Tháng Giêng không phải là lúc việc buôn bán vải và may quần áo bận rộn vì người ta đã mua sắm hết vào trước Tết. Thậm chí có nhiều người lớn cấm không cho may quần áo vào tháng Giêng vì kiêng kỵ. Tuy nhiên, tiệm vải Long Hồ và tiệm may Ngọc Phước đều nằm ở khu phố Tây nên vẫn có khách lai rai. Hai cửa tiệm đều cúng khai trương vào ngày mười hai tháng Giêng, Liên vẫn ra tiệm mỗi ngày.
Mấy ngày này vắng khách, nhóm thợ may cũng chưa lên nên trong tiệm chỉ có mình Liên trông coi. Cô cũng không nhàn rỗi mà nghĩ ra các kiểu quần áo mới, tính toán lại ghi chép trong sổ sách và thỉnh thoảng đọc nhựt trình.
Mặt tiền cửa tiệm chếch hướng tây nên khi trời xế sẽ có nắng rọi vào. Liên sợ mấy chậu kiểng trước cửa tiệm mau tàn nên cô đi ra cửa dời chúng vào góc khuất nắng.
– Liên, Liên! Chừa chỗ dựng xe.
Hảo chạy xe đạp từ bên kia đường qua, người chưa tới mà tiếng đã tới. Liên lại dời hai chậu hướng dương lớn ra sát vỉa hè để Hảo nhét xe đạp vô phía trong.
– Trò bán được gì không?
– Thì cũng như bên này thôi, Tết xong thì rảnh rang tới hết tháng Giêng lận!
– Ờ,
Liên vốn muốn gặp Hảo để nói chuyện hôm trước ở hý trường Kim Chung. Bữa đó Hảo uống mấy ly rượu mạnh rồi chẳng những lên sàn nhảy quậy tung mà còn lớn gan bày tỏ tình cảm với anh Hai. Lúc đó, mọi người đều có hơi men, anh hai còn rót cho Hảo thêm một ly nữa khiến cho trò ấy chẳng thể nói năng mạch lạc, nhảy nhót quay cuồng rồi gục xuống bàn ngủ cho tới lúc ra về luôn. Mọi người đi cùng đều nhứt trí giả như không biết, coi như chưa từng xảy ra.
Nhưng Liên là người gây chuyện, cô định lúc đi học võ sẽ ghé nhà Hảo để xin lỗi và gỡ cho xong gút mắc này. Vậy mà trò ấy đã tới đây trước, coi ra mấy ngày nay Hảo chẳng đặng yên.
– Anh hai mình đi Tân Châu rồi, lo chuyện hãng xưởng ở dưới.
Liên lên tiếng để Hảo yên lòng rồi chỉ bộ ghế sofa để trò ấy ngồi. Cô ra phía sau lấy khay nước, là nước trà đá – thức uống tốt nhất trong mùa khô ở Sài Gòn. Liên đợi Hảo uống mấy hớp nước, cân nhắc kỹ càng rồi nói.
– Mình cũng tính gặp trò nói chuyện hôm bữa, Hảo … trò đừng giận mình đã khích bác. Mình nghĩ thà …
– … nói ra một lần rồi thôi, phải không? Trò cũng biết là mình không có khả năng … không đủ xinh đẹp, phải không?
Liên không e dè mà nhìn thẳng mặt Hảo mặc dầu hai người đã quen biết nhau hơn ba năm rồi. Cô dùng ngón trỏ lướt qua các đường nét trên mặt Hảo như họa sĩ đương phác họa chơn dung người mẫu. Hảo có gương mặt tròn, da sáng, mắt đen và mũi thấp giống như phần lớn thiếu nữ Việt khác. Nhưng Hảo có một nửa lai người Quảng Đông nên đôi mắt nhỏ hơn chút, ngược lại làn da không ngăm đen mà vàng sáng chuyển hồng. Hảo chỉ cần dùng phấn trang điểm thì làn sẽ trắng lên một bực, đủ hấp dẫn ánh mắt người khác; đương nhiên là da Hảo không thể trắng trong bắt sáng như Laurent. Sự tự ti của Hảo là bắt nguồn từ việc ở bên cạnh và so sánh với Laurent, còn là do so với anh Hai Liêm.
Liên biết những lời an ủi như trước đây đều không có tác dụng lúc này. Cô là người đẩy Hảo tới quyết định bày tỏ với anh hai thì cô có trách nhiệm dọn dẹp tàn cuộc này.
– Hảo, trò cũng biết rồi … anh hai mình không giống như mấy anh nam sanh tụi mình từng quen trong trường. Mình thực sự không biết ảnh đối với trò ra sao, ảnh không ghét bỏ hay xa lánh trò, thậm chí là sau bữa chiều ở Kim Chung, … chắc chắn mà.
Liên khẳng định chắc chắn suy đoán của mình, cô còn bổ sung.
– Bữa đó ảnh dặn mình đưa các trò về tận nhà, lúc tối còn hỏi thăm coi mấy trò có bị ở nhà la rầy hay không nữa.
Hảo xúc động khi nghe Liên kể anh Hai Liêm quan tâm hỏi han nhưng sau đó trò ấy lại ỉu xìu vì Liên lặp lại tiếng ‘’mấy trò’’ khiến Hảo hiểu sự quan tâm của Hai Liêm là dành cho bạn học của em gái chớ chẳng phải sự quan tâm riêng tư hay đặc biệt dành riêng cho mình.
Liên chờ Hảo khôi phục tâm tình rồi nói tiếp.
– Mình không hiểu vì sao anh Hai không … vậy, nhưng mình biết vì sao sư huynh ở võ đường hay anh gì ở bên trường Pétrus đó ưa thích trò.
– Gì? Gì chớ! Trò nói … sao khi không nhắc mấy người đó?
Liên cười nhìn vẻ thẹn thùng đáng yêu của Hảo. Tánh tình Hảo rất tốt, ngây thơ và phóng khoáng, vui vẻ và vô tư, dễ lấy được thiện cảm của người đối diện.
– Ừm, trò thấy mấy anh đó không tốt, không đẹp sao?
– Đâu có, mình đâu có chê bai gì,
– Vậy nên mình nghĩ anh hai không hề cho rằng trò không đẹp.
Liên tận dụng thời cơ, cắt ngang lời của Hảo, cũng kiên quyết thay Hai Liêm giải quyết hiểu lầm.
– Trò … trò … về phe ảnh!
– Không có, trò còn chưa nghe hết ý mình. Mà dầu mình muốn bênh cũng không đặng, bữa đó trò cũng đã thấy tánh xấu của ảnh rồi đó, không phải sao?
– Thấy gì đâu?
– Trời đất,
Liên giả vờ la lên, cô uống hết ly nước trà cho thông giọng rồi nói tiếp.
– Ảnh chơi bời, lăng nhăng vậy mà. Mấy lần trò tới nhà, má mình cũng cằn nhằn hoài trò không nghe thấy à?
– Nghe, có … có nghe nói,
– Thì bữa trò thấy luôn rồi đó. Cậu Tư Tấn nữa, hai người họ là một giuộc mà,
Liên thấy Hảo nhăn mày vì nghe ngữ điệu chê trách của cô. Dẫu sao thì từ hồi anh hai về nhà, mọi người xung quanh đều ‘’nâng niu’’ ảnh, muốn gì đặng đó. Liên không thấy áy náy vì chê bai anh hai mà cô hơi ngại khi lôi kéo cậu Tư Tấn vào chuyện này. Cậu Tư Tấn ăn chơi hay lăng nhăng gì đó đều không liên quan tới cô. Cô ở sau lưng người ta nói xấu vậy đúng là không hay ho gì, chỉ là vì chặt đứt tâm tình ái mộ của Hảo đối với anh hai nên cô đành phải làm vậy thôi.
– Liên, vậy … vậy Laurent thì sao? Trò ấy không cảm thấy anh hai trò vậy là không đúng đắn sao?
Liên lắc đầu. Đây là điểm khác biệt mấu chốt trong tình cảm đối với anh hai giữa Hảo và Laurent. Nói thực ra, Laurent rất thực tế, trò ấy đủ lý trí và bản lãnh để vượt qua thất bại hay tổn thương trong tình cảm, nhứt là những rung động đầu đời. Có thể Laurent đã được cô giáo Lê phân tích và giảng dạy về những xúc cảm trong thời thiếu nữ, phân biệt rõ ràng lý trí và cảm tính, bốc đồng xốc nổi và chân thành trong các mối quan hệ. Laurent không hề ảo tưởng về một vị bạch mà hoàng tử nào đó trong giấc mộng của nhiều thiếu nữ, giống như Hảo và Liên ở đời trước.
Đúng vậy, Liên ở đời trước đã từng mơ về bạch mã hoàng tử của riêng mình, người có thể tìm anh hai về cho ba má nuôi, người có thể giúp cô lo chuyện làm ăn bên ngoài. Liên rùng mình khi nhớ lạ cảm giác hân hoan của mình khi được Hai Bản thương yêu chìu chuộng năm đó. Hắn đã từng chính là hiện thân của bạch mã hoàng tử trong lòng cô, vì hắn có gương mặt gần giống anh hai, vì hắn rất giỏi giang trong chuyện làm ăn, và rất dịu dàng với cô.
Liên bất giác quơ tay muốn lấy ly uống nước để phá tan ảo mộng xưa. Ly nước đã hết mà cô vẫn đưa lên miệng.
– Liên, Liên … trò sao vậy? Khát nước hả? Để mình đi lấy cho,
– Không, không cần đâu.
Liên vịn cánh tay Hảo để ngăn trò ấy đứng dậy. Cô đặt ly nước xuống bàn rồi chớp mắt hai ba lượt.
– Trò hỏi Laurent hả? Thực ra mình thấy tụi mình thua sút trò ấy ở chỗ nầy nè. Ừ, Laurent có thể nói mọi chuyện với cô Lê, kể cả chuyện tình cảm … trò ấy mến ai, đương để ý tới ai, đều có thể nói ra.
– Hả? Thiệt hả? Cô Lê không có rầy la sao?
Liên lắc đầu rồi rướn người tới nắm hai bàn tay Hảo.
– Tụi mình chỉ có thể nói với nhau, mà đâu có đứa nào từng trải … à,
Liên giả bộ ngập ngừng để cho Hảo hỏi tới mới nói tiếp.
– Lúc nãy mình nhớ lại giấc mơ khủng khiếp lúc nằm ở nhà thương Đồn Đất.
– Mơ gì mà khủng khiếp?
– Mình mơ thấy bạch mã đá mình, dùng cả bốn chưn đá mình ngã lăn quay dưới đất. Đau đớn khủng khiếp … mà chẳng có hoàng tử nào tới cứu!
Ha ha ha.
Cả hai cô gái đều bật cười. Liên siết tay Hảo chặt hơn, nói tiếp.
– Mình nghiệm ra rằng bạch mã có thể đá người và hoàng tử cũng có thể phụ người … còn … cũng rất tàn nhẫn và khốc liệt hơn nhiều người thường nữa đa!
– Lăng nhăng, ý trò là vậy chớ gì? Mình biết rồi.
– Ừ. Giờ mình mới khát nước nè!
Liên đứng dậy cầm theo cả hai cái ly đi ra phía sau. Cô muốn cho Hảo chút riêng tư để suy nghĩ. Thế nhưng cô vừa lấy nước xong đã nghe tiếng Hảo đương nói chuyện với ai đó đàng trước. Đúng rồi, cửa tiệm đương mở mà, chắc là có khách tới. Liên vội bưng hai ly nước đi ra thì thấy khách là anh Hướng. Anh ấy và Hảo đương chào hỏi nhau rồi cả hai đều ngượng ngùng vì chợt nhận ra mấy món đồ đương trưng bày trong tiệm chính là quần áo lót của phụ nữ.
Liên được Laurent huấn luyện mấy tháng nay nên dạn dĩ hơn rồi. Cô tươi cười đi tới tiếp chuyện.
– Anh tới tìm Laurent sao? Trò ấy đi Cấp rồi, đầu tuần sau mới về.
– Ừ, … chuyện này nói với Liên cũng được, nếu Liên có thời gian …
– Dạ được. Hay là mình qua quán cà phê kem ở góc đường bên kia? Hảo, trò đi chung nghe?
Liên vừa nói vừa nhìn Hảo và cả anh Hướng. Cô không biết chuyện anh ấy nói là chuyện gì nhưng chắc chắn không phải là chuyện ‘’riêng tư’’ gì đâu, chẳng phải ảnh đã nói là tìm Laurent sao, cô chỉ là người thay thế.
– Được, mà có thuận tiện cho Liên không?
– Liên, Liên … Mình phải về coi tiệm. Đi lâu rồi, má mình la chết!
Hảo chưa nói xong đã cuống quít lấy cái giỏ xách tay trên ghế sofa rồi đẩy cửa muốn về liền luôn. Liên ráng nhịn cười, anh Hướng đứng gần cửa xém chút là không kịp tránh.
– Mời anh ngồi, em ra tiễn trò ấy.
Thực ra là Liên sợ Hảo quýnh quáng rồi làm đổ bể mấy chậu kiểng bên ngoài. Trước khi trò ấy đạp xe đi còn rướn người nói với Liên.
– Có hoàng tử, không có bạch mã, không có ai đá trò nữa. Hoàng tử một mình tới sào huyệt, trò có thể bắt luôn, không ai hay biết.
– Dẹp!
Liên bật cười, dùng sức đẩy yên sau xe đạp để Hảo thuận đà chạy đi. Cô còn chưa kịp trở vô tiếp khách thì thấy chị ba Hảo và ký giả Đoàn Biền đi tới.
– Năm mới phát tài, cô Ba.
– Cám ơn ông. Chúc ông năm mới vạn sự như ý!
Chị ba Hảo thấy Liên chào khách xong liền giải thích.
– Ông đây tìm cậu hai mà không gặp nên nói qua bên này gặp cô Ba cũng đặng. Tôi đi dẫn đường, sẵn tiện coi cô Ba cần phụ gì không.
Giọng chị ba Hảo hơi lớn, nên Bình Hướng ở bên trong chắc cũng nghe thấy. Vậy nên khi chị Ba đẩy cửa vào trong thì Bình Hướng nhìn ký giả Đoàn Biền hơi lâu khiến ông ấy có vẻ bất đắc dĩ.
Thực ra, chị ba Hảo không hề dấu diếm ý tứ rằng mình cố tình đi theo ký giả qua đây là vì ngại Liên chỉ có một mình mà tiếp khách đờn ông. Lẽ ra, chỉ nên ở bên này với Liên mới phải, nhưng vì lúc trưa chỉ mang cơm qua cho anh Ba bên kia nên Liên dặn chỉ không cần trở lại đây nữa.
Anh chị Ba lo ngược lo xuôi, không ngờ rằng ở trong tiệm đã có một vị khách nam ngồi sẵn. Chị Ba giựt mình rồi chạy tuốt ra sau luôn.
Liên làm tròn vai chủ nhà giới thiệu hai người với nhau.
– Ký giả Đoàn Biền, nổi danh lắm.
Liên mỉm cười chỉ xấp nhựt trình ở ngăn dưới của bàn sofa rồi quay sang Bình Hướng nói.
– Anh Nguyễn Bình Hướng, du học sanh từ Pháp về.
– Hân hạnh,
– Hân hạnh.
Hai người lịch thiệp bắt tay nhau rồi cùng ngồi xuống ghế sofa.
Theo lẽ thường thì ‘’Người tới trước được phục vụ trước’’ nhưng mà hai người này đều tới tìm người khác, Liên chỉ là người thay thế nên cô nhìn qua lại rồi nói luôn.
– Anh Hai tôi đi Tân Châu chắc vài bữa nửa tháng mới về, còn Laurent thì cuối tuần này về. Vậy nếu chuyện không gấp thì anh Hướng và ký giả đợi đặng không? Chiều nay, chừng bốn năm giờ tôi theo má đi chùa,
Bóng nắng ngoài thềm đã dài như vậy, chẳng bao lâu là cô chủ đã đi rồi, còn nói năng gì kịp nữa. Bình Hướng và Đoàn Biền nhìn nhau, ý tứ trong mắt rất giống nhau, đều tự nhủ ‘’Biết vậy khỏi vòng vo, nói đại là tìm người ta cho rồi!’’ Tuy là nghĩ vậy nhưng cả hai đều cười cười đứng lên khỏi sofa rồi cùng ra về.
Chị ba Hảo bưng khay nước và ít bánh trái lên thì đã thấy không còn ai. Coi đầu năm vầy mà khách đờn ông lại ghé tiệm này, là hên hay xui đây? Chiều nay mình cũng lên chùa xin quẻ xăm coi làm ăn ra sao mới đặng.