạ vậy?

Dì Tư lanh miệng hỏi ra thì em Thanh buông đũa, mặt mày buồn xo, muốn rớt nước mắt. Má Ngọc với thiếm tư liền an ủi, nhắc nhở.

– Con đương bầu bì non tháng, khóc lóc rồi sanh bịnh thì khổ đa!

– Cái nhà đó … dẫu sao thì chẳng tới phiên mình hưởng, ai muốn giành thì cứ giành đi!

Thiếm tư nói xong, thở dài mấy lượt rồi không biết nghĩ cái gì mà bật cười.

Mọi người ngồi ở mâm cơm bên này chưa hiểu gì thì cậu Tư bên kia đã lên tiếng.

– Tôi có nghe vụ kiện cáo đó, thiếm tư cũng còn dính dấp sao?

– Thưa cậu, còn chưa có làm giấy tờ. Lần này em lên đây, định nhờ anh chị hai làm chứng,

Mặc dầu tuổi tác thiếm tư lớn hơn nhưng theo thói quen nhiều đời, thiếm đối với người nhà quan và chủ điền rất có lễ.

– Chuyện gì, thiếm nói tôi nghe coi. Làm chứng chuyện gì?

Có lẽ đã nghĩ thông, thiếm tư chậm rãi kể rõ chuyện ở Mỹ Tho. Tiệm vải mới mở mấy tháng, vừa có đặng vài mối làm ăn thì người đờn bà ở đối diện tới gây sự, muốn đuổi má con em Trúc ra ngoài. Má em Trúc, vợ bé của chú tư đâu có hiền, chửi mắng rồi đánh đuổi người ta ra khỏi cửa. Ai ngờ ngày hôm sau có thừa phát lại và hai lính tuần tới tiệm lập vi bằng, ghi rằng má con em Trúc xâm nhập gia cư bất hợp pháp.

– Người đờn bà nọ đưa ra giấy tờ đứng tên là chủ căn nhà đó hẳn hoi!

– Ủa. sao kỳ vậy?

Thiếm tư cười khẩy nói.

– Có gì mà kỳ, ổng ăn ở với người ta, sang tên giấy tờ cho người ta là phải rồi.

– Trời đất, chú tư có … có thêm bà nữa?

Lúc này em Thanh đã không còn buồn giận nữa, chen lời.

– Bà này đẹp hơn, ăn nói ngọt ngào lắm bác hai.

– Mưu kế cũng khá hơn nữa!

Đây là đương so sánh với má em Trúc rồi.

Liên nghe xong thì đúng là vừa khoái chí vừa ngán ngẩm. Trước đây, thiếm tư nhỏ đó dùng lời ngon tiếng ngọt để chú Tư Tân đem tiền của từ Long Hồ lên mua cho bà ta một căn nhà riêng ở Sài Gòn. Giờ bà ta vừa bán nhà trên này, dọn về dưới ở căn nhà lớn, ngay mặt tiền chợ để làm ăn. Ai ngờ, tiền của nhà cửa bỏ ra bị người chiếm hết, mang tiếng ăn nhờ ở đậu còn bị thưa kiện.

– Vậy chú tư tính sao, mà sao kiện thiếm?

Má Ngọc không rành rẽ chuyện kiện tụng nên hỏi. Cậu Tư Tấn lại khác, cậu đã quen chuyện làm ăn, điền đất hay các tranh chấp tài sản đều đã từng trải qua.

– Bác hai chưa biết, chớ kiện lên tòa thì họ tra rất kỹ đa.

Theo lời giải thích của Tư Tấn thì người đờn bà kia khi không mà đứng tên căn nhà đó cũng không đặng. Bà ta kiện ra tòa thì phía chú Tư với má em Trúc có thể kiện ngược lại là bà ta lường gạt, chiếm đoạt khi làm giấy tờ. Tiếp theo là tòa truy xét coi tiền của do ai bỏ ra mua, thể nào cũng dính tới thiếm tư vì chỉ có thiếm là vợ chồng chánh thức của chú Tư. Người ta nói ‘’của chồng công vợ’’, tiền của lúc hai người chung sống tạo dựng là của chung.

– Thiếm tư đừng lo, tòa mời thiếm là người làm chứng thôi. Nếu mà thiếm mời thầy cãi cho giỏi, biết đâu tòa còn trả lại một nửa căn nhà đó cho thiếm chớ chẳng không.

– Tôi không cần đâu. Hồi trước đã chia xong rồi, của ổng thì để ổng giữ.

Thiếm tư dứt khoát nói ra suy tính của mình rồi nhìn má Ngọc nói.

– Lần này em lên đây là xin anh chị hai cho em làm giấy tờ li dị cho xong. Để chung chạ vậy rủi sau này …

Má Ngọc gật gật đầu. Chú Tư tính toán cả đời, giờ khắc này lại hồ đồ, làm trò cười cho thiên hạ. Thiếm tư đã dứt khoát vậy thì làm giấy tờ li dị hẳn cho rồi.

Em Thanh thấy thiếm tư yên lặng hơi lâu thì có vẻ sốt ruột, em ấy ngập ngừng rồi lên tiếng.

– Thưa bác hai, lần này con …

– Để anh nói,

Chồng Ba Thanh ngồi ở bàn trên nghe vợ lên tiếng, biết là nhắc tới chuyện gì thì ngắt lời giành nói. Liên nhìn hai người, cảm thấy tình cảm vợ chồng rất tốt, là vì buổi ban đầu nên mới vậy, phải không? Liên vừa nghe chuyện chú Tư Tân xong nên không khỏi nghi ngờ mấy chữ ‘tình nghĩa vợ chồng’ chỉ sâu nặng lúc ban đầu rồi phai lạt về sau.

– Thưa bác hai, nhà con năm nay làm lúa thất bát, nên con tính tháng sau gặt lúa xong thì kiếm chuyện làm thêm. Con tính nhờ hai bác với anh hai, có chuyện gì cần người thì cho con làm.

Chồng Ba Thanh nói tới đây thì ngừng. Người không quen giao tiếp nên lời nói cục mịch, huống chi là lời nhờ vả; có thể nói tròn câu đủ ý đã coi như cố gắng lắm rồi. Liên không muốn hai vợ chồng ngại ngùng nên lên tiếng đỡ lời.

– Dượng ba biết nghề gì?

– Dạ, … chưa có học nghề gì hết chị ba … mà cái gì làm cũng đặng.

Cậu Tư Tấn bật cười ha ha, vỗ vỗ vai chồng Ba Thanh nói.

– Chú mày khá, không học mà biết làm hết à!

Cả nhà bật cười theo. Liên nghĩ là đỡ lời cho dượng ba Thanh ai dè là làm khó người ta.

Má Ngọc đành lên tiếng giảng hòa.

– Việc thì trên này nhiều, để bác hai coi …

– Má, để lát con dắt lên nói chuyện với ba trước đi.

Lúc này anh hai mới lên tiếng, rồi nói tiếp.

– Việc ở dưới xưởng Tân Châu thì nhiều lắm, đương thiếu người. Nhưng mà đương lúc này em ba không theo dượng xuống đó đặng đâu. Làm ở trên này thì tiện hơn, mà chuyện ở hãng thì phải hỏi … trên kia.

Anh hai hất hất cằm chỉ lên lầu, vẻ mặt rất đặc sắc. Ý nói là ba Hoài vẫn không cho phép anh hai nhúng tay vô chuyện ở hãng Chánh Hưng. Hai cha con vẫn thường bất đồng ý kiến, hãng xưởng của ai thì người nấy lo.

Má Ngọc cũng rất bất đắc dĩ, bên chồng bên con không biết bênh vực ai thôi thì để hai cha con xử trí nhau, bà ở ngoài coi chừng là đặng. Liên lại càng không can dự vào. Cô cười nói em Thanh đừng lo lắng, thể nào ba Hoài cũng tìm việc thích hợp cho dượng ba. Vừa nhắc chuyện ở hãng Chánh Hưng thì liền nói qua việc của dì dượng Út. Dì Tư nhắc lại chuyện dì Út bị đánh, bị nhốt trong lao ra sao mà ai nấy đều hoảng hồn.

Em Bê trề môi nói.

– Vậy mà dì út đâu có sợ! Nghe nói hồi trước đã bị rồi,

Cũng đúng, nếu dì út biết sợ thì đâu có lặp lại sai lầm cũ. Có lẽ, cơn mê bài bạc lớn hơn nỗi sợ tù tội.

Đến khi bữa cơm xong mà mọi người còn chưa nói hết chuyện. Tiếp theo là sắp xếp chỗ ngủ, ba người nhà thiếm tư ở lại mấy ngày thì chỗ ngủ phải tươm tất hơn bình thường. Rốt cuộc là đem hai đứa nhỏ xuống ngủ chung với em Bê và dì Tư, nhường phòng đó cho vợ chồng Ba Thanh.

Má Ngọc coi vẫn không ổn, đưa mắt nhìn qua bên kia bức tường nói.

– Chắc là xây nhà bên kia sớm hơn,

Liên đương bưng mâm cơm nhỏ cho ba, nghe tới đó thì nhăn nhăn mày, kéo má Ngọc lên lầu, vừa đi vừa nhõng nhẽo.

– Má đuổi con đi hả?

– Lớn rồi còn nhõng nhẽo! Má coi, Thanh nhỏ hơn con mấy tháng đó!

Liên vừa nghe tới câu này liền đoán ra câu tiếp theo là gì, gấp gáp kéo má Ngọc đi thiệt nhanh.

Ở bàn nhậu, Bảy Hùng đứng dậy uống ly chót rồi ba người trong nhà ra về. Hai Liêm nhìn qua khu nhà kho bên đó, nghĩ tới lời má nói ban nãy mà tâm trí ngổn ngang.

error: Content is protected !!