Chương 43: Chuyện nhà

Trên Sài Gòn chú tư Châu Tân có nhà riêng ở mé Chợ Lớn, gần hãng dệt. Chỗ đó là chú ở với vợ hai và một đứa con gái nhỏ nên thiếm tư không qua đó bao giờ.

Buổi tối thiếm tư ngủ chung với dì Tư lành, còn hai em Thanh, Thủy thì lên ngủ ở phòng Liên. Tư Thủy mới trổ mã con gái, đã vụt cao lên nhưng tính tình còn con nít lắm. Em Tư vừa cười vừa nói.

– Anh Hai bảnh trai thiệt, mà ảnh ít nói quà hà. Chẳng trách ba em bực bội. Em thấy bác hai hỏi một câu thì ảnh đáp một chữ.

Vừa nói em Tư vừa bắt chước anh Hai gật đầu, lắc đầu, hoặc “hừm, hừ” trong miệng. Ba chị em ngồi cười ngất, rồi bụm miệng sợ lớn tiếng. Ba cô gái nhỏ nằm trên giường thì thầm, rồi rúc rích cười. Hình như lâu lắm rồi Liên mới lại cảm thấy hồn nhiên vui vẻ như tối nay. Giấc ngủ đến thật nhẹ nhàng, thật êm ả!

Trong căn phòng làm việc tầng trệt giờ làm chỗ ngủ của Hai Liêm đèn vẫn còn sáng. Hai cha con ông Châu đang hút thuốc bên cạnh cửa sổ mở ra vườn cây phía sau.

– Con Ba biết được nhiều ít?

Ông Châu hít hơi cuối cùng rồi dụi tàn thuốc lá vào cái gạt gần đó, chậm rãi hỏi con trai.

– Chắc không nhiều. Nó nhờ ký giả Đoàn nào đó điều tra.

– À, là Đoàn Biền bên tòa soạn báo.

Hai Liêm nhìn thoáng qua cha mình nói.

– Nó còn sợ cha biết sẽ đau lòng đó.

Ánh mắt ông Châu hơi sáng lên. Ừ, không uổng công mình hao tâm tổn trí lo lắng, nó giống cha mẹ nó sống có tình có nghĩa. Không phải như … nghĩ đến đây ông lại nén tiếng thở dài.

– Mình không thể chần chờ, để ông Phó ra tay thì thiệt hại nhiều hơn.

Vừa nói ông vừa bước lại gần bàn làm việc, quay số gọi dây nói.

– A lô, ông Phó, là tôi, Châu Hoài.

– ….

– À, ông biết tin nhanh thiệt. Đúng là mới gặp được sáng nay.

– …

– Cảm ơn ông. Qua năm tôi tính mở thêm hãng dệt lụa ở Tân Châu, ông Phó thấy thích thì hùn với tôi mấy phần. Hãng này để thằng Hai nhà tôi coi sóc. Còn thằng tư, em trai tôi, chắc để nó về chắc cà đao kiếm chuyện khác mà làm. Ý ông Phó sao?

– ….

– Được, tôi cũng tính vậy. Chào ông.

Ông gác máy điện thoại xuống, quay lại nhìn Hai Liêm nói.

– Bốn phần, đổi lại chú tư mầy phải tránh khuất mắt ổng.

Đúng là không ai thấy tiền mà buông tha. Hai Liêm hỏi thêm.

– Ổng có hùn ở tiệm may?

– Không, là hùn bán mấy cái đồ cho đờn bà thôi. Cha thấy chuyện ở hãng có thêm nhà ông Phó cũng không phải là xấu. Chỗ đó phức tạp, mình ăn một mình không nổi đâu.

Hai Liêm gật đầu, có ai rõ địa bàn Châu Đốc, Tân Châu bằng mình. Lúc nãy cha đã nói sơ qua chuyện mở hãng dệt lãnh ở Tân Châu, sẽ kiếm lợi không nhỏ. Mình có thể tuồn hàng qua ngả Nam Vang đi Xiêm La, Ai Lao. Nếu chuyển đi Phi Luật Tân hay Hương Cảng được càng tốt. Đúng là có thế lực ông Phó chống đỡ sẽ yên hơn.

– Còn thẳng Hai Bản thì sao?

– Để thầy tớ tụi nó xử nhau đi.

Ông Châu nghĩ Hai Bản là tay chơn của em trai mình. Thằng Hai nhà mình về rồi thì Hai Bản là quân cờ vô dụng, thế nào Châu Tân cũng xử lý. Nhưng mà đôi lúc khinh địch sẽ mắc sai lầm, ông Châu sẽ phải tốn không ích công sức cho chuyện Hai Bản về sau. Đúng là con người đôi khi vui mừng quá, để cảm xúc dẫn dắt sẽ dễ mắc sai lầm.

Chuyện trong nhà chắc sẽ còn dây dưa thêm một thời gian nữa mới dứt. Nhà có đủ trai đủ gái hai bề đúng là thuận hơn. “An bài cho thằng tư xong, vài năm nữa mình cũng theo về đó. Ngặt nỗi vợ con nó không biết nên tính sao đây, đã vậy con hai ba vợ”, ông lại thấy mỏi mệt. Ông Châu Hoài dụi tắt thuốc, ông khoác tay để con trai không cần ra tiễn, ông khép cửa phòng con rồi quạt quạt mùi thuốc là trước khi bước vô phòng mình. Mấy ngày nay, bà ấy cười nhiều hơn số lần tám năm qua gộp lại; khóe môi ông nhếch lên, nhẹ và rõ như một nét mực đen trên mặt giấy trắng, không có chút giả tạo.

Buổi sáng nay cả nhà đều dậy sớm. Anh chị Ba Hảo nghe tin đã đến sớm thăm hỏi. Mấy chú làm quản đốc bên hãng cũng tranh thủ ghé mừng trước giờ làm. Ngôi nhà rộn ràng tiếng người nói cười.

Ông Hoài dặn quản đốc.

– Mấy ngày này tôi lo chuyện nhà, mấy chú coi chuyện ở hãng dùm.

– Dạ ông chủ. Ông ở nhà vui mấy ngày. Để tụi tui lo.

Ông Châu cũng không rảnh rỗi, ông dẫn Hai Liêm lên phòng hộ tịch làm bằng cớ nhận con trai ruột. Rồi ông lên xe ngựa đi mời khách khứa đến dự tiệc mừng.

Liên thì tới cửa tiệm xem thầu khoán sửa sang, coi thợ may đồ. Đến chừng mười giờ thì Liên đội nón đi bộ ra tòa soạn báo. Vừa đến cổng tòa soạn đã gặp chị Năm Tiên, chỉ tươi cười nói.

– Mừng nhà em, không uổng công mấy năm nay.

– Chị nghe tin rồi hả? Cảm ơn chị.

– Gì mà qua được cánh ký giả, em đến có việc gì không?

– Dạ, ba má em kêu đăng tin cảm tạ ân nhân đã báo tin. Với nữa cảm ơn tòa soạn.

– Có gì đâu, em vô trong đi, có em sáu trực trong đó.

Liên thấy chị Tiên có vẻ vội nên cảm ơn lần nữa rồi đi vào trong. Đọc xong nội dung tin, trả phí rồi Liên đi qua phòng ký giả Đoàn. Trong phòng không có người, giờ này chắc ký giả đã đi lấy tin hết rồi. Cô định quay ra về thì nghe tiếng gọi.

– Liên, Liên!

Là trò Hòa đang vẫy tay, trò ấy đang ngồi trong căn tin nhỏ của tòa soạn. Nói là căn tin chớ thật ra là một góc nhỏ bán trà đá, cà phê.

Sao giờ này trò Hòa ở đây?

– Liên, vô đây. Uống gì không?

– Dì có nước mát không dì?

– Có, uống nóng hay đá?

– Dạ, đá.

Trời này mà sao uống nóng nổi. Liên đã thấy mồ hôi rịn ra trong áo rồi. Cô chưa kịp hỏi thì Hòa đã nói.

– Hôm nay mình được nghỉ hai tiết học cuối nên tới đây luôn.

Liên hơi cười, xem ra trò Hòa đã coi chỗ này như “nhà” luôn rồi.

– Ký giả Đoàn chừng nào về trò biết không?

– Chắc hôm nay không về sớm đâu.

Vừa nói Hòa vừa kéo ghế dịch sát vào Liên. Có tin gì bí mật lắm đây? Là chờ mình đến để thổ lộ sao?

– Mấy bữa nay tin tức nóng hổi, ký giả Đoàn bận bịu liên miên. Hôm bữa trò đi Điện Ngọc Hoàng đó, mình thấy.

– Ủa, trò cũng đi chùa hả? Sao không kêu mình?

– Không phải,

Hòa vội khoát tay, rồi còn nói nhỏ hơn.

– Hôm đó mình vừa tới cổng trường, ký giả Đoàn kêu mình nghỉ học, dẫn mình đi theo, nói là lấy tin gì đó, kêu mình đứng ngoài quan sát. Mình nghĩ tin rất quan trọng, nhưng lúc về không thấy ký giả viết bài. Mà gương mặt lại có vẻ rất vui, trò thấy lạ không?

“Lạ gì mà lạ, đúng là ký giả có tin tốt, nên vui là phải rồi!” Liên nghĩ trong bụng nhưng lại phải giả vờ ngây thơ, hỏi lại.

– Lạ chớ. Trò đoán ra gì không?

Hòa hơi nhíu mày, nói.

– Hổm rày chỉ có tin Khai Đạo, mình đoán ký giả Đoàn là một trong những Tín đồ, mà là cấp cao, đúng không?

Ha ha, Hòa đúng là thần tượng ký giả Đoàn quá rồi! Vậy mà cũng đoán được.

– Nếu ông ấy là Tín đồ, sao không dự lễ mà ở đây?

– Ừ, phải ha.

Hòa suy nghĩ rồi à ra. Liên nhìn gương mặt Hoa hơi gầy đi, thon thả hơn nhưng ánh mắt lấp lánh sáng ngời. Hòa đúng là rất yêu thích công việc này, trò ấy đã tìm thấy lý tưởng của đời mình rồi, thiệt mừng cho trò ấy.

– Liên, coi nè!

Hòa rút từ trong giỏ ra tờ nhựt trình, lật tới bài báo nhỏ về nghề thêu của phụ nữ ngày nay. Liên đọc qua một lượt, nội dung bài báo viết về lịch sử nghề thêu, rồi cách các phụ nữ kiếm thêm tiền chợ nhờ nghề này. Bên dưới đề tên tác giả là Phương Hòa.

– Trò thấy sao? Bài viết được không?

– Hả?

Liên nhướng mày nhìn Hòa mà chưa trả lời. Hòa cười rạng rỡ hơn, nói nhanh.

– Mình viết đó, thấy được không? Mình lấy bút danh đó, được không?

Mấy chữ được không, rồi ánh mắt mong mỏi của Hòa làm Liên vừa mắc cười lại không dám cười.

– À, đương nhiên là … được, cũng được.

– Trò, trò,…

Liên cười nói.

– Trò muốn mình khen thì nói đại ra cho rồi!

Lần này hai cô gái rúc vào nhau mà cười.

– Ký giả Đoàn nói mình cứ tập viết, lúc đầu viết ngắn thôi, từng đoạn một. Nhờ ông ấy xin với Tổng biên tập duyệt bài đó.

– Trò giỏi thiệt. Mai mốt làm ký giả nổi tiếng không được quên mình đâu nghe chưa.

– Xì, … mình lãnh được hai xu nhuận bút. Hôm nay mình khao trò.

Liên đương nhiên vui vẻ rồi. Thì ra chuyện mà Hòa không kềm được là chuyện này. Vậy mà lúc nãy mình đoán đâu đâu. Một cô gái mười tám tuổi, lần đầu tiên có bài đăng trên nhựt báo đúng là vui không thể tả rồi. Giống như Hòa vậy, sống đúng với lứa tuổi của mình, vậy là tốt rồi!

Liên nhắn lại lời cảm ơn với ký giả Đoàn xong thì đi về. Vài hôm nữa mình trả tiền cho ký giả cũng không trễ. Chắc ông ấy cũng biết tin rồi, vậy thì việc tìm kiếm không cần nữa.

error: Content is protected !!