Chương 54: Phiên ngoại – Buổi giao thời, cũ mới cân phân

Năm nay là Tết Đinh Mão, trong nhà ngoài ngõ đều có biểu tượng của mèo. Lê Thu Hòa đương đứng nép bên cạnh chậu kiểng được tạo dáng hình mèo. Hương mai chiếu thủy dịu nhẹ lan tỏa giữa đêm. Hôm nay mới là mùng ba Tết nên trăng non đã sắp lặn rồi, bầu trời mờ mịt càng tô đậm hương hoa dịu nhẹ; cũng giống như cảnh vườn kiểng tĩnh lặng làm Hòa nghe rõ tiếng tranh cãi của chú thiếm ba ở góc bên kia vườn kiểng.

Ông nội vẫn giữ nếp nhà xưa, Lê gia vẫn là tam đại đồng đường; nghĩa là ông bà cha mẹ con cháu sống cùng nhau. Tuy rằng mỗi gia dình nhỏ vẫn có gian nhà riêng cách nhau một khoảng sân vườn nhưng sự riêng tư rất khó mà giữ đặng lâu. Giống như bây giờ vậy, Hòa vừa đem mấy chậu cúc trong phòng của mình ra ngoài vườn hứng chút sương để nó không tàn mau thì thấy hai bóng người ở phía kia đi lại. Hòa nhận ra là chú thiếm ba, cô định lên tiếng chào hỏi thì nghe thiếm ba gắt gỏng.

– Gia phong, nề nếp … cái gì chớ! Còn giữ đặng bao lâu? Hoàng đế còn phải cúi đầu … ở đó mà …

– Nói bậy bạ cái gì? Muốn gặp họa hả? Lời này mà cũng dám nói!

Chú ba nạt ngang chặn lại lời bất kính của thiếm ba nhưng đã hơi chậm. Dẫu sao thì người nào nghe cũng có thể đoán ra thiếm ba muốn nói ai, chỉ là lời này quả thực rất bất kính, không chỉ với cha chồng của thiếm, là ông nội của Hòa, mà còn kéo cả mấy vị Cựu hoàng và Tân hoàng xuống nước, không chút nể tình!

Cũng phải, gốc gác thiếm ba là thương nhơn, lại theo tân thời nên mấy chuyện lễ nghĩa quân thần hay là trung quân ái quốc gì đó đều xa lạ. Từ nhỏ thiếm ba đã dùng các đồ nhật dụng nhập từ Tây qua, xài tiền cũng là xài đồng bạc Đông Dương, học chữ cũng là chữ Lang-sa. Hòa nghe nói chú thiếm ba được người mai mối mới thành thân thì tự hỏi không biết người làm mai đó thấy hai người họ có điểm gì chung; hoặc là ông mai vì thèm ăn đầu heo nên mới liều mạng mà làm. Cũng có thể gần hai chục năm trước thì tình huống không giống như bây giờ, chú thiếm ba lúc đó còn trẻ, chắc là vừa gặp đã ưa. Hòa chỉ nhớ là từ lúc cô bắt đầu hiểu chuyện thì hai người họ luôn bất hòa. Họ không chỉ bất hòa với nhau mà còn bất hòa với hầu hết người ở Lê gia, từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn.

Chẳng hạn như chuyện chú ba luôn muốn nhờ ông nội lên tiếng để đưa mình vào làm việc ở triều đình hay là phủ Toàn quyền Đông Dương. Ông nội không đồng ý, thế là chú không chịu làm gì khác, kể cả đi dạy ở các trường nhà nước hay tư thục gì đó. Chú ba được ông nội cho du học ở Pháp ba năm, vốn tiếng Pháp rất tốt, dư sức kiếm sống bằng nghề gõ đầu trẻ nhưng chú nhứt quyết không làm.

Thiếm ba thì luôn hục hặc với mẹ của Hòa, đôi khi lại mỉa mai chê bai cô chỉ biết ru rú trong nhà, thời buổi nào rồi mà còn thêu thùa may vá, kiếm đặng mấy đồng. Lúc cô xin phép tới tòa soạn báo chí làm phụ tá thì thiếm không nhịn nổi mà gập người cười ha hả. Hòa không thèm chú ý tới thiếm ấy nhưng anh hai lại rất thích nghe mấy chuyện quan hệ xã giao với nhóm tân thời rồi chạy ‘’áp phe’’ của nhà mẹ đẻ thiếm ba. Thời gian gần đây, anh hai lơ là chuyện học mà theo chú thiếm ba giao du với đủ loại người ở mấy nơi phù phiếm.

Trước giờ, thiếm ba vẫn chưa dám làm quá trước mặt ông nội và cha cô. Không hiểu sao từ giáp Tết tới giờ chú thiếm ba dường như cố tình gây sự, chẳng hạn như chuyện chiều nay. Hôm nay là mồng ba Tết, theo lệ thường sẽ có nhiều học trò của ông nội và cha tới chúc Tết. Từ chiều hôm qua, mẹ Hòa và Hòa đã chuẩn bị các món ăn, bánh mứt và cả rượu để ông nội tiếp đãi học trò. Cả nhà đều không dám qua loa trong lời nói hay cách ăn vận, dầu gì cũng là thể diện của ông nội với cha.

Vậy mà không hiểu sao thiếm ba lại chọn mặc váy đầm tân thời, hở cánh tay và lậu mắt cá chưn cùng giày cao gót chông chênh. Thêm một điều nữa là thiếm lại vận váy áo màu vàng minh hoàng, là màu sắc mà chỉ có hoàng thất mới đặng quyền sử dụng. Mẹ Hòa và cô đương dọn bánh mứt từ dưới nhà bếp lên thì bị thiếm chặn giữa đường, giành lấy đem ra cho khách. Hành động này là cố ý rồi, Hòa muốn cản nhưng không kịp. Đôi giày cao gót gõ lọc cọc trên nền nhà lát gỗ khiến mọi người đều phải quay lại nhìn rồi không nhanh không chậm quay mặt đi. Chỉ khoảnh khắc ngắn ngủi đó thôi đã đủ khiến ông nội và cha mất hết lập trường trong mắt các học trò rồi.

Ông nội trầm mặt, cha trừng mắt nhìn chú ba, không khí trong phòng lặng như tờ. Hòa chen người lên trước vừa che chắn vừa đẩy thiếm ba xuống dưới. Mẹ cô ở sau rèm nắm cánh tay thiếm kéo xuống. Chú ba ho khan hai ba tiếng rồi đứng dậy giả như ra nhà sau cho bớt cơn ho.

Lúc đó, Hòa chú ý thấy có sáu học trò của ông nội ở phòng khách, họ đều đã đứng tuổi nên không có hành động gì thái quá. Chỉ hơi khác với thông thường là họ kiếu từ ra về sớm hơn, những lời chúc mừng cũng câu nệ và khách khí hơn so với nhóm học trò khác.

Đến khi trời rối muộn thì ông nội biểu đóng cổng rồi gọi chú thiếm ba vào thơ phòng. Cha Hòa khuyên ông nội.

– Cha, cha mệt rồi hay là để ngày mai … ngày kia cũng không muộn mà.

Ngày mai là mồng bốn, là ngày cúng ông bà tổ tiên, họ hàng sẽ tề tựu về đông đúc, hẳn là ông nội càng bận rộn hơn.

– Theo ta thấy là đã trì hưỡn lâu rồi, thôi thì … nói cho xong đi. kêu vợ con cũng vô đi.

Năm người lớn trong nhà đều vô thơ phòng, mấy đứa nhỏ và người làm đều biết là có chuyện trọng đại sắp xảy ra nên chỉ nhìn nhau rồi rút lui về phòng của mình.

Hòa ngồi thừ trong phòng nhìn mấy chậu hoa đến chán mới nghĩ tới chuyện đem tụi nó xuống sân hong sương. Ai ngờ lại gặp cảnh chú thiếm ba cãi nhau. Chắc là cuộc nói chuyện ở thơ phòng đã xong rồi và chú thiếm không hài lòng cho lắm. Không hài lòng thì thế nào, nhà này vẫn do ông nội làm chủ.

– Cái gì mà trưởng thứ chớ, thằng hai có ra gì … để lại cho nó chẳng bằng …

– Cô thấy rồi chớ, tôi đã nói cha chặt lòng chặt dạ … đợi thêm ít lâu nữa mà không nghe. Giờ ra riêng, một cắc cha cũng không cho … để coi cô hùn hạp làm ăn gì!

À, thì ta là chú thiếm ba muốn ra riêng.

Người ta thường nói giấy rách thì phải giữ lấy lề, chú thiếm ba vừa cầu sang, ưa cuộc sống tân thời lại vừa muốn dựa vào danh tiếng của ông nội thì đâu có đặng. Chú thiếm có bản lĩnh thì tự mình mưu cầu, hà tất giở kế này để ép buộc ông nội lên tiếng. Có thể chú thiếm ba nghĩ là để ông nội lên tiếng trước thì sẽ phải chịu lép mà chia cho họ đặng phần nhiều. Trời, chú thiếm quên là tới phủ Toàn quyền còn không thể ép ông nội nữa là hai người họ.

Đèn trong thơ phòng vừa tắt, chú thiếm ba dùng dằng rồi cũng đi về phòng riêng. Hòa chờ một lát mới đi vào nhà. Cô thấy cha mẹ chia ra, một người xuống nhà bếp còn một người lên lầu gác. ‘’Vậy ông nội đâu?’’, Hòa thì thầm trong miệng. Cô nhìn lại quãng hành lang ngắn lẽ ra ông nội phải đi qua để về phòng ngủ nhưng không thấy động tĩnh gì. Cô chần chừ rồi nhẹ bước tới gian nhà thờ ở chánh giữa.

Gian thờ phượng là chỗ trang nghiêm nhứt trong nhà, chỉ có những dịp lễ tiết thì Hòa mới được phép vô. Chuyện nhang khói và lau dọn ở đây cô cũng không đặng phép đụng tới, nhứt là vào những ngày trong chu kỳ sinh lý của đờn bà thì cô càng không thế tới.

Cửa vào gian thờ mở hé, hương trầm thoang thoảng. Hòa thấy ông nội vừa cắm nhang lên lư hương rồi kéo ghế bên trái bàn dài ngồi xuống mà mắt nhìn chăm chú vào đầu nhang cháy đỏ.

Trước đây, giống như mấy đứa nhỏ trong nhà, Hòa rất sợ ông nội bởi gương mặt nghiêm nghị, đôi mắt thâm sâu và cả sự thần bí mà ông nội tạo ra đối với mấy đứa nhỏ. Những lời ông nói, theo nho phong, nên rất khó hiểu; những chữ ông viết theo thơ pháp nên đọc không thấu. Đặc biệt là những lễ tiết mà ông luôn gìn giữ và dạy dỗ khiến đám con nít trong nhà muốn phản kháng nhưng luôn vì sợ hãi mà làm theo.

Rồi Hòa lớn lên, vừa học chữ Nho vừa học Quốc ngữ, lại thêm tiếng Lang-sa khiến cô từ từ hiểu biết những thứ mà ông nội muốn gìn giữ và truyền lại là gì. Đặc biệt là từ khi cô phụ giúp công việc cho ký giả Đoàn Biền, cô bắt đầu hiểu rõ hơn cái gọi là ‘’buổi giao thời’’. Những người như cô không chỉ đắn đo, chọn lựa giữa cái cũ và cái mới giữa các thế hệ người Việt mà cô còn ở giữa sự giao thoa của văn hóa Đông và Tây. Nói trắng ra là tranh đấu của những luồng tư tưởng, văn hóa, văn minh, chánh trị và quyền lực mà gia đình cô chính là một điển hình.

Còn có một lý tưởng sống mới đương hình thành trong cô thông qua những lần nói chuyện với ký giả Đoàn Biền. Cô nể trọng học thức của ký giả, thế nên cô chịu ảnh hưởng từ ông, không chỉ ở phong cách hành văn mà còn ở lý tưởng sống. Lần ký giả bị thương trong đêm Giáng sinh đã tình cờ lậu ra cho cô biết con người thực, đời sống thực của ông ấy là gì. Ừm, cô đã biết thực ra ông ấy là ai, làm việc cho ai và lý tưởng sống là gì.

Năm trước, cô cùng các bạn xuống đường biểu tình trong lễ tang ông Phan Châu Trinh nhưng cô thực không hiểu rõ lắm. Mọi người truyền nói với nhau về những việc ông Phan đã làm, ích nước lợi dân rồi cải cách gì đó. Cô nghĩ là mình hiểu và kính trọng ông ấy nên tham gia tiễn đưa ông một đoạn như những thanh niên cấp tiến khác. Cho tới bây giờ cô mới có thời gian suy xét lại, lần lần hiểu rõ hơn đâu là cũ, đâu là mới, cái gì nên xóa bỏ, cái gì nên cải tiến. Theo đó là những ai thủ cựu lạc hậu, những ai nghinh tân cấp tiến.

Suy xét và nghĩ ngợi là một chuyện, còn bắt đầu hành động theo lý tưởng là một chuyện hoàn toàn khác. Hoa biết ký giả Đoàn Biền đã bước trên con tàu đó, ông đã chung tay chèo chống để chiếc tàu căng buồm ra khơi. Còn cô, cô vẫn chỉ là người đứng trên bờ nhìn theo. Giống như bây giờ, cô nhìn ông nội đương cố níu giữ lề thói xưa trong mà chạnh lòng đau xót. Cô không muốn ông nội bị gạt sang bên lề dòng chảy thời đại, còn có cha cô nữa. Họ đương biến mình thành người đi ngược dòng, từ từ bị đẩy lúi ra sau … cho tới khi …

Hòa rùng mình khi nghĩ tới tương lai của ông nội và cha, rồi cô giựt mình vì cha đột nhiên thì thầm.

– Ông nội ở trỏng?

– Dạ phải. Cha … ông nội,

– Con về phòng đi,

Hòa lùi người tránh ra để cha đẩy nhẹ cánh cửa bước vô trong. Cô đưa mắt nhìn vô phòng lần nữa rồi mới chậm rãi đi về phòng trên gác.

Mấy chậu hồng nhung trong phòng cũng cần hứng sương nhưng Hòa cứ ngồi bất động trên ghế. Niềm vui đón mừng năm mới bỗng trở thành lo lắng cho tương lai bất định của cả nhà. Hòa muốn gặp ông ấy quá, ông ấy luôn có câu trả lời cho những câu hỏi và băn khoăn trong lòng cô. Hòa nghiêng người mở ngăn tủ đầu giường ra, cái áo chẽn bằng da dày mà cô phải lén lút tới nhà Hảo may vẫn chưa được tặng cho người cần nó. Mấy ngày Tết này, hý trường Kim Chung càng đông đúc náo nhiệt hơn … nhưng mà ông ấy đã không cho phép cô một mình tới thăm rồi!

Khoan đã, ông ấy nói là không cho cô đi một mình, vậy đi nhiều mình thì chắc được!

error: Content is protected !!