Chương 92: Ai cứu ai?

Hôm nay Liên về nhà đúng giờ tan tầm. Chị Bảy A chạy chậm phía sau hai chiếc xe xích lô, Liên ngó thấy thằng Đậu lóng ngóng bên lề thì ngoắc nó. Chị Bảy A tấp xe vô lề rồi biểu nó lên xe về luôn, nghỉ sớm một bữa. Thằng Đậu vẫn ưa thích đi xe ngựa của anh Tư Bốn hơn, giờ nó đã học cách đánh xe được rồi; còn con ngựa thì lúc rày do nó chăm sóc hàng ngày. Có lần, Liên thấy nó coi hình mấy con ngựa đua trên nhựt trình rồi đánh giá con nào chiến, con nào không rất sành sỏi. Tuy đua ngựa hay đua chó gì đó đều mượn tiếng là trò chơi thể tháo, văn minh nhưng Liên vẫn coi đó là trò đỏ đen như bài bạc. Cô đã nhắc chừng chị Bảy A để thằng Đậu không vướng vào ham mê cá cược mà sanh hư, bởi vậy nên lúc có mặt Liên thì thằng Đậu không dám hó hé mà ngồi thẳng lưng giả hiền; coi bộ nó hơi ‘’ngán’’ Liên.

Má Ngọc đã nấu xong cơm chiều mà chưa thấy anh hai về tới. Liên coi đồng hồ, đã gần sáu giờ rồi, cô nóng lòng không kém.

– Nếu mà đi từ sáng sớm thì giờ cũng tới rồi, phải không má!

– Ờ, xe đó chạy nhanh hơn xe của con phải không?

– Dạ phải. Anh hai chạy càn dữ lắm! Chắc ảnh có ghé dọc đường, … hay ảnh ghé hãng luôn rồi.

Liên nói ra suy đoán trong lòng, rồi đứng dậy đi tới phòng làm việc nhỏ của ba Hoài gọi dây nói tới hãng dệt Chánh Hưng. Cô gọi một lần không đặng, chờ thêm vài phút lại gọi nữa vẫn không thể nối máy. Đường dây thép vẫn hay bị hư hỏng, mất liên lạc vào mùa mưa nhưng tại sao lại trục trặc vào lúc này chớ!

Má Ngọc thấy Liên không ra thì đi vô, Liên chưa kịp nói gì đã nghe tiếng còi xe tin tin ngoài cổng.

– Má, chắc là Laurent tới đó!

– Ờ, con ra tiếp đi, để má gọi cho.

– Dạ, gọi không được, má đừng nôn nóng.

Má Ngọc khoát tay, thực ra thì Liên nôn nóng hơn má nhiều.

Lúc Liên và Laurent vô nhà thì má Ngọc lắc đầu, ý là đường dây thép vẫn không nối đặng. Má Ngọc biểu em Bê bới cơm cho hai đứa nhỏ con dì Út Hậu ăn trước, còn người lớn thì vẫn chờ thêm.

Trời sụp tối, Liên gọi thử đường dây lần nữa, vẫn chưa thông, cô quay sang nói với Laurent.

– Mình ra nhà bưu điện coi sao.

– Ờ, để mình đi với trò.

 Má Ngọc gật đầu cho cả hai ra nhà Bưu điện gọi thử.

Đã qua giờ làm việc chánh thức nên nhà Bưu điện không có nhiều người đứng coi quầy, Liên và Laurent phải đợi bốn người đàng trước mới tới lượt mình vô ca-bin. Đầu tiên, cô gọi xuống xưởng dệt Tân Châu, có tiếng đường dây kêu tu-tu nhưng không ai bắt. Cô gác máy, gọi tới hãng Chánh Hưng thì không thông.

– Cô ơi, xong chưa? Tôi có việc gấp lắm đa!

Liên bị người đứng phía sau hối thúc quá, giơ tay ra hiệu để cô gọi một lần nữa rồi liền quay số về nhà, má Ngọc chờ sẵn đó, bắt máy rất nhanh.

– Má, giờ con qua hãng coi sao!

– Không được, Liên! Con về nhà, không được qua đó!

Liên nghe tiếng má Ngọc loáng thoáng trong ống nghe nhưng cô kiên quyết dập máy xuống. Người ban nãy đã vói tay ra, quay số liền.

Liên tới trả tiền, rời khỏi quầy rồi quay sang nói với Laurent.

– Mình đưa trò về nhà, nếu … trong vòng một tiếng đồng hồ mà mình không gọi cho trò thì nhờ trò xin với bác Phó cử người tới hãng, đặng không?

– Không. Mình đi với trò.

– Không.

Đến lượt Liên phản đối Laurent. Cô không muốn lôi kéo trò ấy vào chuyện nguy hiểm. Trò ấy còn chưa biết rõ những tranh đấu xung quanh hãng dệt Chánh Hưng.

– Đừng làm mất thời giờ, chạy ngang bót canh Khám Lớn, dừng lại để mình nhắn tin cho papa. Bằng không thì mình lái,

Laurent xăm xăm đi ra cổng nhà Bưu chánh. Chị Bảy A nhìn sắc mặt cả hai liền đoán là có chuyện nên muốn chui vô xe.

– Chị bảy, để tôi!

Xét về độ thành thục thì Laurent lái xe rành hơn Liên nhưng ở những tình huống nguy hiểm thì người cầm lái khó tránh hơn, cô sẽ nhận phần rủi ro này.

Quanh Khám lớn Sài Gòn có rất nhiều chốt canh, Liên dừng xe ở góc đường để Laurent và chi Bảy xuống xe. Từ đây qua nhà Laurent hoặc là đi sở Cảnh sát không xa, trò ấy cho tiền một người lính cầm tờ thơ ngắn tới giao cho bác Phó Trần. Người lính nọ không hề nghi ngờ, nhìn ra được thân phận của Lurent nên nghiêm túc chào hỏi rồi chạy đi luôn.

Laurent được nuôi dưỡng rất tốt, từ trong ra ngoài đều toát ra thần sắc của một tiểu thơ quyền quý. Chỉ cần trò ấy nói ra thân phận thì người ta sẽ tin, trừ khi họ cố tình ra vẻ không muốn tin mà thôi. Bởi vậy nên khi xe họ tới khu vực gần hãng dệt bị một đội tuần tra chặn lại. Laurent đường hoàng xuống xe nói chuyện nhưng họ không tin, nhứt định không cho xe đi tiếp, không nói rõ lý do cũng không dám nói là muốn đem xe về đồn.

Liên quan sát nhóm lính, cô cảm thấy bất thường; lo lắng trong lòng dâng lên. Cô kêu Laurent và chị Bảy trở lại xe.

– Trò chạy càn tới đi, họ không dám cản đâu! Đó … tới ngả ba đó quẹo phải chừng mấy chục thước là thấy cổng sắt gần sông, màu xám …

Liên nhìn trời tối, làm sao mà phân biệt màu sắc gì nữa liền nói.

– Mình chắc là trong hãng có chuyện, trò phải cẩn thận … tới đó chờ mình.

– Làm sao mà trò,

– Mình luồn trong hẻm, có chị Bảy mà … đi đi … ở trong xe chờ mình.

Trong khi ba người bàn tính thì nhóm lính gác bên kia cũng đương nói gì đó với nhau. Họ thấy Liên và chị Bảy xuống xe chạy tắt ngang vô hẻm thì chạy theo, Laurent lập tức đề máy xe chạy xấn tới, vừa cản trở vừa dụ họ chạy theo mình.

Thực ra Liên không rành mấy con hẻm bên trong khu dân cư này nhưng cô đã ở rất gần hãng dệt, thể nào cũng có cách luồn vào trong. Chị Bảy đã từng len lỏi khắp các nơi, chỉ lấy trong túi mấy cắc bạc, ngoắc mấy thằng nhỏ đương chơi gần đó, vừa thảy tiền ra vừa nói.

– Dẫn đường tới hãng dệt nhà ông Châu,

Mấy thằng nhỏ chụp tiền rất điệu nghệ, tụi nó quay người chạy trước. Chị Bảy A và Liên lập tức chạy theo. Ở phía sau, có tiếng chưn chạy thịch thịch rất gần. Chị Bảy A lùi lại phía sau Liên, nói.

– Lát nữa cô Ba cứ chạy đi trước,

– Được. Gặp ở xưởng!

Liên không nhìn lại mà hối mấy đứa nhỏ chạy nhanh hơn nữa.

Người ta thường nói ‘’ở bầu thì tròn, ở ống thì dài’’; mấy đứa nhỏ nghe tiếng đánh nhau và chửi thề cũng không thèm nhìn lại mà chạy miết, luồn lách qua những con hẻm nhỏ ngoằn nghoèo. Chừng mười, mười lăm phút gì đó thì Liên nhìn thấy mặt sông. Một thằng nhỏ quay lại, vừa nói vừa chỉ.

– Chị chạy qua đó, ngả ba thứ hai thì quẹo vô!

– Ờ, cảm …

Liên móc túi lấy ra tờ tiền giấy, chạy ngang qua nhét vô tay nó nói tiếp.

– Chia cho mấy đứa kia luôn.

– Ừ! Chị … có nghề hả? Chạy cũng lẹ dữ thần! (Hắc hắc …)

Thằng nhỏ cười một tràng rồi vẫy tay ra hiệu cho đám bạn, thoáng cái lủi mất vào bóng đêm giữa những gian nhà lá xập xệ và những đống xà bần đủ cỡ.

Liên không để lỡ một nhịp, đôi chơn chạy thoăn thoắt dọc theo đường đất ven kênh Tàu Hủ. Dưới bến có mấy chiếc ghe dập dềnh, có tiếng huýt sáo đuổi theo bước chơn cô. Cũng may cô vẫn duy trì tập luyện ở võ đường nên tay chơn rất linh hoạt, dẻo dai.

Lúc cô quẹo vào con đường láng xi măng, nhìn thấy cổng sắt có bảng hiệu hãng dệt Chánh Hưng thì đảo mắt quan sát bốn phía. Cô không thấy chiếc xe hơi nào ở cổng, lẽ nào Laurent bị chặn ngoài đó rồi? Cô ngập ngừng không biết nên vô hãng coi tình hình hay chạy ra hướng kia tìm Laurent.

Liên thấy loáng thoáng trong hãng có ánh điện nhưng không nghe tiếng động gì lớn. Cô vội chạy nhanh qua khỏi cổng, định ra đường lớn tìm Laurent thì nhìn thấy một đám người cầm dáo mác nghênh ngang đi tới. Cô nhanh nhẹn nép vào hốc tường tối, nín thở theo dõi.

Đám người vừa tới góc sáng cách Liên chừng mười thước thì bị tiếng động cơ rít xoáy làm giựt mình. Một chiếc xe gầm cao, coi bộ rất thô sơ ào tới, thắng xe rít lên ken két chói tai. Chiếc xe dừng trước cổng sắt, chắn lối ra vô luôn. Liên cũng giựt mình rồi cô thấy một dáng người quen thuộc từ ghế phụ bước xuống, là cậu Tư Tấn. Sau đó, bốn người khác trong xe cũng bước xuống theo cậu Tư.

Đám người lạ kia thấy vậy càng hung hăng chạy tới, không để ý tới bóng người nhỏ nhắn di động trong góc gối.

Hai nhóm người không nói lời nào mà nhào vô đánh đá túi bụi. Coi ra, tất cả đều biết chuyện gì đương diễn ra phía trong hãng dệt kia. Tiếng đánh nhau ngoài này đã làm động bên trong, Liên thấy đèn sân trước bật sáng. Đám người lạ kia cũng thấy, đánh hăng hơn. Vài người bị chém trúng, tiếng kêu rên và chửi bậy không ngớt.

Liên chú ý thấy cậu Tư Tấn không giỏi võ nghệ, cẩu ngấp nghé phía ngoài chớ chẳng có nhào vô đánh. Đám người lạ thấy vậy liền vây cậu Tư vào trong.

– Coi chừng!

Tay chơn và miệng của Liên đều nhanh nhẹn, cô vừa la vừa xông tới đá vào cánh tay cầm cây mác của gã thanh niên. Gã bị bất ngờ, chửi bậy mấy tiếng rồi tay không nhào tới chỗ cô.

– Cô … cô Ba, có sao không? Cô vô trong đi, để tôi yểm trợ cho!

Liên không trả lời, liếc mắt nhìn mấy thế võ như mèo cào của cậu Tư Tấn.  Cô hất cằm chỉ cổng sắt, vừa đỡ đòn vừa cùng cậu Tư lùi dần vô trong. Lúc cô tới gần cậu Tư thì hỏi nhỏ.

– Anh hai tôi đâu?

– Ở trỏng … đương … ra tới kìa!

Phía trong cổng sắt có nhóm người chạy ra, Liên thấy có anh Hai Liêm, còn có một toán người mặc binh phục. Cô nhăn mày không hiểu chuyện gì thì một người trong nhóm đó bắn một phát chỉ thiên, la lớn.

– Đứng im! Cãi lệnh … bắn bỏ!

Cả đám người đương đánh nhau loạn xạ còn chưa có ý định ngừng tay. Hai Liêm phóng nhanh tới bên cạnh Liên.

– Sao tới đây?

– Dạ, em,

Liên chưa kịp trả lời liền nghe có tiếng súng nổ ở phía bên kia khúc quanh. Mọi người chưa biết có chuyện gì thì nghe tiếng xe rít mạnh ào tới. Liên mỉm cười vì biết rằng Laurent không có sao!

Phía sau chiếc xe là một nhóm người đuổi theo. Hai Liêm nhìn nhanh một vòng liền đẩy Liên vô phía trong, tiếp theo anh ra xe kéo Laurent ra khỏi xe, lấy cây súng trên tay cô rồi cũng đẩy vô chỗ Liên.

– Tới làm gì?

– Cứu anh đó!

– Cứu anh? Làm bể bạt, hư bột hư đường thì có!

Hai Liêm nhăn mày, bực bội nhìn hai cô gái vận đồ dạ hội để đi đánh nhau. Tư Tấn đứng bên cạnh e hèm hai tiếng rồi nói nhỏ.

– Hồi nãy … nhờ cô Ba cứu một dao đó!

Trong lúc bốn người đứng giằng co coi ai cứu ai thì người bắn súng ban nãy hét lớn lần nữa.

– Ai dám cản, bắn bỏ!

Gã nói xong thì quay qua nhìn Laurent rồi nhìn Hai Liêm nói tiếp.

– Đưa súng đây! Bằng không thì tù mọt gông!

Trời đất, người này là ai mà làm oai dữ! Dầu là Laurent hay Hai Liêm thì cũng không bao giờ chịu giao súng ra đâu.

error: Content is protected !!