Đức Nguyễn Ánh lạc bước phong trần,
Nơi Phật tự gặp người phò tá.
Đất Việt ba kỳ, trời Nam một góc, tang thương mấy độ, cuộc hưng vong dường thể chim bao; sự tích ngàn xưa, gương trị loạn còn ghi lịch sử.
Trong khoảng cách chừng một trăm năm chục năm nay, nước Việt Nam ta ném nhằm lúc Triều Lê vận mạt, chúa Nguyễn thời suy, ngoài Bắc thì chúa Trịnh tranh quyền, trong Nam thì Tây Sơn dấy loạn, làm cho một giải đất nằm dọc theo mé biển Đông dương nầy, từ sông Nhĩ Hà tới Cửu Long Giang, thành ra một xứ rần rần lửa giặc đao binh; sanh linh đồ thán, kẻ thì phải chịu mùa màng thất phát, người thì lại bị nghèo khổ linh đinh, nay chạy chỗ nầy, mai trốn chỗ khác, thảm khổ biết là dường nào!
Lúc bấy giờ, tại Cần Thơ có một ngôi nhà, ở gần mé Hậu Giang, tuy chẳng phải là nhà hào gia cự phú, song xem có vẻ thanh lịch u nhàn, giữa nhà có để một bàn tròn, trên bàn có trải một tấm khảm đỏ, lại có ít quyển sử, truyện, thi, thơ, văn phòng tứ bửu, hai bên thì để một bộ trường kỷ, với ít cái đôn sành, còn chung quanh ngôi nhà, có một cảnh vườn, trồng đủ thứ cây trái bông hoa, trước sân có xây một hòn giả sơn, bên thì để ít chậu kim quýt, thanh tùng; bên lại trồng ít bụi mai, lan, cúc trước, xem rất thú vị.
Ngoài vườn trồng một vuông tre, bốn phía sùm sề, cây yêm lá rậm; nhà nầy là nhà của một ông quan hồi hưu, cất để hưởng nhàn, trong lúc tuổi cao tác yếu.
Trong một đêm kia, vào khoảng canh hai, trăng sáng lờ mờ, mưa tro rải rắc, đầu làng lặng lẽ, cuối xóm vắng tanh, chỉ nghe những tiếng chó sủa ma, vẳng vẳng bên rừng, mèo kiếm bạn, ngao ngao xó bụi, giây lâu bổng nghe xa xa, mõ sãi tụng kinh cốc cốc, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chuông nhà Phật bon bon.
Cái tiếng mõ tiếng chuông nầy, đối với người thường cảnh thường, thì nghe ra như nhắc nhở, như khuyên răng; mà đối với người buồn cảnh buồn, lại nghe ra như thảm, như sầu, như than, như khóc. Ấy là:
Tiếng chuông sấm hối răng trần tục,
Giọng mõ từ bi tỉnh mộng hồn.
Thật là một cảnh đêm vắng canh khuya, xem rất yêm điềm buồn bực.
Lúc bấy giờ, trong nhà ấy có một người thanh niên, trạc chừng mười tám tuổi, xem diện mạo tỏ ra một người anh phong tuấn duật, cốt cách phi thường, sống mũi thẳng mà cao, tròng mắt long lanh, hiện ra mấy ánh hào quang chói sáng, trán cao mày rậm, mặt trắng môi hồng. hình trạng chắc chắn khôi ngô, xem ra có vẻ anh hùng khí tượng, thật là một người tướng mạo đường hoàn, dung nghi tề chỉnh. Đầu bịt một khăn vàng, mình mặc một cái võ bào trắng, chưn mang một đôi võ hài đen, bên lưng đai một thanh gươm, vỏ bạc cán vàng, dọi với bóng đèn, chói ta nhấp nháng, Người ấy đương ngồi dựa bàn, chống tay bên má, sắc mặt có vẻ âu sầu, mắt ngó chăm chăm xuống đất, dường như đương trầm tư nghĩ nghị điều chi trong trí vậy.
Phía một bên, lại có một nàng tuổi vừa hai chín, hai môi đỏ hồng như màu yên chi, nước da trắng tươi như bông bạch phấn. Xem ra có cách yểu điệu thanh bai, thật là một người thục nữ giai nhơn, trâm anh đài các, đương ngồi mắt ngó lơ là ra cửa, lẵng lặng làm thinh. Tợ hồ có việc chi nghĩ ngợi trong lòng, tràn ra một vẻ sầu dung, làm cho màu hoa giã dượi.
Chính giữa, lại có một người đàn bà tuổi chừng năm mươi, sắc mặt cũng có vẻ âu sầu thảm đạm, tay cầm một vuôn khăn lụa trắng, đương chậm lau nước mắt, rồi cũng lẳng lặng không nói điều chi, một lát bà ấy day lại ngó người thanh niên kia mà nói rằng:
– Con ôi! Thảm khổ là dường nào đó con, chú con và em con đã bị tay quân nghịch giết rồi, và cái cơ đồ của tổ phụ ta sáng tạo mấy đời, nay cũng bị chúng nó chiếm đoạt hết cả, làm cho mẹ con ta ngày nay phải ra thân lưu lạc phong trần, ăn sầu uống thảm. Con ôi! Cái thù nầy là thù chẳng đội trời chung, biết chừng nào trông mong trả đặng? Mẹ nghĩ chừng nào lại càng đứt ruột đau lòng lắm con!!
Nói rồi lại rưng rưng hai hàng giọt lệ.
Người thanh niên kia nghe rồi, day lại vòng tay thưa rằng:
– Thưa lịnh mẹ, người đời có lúc thạnh suy, mà cũng có khi bõ thới, ấy là lẽ thường, xin lịnh mẹ tịnh dưỡng tâm thần, bớt lòng phiền muộn, để mặc con ra sức lo toan, họa may trời có lòng thương, thì ngày kia cũng được thiên tùng nhơn nguyện.
Kế đó nàng gái ngồi bên kia cũng lau nước mắt rồi day lại thưa rằng:
– Mẹ ôi! Thật nghĩ lại cái cảnh ngộ cực khổ gian nan ngày nay thì biết bao là buồn thảm! Khi nào thì lầu son gác tía, gấm phủ màn che, còn bây giờ sao lại trải gió dầm mưa, ăn nhờ ở đậu, cực khổ cho mẹ con ta biết là dường nào? Nghĩ mà căm hờn nuốt giận, tiếm ruột bần gan với đứa nghịch thù, không bao giờ nguôi đặng.” Rồi day lại ngó người thanh niên mà nói tiếp rằng: “Phu quân ôi! Thiếp nghe rằng quân nghịch sai người mật thán, rải khắp các nơi, đặng tìm kiếm chúng ta mà giết cho tuyệt kỳ hậu hoạn. Vậy thì chỗ nầy là chỗ chúng ta tạm đỡ vậy thôi, nếu ở đây trì hưỡn lâu ngày, thì thiếp e sớm muộn cũng chẳng khỏi vào tay quân nghịch. Vậy xin phu quân lo liệu thế nào, đặng mau mau tìm phương lánh nạn thì mới được.
Người thanh niên kia nghe rồi gặc đầu và đáp rằng:
– Nàng hãy yên tâm, sự ấy ta đã lo liệu trước rồi, không sao phòng ngại, khuya nay chừng lối canh tư, chúng ta sẽ tìm qua xứ khác mà trú ngụ.
Nói rồi, kế thấy hai người mặc đồ đen ngoài cửa hăm hở bước vô, mỗi người đều mặc võ phục gọn gàng, và bên lưng mang một cây gươm trường, tay cầm một ngọn roi ngựa, bước ngay tới trước người thanh niên, rồi cung tay cúi đầu thi lễ.
Người thanh niên nầy nghiêm sắc mặt và hỏi rằng:
– Hai người có việc chi cẩn cấp, hãy nói mau đi.
Một người kia bước tới bẩm rằng:
-Bẩm lịnh bà và điện hạ, có quân giặc gần tới.
Người thanh niên kia nhíu mày, đứng dậy cách lạ làng rồi hỏi:
– Quân nghịch đã tới đâu?
– Thưa, đã tới địa phận rạch Mân Thít.
– Quả thật thế chăng?
– Thưa quả thật như thế.
– Quân nghịch nhiều ít thế nào?
– Thưa độ chừng vài đội binh bộ.
Người thanh niên đứng sững, ngẫm nghĩ trong trí một chút rồi hỏi rằng:
– Quân tuần phòng của ta ở đâu?
– Thưa ở hai bên mé sông Hậu Giang.
– Chỉ có thế mà thôi sao?
– Thưa còn một đội tuần phòng theo mé cù lao Mây, và một đội phân ra từng khoảng mà tuần phòng từ rạch Trà Ôn, tới rạch Mân Thít.
Người thanh niên hỏi:
– Ngươi có nghe quân nghịch ở đâu nữa chăng?
Người kia trả lời rằng:
– Thưa không nghe.
Người thanh niên nhíu máy nhướng mắt ngó chăm chăm người ấy mà rằng:
– Thuyền của quân nghịch đã vào cửa biển Định An hôm qua, bây giờ nó đã tới cù lao Đại Ngãi, người có nghe chưa?
Người ấy ra vẻ lính quýnh rồi trả lời ngập ngừng rằng:
– Thưa tôi chưa, chưa nghe.
Người thanh niên ấy tay khoát ra một cái, tên kia lật đật đứng dậy lại một bên rồi vòng tay, còn mắt thì chăm chăm nhìn xuống đất.
Kế đó người thanh niên day qua ngó người đứng bên kia và hỏi rằng:
– Quân tuần phòng trên bộ của ta ở đâu?
– Thưa quân tuần phòng của ta đương ở nơi mé rừng tràm, đường vô Rạch Giá.
– Còn đâu nữa không?
– Thưa còn mộ toán quân, phân ra mỗi tốp là mười đứa, đặng đi tuần phòng các nẻo lộ khác.
Người thanh niên nầy nghe rồi nghĩ nghị một chút và nói với hai người ấy rằng:
– Hai ngươi hãy lo sắp đặt hành trang và ngựa voi cho sẵn, khuya nay chừng đầu canh tư, chúng ta sẽ qua Rạch Giá.
Nói rồi lấy tay khoát hai người ấy ra, rồi bước vào hậu đường với hai người đàn bà khi nãy.
Người thanh niên mặc võ bào trắng nói trên đấy là ai? Nãy giờ tôi chưa chỉ danh, vậy xin tỏ ra dưới đây cho khán quan rõ biết.
Người nầy là người có một tánh chất nhẫn nại tinh thần, và có một lá gan anh hùng khí phách; cái tánh chất ấy với cái lá gan nầy, thật là mịn như vàng, cứng như đá, mà cũng dẻo như sắt, chắc như đồng, trong hai mươi lăm năm, tẩu bắc bôn nam, vào sanh ra tử, xông tên đột pháo, giữa chỗ kịch liệt chiến trường, khi thì vượt biển, lúc thì trèo non, khi nằm sương, lúc gối tuyết, gặp nhiều cảnh ngộ rất nguy hiểm gian nan, biết bao là thiên lao vạn khổ, nhưng chẳng hề rúng chí nguôi lòng, chỉ lo khăng khắng một trái tim địch khái, rèn đúc một khối óc phục thù: mà đối địch với quan giặc Tây Sơn, hơn mấy mươi trận rất hoanh hoanh liệt liệt, làm cho một nước Việt Nam nầy từ bắc chí nam, động đất long trời, xiêu thành sập lũy.
Người nầy tên là Nguyễn Ánh là một người nhành vàng lá ngọc trong giòng chúa Nguyễn thuở Triều Lê. Sau tức vị hiệu là Gia Long. Ấy là một người thông nhứt san hà, trung hưng phục nghiệp cho nhà Nguyễn, gọi là Việt Nam Hoàng đế.
Nguyên Đức Nguyễn Ánh là cháu ruột của vua Duệ Tôn, kêu vua Duệ Tôn bằng chú, khi vua Duệ Tôn thất thủ kinh đô Huế rồi, chạy vô Nam Kỳ, đồn binh lập trại tại sông Bến Nghé (Sài Gòn) chẳng dè vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, đem binh rượt theo. Vua Duệ Tôn đánh không lại, liền chạy xuống Cà Mau đào nạn, nhưng chẳng bao lâu sau, lại bị quân Tây Sơn bắt đặng, dẫn về Sài Gòn, rồi đem ra pháp tràng mà xử tử. Sau lại bắt đặng con vua Duệ Tôn là ông hoàng Mục Vương tại Bến Tre, rồi cũng giết chết, vì vậy Đức Nguyễn Ánh nầy chính là người được trọn quyền nối nghiệp cho vua Duệ Tôn và chính là một người đại nghịch đại thù với quân Tây Sơn Nguyễn Nhạc.
Bởi cớ ấy, nên quân Tây Sơn đem binh truy tầm tứ hướng, kiếm bắt cho được Nguyễn Ánh, đặng giết luôn cho tuyệt kỳ hậu hoạn.
Nhưng Đức Nguyễn Ánh tuổi tuy còn nhỏ, mà cang đởm rất to, đã sẵn trí thức thông minh, lại có mưu mô đởm lược, và nhờ có nhiều kẻ bộ hạ phúc tâm, thảy đều là người trung thành võ dõng nên mới thoát khỏi quân giặc Tây Sơn, rồi dắt mẹ và vợ chạy xuống Cần Thơ, mà tá túc nơi nhà của một ông quan hồi hưu, ở dựa mé sông Hậu Giang (Bassac) như lời tôi đã nói trng khoảng trước kia vậy, đây xin tiếp theo.
Khi Đức Nguyễn Ánh trở vào hậu đường, đương ngồi bàn mưu tính kế với Vương mẫu và vợ là Tống thị phu nhơn. Xảy nghe canh gà gáy thúc, trống đã sang tư, kế nghe có người gõ cửa nơi trước khách đường, Đức Nguyễn Ánh bèn lật đật bước ra thấy một tướng bước tới cung tay cúi đầu rồi bẩm rằng:
– Bẩm Điện hạ, đã bước đầu canh tư rồi, xin Điện hạ sắm sửa đặng lên đường cho sớm.
Đức Nguyễn Ánh gặc đầu và hỏi rằng:
– Các quan binh đã tề tựu đủ chưa?
– Bẩm đã tề tựu đủ rồi, đương chờ nơi lộ mà tiếp nghinh Điện hạ.
Đức Nguyễn Ánh gặc đầu và khoát tay một cái, tướng ấy liền cúi đầu rồi lui ra.
Một lát đã thấy Vương mẫu và phu nhơn cùng Đức Nguyễn Ánh với em gái ngài là Ngọc Du công chúa, cả thảy cung quyến thỉnh thoảng, trong nhà đi ra.
Khi ra tới ngoài ngõ, thấy một đội quân đã rút gươm dàn hầu hai bên mé đường, và các tướng tâm phúc đều bước tới cúi đầu chào ngài cách nghiêm trang cung kỉnh.
Kế đó thấy tên quân dắt tới một con ngựa sắc hồng, xem rất hùng tráng, và hai con bạch tượng (voi trắng) rất to, trên lưng đều có bắt bành sẵn sàng tử tế, đó rồi Vương mẫu với phu nhơn và công chúa đều lên ngồi trên bành voi còn ngài và các tướng cỡi ngựa theo sau, rồi kéo nhau lên đường đi vô Rạch Giá, quanh qua lộn lại, ước được hồi lâu, khi đi ngang một đám tràm lớn kia, ngó ra chỉ thấy bờ bụi lờ mờ, bốn phía đều rừng hoang cỏ rậm, vượn hú dơi reo, thật là một chỗ sầm huất quạnh hiu, khỉ ho cò gáy.
Đức Nguyễn Ánh liền gò cương ngừng ngựa, rồi lấy tay chỉ vào rừng ấy má hỏi các tướng tùy tùng rằng:
– Các ngươi có biết trong đám rừng nầy, có những giống chi dữ chăng?
Một tướng kia bước tới đáp rằng:
– Bẩm Điện hạ, loại độc trùng ác thú cũng nhiều, mà nhứt là cọp hùm thì dữ lắm.
Đức Nguyễn Ánh nghe rồi mỉm cười mà nói rằng:
– Còn một giống nữa rất dữ tợn, ngươi có thấy chăng?
– Bẩm Điện hạ, tôi chưa thấy, và chẳng biết giống chi mà Điện hạ gọi rằng dữ hơn.
– Ừ, ngươi chưa thấy à, vậy để ta chỉ cho ngươi xem,
Nói rồi thò tay vào túi áo, lấy ra một cái chi nho nhỏ, dài chừng hai gang, rồi để nơi miệng thổi lên tiếng, kêu te te …
Kế nghe hai bên rừng, những tiếng rào rạo, lào xào như tiếng lá khô, tức thì ngó ra phía trước, đã thấy một toán quân trong rừng rần rần nhảy ra lẹ như nháy mắt, mỗi người đều cầm giáo mang gươm, lưng đai cung tiễn, đứng dọc theo hai bên đường rừng, coi bộ tề chỉnh oai nghi, và mỗi người đều hầm hầm sát khí.
Các tướng tùy tùng ai nấy xem coi, thảy đều kinh dị. Đức Nguyễn Ánh bèn lấy tay chỉ toán quân đó mà nói với người ấy rằng:
– Cái giống đó mới là dữ hơn giống cọp hùm của nhà ngươi khi nãy,
Nói rồi ngài lấy cái kèn thổi lên hai tiếng, tức thì toán quân ấy liền rút vô rừng, không còn thấy một dạng người nào, thấp thoáng ngoài mé lộ nữa. Ấy là một toán binh của ngài để phòng hờ dọc đường, đặng ngăn ngừa quân giặc.
Lúc bấy giờ Đức Nguyễn Ánh và các tướng kéo đi ước đặng mười dặm, bỗng thấy nơi khoảng trống kia, đã ló lên một vừng thái dương, đỏ lòm rực rỡ, như một lò lửa hừng hực ở góc trời đông, rồi phóng xạ hồng quang trên mấy ngọn cây, xem ra nửa trắng nửa xanh, chừng ấy những bóng tối tăm mờ mịt, rủ nhau lần lần mất đi, và cây cỏ non sông thảy đều hiện ra một cảnh tượng đẹp xinh sáng suốt.
Đi đặng một đỗi, bỗng thấy ẩn ẩn trong lùm cây, ló lên mấy cái tháp Hòa thượng rất cao, chừng lại gần thì có một cảnh chùa phật nguy nga rộng rãi, cất trên một gò đất, chung quanh có cây cao bóng mát, xem ra rất tịch mịch u nhàn.
Đức Nguyễn Ánh liền bảo các tướng ngừng ngựa lại nghỉ, đặng cho quân lính cơm nước rồi sẽ đi, còn ngài và cung quyến với các tướng tùy tùng đều dắt nhau vào chùa, khi vô gần tới cửa chùa, thấy một vị hòa thượng với ít tên đạo chúng bước ra tiếp rước cách kính nhường tôn trọng, rồi hối các đạo chúng quạt nước pha trà, đãi đằng tử tế.
Kế đó Hòa thượng lại đứng một bên, chấp tay cúi đầu và hỏi Đức Nguyễn Ánh:
– Bẩm quới quan, xin miễn chấp cho chúng tôi là kẻ tu hành, bấy lâu giữ đại từ bi, náu nương cửa phật, ở chốn thâm lâm cùng cốc, nay đặng quới quan và liệt vị giá lâm đến đây, thật rất vinh hạnh, nhưng chưa rõ tôn tánh qu1i danh là ai, xin quới quan vui lòng nói cho kẻ bần tăng rõ biết.
Đức Nguyễn Ánh nghe hỏi liền đáp rằng:
– Ta là kẻ nối nghiệp cho chúa Nguyễn vua Duệ Tôn, bị quân Tây Sơn dấy loạn, soán đoạt cơ đồ, lại còn bắt vua Duệ Tôn là chú ruột ta và ông hoàng Mục vương mà giết hết, nên ta phải tìm phương lánh nạn, đặng lo chiêu nạp nhơn tài, ngỏ được ngày sau khôi phục cơ đồ, trừ quân nghịch thù mà rửa hận.
Hòa thượng nghe nói liền lấy cặp kiếng con mắt lên coi, và ngước mặt nhìn Đức Nguyễn Ánh chăm chỉ, rồi cúi xuống lặng nghĩ một hồi và nói rằng:
– Bẩm quới quan, vậy thì quới quan phải là cháu nội vua Võ Vương Nguyễn Phước Hượt và là con của Đức Hoàng Hưng Tổ phải chăng?
– Chính là at đây, mà sao hòa thượng biết đặng?
– Bẩm điện hạ, khi còn trai tráng, tôi có ở tại kinh đô Huế, làm chức Vệ húy trong nội các, nên biết đặng đức Hoàng thân của ngài.
Đức Nguyễn Ánh nghe nói thì nhìn sững ông ấy và hỏi tiếp rằng:
– Rồi cớ sao, ông lại vào đây mà làm hòa thượng?
– Bẩm điện hạ, nhơn sau tôi có bịnh, nên xin hồi hưu, rồi tôi và cháu tôi vào Nam kỳ, lập cảnh chùa nầy, đã hơn hai mươi năm nay, sau đây mới nghe quân Tây Sơn vào Nam kỳ bắt vua Duệ Tôn và ông hoàng Mục Vương mà giết hết,
Nói tới đây thì lấy khăn chặm nước mắt, và sắc mặt thảm buồn, rồi nói tiếp rằng:
– Mới đây lại nghe quân Tây Sơn đem binh truy tầm tứ hướng, kiếm bắt Điện hạ, chẳng dè nay gặp Điện hạ đến đây, làm cho tôi được thấy tôn nhan, thì biết bao là hân hạnh.
Đức Nguyễn Ánh nghe hòa thượng nói mấy lời, cũng cảm động tâm thần, rồi day lại hỏi rằng:
– Hòa thượng nói rằng, khi trước vào đây với một người cháu, nà người cháu ấy bây giờ ở đâu?
– Bẩm Điện hạ, bấy lâu nó ở bên Xiêm La, khi Xiêm La đem binh đánh nước Miến Điện (Birmanie) nó có xin theo tùng chinh với bình Xiêm mấy trận, vua Xiêm thấy nó võ dõng thông minh, nên cho nó làm một chức quan nho nhỏ, như chức quản vệ của ta vậy. Kế nó nghe nước nhà hữu sự, dấy động cang qua, nên lật đật bôn tẩu về đây, đương tính chiêu mộ anh em, quyết ra ứng nghĩa.
Đức Nguyễn Ánh nghe nói thì sắc mặt có vẻ hân hoan, rồi hỏi rằng:
– Vậy xin hòa thượng bảo người ấy ra đây cho tôi biết mặt, nói vừa dứt lời, bỗng thấy một người ngoài cửa bước vô, ước chừng hai mươi mấy tuổi, tướng mạo khôi ngô, hình dung tráng kiện.
Ông hòa thượng thấy liền kêu tên ấy lại và bảo rằng:
– Cháu hãy lại ra mắt Điện hạ đây đi. Điện hạ đây là người kế nghiệp cho chúa Nguyễn Đức Duệ Tôn.
Tên ấy lật đật bước lại, cúi đầu làm lễ, rồi đứng ra một bên, liếc mắt nhìn Đức Nguyễn Ánh, còn Đức Nguyễn Ánh cũng ngó người ấy chăm chỉ và hỏi rằng:
– Tráng sĩ quí danh là chi?
– Bẩm điện hạ, tôi tên gọi là Nguyễn Hữu Thoại.
– Ta nghe hòa thượng nói ngươi có đi tùng chinh theo binh Xiêm La phải chăng?
– Bẩm điện hạ, tôi có đi tùng chinh theo binh Xiêm ba năm.
– Vậy thì nhà ngươi chắc là thông thuộc binh tình địa thế của Xiêm nhiều lắm phải chăng?
– Bẩm tôi cũng thông thuộc một ít.
– Vậy ngươi hãy vui lòng theo ta, mà giúp đỡ nước nhà, trong cơn hoạn nạn, đặng ráng sức dẹp loạn phò nguy cùng ta, mai sau may đặng khôi phục cơ đồ, thì cái công nghiệp của tráng sĩ cũng được chép ghi thanh sử, và tiếng để ngàn thu, như vậy đã chẳng mai một cái tài danh của ngươi, mà lại được vinh diệu với nước non tổ quốc.
Nguyễn Hữu Thoại nghe Đức Nguyễn Ánh nói vậy, lòng rất vui mừng, rồi trả lời rằng:
– Nếu Điện hạ có lòng cố cập, thì hạn thần sẽ hết sức theo Điện hạ mà giúp đỡ tay chơn, dầu vạn khổ thiên lao, cũng chẳng nài khó nhọc.
Ông hòa thượng nghe cháu nói như vậy thì rất vui lòng, rồi lấy lời mà khuyên rằng:
– Cháu có nhớ sách xưa nói rằng: “Gia bần tri hiếu tử, quốc loạn thức trung thần.” nghĩa là nhà nghèo mới biết con thảo, nước loạn mới rõ tôi ngay, vậy thì lúc bây giờ đây chính là lúc nước loạn nhà nghiêng, thành tan lũy sập, vậy cháu ráng ra mà tế khổn phò nguy, đặng cho khỏi hổ phận nam nhi thần tử.
Nguyễn Hữu Thoại nghe chú khuyên bảo mấy lời, thì ghi để vào lòng, rồi sắm sửa y phục hành trang, và từ giã chú, theo Đức Nguyễn Ánh mà phò tá.
Nói rồi thấy dọn một tiệc cơm chay, hòa thượng liền lại mời Đức Nguyễn Ánh cùng cung quyến ngài với các tướng sĩ ngồi lại ăn uống xong rồi, bèn giã từ hòa thượng, kéo nhau lên đường thẳng qua Rạch Giá,