Hoạn quan

Tác giả: Lê Nguyễn

Nguồn: trích trong sách “Thành cổ Sài Gòn và mấy vấn đề về triều Nguyễn”, Nhà xuất bản Trẻ -1998


Trong các triều đại phong kiến, số lượng cung nữ được tuyển vào cung cấm lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, chỉ để phục vụ một người duy nhất: nhà vua. Có những cung phi, nhiều năm sau ngày được tiến cung, vẫn chưa hề lọt vào mắt xanh của “đấng cửu trùng”; trong hoàn cảnh đó, nếu các quan lại trực tiếp phục dịch nhà vua và các bà hoàng là những nam nhân bình thường thì quả là một đe dọa trầm trọng cho “trật tự trị an” chốn cung đình.

Chính vì thế, từ hàng ngàn năm trước Công Nguyên, các triều đình phong kiến đã sớm khai sinh một tầng lớp quan lại chuyên phục dịch trong cung cấm, có khả năng làm được nhiều việc ngoại trừ tham gia vào việc sinh con dẻ cái; họ được các nhà sử học gọi chung là hoạn quan.


Tại Trung Quốc, nghề hoạn quan được bắt đầu nói đến từ đời nhà Chu (năm 1122 đến năm 256 trước CN). Theo sách Chu lễ, hoạn quan trong các triều đại này gọi là Tử nhân hay Yêm doãn, được tuyển dụng để làm một số công việc cung đình: truyển lệnh của nhà vua đến các quan, canh gác hậu cung, quét dọn phòng ốc, liên lạc giữa nhà vua với các cung phi,… Đời Hán, hoạn quan được gọi là Thường thị và đến đời Đường đổi thành Trung quan.

Ở nước ta, sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc ăn sâu vào đời sống cung đình. Các vua Đại Việt cũng tuyển hoạn quan với chức danh thay đổi tùy theo triều đại: đời Lý gọi là Hoạn môn chi hầu, đời Trần gọi là Nội thị, đến đời Lê đổi ra Tả hữu thái giám (từ Thái giám quen thuộc xuất phát từ thời này).

Thời Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái (1720-1729), trong hàng quan lại, ngoài Văn quan và Võ ban, chúa Trịnh còn đặt ra một ban thứ ba là Giám ban với các chức Tổng thán giám (hàm Chánh tam phẩm), Đô thái giám (Tòng tam phẩm), Thái giám (Chánh tứ phẩm), Thiếu thái giám (Tòng tứ phẩm), Đồng tri giám sự (Chánh ngũ phẩm), Tả hữu thiếu giám (Tòng ngũ phẩm),…

Như vậy trong thời kỳ này, hoạn quan được trực tiếp tham gia chính sự, viên chức đứng đầu Giám ban chỉ kém vế Thượng thư (Tòng nhị phẩm) một bậc, còn chức danh Thiếu giám (Tòng ngũ phẩm), một loại quan nhỏ trong Giám ban còn to hơn cả quan Tri phủ tại địa phương (Tòng lục phẩm) đến hai bậc.

Theo ký sự của R.P. Koffler, một người Pháp đã đến Đại Việt thời kỳ này, có ba viên quan đứng đầu Giám ban giữ những nhiệm vụ hết sức quan trọng: một người quản lý ngân khố triều đình, thu thuế, thanh toán mọi chi tiêu trong cung đình; còn hai người kia phụ trách việc thương mại với người nước ngoài và chỉ có họ mới được phép bán vàng, sắt, ngà voi,… cho thương nhân châu Âu.

Điều này chứng tỏ các chúa Trịnh luôn có ý dùng Giám ban làm một lực lượng  hậu thuẫn riêng cho mình. Hậu quả của tình trạng đó là sự lộng quyền của nhiều hoạn quan trong triều,điển hình là trường hợp Hoàng Công Phụ, một hoạn quan được phong đến tước Hiệp quận công, đã thao túng việc triều chính, lấn át cả chúa Trịnh Giang khiến một số quan lại ở phủ liêu phải đứng lên truất Trịnh Giang, lập em là Trịnh Doanh lên thay và triệt hạ phe cánh Hoàng Công Phụ. Cũng từ đó, Giám ban bị bãi bỏ hẳn.


Đến đời nhà Nguyễn, không thấy vua Gia Long có những sửa đổi nào đáng kể trong quy chế hoạn quan. Phải đợi đến ngày 1 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (17-2-1836), nhà vua mới ban hành một chỉ dụ quan trọng nhằm hạn chế quyền hạn của hàng hoạn quan trong triều.

Theo chỉ dụ này, hoạn quan phải trở lại với những công việc cố hữu là phục dịch trong cung. Họ không còn được xếp trong ngạch chung của các quan lại mà xếp riêng thành 5 hạng:

  • Hạng nhất (Thủ đẳng) gồm Quản vụ và Điển sự thái giám
  • Hạng nhì (Thứ đẳng) gồm Kiểm sự và Phụng nghi thái giám
  • Hạng ba (Trung đẳng) gồm Thừa vụ và Điển thắng thái giám
  • Hạng tư (Á đẳng) gồm Cung sự và Hộ thắng thái giám
  • Hạng năm (Hạ đẳng) gồm Cung phụng và Thừa biện thái giám

Chỉ dụ được ban ra không đầy nửa năm khi dẹp xong cuộc khởi loạn của Lê Văn Khôi cùng binh lính ở Gia Định Thành và xét tội Tả quân Lê Văn Duyệt, nguyên là một thái giám trong phủ chúa Nguyễn Phúc Ánh (thập niên 1780). Điều này cho thấy vua Minh Mạng đã để những ấn tượng về biến cố Gia Định thành chi phối quyết định của mình.

Để chỉ dụ được phổ biến rộng rãi, nhà vua cho khắc vào một bia đá đặt ngay trước Quốc Tử Giám (trường đại học chính quy duy nhất thời đó) để các giám sinh xem và truyền đạt lại cho đời sau. Đến cuối thập niên 1910, người ta vẫn còn thấy tấm bia này.

Cá đời Đồng Khánh (1887), Thành Thái (1895), có những thay đổi nhỏ trong quy chế thái giám, chủ yếu là về lương bổng hàng năm. Riêng đời Thành Thái (1889-1907) trogn cung có 15 thái giám: 5 người phụ coi lăng tẩm của tiên đế, 2 người phục dịch Hoàng Thái hậu, còn lại giúp các việc trong cung cấm.

Đến đời Duy (1914), triều đình tuy không quyết định bãi bỏ hẳn lớp hoạn quan, nhưng vẫn giữ lại những người đương chức và từ đó về sau không tuyển mới nữa. Có thể nói lớp quan lại này mai một dần từ đó.


Do hoạn quan là những người không có bộ phận sinh dục, bộ phận sinh dục không phát triển hoặc ái nam ái nữ … nên việc tuyển chọn vào cung cũng theo một thể thức khá đặc biệt.

Tại các làng mạc, những gia đình nào sinh con thuộc các dạng trên phải trình báo ngay cho quan địa phương biết để cử người xuống khám xét kỹ càng. Sau khi xác nhận đúng là đứa bé “đạt yêu cầu”, quan địa phương làm tờ tấu gửi về triều đình để nơi đây vào sổ bộ, mặt khác thông báo cho gia đình đứa bé biết để nuôi dưỡng cho tốt chờ ngày tiến cử.

Đến khi đứa trẻ được khoảng 13 tuổi. Bộ Lễ chọn ngày lành tháng tốt rước vào cung, bắt đầu cuộc đời hoạn quan.

Theo lệ thời phong kiến, việc sinh hạ một đứs con đủ điều kiện làm hoạn quan là một may mắn và vinh dự; chẳng những cho cha mạ đứa bé mà còn cho cả làng xã sở tại. Cha mẹ hoạn quan được miễn sưu thuế và được hưởng một khoản trợ cấp bằng tiền thuế của 17 dân đinh gộp lại. Còn l2ng xã sở tại hy vọng về sau sẽ được hưởng nhiều ân sủng của triều đình do vị quan xuất thân từ làng mình ban phát.

Chính viề điều này đã đẻ ra nhiều trường hợp lạm dụng, có những người xin trẻ em từ các gia đình nghèo về thiến đi để sau này được đưa con nuôi vào triều. Vì thế, điều 244 bộ Hình luật thời đó qui định rõ: “Không một gia đình viên chức hay thường dân nào được xin con nuôi để rồi thiến chúng”.

Tuy nhiên, theo Philastre (một công chức Pháp khá rành về Hán Nôm), điều khoản trên chỉ có hiệu lực đối với dân thường, còn các gia đình quyền quý vẫn được luật pháp làm ngơ cho thiến những đứa con nuôi xin được.

Riêng thời nhà Lý, các quan lại có lệ tự thiến mình để toàn tâm toàn ý lo việc nước và chứng tỏ lòng trung thành tận tụy với nhà vua. Đó là trường hợp hai anh em Lý Thường Kiệt và Lý Thường Hiến đã lập nên những công trạng nổi danh trong lịch sử.


Trong sinh hoạt cung đình, tuy chỉ làm công việc chủ yếu là phục dịch nhà vua và các bà hoàng hậu, bà phi nhưng các hoạn quan cũng có phẩm phục riêng.

Trước thời Nguyễn, người đứng đầu hoạn quan thường đeo một sợi dây bằng lụa bạch thòng qua hai bên ngực xuống đến thắt lưng. Về sau vị này chỉ đeo một thẻ ngà để phân biệt với những người khác.

Áo đại lễ của thái giám

Thời Nguyễn, khi làm xong các công việc thừng nhật, các hoạn quan (lúc đó gọi là thái giám) về nơi cư trú dành riêng trong cung gọi là Cung giám viện. Tòa nhà này do hư hỏng, đã bị phá hủy vào giữa thập niên 1910, chỉ còn lại căn nhà bếp, ngôi miếu nhỏ và tảng đá trước cổng ra vào khắc bốn chữ “Cung giám viện môn”.

Dù cuộc sống cung đình có mang lại lợi ích vật chất cho bản thân và gia đình đến mấy, tầng lớp hoạn quan vẫn phải chịu đựng một cuộc sống tinh thần hiu quạnh, không có người bạn đời để chia sẻ ngọt bùi ấm lạnh, không được nghe tiếng trẻ thơ ê a dưới mái ấm gia đình. Hiểu được tâm trạng ấy, nhiều vua chúa Việt Nam đã cho phép họ được “lập gia đình”, thông thường là với một cung nữ nào đó đã bị thất sủng hoặc để họ ra ngoài tìm vợ và xin con nuôi.

Bà Đỗ Thị Phẫn, “phu nhân” Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành nguyên là một cung nữ được vua Gia Long gả cho ông Duyệt như một phần thưởng tinh thần đối với vị công thần đã xông pha trận mạc, góp công lớn trong việc gầy dựng vương triều họ Nguyễn.

Tuy nhiên, không phải thái giám nào cũng có gia đình như thế, phần lớn họ sống độc thân đến cuối đời.

Từ thế kỷ XIX, trên đường đi đến Khiêm Lăng (Lăng Tự Đức), người ta nhìn thấy một ngôi chùa có tên là Từ Hiếu do sư ông Nhật Định thiết lập với một tăng viện., về sau đã tiếp nhận ba vị thái giám cao cấp đến ở.

Năm Thành Thái thứ năm (1893), bức xúc với nhửng bẽ bàng trong cảnh sống hiện tại cũng như nhiều điều không may có thể xảy đến trong tương lai, và để có nơi an ủi phần hồn, các thái giám đã dùng tiền riêng tái thiết và mở rộng chùa Từ Hiếu, vừa làm nhà nghỉ, vừa làm nhà thờ.

Một tấm bia dựng lên ở đây với nội dung: “Trong đời sống chúng tôi tìm thấy ở đây sự yên bình. Khi ốm đau chúng tôi lui về đây và sau khi chết, chúng tôi sẽ được chôn chung ở đây. Dù sống hay chết, chúng tôi vẫn tìm thấy sự an nghỉ tại nơi này!”.

Sát với chùa, trên cùng một ngọc đồi là nghĩa trang dành cho các thái giám. Nó không giống những nghĩa trang bình thường khác: các ngôi mộ thay vì nằm rải rác trên một khoảng đất rộng, thì mộ của họ nằm đối xứng nhau trên một vuông sân lát đá có tường bao quanh.

Giữa thập niên 1910, người ta đếm được 18 ngôi mộ nhưng chỉ 9 ngôi mộ có chôn người, 9 ngôi mộ kia dành cho những thái giám còn sót lại.

Các thái giám ở Huế vào đầu thế kỷ 20.

Đó là những người cuối cùng ghi dấu sự cáo chung của một lớp quan lại đặc biệt từng chứng kiến những thăng trầm trải dài hàng ngàn năm lịch sử thời phong kiến ở nước ta.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!