Bùi Khắc Phú ỷ thói dâm ô,
Châu Văn Tiếp cứu người thục nữ.
Ngựa gát kim yên, người đai bửu kiếm,
Bọn du đãng nhởn nhơ đường lũ thứ,
Dặm quan hà chậm chậm mau mau.
Khách đa tình giục giã bước thừa lương;
Lời phong nguyệt trò trò chuyện chuyện.
Đây xin nói qua chuyện một tướng giặc Tây Sơn tên là Bùi Khắc Phú đem một bạo binh qua trú tại Long Xuyên, đặn đón đức Nguyễn Ánh mà nã tróc.
Tướng ấy là một đứa tham tài háo sắc, hãm hại lương dân, chỉ lo cho dày mập túi tham, nào kể chi là đồng bào chủng tộc. Ban ngày thì sai người tâm phúc, rảo khắp thôn hương, coi nhà ai có gái đẹp vợ xinh, thì kiếm chước mà dâm ô hãm hiếp; ban đêm lại sai quân đến mấy nhà hào gia phú hộ, đặng cướp lấy của cải bạc tiền. Một buổi chiều kia Bùi Khắc Phú đi với một người thơ ký và hai tên tâm phúc bộ hạ vào làng; mỗi người đều có mang gươm bồng súng, xem rất nghiêm chỉnh oai nghi.
Khi đi tới xóm kia, bỗng thấy một người gái trạc chừng mười bảy mười tám tuổi, dung nhan đẹp đẽ, cốt cách dịu dàng, ra vẻ một con nhà thế phiệt trâm anh, chớ chăng phải hạng tầm thường nhi nữ, đương đứng trước thềm xem hoa, rồi lấy khăn đuổi mấy con ong ve vãn trên nhánh bông nguyệt quí.
Bùi Khắc Phú thấy thì đứng sửng ngó trân, cô ta thấy vậy liền lật đật trở vào nhà trong rồi khép cửa lại.
Bùi Khắc Phú day lại hỏi người thơ ký rằng:
– Thầy có biết người gái ấy là con ai chăng?
Tên thơ ký nghe hỏi thì nghĩ thầm rằng: “Đéo hỏa, cha nầy muốn trổ mòi dê rồi, thây kệ, mình gò lão kiếm tiền xài chơi, ở đời phải bô đỡ cho lanh, thì kiếm ăn mới đặng.” nghĩ đặng rồi day lại thưa rằng:
– Bẩm quan lớn, có gái nầy tên là Ngọc Sương. con của một ông nho học, tên ông là Cử Khôi, cũng một nhà thế phiệt danh gia hồi trước; bà thân cô mới khoản, bây giờ cô ở với một cha già, nhà tuy không giàu, nhưng mà cốt cách trâm anh vẫn còn giữ theo nề nết, nếu quan lớn muốn dùng cô làm tiểu thiếp, thì tôi ra công giúp miệng dùm lời, hễ nhỏ to tiếng quyển giọng kèn, khôn khéo lời ngon lẽ ngọt, chắc là phải được.”
Bùi Khắc Phú nghe thầy thơ ký chuốt ngót mấy lời, bèn cười hì hì và nói rằng:
– Ừ, được vậy thì ở nhà cảm ơn thầy lắm, mà người gái ấy có chồng chưa?
– Bẩm quan lớn, cô ấy chưa chồng, hãy còn con gái đồng trinh nheo nhẽo, vì cô kén chồng lắm, nếu người nào không có chức phận phẩm hàm, thì không thế gì cô chịu ưng nhận làm chồng đâu.
Bùi Khắc Phú cầm quạt nhịp bộp bộp trên bắp vế và mỉm cười rồi nói rằng:
– Ước như ở nhà vậy, cô sẽ bằng lòng không?
– Bẩm được như quan lớn vậy, thế là quí lắm, mà nếu tôi nói giúp lời vào, có lẽ cô phải chìu lòng mà ưng thuận.
Bùi Khắc Phú nói:
– Có vậy, tối nay thầy bổn thân đến mà nói ngay đi thử coi.
– Thưa vâng, tối nay tôi sẽ đến nói ngay cho quan lớn,
Nói vừa dứt lời, bỗng nhớ lại trong trí điều chi không biết, liền rùng mình một cái, rồi cả tay chơn đều rởn óc lên, bèn bước tới nói rằng:
– Bẩn quan lớn, nói thì chắc là được ngay, nhưng mà tôi ngại một điều lắm, quan lớn.
Bùi Khắc Phú ngó sững tên thơ ký và hỏi rằng:
– Thầy ngạo chuyện gì lắm nhỉ?
Thơ ký cười mơn một cái, rồi rè rục nói rằng:
– Bẩm quan lớn, tôi ngại một điều là nếu Bà lớn hay ra, nói quan lớn bán đứt linh hồn của quan lớn cho tôi, và nói tôi là thằng quỉ đồ mưu xúi giục quan lớn, mà làm một vị mai dong, rồi bà lớn hạ lịnh bảo quan lớn, cách chức thơ tôi đi thế thì tôi tưởng quan lớn chẳng bao giờ dám trả lời một tiếng không, chừng ấy tôi chỉ có một thế mau mau cuốn gói xách rương về nhà, mà làm một chức giữ con cho vợ thì khốn khổ cho tôi lắm đa, quan lớn.
Bùi Khắc Phú cười ha hả và nói rằng:
– Đéo hỏa lại có thế ni, thầy không sợ quan ông, mà thầy lại sợ quan bà lắm nhẽ ở nhà xem trước mặt thầy, tỏ ra một người tướng mạo đường hoàng, mà sau lưng thầy cứ cột theo một con thỏ đế, thầy cứ việc thi hành đi, có điều gì ở nhà bảo lãnh cho, không sao phòng ngại.
– Bẩm quan lớn, cái mạng lịnh của một vị [hu nhơn như bà lớn, không phải chơi đâu, vả lại tôi xem cái ghè tương của bà lớn rất to, nếu đổ bể ra, thì quan lớn hốt sao cho hết, ấy là cái oai của bà sư tử ở Hà Đông, một tiếng gầm lên, cũng đủ làm cho tôi phách lạc hồn tiêu, rùng mình nhổm gáy.
Bùi Khắc Phú lấy tay vỗ trên vao thơ ký một cái và nói:
– Ậy, thầy nói con thỏ của thầy ra, cứ việc thi hành đi, rồi trả lời cho ở nhà rõ nghé.
Thơ ký thưa vâng, và nói rằng:
– Bẩm quan lớn, tôi qua nói với ông Cử Khôi ắt là được ngay, song phải có lễ vật chi chút đỉnh, xem cho nhã thú.
Bùi Khắc Phú nói:
– Ừ được, việc ấy ta đã sẵn lòng, không sao phòng ngại,
Nói rồi liền thò tay vào hà bao, móc ra mười đỉnh bạc, trao cho thơ ký mà nói rằng:
– Vậy thầy phải ráng lo cho xong, thì ở nhà thưởng cho thập bội,
Đó rồi đồng đi trở về, nói nói cười cười, lấy làm hiu hiu tự đắc.
Tối lại, tên thơ ký sắm sửa khăn áo trang hoàng, lơn tơn đến nhà cô gái ấy, mà chẳng có sắm sanh lễ vật gì cả, chỉ có một mặt hơn mười gói mà thôi.
Khi vô nhà rồi, lại ngồi tréo mãy nơi ghế, tay cầm quạt quạt lia, chơn lại nhịp nhịp như phong giựt, mắt ngó láo liên trong ngoài, rồi kêu trẻ tớ mà hỏi rằng:
– Trẻ bây, ông Cử có ở nhà không?
– Thưa có, ông tôi ở nơi nhà sau.
– Ấy vậy, mi vô mời ông ra nói chuyện.
Một chút ông Cử khôi mang giày lẹo bẹp từ trong đi ram trên mũi đeo một cặp kiếng trắng, lại dòm ngay mặt thầy thơ ký, và nhướng lên nhướng xuống mà nhìn, rồi hỏi rằng:
– Thầy ở đâu đến đây, có việc chi chăng?
Thơ ký nghe ông hỏi, thì lên giọng cao hãnh mà đáp rằng:
– Bác không biết tôi sao? Tôi là thơ ký nhứt hạng của quan Đốc binh Bùi đại nhơn là tướng vua Tây Sơn, bác không biết à?
Ông Cử Khôi nghe nói liền rùng mình một cái, và nhướng mắt ngó tên thơ ký từ đầu chí chơn, từ trên tới dưới, rồi nhích miệng vài cái, nhướng cổ lên cao, mà hỏi rằng:
– Chẳng biết thầy đến đây có việc chi, xin nói cho tôi rõ?
– Thưa bác, quan Đốc binh có một việc cậy tôi đến nói với bác, vì người thấy cô hai ở nhà đây người lấy làm bằng lòng, đẹp dạ lắm, nên người muốn kết duyên tơ tóc với cô Hai, nếu ác bằng lòng, thì tôi tưởng cũng là một điều rất hạnh phúc cho nhà bác và cô Hai lắm đó. Vì người là một tướng yêu dấu tin cậy của vua Tây Sơn, và là người có thế lực trong lúc binh tình giặc giã, vả lại người chưa có vợ con chi hết, và người làm đến chức Đốc binh, vẫn là một chức phận cao sang lắm rồi, nếu cô Hai được kết tóc trăm năm cùng người, thì ngày kia sẽ đặng tử ấm thê phong, vinh hoa phú quí biết là dường nào, mà cái vãng cảnh của bác sau nầy cũng được châu toàn tử tế. Vậy xin bác hãy bằng lòng, đặng tôi về bẩm lại cùng người, rồi sẽ trạch ngày hôn phối.
Ông Cử khôi nghe rồi gầm sắc mặt ngó xuống và ngẫm nghĩ trong trí, thì biết Bùi Khắc Phú nầy là một đứa tham dâm háo sắc, mọt nước sâu dân, ỷ thế hiếp người mà làm muôn ngàn việc nhẫn tâm nghịch lý, thì day lại đáp rằng:
– Xin thầy về bẩm lại với quan Đốc binh hay rằng: tôi rất cảm ơn quan Đốc có lòng hạ cố, mà thương tưởng đến con tôi, song tôi rất tiếc thay cho nhà tôi ít phước, không đặng hưởng nhờ cái hạnh phúc của ngài thương cho, vì tôi đã hứa gả con gái tôi cho người khác rồi, không thế gì mà bội ước thất ngôn với người ta cho đặng; vậy xin ngài chịu phiền kiếm nơi khác mà kết duyên, vì trong thiên hạ chẳng thiếu chi người giai nhơn thục nữ, cũng chẳng thiếu chi bực tài sắc giàu sang, còn phận cha con tôi là hạng dân giã thấp hèn, đâu dám sánh với ngài là bực cao sang quyền tước.
Tên thơ ký lấy điếu thuốc hút vô một hơi, rồi trong lỗi mũi xì ra hai lằng khói mịt mù, vừa nhịp chơn vừa nói:
– Bác nói thật không? Bác đã hứa gả cô Hai rồi sao?
– Tôi không hề nói dối với thấy bao giờ.
– Mà bác hứa gả cô Hai cho ai vậy?
– Tôi đã hứa gả cho một tên học sanh ở tỉnh Vĩnh Long.
– Bác rối quá, bác hứa chi vội vậy? Tưởng gả cho một người nào có chức phận cao sang, chớ gả chi cho một tên học sanh thì uổng lắm, vậy bác kiếm cớ hồi sự ấy lại, rồi gả cho quan Đốc binh, có tội tình chi mà bác sợ.
Ông Cử khôi nghe nói liền lắc đầu đáp rằng:
– Hễ làm người quân tử, một lời nói xem trọng hơn là ngàn vàng, chẳng phải như kẻ tiêu nhơn mà nói đi nói lại đặng, vả lại tôi đã cho người ta làm lễ sơ vấn rồi, trong một ít ngày nữa đây, sẽ làm lễ cưới, sự thầy nói đó, tôi quyết không dám nhận lời, xin thầy về bẩm lại cho quan Đốc binh rõ.
Tên thơ ký nghe ông nói vậy thì nghĩ rằng: “Nếu lấy sự hiền lành mà nói với lão, thì chắc lão không nghe, vậy mình kiếm chuyện dọa lão thử coi, họa may lão chịu,” nghĩ vậy rồi day lại nói với ông Cử khôi rằng:
– Thưa bác, tôi thấy bác niên cao kỷ trưởng cũng đáng như hàng thúc bá của tôi, nên tôi xin nói thiệt cho bác rõ, quan Đốc binh nầy thật là một người lợi hại nham hiểm phi thường, người muốn làm hại ai thì làm, muốn chém ai thì chém, mà nhứt là trong lúc giặc giã loạn ly nầy, thì quyền hành của người lại càng to lắm, sống làm ra chết, chết làm ra sống, không ai dám nghịch cùng người hết, hễ nghịch cùng người thì phải táng gia bại sản, tổn mạng vong thân, chớ chẳng phải dễ như người khác kia đâu, xin bác phải suy đi nghĩ lại cho kỹ cang. Ở đời nầy hễ nắng bề nào phải che theo bề nấy mới được. Bác ơi, tôi nói thiệt cho bác rõ, có nhiều kẻ muốn đem con đưa cho người để làm hấu thiếp, đặng cậy thế cầu thân, mà người không bằng lòng, và có kẻ đem lễ lộc bạc tiền, ra cúi vào lòn, năn nỉ đưa em gả cháu, đặng lấy chút thế thần cho vinh diệu, mà người cũng không chịu. Nay người thấy cô Hai ở nhà đây, người đem lòng thương mến, nên bảo tôi đến thưa cùng bác, ấy vậy cũng là một dịp rất may mắn cho nhà bác và cho cô Hai, bác chẳng nên cố chấp theo xưa, mà thất cái cơ hội nầy thì biết bao là uổng, nếu bác không nghe theo lời tôi, mai sau có việc gì xảy ra, thì bác đừng trách tôi rằng, không nói cho bác rõ trước. Bác ơi, bác không nghe người ta nói rằng: Cây da cậy có ông thần, Ở đời thì phải cầu thân thế mà.
Ông Cử Khôi để cho thầy thơ kỳ uốn lưỡi khua môi một hồi, rồi ông thở ra một cái mà đáp rằng:
– Thầy ơi! Thiên ngôn vạn ngữ, bất quá hồ thiệt, nãy giờ thầy nói với tôi cũng đã nhiều rồi, vậy thì tôi xin nói thiệt với thầy một lời rằng: Cái nhơn tình thiên hạ là một cái nhơn tình giả dối dua mị, làm nhiều điều đê tiện, mà vậy thế cậy thần, dẫu họ bán đứt linh hồn họ đi, mà mua một điều hèn hạ nhục nhơ, họ cũng không tiếc. Còn tôi, thì tôi chỉ cậy một vị thần lương tâm của tôi đây mà thôi, chớ không muốn cậy thế cậy thần của ai hết cả, mà thần lương tâm tôi thì không khi nào cho tôi làm những điểu giả dối hèn hạ ấy được. Vậy tôi xin trả lời cùng thầy một câu chắc chắn rằng: Tôi không hề muốn làm một điều chi trái nghịch với lương tâm tôi, và tôi cũng chẳng hề để cho ai mua đứt linh hồn của tôi được.
Tên thơ ký nghe ông nói những lời rất gắt gao như thế, thì ngồi xẽn lẻn một hồi, rồi cáo từ trở về, vừa đi vừa lẩm bẩm một mình rằng:
– Thật lão già Ba Tri nầy không thế gì nói lão cho xiêu được, khi về tới dinh, liền thuật chuyện lại cho quan Đốc binh Bùi Khắc Phú nghe.
Bùi Khắc Phú nghe rồi thì ruột héo gan xàu, bao nhiêu cái tình hy vọng, luyến ngọc mê hương, đã sằng sặc dậy lên mà đánh giặc với trí khôn, làm cho người trở ra như điên như dại, rồi nét mặt chơn mày, đều hiện ra một vẻ rất âu sầu buồn bực, một lát day lại ngó người thơ ký mà hỏi rằng:
– Thầy có thế chi làm cho tôi đặng gần người gái ấy chăng?
Tên thơ ký ngẫm nghĩ một hồi, rồi day lại trả lời rằng:
– Bẩm quan lớn, quan lớn muốn gần người gái ấy, thì phải dụng một thế lực mới đặng.
– Thế lực làm sao?
– Bẩm quan lớn, cái thế lực ấy là quan lớn phải viết một cái thơ cho quan Phủ sở tại đây nói rằng: Ông già nàng ấy có theo phe đảng Nguyễn Ánh, và bảo quan Phủ phải lập tức bắt ông ấy giam tra, hễ ông thân nàng bị giam rồi, thì nàng ở nhà một mình, chừng đó tự ý quan lớn muốn đến làm gì cũng đặng.
Bùi Khắc Phú nghe rồi mừng rỡ và nói:
– Ừ được, kế ấy rất hay. Vậy để ta viết một phong thơ, đặng sáng mai thầy đem qua cho quan Phủ, rồi tối mai chúng ta sẽ đến ép buộc nàng phải thuận tình, bằng không, thì bắt quách nàng về dinh, chứng ấy nàng như cá nọ vào nôm, thỏ kia mắc lưới, thân cô sức yếu, thế nào nàng cũng phải thuận tình chớ chẳng không.
Nói rồi vội vã lại bàn viết một phong thơ trao cho thầy thơ ký, và dặn sáng mai phải đem cho quan Tri phủ bảo y phải lập tức thi hành.
Tên thơ ký lãnh tơ rồi từ giã ra về, thì nghe trống đã sang ba, và trời tối như mực, vừa bước ra khỏi cửa, bỗng thấy một người mặc đồ đen, ở bên góc hè chạy ra rồi nhảy ngang rào, gần bên mé lộ, tên thơ ký lấy làm lạ, lật đật chạy theo, thì tên mặc đồ đen đã mất đâu chẳng thấy, anh ta đứng ngơ ngẩn và lẩm bẩm rằng;
– Mấy thằng ăn trộm chết bầm, dám cả gan đến chỗ nầy mà rình mò gì đấy?
Nói rồi liền đi tuốt về nhà ngơi nghỉ.
Đây xin nhắc lại khi đức Nguyễn Ánh còn ở Cần Thơ có sai tướng tâm phúc của ngài là Châu Văn Tiếp đem một đội quân qua Long Xuyên, đặng thám thính quân giặc.
Khi Châu Văn Tiếp qua tới Long Xuyên, mướn nhà trú ngụ, rồi bảo mấy tên bộ hạ đổi sắc phục mặc theo đồ của thường nhơn, ngày đêm đi mật thám tin tức và sự hành động của giặc Tây Sơn, đặng thông tin cho đức Nguyễn Ánh biết mà phòng bị.
Khi Châu Văn Tiếp ngồi xem tờ giấy nơi bàn, xảy có một tên mặc đồ đen bước vô, lại nói nhỏ nhỏ với người một hồi, rồi lật đật trở ra.
Giây lâu lại có một tên quân nhơn ngoài cửa bước vô, cũng nói chuyện chi nhỏ nhỏ với người một hồi nữa.
Châu Văn Tiếp liền kêu tên quân hầu bảo rằng:
– Mi kãy đi kêu thầy đội trưởng đến đây lập tức.
Tên quân hầu thưa vâng, trở ra một chút đã thấy tên đội trưởng bước vào, lại đứng bên bàn đặng hầu người dạy việc.
Châu Văn Tiếp xem giấy tờ rồi, day lại nói với thầy đội trưởng rằng:
– Chiều nay ngươi phải sắm sửa y phục và đồ đặc của ta cho sẵn sàng, rồi đến cho ta dạy việc.
Tên đội trưởng thưa vâng, lui ra.
Khi tên thơ ký ở nơi dinh quan Đốc binh về nhà, kế sáng ra sắm sửa khăn áo rồi, cầm cái thơ của Đốc binh đem qua cho Tri phủ,.
Quan Tri phủ nầy vẫn là người công bình ngay thẳng, khi đặng thơ liền giở ra xem, thấy trong thơ quan Đốc binh bảo phải bắt ông Cử Khôi mà giam tra, thì lấy làm lạ và thầm nghĩ rằng: “Ông nầy là người thật thà chơn chất, thuở nay không nghe điều chi, sao quan Đốc binh lại cáo ông có mật thông với phe đảng của đức Nguyễn Ánh cũng lạ.” Rồi day lại nói với tên thơ ký rằng:
– Thầy về bẩm lại với quan Đốc binh rằng, ta sẽ thi hành việc ấy lập tức.
Nói rồi liền sai quân đi bắt ông Cử Khôi, khi quân dẫn ông Cử Khôi tới nha môn, quan Phủ đã ngồi giữa thính đường và kêu ông vào mà hỏi rằng:
– Ông có biết Nguyễn Ánh không?
Ông Cử Khôi nghe hỏi thì sững sờ và đáp rằng:
– Thưa tôi không biết.
– Ông không biết Nguyễn Ánh, mà ông có biết mấy kẻ phe đảng của người là ai không?
– Thưa ngài, tôi già cả tuổi cao tác yếu rồi, không có thù tạc vãng lai với ai, tôi chỉ biết việc trong gia đình tôi mà thôi, chớ tôi chẳng biết chi đến việc ngoài quốc sự, và cũng chẳng biết phe đảng nào hết.
Quan Tri phủ nghe rồi, ngó ông Cử Khôi châm chỉ và hỏi rằng:
– Ông nói rằng ông không biết Nguyễn Ánh, sao người ta cáo ông là người phe đảng và tư thông mật sự với bọn Nguyễn Ánh?
Ông Cử Khôi nhge nói liền thối lui lại hai ba bước, và ngó quan Phủ sững sờ, rồi nói lớn rằng:
– Thưa ngài, sự ấy là người ta muốn hãm hại tôi, mà vu cáo cho tôi, ngài là một vị quan công bình chánh trực, xin thẩm xét sự ấy cho tôi, nếu cáo tôi là người theo phe đảng Nguyễn Ánh, mà bằng cớ ở đâu, xin ngài nói cho tôi biết.
Quan Phủ thấy ông Cử Khôi trả lời chẫm bẫm thì đáp rằng:
– Việc nầy là một việc quan hệ trong vòng quốc sự binh cơ, vậy ông phải ở lại đây mà hầu tra, nhưng tôi hứa với ông rằng: tôi cứ lẽ công bình xét cho, ngay, gian, hay là có, không, thế nào, thì ngày kia sẽ biết.
Nói rồi bảo quân đem giam ông Cử Khôi nơi khá,.
Lẩn bẩn kế ngày qua thấm thoát, xem ra bóng ác đã tà.
Lúc bấy giờ quan Đốc binh Bùi Khắc Phú đương đừng trước dinh, chắp tay sau lưng, mắt ngó xuống đất, rồi đi qua rảo lại nơi trước hàng ba, dường như suy nghĩ điều chi trong trí, bỗng thấy người thơ ký xơn xao ngoài cửa chạy vô, và nói:
– Bẩm quan lớn, ông Cử Khôi đã bị giam rồi.
Bùi Khắc Phú nghe nói lấy làm đắc ý, vẻ mặt tỏ ra hớn hở tươi cười, rồi ngó người thơ ký và nói:
– Lão Cử Khôi đã bị giam rồi, vậy thì thầy có chúc mừng cho ở nhà điều chi không?
– Bẩm quan lớn, tôi xin chúc cho quan lớn đặng mọi sự toại lòng khoái chí, phận đẹp duyên ưa, mà mê mẩn một giấc vu sang, cho phỉ tình bình xanh sở nguyện.
Bùi Khắc Phú nghe nói lấy làm khoái chí, bèn ngước mặt lên cười rang rảng mà nói rằng:
– Được vậy thì ở nhà cảm ơn thầy lắm đa,
Rồi hai người dắt nhau vào dinh trò chuyện.
Tối lại Bùi Khác Phú sắm sửa y cân tề chỉnh, bên lưng đai một thanh gươm, rồi đi với người thơ ký, hai người đều cỡi ngựa thỉnh thoãn đi trước, và hai tên quân nhơn vồng súng mang gươm đi bộ theo sau. Hai thầy trò vừa đi vừa nói nói cười cười, một lát đã khỏi thị thành, kế lần lần vô xóm, rồi kéo nhau đi thẳng tới nhà ông Cử Khôi.
Khi đi tới ngã ba, người thơ ký ngó lại đàng sau, bỗng thấy một người mặc đồ đen, thấp thoáng đi theo, nhưng trời tối không rõ là ai, người thơ ký, để ý xem coi, thì thấy người ấy lật đật tách qua ngã khác mà đi mất, đó rồi mấy người cùng nhau đi đặng một đỗi nữa, Bùi Khắc Phú ngó lại thấy xa xa phưởng phất có dạng một người quẩn quẩn theo sau, thì tưởng là là kẻ hành khách đi đường, hay là người thôn hương dạo xóm, nên không để ý nghi ngờ điều chi, vì vậy hai người cứ cỡi ngựa trò chuyện cùng nhau, thỉnh thoãn đi tới.
Khi tới nhà ông Cử Khôi, thấy bốn phía vằng vẻ, im lìm, còn trong nhà chỉ để một cửa giữa mở ra he hé, trên bàn chong một ngọn đèn leo lét, ánh sáng lòn theo kẽ song, chiếu ra lờ mờ trước ngõ, mà không thấy ai hết.
Bùi Khắc Phú bèn xuống ngựa, bảo hai tên quân nhơn ở chực ngoài đường, rồi đi với người thơ ký vào nhà, hé cửa bước vô, ngó nơi khách đường vắng vẻ chẳng thấy một ai, liền ngó vào trong, thấy cô Ngọc Sương đương ngồi một mình nơi nhà sau, lẳng lặng làm thinh, sắc mặt có vẻ âu sầu thảm đạm, liền day lại nói với người thơ ký rằng:
– Thầy hãy ở ngoài, chờ tôi một chút.
Bùi Khắc Phú nói rồi, lần lần đi tuốt ra sau, vừa cười chúm chím vừa nói:
– Chào cô! Trong lúc đêm khuya thanh vắng, cô ở nhà một mình có khi quanh hiu buồn bực lắm chăng?
Cô Ngọc Sương đương ngồi trông đợi cha là ông Cử Khôi, không biết có sao mà bặc tin bặc dạng, chẳng thấy trở về, bỗng nghe tiếng hỏi thình lình, làm cho cô giựt mình ngó lại, thấy Bùi Khắc Phú đã bước tới một bên, cô nhìn biết lão Đốc binh là người đã dòm ngó cô, và mượn mai mối nói với cha cô hôm nọ; thì sửng sờ rất nên kinh ngạc rồi vội vàng đứng dậy gọn gàng, thối lui vài bước mà hỏi rằng:
– Bẩm quan lớn, đến đây có việc chi trong lúc đêm khuya tăm tối, mà xông pha vào chỗ phụ nữ khuê phòng, như vậy chẳng là đường đột lắm chăng?
Bùi Khắc Phú liền lấy quạt xòe ra nghe kêu cái rẹt, và phất phất quạt hơi mà nói rằng:
– Cô hai ơi! Xin cô chớ ngại, trong lúc đêm khuya tịch mịch, một mình cô vắng vẻ nơi chốn cô phòng, mà có người đến trò chuyện cùng cô, tưởng cũng làm cho cô được tiêu sầu giải muộn chút đỉnh, nên tôi mới dám đường đột vào đây, xin cô miễn chấp, vả lại đêm nay tôi đến đây vẫn có ý, trước là thăm cô, sau nữa là tôi muốn làm ơn nói giùm cho cô hay rằng: Ông thân cô đã bị quan Phủ giam cầm nơi khám, về tội theo phe kẻ nghịch là Nguyễn Ánh, bây giờ đương ở khám đường hầu tra, nên tôi vội vã đến đây thông tin cho cô được rõ, kẻo cô trông đợi, mà quới thể hao mòn, thì lòng tôi chẳng nỡ mặc thị điền nhiên, mà để cho cô quạnh hiu buồn bực, vậy chẳng phải là hữu tình với cô lắm sao? Lẽ thì cô phải cảm ơn ở nhà, và xin cô đừng trách ở nhà rằng đường đột.
Cô Ngọc Sương nghe nói, tức thì màu hoa ủ dột, sắc mặt buồn xàu, và giọt lệ tràn trề, làm cho cô ruột sầu dường như đứt ra từng đoạn, rồi nức nở khóc lên mà nói rằng:
– Trời ôi! Cha tôi bị giam rồi sao? Bẩm quan lớn cha tôi vẫn là người vô tội vô can, thuở nay đối đãi với chòm xóm anh em, cứ giữ một lòng từ hòa lương thiện, mà không biết quân nào lòng lang dạ thú, kiếm chuyện vu cáo cho cha tôi, làm cho ngày nay phải chịu lâm lụy nơi chốn lao tù như vầy, thì thật biết dường nào là oan ức? Bẩm quan lớn nghĩ đó mà coi, nhà tôi là nhà chỉ biết cui cúi làm ăn, chăm lo vườn tược, mặc ai tranh danh đoạt lợi, mặc kẻ đồ bá xưng hùng, cha tôi chỉ lo thủ phận thanh nhàn, thong thỏa theo cuộc gia đình lạc thú; miễn là có cơm trắng ngày hai bữa, ăn no mặc ấm, hôm sớm một cha một con hũ hỉ, thì cũng đủ gọi là một điều hạnh phúc trong lúc tuổi già đó rồi. Thật là tội nghiệp cho cha tôi lắm mà, cha tôi không hề biết dòm hành đến việc thế thái nhơn tình, mà cũng không hề lân la bao giờ với phe kia đảng nọ, chẳng dè ngày nay lại bị quân ác nhơn thất đức, táng tận lương tâm nào đây, nó oán vặt thù vơ chuyện gì, mà hãm hại cha tôi như thế? Tôi là một đứa gái thân cô sức yếu, quần vận yếm mang, tuy chưa có thế lực chi mà biện tội minh oan cho cha tôi mặc dầu, nhưng ma nếu tôi biết đặng đứa vu oan cho cha tôi ngày nay đây, thì tấm lòng hiếu tình nhi nữ của tôi đối phó với cha tôi thế nào, cũng đủ làm cho đứa gái yếu đuối nầy, trở nên mạnh mẽ tâm thần, mà nguyện với cao dày, để rửa oán trả thù cho cha tôi được rồi, mới là yên lòng thỏa dạ.
Bùi Khắc Phú thấy cô Ngọc Sương nỉ non than khóc và kể lể mấy lời rất đắng cay đau đớn, làm cho tướng giặc ấy nghe vào mà phải sốt mặt bưng đầu, nhởm tao điếc ráy, có lúc cũng phải nheo mày trợn mắt, có khi lại nhột ý mà gục đầu, rồi đứng sửng ngơ ngẩn vì đâu, nghĩ mà nửa buồn nửa thẹn.
Kế đó e cô Ngọc Sương lại khóc nỉ non mà nói tiếp rằng:
– Ôi đức thượng đế kia ôi! Hoàng thiên thượng đế là một đấng giữ mực công bình, cầm quyền báo ứng, xin chứng cho tôi là một gái mồ côi bạc phước, mất mẹ lìa cha, tôi không còn biết ai mà than van cầu khẩn, tôi chỉ biết dâng một tấm lòng thành kính mà khẩn bái phật trời đó thôi, nếu cái tiếng than van khóc lóc của một đứa gái đào thơ liễu yếu nầy, may mà được cảm động đến lòng trời phật quỉ thần, thì xin chứng minh cho cha tôi là người hiền lương vô trội, mà phải mắc chuyện oan ức thế nầy, và xin phò hộ cho cha tôi ra khỏi khám đường, cứu độ cha tôi, thoát vòng tai nạn. Trời phật kia ôi! Đức thượng đế kia ôi! Cái oan ức nầy tôi xin gò chơn giậm đất, cất cổ kêu trời, đặng cầu khẩn cùng ngài một điều là che chở người lành, mà trừng phạt đứa dữ ấy đi.
Cô Ngọc Sương than khóc một hồi, rồi day lại nói với tướng giặc là Bùi Khắc Phú rằng:
– Bẩm quan lớn, quan lớn có lòng dạ cố đến kẻ liễu yếu đào thơ nầy mà tỏ sự hoạn nạn của cha tôi cho tôi hay, thật tôi rất đội ơn quan lớn, nhưng cái tin buồn ấy làm cho tôi héo ruột bầm gan, mà phải động lòng bi lụy, khóc lóc nãy giờ, vậy e thất lễ cùng đại quan, xin đại quan tha thứ.
Cái tiếng khóc than của cô Ngọc Sương trước kia, thật rất thiết tha cay đắng, thỉnh thoảng lọt vào lỗ tai Bùi Khắc Phú, khiến cho tướng giặc nầy đương đứng nheo mày trợn mắt, nhột ý thẹn lòng, dường như có vật chi cắn rứt lương tâm, chích châm gan ruột, bỗng nghe mấy lời của cô cám ơn sau đây, rất thanh nhã, rất dịu dàng, phút chút được mát lòng thấm dạ, và thấy cái sắc cô hiện ra rất xuê xoang kiều mị, tợ hồ có một cái điển lực mạnh mẽ phi thường, kéo ngay cặp mắt tướng giặc ấy lại, làm cho ngó sững lấy cô, không hề nháy mắt.
Lạ thay cho cái vẻ thiên kiều bách mị của cô Ngọc Sương, khiến cho tướng giặc nầy phải xúc động ngọn lửa dâm tình, nó phừng phực dậy lên, làm cho anh ta rối ruột mê hồn, điên hình dại dạng, rồi bước tới mỉm cười hí hởn, mà nói với cô Ngọc Sương rằng:
– Cô ôi! Xin cô chớ ngại, sự ở nhà đến đây mà nói cho cô hay đó, là một điều nhỏ mọn, đáng gì mà cô phải cám ơn, vì tấm lòng quan niệm của ở nhà rất trìu mến, rất thương yêu cô dẫu cho việc chi nguy hiểm khó khăn thế nào, ở nhà cũng chẳng nại khổ từ lao với cô thay, huống hồ một chuyện nhỏ nhoi nầy, có chi mà gọi rằng cảm ơn cảm nghĩa, còn sự cô khóc than đó là một sự tự nhiên, phụ tử tình thâm của cô đối với ông thân cô trong cơn hoạn nạn, mà cô phải động lòng ai bi thủy lụy đó thôi, chớ cô chưa có điều chi thất lễ với ở nhà, mà phòng xin tha thứ. Cô ôi! Cô là một đóa hoa khôi, một trang tuyệt sắc, dầu cây cỏ thấy cũng phải tươi cười, huống hồ người có khí huyết, có ái tình, ai mà không cảm động, ở nhà nói thật với cô, từ khi ở nhà được thấy cái vẻ nhan sắc xinh đẹp của cô đến nay, thì trong lòng vẫn cứ thương tưởng đến cô luôn luôn, mỗi đêm cái hồn ở nhà cứ lẽo đẽo chiêm bao, phưởng phất ở một bên cô, làm cho ăn chẳng biết ngon, nằm không đặng ngủ, thế thì chẳng bao lâu đây, ở nhà cũng phải chết điên về cái lòng ái tình đối với cô đó. Cô ơi! Vả lại ở nhà là một bực quyền cao lộc trọng, phú quí vinh hoa, đến đâu mà người chẳng kiêng oai, ai không nể mặt, nếu cô bằng lòng ưng thuận với ở nhà, thì áo quần năm bảy sắc, mặc rất xuê xang, tôi tớ đôi ba con, hẳn theo hầu hạ, đã làm được một vị nhứt phẩm phu nhơn rồi, thì ai mà chẳng tôn trọng cô là bà quan, và kêu gọi cô là bà lớn, thế chẳng là vinh diệu lắm sao, chẳng là sung sướng lắm sao?
Nói rồi lại xòe quạt phất phất quạt hơi, còn mắt thì chăm chăm ngó cô Ngọc Sương trân trối.
Cô Ngọc Sương nghe tướng giặc nói bấy nhiêu lời, thì hơi giận đã sùng sục trào gan, mắt lại rưng rưng hai hàng đổ lụy, rồi day lại đáp rằng:
– Bẩm quan lớn, xin quan lớn chớ nên lầm tưởng như vậy, mà lạm dụng ái tình cùng tôi, vì cha tôi đã hứa hôn với người ta, vậy thì tôi là một gái đã có chồng rồi, xin quan lớn đổi cái lòng thương tôi đó đi, để mà thương cho người khác. Vả lại quan lớn là một bực cao sang, nếu quan lớn muốn dụng ái tình, thì chẳng thiếu chi là kẻ hầu gái xinh đẹp, lựa là quan lớn phải nhọc lòng ép uổng gái có chồng nầy làm chi, mà làm cho tôi trên phải thất hiếu với cha, dưới phải thất trinh thất tiết với chồng tôi kia nữa, tôi thật không dám nhận lãnh cái chứa bà quan bà lớn ấy đâu, vì tôi nghĩ cho phận tôi không đủ tài đức xứng đáng, nếu tôi lạm dụng chức ấy, thì trước mặt người ta bẩm gởi dạ thưa, mà sau lưng họ lại chê cười nhạo báng, ấy vậy thì cái sự thương của quan lớn đó, là cái làm nhục cho tôi, chớ chẳng phải thật tình thương tưởng tôi đâu, xin quan lớn xét lại.
Tướng giặc nghe nói liền cười gượng ít tiếng và đáp rằng:
– Cô ôi! Cô phải biết rằng, hôm nay ở nhà đã bổn thân đến đây, và đã ôm hết một tấm lòng hy vọng nầy, mà để vào trên mình cô đó rồi, có lẽ nào lại rứt bỏ tấm lòng hy vọng ấy đi, mà trở về không, thì sao cho thỏ tình sở nguyện, vả lại tánh ở nhà thuở nay không muốn cho ai nhiều lời nghịch ý lại hết, vậy xin cô hãy vì chút tình ở nhà mà ưng thuận cho rồi, ở nhà hứa với cô rằng ở nhà sẽ làm cho cô được mọi sự đẹp lòng khoái chí.
Nói rồi bước tới muốn nắm tay cô Ngọc Sương.
Cô Ngọc Sương thất kinh chạy phức qua phía kia, sắc mặt đổi liền, vừa rung vừa nói:
– Bẩm quan lớn, quan lớn đừng làm sự vi pháp, mà thế hiếp người, quan lớn làm như vậy rất sỉ nhục cho tôi lắm đa, quan lớn vẫn là người biết lễ nghi phép luật, mà làm chi theo cái đói đê tiện của đứa cường bạo tiểu nhơn, chẳng là mất cái thể diện quan lớn đi chăng?
Tướng giặc nghe mấy lời cô Ngọc Sương sỉ nhục, thì con ma phong tình đã lần lần sụt xuống, mà thằng quỉ thế lực lại bực bực lừng lên, rồi lấy tay chỉ cây đao bên lưng và bước tới trợn mắt thạnh nộ mà nói rằng:
– Ngọc Sương hỡi mi, mi có biết cây bữu đao của ta đây lợi hại thế nào không? Ta nói cho mi biết, ta chém quân giặc kia như chém rôm chém chuối, giết đứa nghịch kia, như giết lợn giết gà, nếu mi thuận tình, thì ta để cái mạng mi được hưởng sự sung sướng trong cõi thế gian nầy, bằng nghịch ý, thì chớ trách rằng cái lưỡi đao nầy nó rất tàn nhẫn vô tình với mi đó hử.
Cô Ngọc Sương tuy là một gái đào thơ liễu yếu, nhưng mà cũng có một tánh khí cang thường, cơn bấy giờ trong lòng cô không còn một mẩy gì trông mong thoát khỏi cái tay bức sách của tướng giặc, vì vậy trong trái tim cô đã nổi lên một trận bất bình, và một lòng tu ố, làm cho cô ngực nhảy phập phồng, tay run bây bẩy, cô không còn biết sợ sệt gươm đao, mà cũng không kiêng gì cái oai thế hung hăng của tướng giặc, liền ngó nghinh tướng ấy rồi cười gằn một tiếng và nói rằng:
– Quan lớn chẳng cần gì phải nói, tôi đã biết chán cái oai thế đó rồi, cái oai thế của quan lớn chém người như chém chuối, giết chúng như giết gà, ai mà chẳng kiêng dè sợ sệt, cái oai của quan lớn đó, nhưng mà tôi thì rất vui lòng hứng chí, muốn cho quan lớn lấy cái khí phách anh hùng mà xuống tay cho tôi một lưỡi đao đi, cho rồi cái đời một gái thân cô sức yếu nầy thì xong việc, để chi cho quan lớn phải nhọc lòng bức sách buộc ràng. Quan lớn là một đứng anh hùng, dẫu có giết một gái yếu đuối nầy thì dễ như trở tay, không chút gì hao hơi mệt sức, như vậy các bựa anh hùng hảo hớn trong thiên hạ mới biết cái oai danh quan lớn rất mạnh mẽ, và cái thế lực quan lớn rất lẫy lừng, đành lòng nở dạ mà giết một gái thơ côi cút nầy, chẳng thèm gớm mắt nhơn tay, nheo mày xẩu mặt. Từ đây những gái hồng nhan nhi nữ trong thiên hạ, thấy quan lớn đều rung en phát rét, mất vía kinh hồn, dường như thấy một vị Diêm chúa lai trần, thiên thần giáng thế, vậy cũng đủ làm cho quan lớn hiển hích oai danh lắm mà. Quan lớn nè, tôi tuy không muốn đầu ngón tay quan lớn động đến mình tôi, nhưng mà tôi rất muốn cái lưỡi đao của quan lớn sấn ngang cổ tôi cho rảnh, quan lớn sợ chém tôi không chết sao? Nếu quan lớn e rằng cái lưỡi đao không trúng ngay yết hầu, thì tôi sẵn lòng ngửa cổ cho quan lớn chém, hay là quan lớn chê cái máu tôi dơ sao? Cái mạch máu trong cổ tôi rất sạch sẽ tinh anh, rất tốt lành trinh bạch, không có chút chi ô uế lẫn lộn vào trong, mà làm cho nhơ bợn cái lưỡi đao của quan lớn đó đâu, quan lớn chém đi, chém đi. Thuở nay từ bé chí lớn, tôi chưa từng biết cái khí vị gươm đao ra sao? Vậy thì ngày nay tôi muốn nếm cái mùi nó thử coi, thử coi cho biết, nói rồi lấy tay vỗ vỗ trên cổ và kêu lớn lên rằng: Quan lớn hãy lại đây, lại đây mà chém phứt tôi đi.
Lúc bấy giờ lại có một người đương đứng núp trong cánh cửa gần đó, lom lom ghé mắt theo kẹt cửa dòm ra, và lóng tai nghe thử, xảy nghe những lời của cô Ngọc Sương nói với tướng giặc ấy rất khẳng khái hùng hào, từ nghiêm lý chánh, thật là tấm lòng trinh liệt của cô, cứng như đá, vững như đồng và cái khoa ngôn ngữ của cô cũng trơn như dầu, chảy như nước, cái dung nghi của cô rất nghiêm nghị, làm cho người đứng trong cửa, thấy mà phải cảm động tâm thần, cách điệu chí khí cô rất cang cường, làm cho tướng giặc kia cũng phải ngẩn ngơ hồn phách.
Thật rất đáng khen cho cô Ngọc Sương, trong lúc bình thường vô sự, thì tánh nết cô rất mềm mỏng dịu dàng, mà gặp cơn bức trắc hiểm nguy, thì lòng dạ cô trở nên một người rất vững bền cứng cỏi.
Thi rằng
Trấn Biên đại tướng khéo thày lay,
Tiết liệt thuyền quyên ít kẻ tày,
Một kiếp dâm ô thiên hạ ghét,
Ngàn thu trinh bạch đất trời hay.
Mưu thần chước quỉ ai khen đó,
Dạ sắt lòng son mới thấy đây,
Oai hiếp ép duyên, duyên chẳng khứng,
Treo gương thanh sử vậy cùng ngay.
Cái tánh tình cô khẳng khái, cái cách điệu cô nghiêm trang, khiến cho đám nam tử râu mày, thấy vậy cũng phải thẹn lòng nể mặt.
Tướng giặc Bùi Khắc Phú nghe những lời cô Ngọc Sương khích báng, thì muốn tuốt gươm ra mà giết quách cho rồi, nhưng mà nghĩ cho một gái rất trinh liệt, rất khôn ngoan, lại có tánh tình khẳng khái, thì thỉnh thoảng củng nức nỏm khen thầm, và cũng để lòng vì nể một ít. Song con ma tình dục nó đã hớp mất mãnh hồn lương tâm, khiến cho cái thói tà dâm của tướng giặc nầy, lại lừng lẫy nổi lên, rồi bước tới cười mơn, và đưa tay muốn ôm cô Ngọc Sương mà hãm hiếp.
Nhưng cô Ngọc Sương rất lẹ chơn lanh mắt, khi hai tay của tướng giặc vừa vói tới, thì cô đã tránh phức mà chạy qua phía kia, làm cho đụng ghế tuông bàn, cái thì ngã nghiêng, cái thì té ngửa.
Cô Ngọc Sương đỏ mặt tía tai, tay thì rung rung, chơn thì rào bước, rồi nói lớn lên rằng:
– Quan lớn làm thế gì đó? Tôi đã bảo chém phứt tôi đi, tôi chẳng hề khi nào để cho ngón tay quan lớn động tới chéo áo tôi đâu, hãy chém tôi đi, hãy chém tôi đi.
Người đứng trong cánh cửa, khi ló ra, khi núp xuống, dòm thấy cái tình trạng đáng ghét đáng thương nầy, thì nóng nảy ruột gan, rồi trán đổ mồ hôi, cả mình hừng hực như lửa, ngó đến cô Ngọc Sương thì chắt lưỡi châu mày, ngó qua tướng giặc lại phùng gan trợn mắt.
Còn tướng giặc nầy lúc bây giờ chẳng khác chi đã mắc chứng điên, nhăn mày nhíu mày, hầm hầm sắc khí, như cọp nọ gặp chồn, lấp lẽm miếng ngon, như mèo kia thấy chuột, liền dắt quạt vào lưng, rồi xăng tay vén áo, ngó cô Ngọc Sương chăm bẫm và nói rằng:
– Đố cô thoát đâu cho đặng, cô hãy để cho ở nhà hít cái mùi thơm tho trên gò má hồng nhan của cô một chút mà thôi, thì đủ cho ở nhà vui lòng thỏa da, ở nhà hứa chắc với cô rằng ở nhà không có vọng tưởng điều chi khác nửa đâu mà cô phòng sợ, cô hãy đứng lại cho ta nếm thử cái mùi thơm tho một chút với nào.
Nói rồi nhảy ngang qua bàn, vói tay chụp cô Ngọc Sương mà ôm, chẳng dè vấp chơn té ngay xuống đất, lật đật lồm cồm trổi dậy rồi lại rượt theo.
Cô Ngọc Sương hoảng kinh, chạy vuột qua phía khác, vói tay lấy cái dĩa sẵn để trên ghế, liệng ngay vào mặt tướng giặc một cái rất mạnh, cạnh dĩa tuông nhằm sống mũi, tức thì máu mũi chảy ra, làm cho tướng giặc nầy giận đổ thần hung, liền tuốt lưỡi đao ra, vừa huơi lên mà chém xuống. Chẳng dè người đứng trong cửa nhảy phứt ra, lẹ như chớp mắt, bắt cánh tay tướng giặc nầy một cái, tướng giặc ngó lại, thì cây gươm đã vào trong tay người ấy rồi.