Vào một ngày tháng 7-1987, một thông điệp làm chấn động sở chỉ huy của CIA ở Langley, bang Virginia, dưới dạng một bức điện tín từ một trong những nước là “kẻ thù” hàng đầu của Mỹ. Nội dung bức điện như sau: “Nhân danh những điệp viên bảo vệ an ninh quốc gia và những đồng bào đang tranh đấu, chúng tôi gửi đi bức thông điệp cuối cùng này. Chúng tôi đã thông qua quyết định chiến đấu đến cùng, bất kể ở đâu và với phương pháp nào, để chống lại mọi cố gắng ám sát vị lãnh tụ tối cao của chúng tôi, chống lại mọi đe dọa về quân sự, chống lại mọi thủ đoạn cản trở tình đoàn kết quốc tế của chúng tôi, chống lại âm mưu phá hoại cuộc cách mạng của những người Cộng sản. Fidel muôn năm!”.
Mẩu tin trên rõ ràng là một sản phẩm của Cơ quan tình báo Cu Ba (DGI). Nhưng phía dưới ký tên Mateo, biệt hiệu của một trong những gián điệp hàng đầu mà CIA đang cài cắm ở Cu Ba. Thông điệp này không thể nhầm lẫn được: Mateo thực sự làm việc cho DGI. Mẩu tin trên không hoàn toàn bất ngờ đối với CIA. Một tháng trước, một điệp viên là Antonio Rodriguez đã đầu thú CIA. Trong buổi thẩm vấn, Antonio đưa ra một ý kiến khiến người nghe vô cùng sửng sốt. Anh ta không được biết chi tiết, nhưng theo các câu chuyện phiếm tại đầu não DGI ở Havana thì tất cả các điệp viên nằm vùng mà CIA tuyển mộ trong 26 năm qua, thực chất là những điệp viên nằm trong kế hoạch của DGI. Chỉ vài tuần, điều tệ hại nhất đã được khẳng định khi một điệp viên khác của DGI phản bội. Người này có nhiều thông tin chính xác hơn. Astillaga Lombart, trạm trưởng của DGI ở Praha do mệt mỏi bởi cuộc sống nghèo nàn, đã cùng bạn gái lái xe qua biên giới vào đất Áo. Ông ta đến thẳng Đại sứ quán Mỹ ở Vienna, tuyên bố ý muốn đầu hàng và lập tức cho họ thấy rằng mình là người có nhiều món hàng có giá trị để trao đổi. Ông ta tiết lộ trước đây mình làm việc ở bộ phận phản gián của DGI. Tại đây, ông ta đã giám sát các điệp vụ chống CIA ở Cu Ba. Ông ta cho biết, DGI đã thành công trong việc điều khiển tất cả 38 điệp viên ngầm mà CIA đã thâu nạp ở Cu Ba từ năm 1961.
Bức thông điệp trên đã làm rõ tất cả những gì mà CIA nghĩ là họ đã biết về Cu Ba thực tế là thông tin giả. Người viết bức điện trên chỉ là một trong số đó. Vài ngày sau, CIA phải xấu hổ khi Đài Truyền hình Trung ương Cu Ba đã chiếu một cuốn phim tài liệu gồm 11 phần với tựa đề “Cuộc chiến của CIA chống Cu Ba”. Nội dung của nó là những cuộc phỏng vấn hàng loạt người Cu Ba (cả nam và nữ), những người mà CIA tin rằng họ đã làm việc cho CIA hàng thập kỷ qua. Cùng với nó là những thước phim quay cảnh các điệp viên CIA dưới vỏ bọc ngoại giao ở Havana đang đến các “hòm thư chết” để gửi tài liệu. Dựa theo tường thuật của Astillaga, người Mỹ đã có một báo cáo đánh giá thiệt hại: từ trước đến nay, CIA đã hoàn toàn bị DGI đánh lừa và loại bỏ hàng loạt điệp viên của CIA ra khỏi Cu Ba. Thậm chí bản báo cáo còn “cân đong” thảm họa này: trong 26 năm qua, 38 điệp viên nằm vùng người Cu Ba đã chịu sự điều khiển của DGI và họ đã giúp Cu Ba tìm ra ít nhất là 179 điệp viên của CIA (24 trong số đó hoạt động dưới chiêu bài ngoại giao đã sớm rời Cu Ba khi CIA biết về thảm kịch của họ). Trong suốt thời gian đó, DGI đã điều khiển tình báo CIA từ Cu Ba và khiến cho CIA bị “mù” hoàn toàn. Thật dễ hiểu tại sao tình báo Mỹ trên đất Cu Ba hiện nay vẫn ở trong tình trạng hết sức tồi tệ.
Tại sao tình báo của một đất nước nhỏ bé thuộc thế giới thứ 3 có thể đánh lừa được CIA với công nghệ cao và đội quân tình báo đồ sộ? Câu trả lời liên quan đến tất cả những nhân tố cơ bản của một kế hoạch.
Mateo, điệp viên nằm vùng, người đã gửi bức điện cuối cùng nói trên đến tổng hành dinh của CIA, là nguyên mẫu điển hình của các điệp viên CIA thu nhận ở Cu Ba. Anh tên thật là Juan Acosta, một thuyền trưởng tàu đánh cá, một người rất kính trọng Fidel Castro trong suốt cuộc cách mạng. Sau khi Castro lên nắm quyền lãnh đạo năm 1959, Acosta quyết định ở tại Cu Ba. Kiến thức về thế giới tình báo của Acosta chỉ vẻn vẹn trong vài bộ phim anh xem trước đó. Thế nhưng, anh háo hức nhận lời tham gia vào “trò chơi” này ngay khi DGI yêu cầu anh vào năm 1966. Acosta được biết CIA đang tuyển mộ người Cu Ba, đặc biệt những người làm việc từ hải ngoại. Gần như chắc chắn (theo Acosta được thông báo) anh sẽ bị CIA tiếp cận. Khi điều này xảy ra, anh hãy giả vờ chấp nhận và lập tức thông báo cho DGI, họ sẽ lo mọi chuyện còn lại. Người của DGI hướng dẫn cho anh biết nếu anh bị tuyển mộ, anh sẽ phải khẳng định mình bất mãn về chính trị và cảm thấy hạnh phúc khi cung cấp tin tức tình báo chống lại Castro. Bất kỳ loại tin tức nào CIA yêu cầu, anh sẽ được DGI cung cấp. Đúng như DGI dự đoán, trong một chuyến đến quần đảo Canary, người của CIA đã tiếp cận Acosta. Những người tuyển mộ nói anh sẽ được trả 250 USD mỗi tin (sau này tăng lên 1.700 USD) và hầu hết số tiền này sẽ được chuyển khoản vào một nhà băng ở Mỹ. Một ngày trong tương lai, CIA sẽ đánh tháo anh khỏi Cu Ba và trao cho anh toàn bộ số tiền (cả lợi tức) mà họ đã gửi vào tài khoản cho anh. Acosta bối rối khi bị tuyển mộ bởi anh không có một chút kiến thức nào về quân sự hay các bí mật chính trị. Nhưng sau đó anh đã hiểu ra là CIA quan tâm đến một lĩnh vực khác: Acosta là bạn thân với một số thuyền trưởng tàu chuyên phục vụ cho các nhà lãnh đạo Cu Ba, trong đó có Castro. Trong các chuyến đánh cá thường kỳ hay các trò tiêu khiển trên biển, Acosta được hướng dẫn thu thập tin tức của các chuyến đi, đặc biệt là thời gian chính xác mà Castro hay rời Cu Ba và trở lại Cu Ba. Acosta cung cấp các báo cáo về mọi động thái của Castro một cách cụ thể, nhưng đó chỉ là tin bịa đặt bởi các cấp trên của anh ở DGI. Chúng chẳng khác gì một mớ hỗn độn với thời gian và ngày tháng giả. Acosta lo lắng những người liên lạc của CIA sẽ khám ra sự lừa bịp này. Thế nhưng, anh lại được khen ngợi bởi từ các tin tức mà anh cung cấp đã khiến CIA kết luận rằng, “Fidel di chuyển một cách có quy luật”.
Sự tuyển mộ của CIA đối với những người trung thành với Fidel Castro như Acosta được coi là một thuận lợi đối với DGI. Đó cũng là trường hợp một điệp viên nằm vùng khác của CIA là Rodriguez Mena, làm ở Hãng hàng không Cu Ba. Năm 1966, làm việc trên các chuyến bay quốc tế của Cu Ba, khi anh đến một điểm dừng tại Madrid, một phụ nữ Cu Ba đã tìm đến anh và đề nghị anh làm việc cho CIA. Anh nhận lời, và khi trở về Havana đã báo cáo lại cho DGI. DGI đã chấp nhận cho anh được làm việc và họ tạo ra những tin tức tình báo khiến CIA phải trả cho anh 2.000 USD mỗi tháng. CIA cần những tin tức mà Rodriguez Mena biết về chuyến bay ra hải ngoại của Castro, đặc biệt là những tin tức liên quan đến việc vận chuyển quân đội và vũ khí bằng đường không từ Havana. Anh luôn đảm bảo cung cấp một lượng thông tin đều đặn, anh còn đánh lạc hướng CIA về việc quân đội Cu Ba chuyển về Angola. Rodriguez Mena được coi là ngôi sao sáng trong số các điệp viên nằm vùng người Cu Ba của CIA. Anh luôn giữ vẻ bề ngoài là một người Cu Ba yêu nước nhưng bị Castro làm vỡ mộng một cách rất thành công. Rodriguez Mena đã đánh lừa phương tiện kiểm tra duy nhất của CIA chuyên dùng để kiểm tra sự thành thật của các điệp viên: máy phát hiện nói dối. CIA có xu hướng quá phụ thuộc vào công nghệ này và phải trả giá đắt. KGB có một phương pháp đánh bại bài kiểm tra nói dối, đã trao cho Cu Ba bí mật này. Thậm chí lĩnh vực công nghệ tình báo được người Mỹ tự hào là dẫn đầu thế giới cũng trở nên ít ấn tượng. Phương pháp phổ biến của họ là tuyển người Cu Ba từ hải ngoại rồi trang bị cho họ công nghệ truyền tin tiên tiến nhất một khi họ trở lại Cu Ba. Thiết bị được CIA ưa dùng là máy truyền tin CD-501, một thiết bị điện tử kỳ diệu có thể tự động hóa tới 1.596 chữ cái, có chíp nhớ có thể lưu dữ liệu tới 30 ngày, có thể truyền chớp nhoáng trong 21 giây và sau đó dữ liệu truyền đi được thu nhận bởi vệ tinh PLTSATCOM (phương thức liên lạc của hải quân). Thế nhưng, điệp viên ngầm của CIA tại Cu Ba lại quan tâm đến “dead drop” (điểm giao tài liệu) những khi phải sửa chữa CD-501. Các điệp viên thường phàn nàn rằng, thứ công nghệ cao này thường xuyên bị hỏng hóc và pin của nó trở nên tồi tệ khi đối mặt với khí hậu nóng ẩm ở Cu Ba. Các điệp viên này cũng không tỏ ra mặn mà lắm với các thiết bị công nghệ tình báo vì chúng có xu hướng thường xuyên hỏng hóc. Trong số này có cả một chiếc radio có vẻ bề ngoài giống như bao chiếc radio khác nhưng bên trong có gắn một bộ phận nhận tin bí mật để ghi lại sóng được phát đi từ Langley và chứa chúng trong một bộ nhớ bí mật. Vào khoảng giữa 19 giờ và 20 giờ, CIA sẽ truyền các mệnh lệnh và yêu cầu bằng sóng ngắn tới các điệp viên cài cắm ở Cu Ba. Các thông điệp được phát đi bởi một giọng nữ (giống như giọng gái quán bar) và được những người nghe đặt tên là Cynthia. Mỗi thông điệp được mở đầu bằng một nhóm 10 chữ số để cho người nhận biết có bao nhiêu nhóm mã số gồm 4 chữ số sẽ tạo nên thông điệp này. Các điệp viên có một bảng mật mã (loại dùng một lần rồi bỏ) dùng để đọc các thông điệp, một hệ thống rất an toàn và đơn giản (các điệp viên cần rất ít hướng dẫn để có thể sử dụng lại bảng mã dùng một lần này).
Trong khi đó, kế hoạch đánh lừa của Cu Ba vẫn đang khẩn trương tiến hành. Theo đánh giá từ Langley, kế hoạch tuyển mộ ở Cu Ba đã dường như thành công một cách đáng kinh ngạc, tạo được hàng loạt điệp viên cài cắm. Danh sách bao gồm cả Eduardo Leal, một nhân viên của Bộ Thông tin Cu Ba. Người này cung cấp tần số mà Castro và các quan chức hàng đầu dùng để liên lạc với nhau và với các lực lượng ở nước ngoài. Leal được coi là gián điệp có giá trị nhất. Anh ta được CIA trả tới 20.000 USD kèm theo là khoản tiền thưởng đặc biệt 10.000 USD và một huân chương đích thân Giám đốc CIA William Cosey tận tay đính lên ngực. Thế nhưng Cục An ninh quốc gia (NSA), nơi sử dụng các tin tức tình báo của Leal để nghe trộm các cuộc đàm thoại của Castro cảm thấy không ấn tượng lắm. Một cách bí hiểm, Castro lẫn cấp dưới của ông chẳng nói một điều gì quan trọng ở dải sóng đó cả. Vị trí thấp hơn Leal là các điệp viên chuyên cung cấp những thông tin về nông nghiệp, công nghiệp, chính quyền và kinh tế của Cu Ba. Những thông tin được CIA coi là đã cho họ bức tranh toàn cảnh về Cu Ba. Bản danh sách còn có cả một quan chức trong ngành công nghiệp mía đường, lãnh đạo ngành công nghiệp Amoniac, một quan chức của Liên đoàn Thể thao Cu Ba, một doanh nhân liên quan đến việc buôn bán ở nước ngoài được Chính phủ tài trợ, một số quan chức và chuyên gia khác… Thế nhưng có một sự thật là, cho đến trước khi bức điện trên được gửi đến, Vụ Mỹ – Latinh của CIA không hề cảm thấy nghi ngờ tất cả các gián điệp người Cu Ba của mình. Bức điện trên đánh dấu sự thất bại của một kế hoạch. Sau đó những người dân Cu Ba được xem những bộ phim tài liệu trên truyền hình cảnh các gián điệp CIA đến các hòm thư chết bí mật thu thập các mẫu vật về vụ mùa thuốc lá của Cu Ba, liên lạc chớp nhoáng trên đường phố đông đúc ở Havana và cảnh một điệp viên CIA có mật danh là Angel đang ngồi đợi tại một ghế băng ở công viên, mặc áo sơ mi nhiều màu, mỗi màu ra ám hiệu rằng anh ta “sạch” (không bị theo dõi) hay “bẩn” (bị theo dõi). Kết thúc cuộc chơi bằng ngoại giao, phía Cu Ba đòi triệu hồi một danh sách dài các “nhà ngoại giao” ở trạm Havana. Để trả đũa, Mỹ trục xuất hai tùy viên người Cu Ba ở Washington.
Có một công trình kỷ niệm các chiến công của DGI hiện nay vẫn còn ở Havana. Đó là Bảo tàng an ninh quốc gia trưng bày các phương tiện của CIA mà DGI thu thập được qua vô số các điệp vụ của mình, trong đó có cả các mô hình thu nhỏ của các máy truyền tin.