Điệp Vụ “Nhử Mồi” Vụ Án Gián Điệp Lớn Nhất Nước Nga Thời Hậu Xô Viết

Aleksandr Zaporozski sinh ngày 29-8-1950 tại Gruzia. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh ta vào làm thợ nguội tại Nhà máy Thủy điện Tbilisi. Zaporozski tốt nghiệp Trường Đào tạo các phiên dịch viên quân sự sau khi nhập ngũ. Năm 1975, anh ta được nhận vào KGB. Bốn năm sau, Zaporozski thực hiện chuyến công tác nước ngoài đầu tiên có thời hạn 5 năm tại Ethiopia. Trở về sau chuyến công tác tại Ethiopia lần thứ hai, Zaporozski hầu như đã có được tất cả những gì mà bất cứ một người dân thường nào tại Liên Xô thời đó cũng đều mơ ước: chiếc xe Volga mới, nhà nghỉ, tivi, cassette… và còn có cả hai căn hộ nữa.

Zaporozski gây được ấn tượng khá tốt đối với cấp trên. Cho dù không có được thành tích nổi bật tại Ethiopia, anh ta vẫn biết cách “thể hiện” kết quả hoạt động của mình và còn được tặng thưởng huân chương. Zaporozski luôn được đánh giá là một điệp viên chuyên nghiệp và chuyên gia phân tích trong thông tin có hạng. Chuyển sang làm việc cho Cục Phản gián Đối ngoại, Zaporozski trực tiếp tham gia nhiều công việc khá quan trọng như tìm kiếm những kẻ phản bội trong nội bộ, theo dõi tất cả những nhân viên đáng ngờ. Năm 1994, Zaporozski được thăng chức làm phó chỉ huy một ban quan trọng nhất chuyên về châu Mỹ của VKR (Cơ quan Phản gián quân đội).

Những hồi chuông cảnh báo đầu tiên trong các cơ quan tình báo Nga đã vang lên từ đầu năm 1997, sau khi một vài chiến dịch do SVR (Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga) phối hợp tổ chức cùng FSB (Cơ quan An ninh Liên bang Nga) đã bị phía Mỹ dễ dàng vô hiệu hóa. Trong Cơ quan Phản gián bắt đầu xuất hiện những nghi ngờ: Nội bộ của SVR có kẻ nội gián cho Mỹ. Tuy nhiên, bước đầu mới chỉ là những phỏng đoán, cần phải được kiểm tra một cách tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Theo lời kể của các đồng nghiệp, Zaporozski đã có thái độ lo lắng khá rõ khi biết được về những mối nghi ngờ này. Nhiều lần, các đồng nghiệp bắt gặp viên đại tá này bắt đầu ngày làm việc mới bằng một cốc rượu whisky to. Nhưng mọi người chỉ coi đây là nguyên nhân của những công việc căng thẳng. Đến ngày 8-1997, Zaporozski bất ngờ đệ đơn xin thôi việc vì lý do bệnh tật. Điều này thật vô lý vì mọi người đều biết ông ta rất khỏe mạnh.

Nguyên nhân của thái độ vội vã kỳ quặc này chỉ mới được làm rõ về sau này, khi FSB và SVR đã thu hẹp dần dần vòng vây nghi vấn để có thể đưa ra kết luận: Tên phản bội chính là Zaporozski. Đáng tiếc là điều này đã xảy ra quá muộn.

Hiện giờ vẫn chưa ai làm rõ được động cơ phản bội Tổ quốc của Zaporozski. Một số người cho rằng, nó xuất phát từ tham vọng không có giới hạn của Zaporozski, về việc ông ta luôn cho mình “cao hơn một cái đầu” so với cấp chỉ huy của mình, trong khi bản thân không còn triển vọng thăng tiến thêm. Một số khác lại nghiêng về thói hám lợi và tham tiền của Zaporozski.

Có điều chắc chắn, Zaporozski đã chủ động tìm cách tiếp xúc với CIA trong một chuyến đi công tác ngắn ngày của mình tại châu Mỹ-La tinh hồi giữa năm 1990. Sự xuất hiện của Zaporozski đã khiến cho cơ quan đầu não của CIA tại Langley hết sức hân hoan. Hoạt động của hắn ta trong Cơ quan Tình báo Nga từ lâu không còn là chuyện bí mật đối với người Mỹ. Hồi đầu năm đó, Zaporozski còn được công khai giới thiệu với tùy viên hợp pháp của CIA tại Moscva. Trước đó, ông ta từng có khá nhiều lần gặp gỡ các “đồng nghiệp từ bên kia đại dương” tại một số cuộc đàm phán trong và ngoài nước.

Đã từ lâu, người Mỹ không có được nguồn cung cấp tin quý giá tới mức này. Vì an toàn của nguồn tin, họ sẵn sàng chấp nhận bất cứ một nhượng bộ nào. Tuy nhiên, Zaporozski đã không đòi hỏi gì nhiều, ngoài việc phải tuân thủ nguyên tắc hoạt động bí mật một cách tối đa. Cụ thể theo yêu cầu của ông ta, mọi cuộc tiếp xúc với CIA cần phải được diễn ra ngoài biên giới nước Nga. Để phối hợp hoạt động với “siêu điệp viên” này, phía Mỹ đã biệt phái hẳn một chuyên gia tình báo có nhiều kinh nghiệm. Theo một số đánh giá, nhân vật làm liên lạc viên cho Zaporozski có thể là William Ortman, một chuyên gia tình báo tại các nước châu Mỹ – Latinh. Sau khi Zaporozski chạy trốn, đây là kẻ có mối quan hệ chặt chẽ nhất và là vị khách thường xuyên có mặt trong nhà hắn ta. Cần nhắc tới một tên tuổi nữa là Steven Kappes – kẻ từng chỉ huy bộ phận tình báo CIA tại Moscva vào thời đó và sau cũng trở thành bạn thân của Zaporozski. Hai nhân vật trên đã có ảnh hưởng khá lớn đến số phận của tên phản bội.

Lúc biết được về những nghi ngờ của Cơ quan Phản gián Nga, Zaporozski đã hiểu rằng: Ngay sau khi CIA và FBI bắt đầu “áp dụng” những thông tin nhận được từ hắn ta, bản thân hắn sẽ không tránh khỏi nút thòng lọng đang siết chặt dần. Tháng 12-1997, Zaporozski xin thôi việc trong cơ quan tình báo. Ông ta ngay lập tức cắt bỏ mọi liên hệ với thế giới trước đó. Không ai biết được ông ta đang ở đâu và đang làm gì. Hiếm hoi lắm, Zaporozski mới gọi điện cho một số đồng nghiệp cũ, nhưng khi được hỏi xin số điện thoại, hắn ngay lập tức tìm cách thoái thác. Điều duy nhất mà hắn tiết lộ: Đó là đang “hoạt động kinh doanh” qua lại giữa Kaliningrad và St.Peterburg nên không có chỗ ở cố định.

Về sau mọi người mới được biết, đến tháng 4-1998, Zaporozski đã bí mật bay sang Praha để gặp gỡ với các nhân viên CIA. Zaporozski yêu cầu phải chuyển hết gia đình của mình sang Mỹ. Đích thân Kappes đã đứng ra trực tiếp chỉ đạo chiến dịch này. Gia đình Zaporozski rời khỏi Moscva vào tháng 6-1998 mà không nói với ai một lời nào. Chỉ có bà vợ Galina tiết lộ với hàng xóm xung quanh rằng ông chồng đang chuẩn bị cho chuyến đi công tác mới vì mọi người xung quanh vẫn nghĩ Zaporozski là một sĩ quan SVR như trước đây. Theo quy định chung, Zaporozski – với tư cách là một người từng được tiếp xúc với các tài liệu mật – trong vòng 5 năm không được phép ra nước ngoài. Nhưng khi nghỉ việc, hắn đã không trao trả cuốn hộ chiếu đi nước ngoài của mình. Sự cẩu thả này đã khiến Cơ quan Tình báo Nga phải trả giá khá đắt.

Khi Cơ quan Phản gián Nga thắt vòng vây nghi ngờ đến nút cuối cùng thì Zaporozski đang sống nhởn nhơ tại Mỹ. Những kế hoạch xử lý kẻ phản bội tương tự như ám sát hay bắt cóc đều có vẻ “không mấy hợp thời” nữa. Vấn đề là làm sao để có thể lôi kéo Zaporozski quay trở lại nước Nga. Chỉ còn một phương án duy nhất: Trước tiên là củng cố lòng tin của hắn về việc chưa ai biết gì về vụ phản bội này, cũng như không ai đe dọa hắn tại nước Nga. Bước tiếp theo là nhử hắn quay trở về… Nhưng kế hoạch như vậy dường như chưa từng có trong lịch sử Tình báo của Liên Xô trước đây, cũng như của Nga hiện nay. Thật ra, cũng từng có hai chiến dịch có điểm tương tự mang tên “Trest” và “Syndicat” hồi những năm 20, khi các cơ quan mật vụ nhử thành công Boris Savinkov và điệp viên người Anh là Sidney Reilly (vốn được coi là nguyên mẫu của điệp viên 007 James Bond). Nhưng trong khi Savinkov chỉ là một đảng viên Đảng Xã hội Cách mạng, còn Reilly là một kẻ có tính phiêu lưu, Zaporozski lại là một cựu đại tá tình báo. Đánh lừa một kẻ mới hôm qua còn cùng chung chiến hào, đồng thời hiểu rõ tất cả những “mánh lới” và cạm bẫy trong nghề quả thực là chuyện không phải đơn giản.

Trong khi đó, “Tổ quốc mới” đã đón tiếp Zaporozski khá chu đáo. Chỉ sau nửa năm, hắn đã được nhận “thẻ xanh” (một dạng giấy phép cư trú thường chỉ được trao cho những người đang sống tại Mỹ từ 5 năm trở lên). Zaporozski cùng gia đình chuyển tới sống tại một biệt thự 3 tầng ở ngoại ô Baltimor. Theo một nguồn tin công khai, tiền mua ngôi nhà này (khoảng 300 ngàn USD), Zaporozski đã kiếm được khi làm một chân cố vấn tại Công ty Water Shipping Co… Nhưng đó là chuyện không mấy ai có thể tin cậy (ngay sau phiên tòa xét xử Zaporozski, các phóng viên Mỹ đã không thể tìm ra được một công ty có cái tên như vậy). Thực ra, kẻ phản bội này đã nhận được từ người Mỹ tới hơn nửa triệu USD. Cần nói thêm là FBI cũng tham gia chia sẻ “phần bánh này”: Ngoài việc cộng tác với CIA, Zaporozski còn tư vấn rất tích cực cho cơ quan đảm trách về phản gián hàng đầu của Mỹ.

Nhưng lượng thông tin quý giá để bán dần dần cũng cạn, kéo theo khoản tiền “bồi dưỡng” cũng ít dần. Zaporozski buộc phải nghĩ đến cách tìm những nguồn thông tin mới. Hắn đã nghĩ ngay tới các đồng nghiệp cũ. Nhiều lần, hắn đã tìm cách tiếp cận với các nhân viên SVR đang hoạt động ở nước ngoài nhằm đề nghị hợp tác. Zaporozski cũng thường xuyên liên lạc với Moscva, đặc biệt là những đồng nghiệp đang chuẩn bị nghỉ hưu. Đây chính là cơ sở cho chiến dịch “nhử mồi” được FSB và SVR phối hợp tổ chức. Đến năm 1999, Zaporozski đã có một quyết định thiếu thận trọng khi quay trở lại Moscva mà không có mục đích cụ thể. Cơ quan Phản gián Nga đã biết được điều này, nhưng chưa vội vàng hành động. Nếu như tên gián điệp đã tới đây lần đầu, nhất định sẽ có những lần tiếp theo, với những nhiệm vụ cụ thể và quan trọng hơn.

Tháng 10-2000, viên phó chỉ huy bộ phận tình báo của SVR tại New York là Sergey Tretiakov đã trốn sang Mỹ. Chỉ hai tháng tiếp sau là vụ đào ngũ của một sĩ quan an ninh trong Đại sứ quán Nga tại Ottawa và nhân viên phản gián đối ngoại của SVR là Evgheny Toropov. Đối với Zaporozski, đây là một thời điểm thuận lợi nhất để có thể công khai quay lại Moscva. Hắn đã có “bằng chứng ngoại phạm”: Tất cả những thất bại trước có thể đổ lỗi cho hai tên phản bội vừa qua, hơn nữa Toropov còn từng làm việc chung một ban với hắn. Zaporozski thậm chí đã gọi điện về cho các đồng nghiệp cũ tại Moscva, bày tỏ “sự công phẫn” của mình trước những kẻ phản bội!

Mọi việc tất nhiên không thể qua được mắt của SVR và FSB. Họ đang tập trung vào những “chiêu cuối cùng” nhằm nhanh chóng dụ Zaporozski về Moscva.

CIA cũng muốn cho điệp viên của mình nhanh chóng trở lại Moscva. Họ đã lập sẵn một danh sách các nhân viên và cả cựu nhân viên các cơ quan mật vụ Nga, những người mà Zaporozski phải gặp gỡ để khôi phục lại quan hệ. Quyết định dứt khoát đã được Zaporozski đưa ra vào hè năm 2001, khi Cơ quan Phản gián Nga đưa ra một đòn tâm lý cuối cùng. Trong những lần điện thoại trước đó, các cựu đồng nghiệp của Zaporozski luôn phàn nàn về việc thiếu tiền. Họ “nài nỉ” Zaporozski tài trợ cho lễ kỷ niệm 30 năm của Cơ quan Phản gián Đối ngoại sẽ được tổ chức vào tháng 11. “Cậu bây giờ đã là một thương gia – họ thuyết phục – tiền bạc không còn là chuyện khó khăn nữa. Tất cả hy vọng đều dồn vào cậu”. Sau khi các chỉ đạo viên Kappes và Ortman đồng ý, Zaporozski đã quay trở lại Moscva vào ngày 9-11. Trong chiếc cặp hắn mang theo là một danh sách những “đối tượng có thể tuyển mộ”, còn trong ví là một chiếc vé khứ hồi cùng với 10 ngàn USD “tiền tài trợ”.

Kế hoạch dạo chơi với các đồng nghiệp cũ đã không thành hiện thực. Ngay sau khi đặt chân xuống sân bay Sheremetrevo- Moscva, “nhân vật đặc biệt” đã được mời ngay lên chiếc xe con đậu sát đường băng. Đến khi bị ép chặt giữa các nhân viên an ninh Nga, Zaporozski mới hiểu được chuyện gì xảy ra với mình. Từ thời điểm này đối với hắn, căn nhà ấm cúng tại Baltimor, vợ con và bạn bè… tất cả đều không còn ý nghĩa nữa. Trong vòng kiềm tỏa của các nhân viên hộ tống, Zaporozski đã thét lên một cách đầy tuyệt vọng, chẳng khác gì một con thú vừa bị sập bẫy. Từ sân bay Sheremetrevo, hắn bị áp giải ngay tới nhà tù Lefortovo. Hoạt động điều tra vụ phản bội của Zaporozski đã kéo dài trong suốt nửa năm. Ngày 11-6-2003, Tòa án quân sự Moscva đã đưa ra phán quyết cuối cùng về tội danh phản bội Tổ quốc của Aleksandr Zaporozski với bản án khá nghiêm khắc: 18 năm tù giam.

error: Content is protected !!