Chương 60: Chanh chua thì khế cũng chua

Ba Hoài thấy chuyện gặp mặt dì dượng út Liên đã êm xuôi thì nói với chú tư hai ba câu gì đó rồi kêu thiếm tư lấy cặp rượu, hai gói trà với mấy hộp bánh mứt.

– Tôi với chú tư qua nhà ngoại con Thanh. Thiếm ở nhà lo chuyện bếp núc, có gì thì biểu thằng Hai phụ một tay.

– Dạ, thưa anh hai đi.

Thiếm tư mủi lòng, mắt đỏ hoe vì tủi thân mà không dám khóc thành tiếng.

Tuy nhà ngoại em Thanh giận vì chú tư nói năng lỗ mảng nhưng chỉ cần có ba Hoài đứng ra làm chủ thì thể nào cũng nguôi; hơn nữa dầu gì bên đó cũng nghĩ tới tương lai của em Thanh mà ráng nhịn. Liên nghe má Ngọc an ủi thiếm tư mà trong lòng càng thêm bất bình. Thuở đời nay, cha ruột mà không nghĩ tới tương lai của con gái, có ai như chú tư đâu chớ!

Liên được phân công làm việc tương đối quen thuộc chính là ủi quần áo cho người lớn trong nhà để mặc lúc làm lễ, còn có khăn trải bàn và mấy cái màn cửa đi cửa sổ nữa. Ở Long Hồ vẫn còn dùng bàn ủi sắt hiệu con gà và phải quạt cùng thay than củi mỗi hai mươi phút. Bởi vậy nên ủi quần áo rất lâu, nhứt là mấy bộ áo dài của cô dâu có thêu bông và áo dài của thiếm tư, má Ngọc có đính hột cườm; Liên phải cẩn thận từng chút.

Chỗ cô ủi đồ tương đối cách biệt với mọi người ở nhà sau nhưng vẫn nghe tiếng trò chuyện râm ran, náo nhiệt. Lúc cô ủi xong mấy bộ đồ tây của ba Hoài với anh hai thì Tư Thủy đi ngang huých vô người cô một cái rồi hất cằm chỉ chỗ bộ ván gõ nhà sau.

Ở đó, mọi người đương chuẩn bị làm các loại bánh, dì Út Hậu đứng dựa vào bộ ván, nhích tới nhích lui, nhổm lên nhổm xuống để coi ngó từng người, miệng thì huyên thuyên so sánh bánh ở đây làm khác với ở miệt Đồng Tháp, Thất Sơn hay ở Tân Châu ra sao. Có vẻ như dì út đã đi khắp vùng lục tỉnh, từng ăn qua đủ các có món đặc sản, thấy qua rất nhiều cảnh lạ. Giọng dì út không còn sụt sùi như lúc trưa mà đã trở lại sang sảng như trong trí nhớ của Liên. Dì út nắm một ít bột trong tay nói lớn.

– Ở đây mình nổi tiếng bột trắng, còn ở Tân Châu người ta lại ưa dùng bột nâu, đường thốt nốt hơn.

– Vậy dì thấy ở đâu ăn ngon hơn?

Giọng nói ngọt ngào của thiếm tư nhỏ chen vào khiến mọi người ngước lên nhìn kỹ rồi so sánh hai người với nhau. Thiếm tư nhỏ ăn vận rất hợp thời, da dẻ được dưỡng rất kỹ, đánh phấn tô son rất khéo. Út Hậu có nước da nâu, dầu là đương dùng phấn dày vẫn không che được làn da sần xùi khô xạm; đặc biệt là đôi mắt hằn sâu cùng quầng thâm bên dưới lậu ra cho người ta biết cuộc sống của bà hiện không thoải mái cho lắm. Hai người họ chênh lệch tuổi nhau không lớn; cùng tạo ra ấn tượng khác biệt so với những người trạc tuổi còn lại.

Liên ngó thấy má Ngọc ngồi bên bàn tròn têm trầu không để ý chút nào thì hơi mỉm cười. Đối với người lớn tuổi, đúng đắn như má Ngọc thì dáng điệu ẻo lả cùng giọng nói quá dịu ngọt của thiếm tư nhỏ khiến bà khó chịu và đề phòng, đơn giản vì đó là hiện thân của lẳng lơ và giả tạo. Còn với dì Út Hậu thì có lẽ má Ngọc nhận ra sự lạnh nhạt của Liên đối với dì, còn có ba Hoài và anh hai cũng có vẻ đề phòng nên bà tạm thời đón tiếp theo lễ là em gái của bạn từ xa về thăm. Cả nhà Liên đều ngầm đồng thuận với nhau rằng họ sẽ quan sát dì Út thêm ít lâu, chờ khi hiểu rõ rồi mới nghĩ coi nên đối đãi thế nào.

Có lẽ, ở giữa đám cưới đông người này, thiếm tư nhỏ và dì Út Hậu sẽ dễ dàng lậu ra bản tánh. Liên nghĩ là vậy nhưng cũng không để hai người phá hư đám cưới em Thanh, cô nói nhỏ vô tai em Thúy mấy câu rồi lại tiếp tục chăm chú vào chuyện ủi quần áo.

Tư Thủy rất lanh lẹ, cũng biết cách ứng phó. Có em ấy chọt vô mấy câu liền khiến cho thiếm tư nhỏ và dì Út Hậu nổi nóng, tranh nhau từng lời ăn tiếng nói, không ai chịu lép ai. Dì út tuy đã đi khắp miệt lục tỉnh nhưng lại chưa tới Sài Gòn; còn thiếm tư nhỏ thì đã sống ở Sài Gòn nhiều năm, sự lạ cảnh hay đều ngó thấy. Hai người, kẻ tám lạng người nửa cân, khoe khoang những chuyện mình mắt thấy tai nghe một hồi thì bắt đầu lớn tiếng cãi nhau.

– Xí, tôi nói đa, dì út rảnh rang đi nhiều biết rộng vậy mà không biết lễ nghĩa đa, chị hai mình gặp nạn mà cũng không về thăm, một nén nhang cũng hỏng có đốt. Đúng là biết lễ biết nghĩa dữ!

– Tôi là vì không hay đặng tin tức nên mới vậy, còn chị Tư Nhỏ, đã biết nhà người ta có mấy mặt con rồi mà đâm đầu vô. (haiz) … tôi coi là của cải nhà này … vô tay ai đa!

Liên nhếch mép, đây mơi đúng là giọng điệu và tầm mắt của dì Út năm đó, tham lam và chanh chua. Vẫn không thay đổi chút nào hết!

Liên chưa cảm thán xong thì thiếm tư nhỏ đã nâng giọng cao chót vót, còn hơn là đào độc chửi người trên sân khấu.

– Ớ … cái đồ bất nhơn bất nghĩa!

– Ớ … cái đồ lẳng lơ lăng loàn …

– Cái con …

Thiếm tư nhỏ chưa kịp ra hết lời thì đã bị ai đó xô cái rầm vô vách, vừa té ngã vừa la chói lói. Liền lúc đó dì út cũng chạy ào ra nhà sau, vừa chạy vừa la.

– Ông dám đánh tôi, đây là nhà tôi! Ông … dám không!

Liên không đi theo coi người kia có đánh dì út hay không mà đứng ở cửa nhìn chằm chằm chú tư.

Có lẽ Châu Tân cảm nhận được ánh mắt của cô nên cũng quay lại nhìn. Châu Tân đã uống rượu, đôi mắt vằn tia máu rất dữ tợn, ông cũng không giấu diếm ánh mắt căm giận đối với Liên.

Trong lòng Liên vừa nghĩ lẽ nào ông ta sẽ đánh mình ngay lúc này? Đột nhiên cô bị che mắt, anh hai đứng chặn tầm nhìn của hai người. Liên phát hiện anh hai cao lớn đến vậy, cô nhón chưn vẫn chỉ cao tới tai anh mà thôi.

– Chú tư, sao bỏ xuống đây! Đương đánh mà,

– Phải, phải đó … chú tư, lên nhà trên đi. Chung tiền nè,

Tiếng mấy người từ nhà trên hối thúc, chắc là họ đương chơi đánh bài gì đó. Chú tư hậm hực lầm bầm cộc cằn với thiếm tư nhỏ rồi cũng đi trở lên sòng bài. Tư Thủy chạy lại chỗ Liên cười khúc khích nói.

– Trời ơi! Hỏng ngờ bả chanh chua vậy á, tưởng đâu ngọt ngào như đường chớ!

Liên hất cằm ra nhà sau, chỗ dượng út kéo dì út đi ban nãy.

– Chua chẳng kém gì dì út chị. Mà em cũng hay ghê!

Liên xỉ xỉ tay lên trán Tư Thủy, tươi cười nói. Em Thanh đứng ở cửa phòng mình cũng chạy lại định nói gì đó thì Liên chợt nhớ cái bàn ủi vừa lấy than ra nên la lên.

– Quên, quên, bàn ủi!

– Coi chị kìa, lẹ lên! Coi hư quần áo bác hai với anh hai là chết đó.

Ba cô gái lật đật quay trở vô phòng, than chỉ vừa ngấm lửa, khói lên dày đặc làm cả ba ho sặc sụa. Hai Liêm đứng ngoài cửa phòng đợi một lát, chừng thấy trong phòng không có sự gì mới rảo bước lên nhà trên.

Ở bên ngoài, thiếm tư nhìn trời đã tối nên kêu hai con gái ra dọn mâm cơm để mọi người tới làm giúp ăn bữa trước khi về. Vài người qua phụ đám cưới nghe vậy thì ráng làm cho xong phần việc của mình, dọn dẹp gọn gàng, ăn chén cơm rồi ra về. Lúc ra khỏi nhà, người ta cũng không quên nhắc lại chuyện cãi nhau ban nãy.

– Đúng là chanh chua, khế cũng chua. Chẳng ai kém ai!

Vào những ngày giỗ quải, tụ tập đông người nhiều nhà cũng dễ xảy ra tranh cãi, đờn ông uống rượu say đánh nhau, còn đờn bà coi không vừa mắt cũng gây lộn nhau nên họ không thấy lạ. Họ bất ngờ vì vợ bé của Châu Tân ngày thường ngọt ngào mà bữa nay lậu ra tánh nết hung dữ vậy, coi ra đó giờ bà ấy đóng kịch mà thôi. Còn dì út của ba Liên đúng là không hiểu chuyện, lần đầu tiền về đây, làm khách nhà người ta mà không vị nể gì hết. Họ chợt nhớ tới lời ba Liên kể lể hồi trưa, Út Hậu đâu có nhớ thương gì đứa cháu mồ côi, đi biền biệt nhiều năm vậy. Ông bà Châu nuôi lớn ba Liên rồi mới trở về, có thực tình thương cháu hay không? Hỏi vậy thôi chớ người hung dữ, đanh đá như vậy có đặng mấy phần tình thương.

Chính vì mọi người nhận ra tánh nết của Út Hậu và vợ bé Châu Tân nên hai ngày sau, lúc phụ làm đám cưới người ta đều tránh hai người, có ngồi kế thì nói chuyện rất dè dặt. Chuyện này khiến Út Hậu rất bực bội, bà ta muốn hỏi thăm chuyện nhà của Châu Hoài mà chẳng hỏi đặng cái gì.

Nghĩ tới, Út Hậu càng tức giận hơn, cháu gái của mình càng kín miệng như bưng. Nó cứ làm hết việc này tới việc kia, từ ủi quần áo cho cả nhà cho tới may thêu đính cườm sửa áo cho cô dâu rồi còn đi theo ra tiệm làm tóc, trang điểm; bà chẳng có dịp nói chuyện riêng gì hết.

Bà chỉ nghe Châu Tân nói anh chị hai có để lại chút gia sản cho con Liên, đầu tiên là căn nhà này, còn có miếng đất ở Sài Gòn và tiệm may gì đó. Căn nhà này chẳng đáng giá lắm, lại có phần mộ của anh chị hai không dễ gì bán đi. Nhà đất ở Sài Gòn thì bà chưa từng tới nên không biết, thể nào bà cũng lên đó coi cho biết. Nhưng mà bà ngại ông bà Châu Hoài kia, hai người nhìn qua rất khó khăn và đúng đắn, không dễ nói chuyện càng không dễ bị chèn ép. ‘’Xí, dẫu sao mình mới chính là dì ruột của con Liên, họ chẳng qua là cha mẹ nuôi thôi. Mình mà biết họ có ý gì với gia sản của con Liên, mình sẽ la làng cho họ mất mặt chớ chẳng không! Mà nhà đất ở Sài Gòn chắc có giá lắm đa! Một mớ tiền đó,’’ Út Hậu chừng nghe thấy tiếng đồng bạc chạm vào nhau lẻng xẻng, còn có tiếng lá bài xoèn xoẹt nữa, tay chưn bà đều ngứa ngáy hết rồi.

Vừa lúc này, Út Hậu thấy bộ trang sức Liên cầm trong hộp ra, đeo lên trên người cô dâu. Bà hít sâu để ngăn không cho bàn tay mình vói ra giựt lấy. Đã lâu rồi bà chưa nhìn thấy vàng thiệt sáng chói như vậy. ‘’Cái con này, có tiền đem đi cho người dưng, sao không cho tao, tao mới là dì ruột đó, đồ …’’, xém chút nữa Út Hậu chửi ra thành tiếng. Bà nhắc mình phải ráng chờ thêm ít ngày nữa, không thể làm hư chuyện của Châu Tân và chồng mình. Hừm, sau này có tiền rồi bà sẽ không cần phải chịu lép dưới tay hắn nữa.

Tiếng pháo nổ vang, nhà trai tới đón dâu rồi!

Liên đứng lùi ra sau một chút để mấy má con thiếm tư tiện trò chuyện.

– Đi, theo anh hai.

Liên quay lại thấy anh hai xách cái rương nhỏ của em Thanh rồi ra hiệu biểu cô đi theo. Ừm, cô lo phần đồ hồi môn của em Thanh đó, phải đi coi còn thiếu món nào không, đứng ở đây làm chi.

Liên đưa mắt nhìn thiếm tư lần nữa rồi chợt nghĩ ‘’Phải chi má còn sống thì tốt biết mấy!’’ rồi cô lắc đầu nghĩ lại ‘’Có má Ngọc là đặng rồi, má Ngọc cũng đâu khác má Phước là bao!’’

error: Content is protected !!