Chương 61: Người thân hay người dưng

Đám cưới em Thanh vừa xong thì dì Tư lên Sài Gòn trước. Liên hỏi dì dượng út hiện đương ở đâu để vài bữa cô tời thăm cho biết. Nếu là người khác thì liền hiểu ý cô muốn hai người về nhà, rõ ràng Châu gia đương có chuyện cần bàn thảo và hoàn toàn không liên quan gì đến họ. Thế nhưng dì Út Hậu vẫn giả ngơ, nói loanh quanh chuyện chỗ ở nhà mình.

– Dì đi lâu vậy rồi hai em nhỏ gởi cho ai coi?

– Ờ thì … gởi nhờ hàng xóm.

– Trời đất! Vậy mà dì hỏng lo lắng gì hết sao?

– Lo chớ sao hỏng lo,

Dì út nói lớn tiếng như muốn gạt đi sự quan tâm của Liên. Dì mở trừng đôi mắt nhìn Liên, cũng chảng thèm xuống giọng.

– Dì lo là lo cho mày kìa, tiền của anh chị hai để lại bị người ta sang tên đổi chủ hết! Hứ, nghe nói mày cũng đổi họ rồi hả?

– Dì biết cái gì mà nói vậy? Tôi cần di lo chắc? Dì có lo cho tôi chút nào chưa? Tôi mang họ gì cũng không …

Liên nhìn ba Hoài má Ngọc giận nhưng ráng nhịn mà không cam lòng, Cô tức thay cho ba má nuôi nên sẵng giọng chất vấn dì út. Từ nhỏ tới giờ, Liên chưa từng lớn tiếng tranh cãi với ai như vầy, phải chi là người dưng thì còn đỡ, đằng này là dì ruột của mình lại chỉ nghĩ tới gia sản của mình. Liên không khỏi tức giận và tủi thân, nước mắt cũng muốn tràn ra, giọng nói nghẹn ngào không thoát ra khỏi đặng.

– Liên, … lại đây. Khóc cái gì, dì út là … lo cho con thôi.

Má Ngọc kéo Liên tới bên cạnh, vuốt lưng rồi tới cánh tay của cô an ủi. Bà nhìn ba Hoài rồi nói tiếp.

– Dì út nói vậy không phải, vợ chồng tôi mang ơn ba má con Liên thì làm sao bạc đãi nó hay tham lam tiền của gì. Hồi đó, tiền của anh chị Phước có gì đều có ghi lại ở tòa chánh Mỹ Tho. Dì tốn chút tiền giấy tờ là người ta lục tra ra chớ gì. Đó còn đó, không có ai gạt gẫm đặng đâu.

Út Hậu vốn muốn mượn cơn giận để nói xiên nói xỏ nhà họ Châu, cũng muốn cho hàng xóm nghe thấy mà nghị luận. Ai ngờ bà Ngọc đem mọi chuyện nói rõ ràng tới vậy, còn có ghi chép ở tòa nữa thì còn ai dám nghị luận. Út Hậu không biết nên làm thế nào, giận tiếp hay xuống nước làm hòa thì Châu Tân đã lên tiếng thay bà.

– Đúng đó, có ghi chép rất rõ đa. Dì út mà không nhắc tôi còn quên con Liên chỉ là con nuôi anh chị hai tôi chớ. Coi, vừa rồi ảnh còn cho nó tiền mua tiệm may ở ngay Chợ Giữa Sài Gòn, gần cả trăm cây vàng chớ ít gì. Mà mấy món nữ trang cho con Thanh nhà tôi cũng khá,

Hai Liêm vừa nghe hết câu đã bật cười, kéo ghế kêu kèn kẹt trên sàn gạch, ngồi xuống rồi mới lên tiếng hỏi.

– Vậy chú tư tính coi bốn phần bên xưởng dệt Tân Châu là bao nhiêu cây vàng? Còn tiền mua đất sát bên nhà ông bà nội ở Thất Sơn nữa, … tôi thấy cũng bộn à nghe.

Châu Tân nghe nhắc tới hai món tiền chi ra đó liền tức giận tím mặt nhưng lại không lên tiếng. Thiếm tư đứng phía sau rèm cửa bước lên e dè hỏi.

– Đó là tiền gì vậy anh chị hai? Em không có … so đo gì, chỉ là …

– Được rồi, thiếm kêu con Thủy lên đây luôn, ngồi bên đó đi.

Liên thấy ý ba Hoài muốn nói rõ ràng chuyện của mấy nhà thì nhìn về phía dì út rồi kéo tay má Ngọc ra hiệu. Ba Hoài nhìn thấy liền khoát tay.

– Dì út đây muốn nghe cũng đặng, chẳng có gì phải giấu hết.

Ba Hoài ngừng lời lúc thiếm tư với em Thủy đi lên, ngồi dựa mé bộ ván, má con thiếm tư nhỏ cũng ngồi ké góc bên kia, bên cạnh chú tư.

– Không phải chuyện tốt lành gì, chuyện trong nhà đừng … mà thôi.

Liên thấy ba Hoài uống cạn ly trà thì bước vòng ra sau rót đầy rồi cô đứng luôn sau lưng ông; chỗ này rất dễ nhìn thấy phản ứng của từng người trong nhà.

– Sắp tới, chú không nên đi lại ở Sài Gòn, dầu là trong tối hay ngoài sáng. Tôi nhắc lần này nữa thôi, chú liệu mà tính toán. Ông Phó Trần không phải là người hay giỡn chơi, chú mà bị bắt thì tôi sẽ không cứu nữa đâu.

– Anh hai … mình làm sao nên nỗi vậy!

Thiếm tư than thở rồi bắt đầu sụt sịt muốn khóc. Bà không biết vì sao chồng mình lại đi gây sự với ông Phó Trần nhưng bà biết đụng tới quan quyền là không nên.

Thiếm tư lại cất giọng ngọt ngào nói.

– Chuyện cũng qua rồi mà, anh hai làm ăn chung với ông Phó, nói một tiếng thì …

– Vậy thiếm cũng biết tại sao ông Phó muốn bắt chú tư phải không? Hay dữ đa!

Má Ngọc chặn ngang lời của thiếm tư nhỏ, má cũng chẳng thèm nhìn bà ta; hỏng lẽ để ba Hoài đích thân nói chuyện với hạng người này.

– Nếu thiếm biết vậy … lẽ ra tôi phải (rầm),

Má Ngọc vẫn còn tức giận chuyện chú tư hãm hại con trai mình. Trong lòng bà con trai dĩ nhiên là quan trọng hơn em chồng rồi. Bà liếc nhìn chồng, ý trách cứ vẫn còn đó. Ông ấy vị tình anh em ruột thịt mà bỏ qua, vậy mà người ta còn chẳng biết ơn hay hối cải gì hết, lại còn đòi hỏi này nọ nữa.

– Đã nói với mình rồi, giận thì để trong lòng đi.

Liên nhìn anh hai, cả hai đều nhếch khóe môi.

– Tuy ông Phó Trần chỉ là phó sở Cảnh sát Sài Gòn nhưng mà quan hệ với mấy tỉnh khác vẫn có, người ta không có truy cùng đuổi tận, chú nên lấy đó làm may. Tôi chỉ nói vậy thôi, chú liệu mà làm.

Ba Hoài đằng hắng một tiếng, uống thêm ngụm trà rồi nói tiếp.

– Còn chuyện căn nhà này, bữa trước tôi đã nói rồi đó. Mấy năm nay chú theo tôi làm ăn, tiền lương đã phát hàng tháng. Chú không làm nữa tôi cũng chia một phần là căn nhà này cùng mối mang làm ăn ở đây, còn có miếng đất năm mẫu mới mua ở gần nhà thờ dưới Thất Sơn.

– Hỏng có cửa tiệm ở Sài Gòn,

Thiếm tư nhỏ lại lên tiếng, dầu bị mọi người nhìn thì bà ta vẫn mặt dày nói tiếp.

– … hồi đó nói là cho một cửa tiệm ở Sài Gòn.

Liên bĩu môi nói nhỏ.

– Cho ở đó rồi chú tư có dám lên không?

– Thì để tôi … thì để con Trúc …

Tư Thủy nghe thiếm tư nhỏ giành phần nhà cửa thì kéo kéo tay áo thiếm tư. Nó thấy má không chịu lên tiếng thì nói luôn.

– Ủa, tưởng dì với em Trúc nhứt quyết theo cha tôi về nhà ông bà nội ở dưới chớ!

– Im miệng, tao còn chưa chết đâu!

Châu Tân nạt lớn, ngăn lại trận cãi vả qua lại của Tư Thủy và thiếm tư nhỏ.

Ba Hoài thấy ‘’nội bộ’’ nhà chú tư vậy thì chờ một lát, chừng họ im lặng rồi mới nói thêm.

– Giấy tờ này nọ thì làm sang tên trong tháng này. Lát nữa tôi nói chuyện với chú thiếm Năm Ngòi, chú muốn thuê tiếp thì thuê, không thì để người ta tìm chỗ làm khác.

– Còn nhà của con Liên bên đó, dựng lại hàng rào đi. Làm một lần cho gọn,

Má Ngọc tranh thủ nhắc chuyện phân chia này không cần Liên phải lên tiếng.

Trước đây, cửa hàng này làm ăn dưới danh nghĩa ba má Hoài nên hai nhà coi như một, nay ba cho chú tư rồi không còn như vậy nữa. Đây cũng là cách gián tiếp thông báo cho những mối lái xa gần biết rằng chú tư không còn liên quan tới hãng dệt Chánh Hưng hay là xưởng mới Tân Châu. Cửa hàng bị giảm mặt tiền chỉ còn một nửa chừng tám thước, tuy lớn hơn mấy sạp vải trong chợ nhưng không thể coi là tiệm lớn.

Liên nhìn phản ứng của chú tư không khỏi cười thầm trong bụng. Chú vẫn tự cho rằng mình tài giỏi, không có mình thì Châu gia chẳng gầy dựng nổi sự nghiệp như bây giờ. Vậy thì chú hãy tự mình làm đi, để coi sau này thành ra cái gì.

Châu Tân liếc nhìn Liên qua khóe mắt, trong lòng vô cùng tức giận. Nếu hai nhà ngăn riêng thì ông phải giải thích ra sao với bạn hàng mối lái bấy lâu nay. Không có hãng dệt ở Chánh Hưng làm chỗ dựa thì ông khó mà mua hàng giá tốt, cũng không thể nợ tiền hàng như trước đây. Vị trí căn nhà này lại hẻo lánh như vậy, không bằng bán quách đi, ra chợ Mỹ Tho mua một căn làm buôn bán gì cũng dễ hơn.

Những tính toán của Châu Tân không thoát ra khỏi suy đoán của Châu Hoài. Đối với ông, ngôi nhà này là kỷ niệm giữa hai gia đình; ông vốn muốn giữ lại làm chỗ trú thân sau này, xa hơn nửa là dựng mồ mả để gần người ơn. Nhưng đối với em trai Châu Tân thì nơi này chỉ là chỗ làm ăn, đem lại lợi ích, không hơn không kém. Thế nên ông giả như buông tay, bằng không thì em trai ông sẽ cắn chặt không tha, đòi hỏi nhiều thêm nữa.

– Tôi mua luôn nhà bên đó thì sao?

Châu Tân lên tiếng hỏi mua nhà Liên mà không thèm nhìn cô, ông ta lại nhìn người không liên quan là dì dượng Út Hậu ngồi ở ngoài hai cái ghế gần cửa chính. Út Hậu nhanh chóng trả lời.

– Vậy thì bán đi,

Liên không nhanh không chậm cắt ngang, cũng chẳng thèm tỏ thái độ giận dữ hay bất mãn gì.

– Dì út, nhà của con. Còn có phần mộ ba má con, dì quên à? Chú tư chắc cũng quên!

‘’Đúng vậy, sao ông lại quên!’’, Châu Tân giựt mình nghĩ lại. Ông mà làm tới buộc con Liên bán nhà thì sau này cũng chẳng thể yên ổn làm ăn đâu. Người sống thì ông còn làm khó chớ người đã chết thì … ôi thôi!

– Vậy tôi bán căn nhà này, mua căn khác trong chợ Mỹ Tho.

– Chú bán rồi má con con Thủy ở đâu?

Lúc này thiếm tư mới khóc nấc lên vì tủi thân, vòng tay ôm Tư Thủy vào lòng mà sụt sùi hồi lâu.

– Về dưới đi,

– Xa quá, còn chị hai chị ba, nhà ngoại …

– Thôi con, về dưới lo mồ mả ông bà nội cũng đặng mà.

Liên nhăn mày, thiếm tư luôn như vậy, lúc nào cũng nhượng cho người ta mà chẳng nghĩ tới mong muốn của mình.

Tư Thủy vùng ra khỏi tay thiếm tư khóc nói.

– Má, má về đó thì cha sẽ không bao giờ ngó tới nữa đâu. Hồi đó giờ cha,

Lời Tư Thủy nói rất đúng. Chú tư đối với vợ lớn đã không còn tình nghĩa gì. Ông còn về đây là vì chuyện làm ăn, giờ thiếm tư mà về Thất Sơn thì chú sẽ giao hết chuyện hiếu đạo cho thiếm luôn, còn chú sẽ ở bên ngoài du hí, hưởng lạc với vợ nhỏ đa.

– Còn nói nữa!

Chú tư cầm cái bình trà bằng sứ lên muốn quăng tới chỗ Tư Thủy. Thiếm tư hoảng hồn vừa ôm vừa che em ấy sau lưng. Ba Hoài đằng hắng mấy tiếng, đợi chú tư đặt bình trà xuống bàn rồi mới nói.

– Nếu chú không muốn ở đây thì cứ mua nhà trong chợ, coi như đổi đi. Tôi để thằng hai lo tiếp. Thằng hai có xuống coi miếng đất miệt dưới rồi, thiếm muốn gì cứ hỏi nó. Tôi qua thăm hàng xóm một lát thì lên trển, bà với con Liên chuẩn bị đi.

Ba Hoài nói xong liền đứng dậy đi thẳng ra cửa, không thèm ngó tới dì Út Hậu đứng bật dậy như muốn nói gì đó. Dì út lật đật chạy lại kéo tay Liên nói.

– Đi, dì lên Sài Gòn coi nhà cửa ở trển.

– Trên đó con đâu có nhà, là miếng đất trống thôi.

– Vậy tiệm may gì đó,

– Để buôn bán chớ đâu có chỗ ở đâu dì!

Dì út ngó qua dượng út để dọ ý. Dượng ấy cười cười nói.

– Ở tạm gần đó cũng đặng mà, sẵn dịp lên cho biết chỗ mà. Cháu hai sao làm khó vậy, không muốn dì dượng tới thăm hả?

‘’Cháu hai’’, Liên hơi ngớ người nghe cách gọi này. Từ ngày ba Hoài làm giấy tờ nhận cô làm con, cô liền chuyển thành thứ ba trong nhà, quên mất là trước kia cô là con một, vốn má Phước hay gọi là Hai Liên.

– Khu Sài Gòn là khu trung tâm, nhiều đồn bót an ninh, dì dượng có lên thì nhớ mang theo giấy thông hành đa.

Hai Liêm hiếm khi có ý tốt nhắc nhở làm Liên ngạc nhiên. Đúng là khu vực chợ Giữa và xung quanh có nhiều cơ quan của phủ cầm quyền nên lính canh nhiều, cũng thường hay kiểm tra giấy tờ bất ngờ. Chỉ có điều Liên đã ở đó nhiều năm nên không chú ý tới. Ngược lại, dì dượng út nghe nói vậy thì nhìn nhau rồi quay qua xác nhận với Liên.

– Hả? Thiệt,

Liên gật đầu, nói thêm.

– Dì dượng đâu có …gì phải lo. Chỉ lo là hai em nhỏ gởi người ta kìa,

– Ờ, … ờ phải đa. Thôi, để dì dượng về lo … cho hai em đã. Lên thăm sau vậy.

Trong lúc Liên với anh hai ‘’uy hiếp’’ dì dượng út thì má Ngọc đã ra nhà sau soạn đồ. Lúc dì út xuống nhà sau lấy đồ của mình thì má Ngọc đưa cái giỏ bàng lớn cho dì.

– Dì dượng về bây giờ sao? … Đem cái này về cho mấy cháu, mai mốt rảnh rỗi thì lên thăm con Liên.

– À, … cảm ơn chị đa.

Liên nhăn mặt với má Ngọc, bị má kéo vô trong buồng nói.

– Con sao, dầu gì cũng là dì ruột của con. Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Con đừng làm quá, dỉ cũng chưa có làm gì sai.

Liên bĩu môi nói.

– Vậy mà chưa? Chỉ chăm chăm hỏi chuyện nhà cửa tiền của,

– Xì, … con thấy như chú tư con mà ba con còn bỏ qua, hà huống gì … để ba con biết sẽ bị rầy đó. Ổng muốn tìm về cho con mà, đừng phụ lòng ổng, nghe chưa?

Liên gật đầu ưng thuận. Đúng là ba Hoài đã cất công tìm dì út về cho cô, dẫu là nên hay hư, dữ hay hiền gì cũng là ruột thịt máu mủ. Cô sẽ nghe lời ba, cố gắng giữ lấy mối thân tình này. Chừng nào dì út làm quá thì hẳn tính tới.

error: Content is protected !!