Trong lịch sử quân báo Việt Nam, có một nữ điệp báo suốt mấy chục năm âm thầm làm nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm trong lòng địch trong “vỏ bọc” một người lao động bình thường. Vì những đóng góp xuất sắc chị được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Và khi đất nước ca khúc khải hoàn, người phụ nữ ấy vẫn sống một cuộc đời hết sức giản dị và thầm lặng cho đến ngày cuối đời, tránh xa mọi ồn ã, vinh hoa. Người đó là nữ đại tá tình báo Đinh Thị Vân.
Đinh Thị Vân (Vân là tên chồng, tên thật là Đinh Thị Mậu) sinh năm 1916 tại xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nông dân giàu lòng yêu nước và truyền thống cách mạng. Ngay từ nhỏ chị đã ý thức được tinh thần đấu tranh chống thực dân đế quốc vì độc lập dân tộc. Được các anh trai Đinh Lai Hạp và Đinh Thúc Dự, những đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương giác ngộ và động viên, chị đã sớm hoạt động cách mạng, làm giao thông liên lạc, cất giữ tài liệu bí mật của Đảng và tham gia tổ chức nhóm “Ái hữu tương tế”, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ. Tháng 8 năm 1945, với vai trò là cán bộ Việt Minh huyện Xuân Trường, Đinh Thị Vân hăng hái vận động quần chúng tham gia tổng khởi nghĩa ở hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy. Ngày 30-6-1946, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản và giữ các chức vụ huyện ủy viên huyện Xuân Trường, ủy viên Ban Thường vụ Phụ nữ cứu quốc tỉnh. Từ năm 1951 đến 1953, Đinh Thị Vân được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nam Định. Trong các cương vị công tác của mình, chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên và đồng đội tín nhiệm, tin yêu.
Tháng 6-1954, để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài của dân tộc, cấp trên quyết định điều động Đinh Thị Vân lên công tác ở Cục Tình báo, Bộ Quốc phòng. Chị được giao nhiệm vụ về Hà Nội hoạt động bí mật trong lòng địch, gây dựng cơ sở, tìm hiểu những ý đồ chiến lược của địch. Trong thâm tâm, chị ý thức được những nguy hiểm trong công việc mới mẻ mà chị sẽ phải đương đầu. Hoàn cảnh gia đình chị đang gặp khó khăn, chồng bị đau ốm luôn, nay vì nhiệm vụ đặc biệt chị phải rời xa quê hương, xa mẹ già, xa những người thân yêu nhất. Mặc dù nghĩa tình sâu nặng, chị đã chủ động đề nghị với cấp trên, đồng thời khuyên chồng đi lấy vợ khác để có người thay chị chăm sóc lo toan việc nhà, tạo điều kiện để chị hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và quân đội giao cho.
Với một giấy thông hành mang tên Trần Thị Mỹ, chị lên đường đi Hà Nội cùng một đồng chí liên lạc tên là Hà trong vai chị dâu, em chồng đi thăm “chú ấy” đang ở trong quân đội quốc gia. Chị tìm đến bà cả Dòe (một người quen cũ ở làng Ngọc Hà, Hà Nội); qua bà, chị đã móc nối với một số đồng chí cùng hoạt động trước đây nay đang làm việc ở các cơ quan của địch, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu thập tin tức và gây cơ sở trong nội bộ địch. Khi chị đã xây dựng được một số cơ sở tin cậy ở Hà Nội, cấp trên giao nhiệm vụ mới: phải mở rộng và phát triển phạm vi hoạt động xuống địa bàn Hải Phòng. Chấp hành chỉ thị, Đinh Thị Vân tìm cách lọt qua mạng lưới kiểm soát dày đặc của địch trên đường số 5 để xuống thành phố cảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ các mối quan hệ cũ chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cung cấp được nhiều tin tức quan trọng để cấp trên chỉ đạo thắng lợi và giành thế chủ động trong thời gian “300 ngày tập kết”.
Tháng 7-1954, Hiệp định Genève được ký kết, đất nước bị chia cắt làm hai miền lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Tháng 10-1954, chị nhận chỉ thị bí mật vào Nam tiếp tục hoạt động. Để tạo vỏ bọc hợp pháp cho việc di cư vào Nam và phù hợp với hoạt động sau này, chị đã đóng vai một người đi buôn, vào Nam kiếm sống; đồng thời tìm cách động viên, lôi kéo một số gia đình cùng đi. Với danh nghĩa chị dâu em chồng, chị cùng gia đình anh Phúc (một điệp viên trong lưới) xuống Hải Phòng hòa vào đoàn người xuống tàu theo Chúa di cư vào Nam. Từ cái “vỏ bọc” đó, Đinh Thị Vân đã tìm mọi cách kiếm sống ở Sài Gòn để vừa che mắt địch vừa dễ bề hoạt động. Mặc dù trên địa bàn mới vô cùng khó khăn phức tạp, chị đã nhanh chóng tạo được thế đứng hợp pháp và từng bước, từng bước xây dựng mạng lưới tình báo của mình. Chị vào nghề bán guốc để mưu sinh, ngày này sang ngày khác, vừa nắm bắt tình hình, vừa tìm cách đưa các đồng chí của mình vào làm việc trong các bộ máy chính quyền, quân sự của địch, ở các vị trí quan trọng, chủ chốt, có nhiều nguồn tin chính trị, quân sự. Tại thời điểm này, để hỗ trợ cho hoạt động của chị, cấp trên quyết định ra thông báo: “Đinh Thị Vân đã phản Đảng, bỏ nhiệm vụ chạy trốn vào Nam. Tuyên án tử hình vắng mặt”. Tin dữ lan truyền về quê, họ hàng, anh em đều bàng hoàng, sửng sốt. “Vụ án chính trị” này khiến nhiều người ruột thịt của chị bị “vạ lây” nhưng đã đánh hỏa mù vào cơ quan mật vụ của địch, tạo điều kiện hỗ trợ cho chị Vân hoạt động.
Khi các cơ sở ở Sài Gòn đã tạm ổn định và đi vào hoạt động, chị nhận được giấy triệu tập ra Hà Nội báo cáo tình hình và trực tiếp nhận chỉ thị của Cục 2. Kết quả hoạt động của chị trên cương vị của một tổ trưởng điệp báo đã được cấp trên đánh giá cao, nhiều anh em trong mạng lưới ở Hà Nội chuyển vào đã tìm được cách chui sâu vào hàng ngũ địch, như Đoan ở không quân, Phúc ở quân sự, Quyên ở trường võ bị Thủ Đức, v.v… Sau bảy ngày ngắn ngủi vừa làm việc, học tập, nghiên cứu về tình hình và nhiệm vụ mới ở thủ đô, chị lại lên đường trở vào Nam mà không biết rằng đúng ngày ấy người mẹ yêu quý của chị, một cơ sở nuôi dưỡng và bảo vệ cách mạng, người đã được Bác Hồ tặng “đồng tiền vàng” vì có công với nước, đã qua đời trong một hoàn cảnh rất đau lòng: cho đến ngày cuối đời bà vẫn bị mang tiếng là một bà mẹ có con phản Đảng, phản cách mạng…
Lúc này, tình hình ở Sài Gòn vô cùng rối ren, phố xá nhốn nháo. Chị thôi không đi bán guốc nữa mà theo bà con tản cư về Tân Sân Nhì, ở xóm Mồ Côi và tiếp tục nhiệm vụ của mình. Nhưng những hoạt động lặng lẽ, độc lập của chị lại gây sự chú ý của tổ chức ta. Trong lúc chị đang tìm cách gây cơ sở ở địa điểm mới thì các đồng chí ở cơ quan tuyên huấn của Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn đã họp bàn về “mụ Sáu di cư” (tên gọi của Đinh Thị Vân hồi đó). Có người cho chị là tay sai của Ngô Đình Diệm đi dò la tin tức, lập phương án thủ tiêu chị. ở vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, chị vừa phải ngụy trang để che mắt địch vừa phải khôn khéo tránh sự nguy hiểm từ phía lực lượng biệt động của ta, thì một sự kiện bất ngờ đã xảy ra với chị. Cơ quan chỉ đạo của Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn bị đàn áp. Đồng chí Ba, nguyên là Trưởng ban tuyên huấn của Đặc khu (vì có thân hình gầy yếu nên thường gọi là ông Ba ốm) có tên trong “sổ bìa đen” và bị mật vụ truy đuổi gắt gao. Qua báo cáo của đội biệt động về chị Vân, bằng sự nhạy cảm của một cán bộ dày dặn kinh nghiệm, ông tin rằng chị Vân là một người yêu nước, nên trong lúc cơ sở bị lộ ông đã quyết định chủ động chạy vào nhà riêng của chị Vân để ẩn nấp và giấu tài liệu. Biết mình không qua khỏi, trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông đã trao tài liệu cho chị Vân và nói: “Sau này sẽ có người trả ơn chị”. Chị Vân ân cần bón thìa cháo cho ông và nói: “Ông cứ yên tâm, đây là Đảng nuôi ông”. Sau khi Ba ốm mất, không còn cách nào khác để đồng chí của mình có được phần mộ, chị quyết định nhận ông Ba ốm là chồng để lo tang lễ cho ông và che mắt địch. Đây là một việc ngoài ý muốn của tổ chức, nhưng từ sau tang lễ ông Ba, biệt động Sài Gòn không còn “để mắt” đến chị nữa. Sau đó, với vành khăn trắng trên đầu, chị tìm cách báo cáo cấp trên, bắt liên lạc trao cho Đặc khu ủy Sài Gòn toàn bộ số tài liệu mà ông Ba đã gửi lại.
Tháng 3-1956, hoạt động của chị gặp khó khăn nghiêm trọng: các đường dây liên lạc với Trung ương đều bị đứt. Theo quy định của cấp trên, một mặt chị Vân phải chủ động móc nối ra Bắc, mặt khác Cục sẽ bằng mọi cách chắp nối liên lạc vào. Không thể chậm trễ, chị lên đường ra Huế, Quảng Trị để tìm hiểu rồi bắt liên lạc với địa phương, cử người vượt biển Cửa Tùng, nếu không được thì chuyển phương án lên miền Tây Vĩnh Linh lập đường dây liên lạc với miền Bắc. Thế nhưng, mọi cố gắng của chị đều vô vọng. Với âm mưu chia cắt lâu dài, địch đã tìm mọi thủ đoạn để biến vĩ tuyến 17 thành giới tuyến vĩnh viễn, ngăn chặn triệt để mọi con đường liên lạc Bắc – Nam. Cơ sở cách mạng bị trốc hết, người nào còn có lòng nghĩ đến kháng chiến cũng phải nằm im. Vì vậy, tìm kiếm đường dây liên lạc sang phía bên kia sông Bến Hải lúc này là không thể thực hiện được.
Mất liên lạc bằng con đường nội địa, chị đành quay trở lại Sài Gòn tìm hướng liên lạc ra Bắc qua đường sang Campuchia. Ngày 15-7-1956, Đinh Thị Vân lên đường đi Phnôm Pênh với bản căn cước là “người đi buôn”. ở đây, chị có thể liên lạc với Hà Nội bằng cách trao đổi thư từ, bưu thiếp. Nhưng đường dây này cũng không an toàn. Năm 1957, cấp trên yêu cầu chị cắt đường liên lạc qua Phnôm Pênh và tổ chức đường dây khác lên phía Tây Nguyên qua Plei Ku – Kon Tum. Việc quan trọng trước tiên là phải có cơ sở. Chị tìm đến bà Khôi, một gia đình quen biết từ Hà Nội vào, bà Khôi ở ngay trong cơ quan quân cụ, do đó việc liên lạc với cấp trên theo đường số 14 được thiết lập và đi vào hoạt động.
Năm 1958, tình hình trở nên vô cùng căng thẳng. Sách lược “Tát nước bắt cá” của chính quyền Ngô Đình Diệm đã làm cho lực lượng của ta bị tổn thất nặng nề, có nơi thành cơ sở trắng. Để che mắt địch, Đinh Thị Vân phải xoay ra làm nghề may máy và bỏ mối hàng thêu ở ngã ba Vườn Lài. Công việc đang tiến triển thì chị nhận được chỉ thị: “Phải nghiên cứu gấp tình hình phía Nam, nhất là vĩ tuyến 17, sự bố phòng của sư đoàn 1 ngụy, đồng thời tìm hiểu xem địch biết về lực lượng ta ở Hạ Lào như thế nào?”. Đinh Thị Vân vội vã lên đường ra Huế cùng một đồng chí trước đây công tác ở Ba Lòng với danh nghĩa đi du lịch tới thăm các bạn cũ, rồi qua đó ra thăm giới tuyến. Bằng một trí nhớ tuyệt vời, một sự quan sát chính xác và một máy ảnh Betri, toàn bộ tuyến phòng thủ của địch từ Huế đến Gio Linh, vị trí các trung đoàn, hệ thống công sự, các bãi mìn, phương án tác chiến, hướng triển khai của các trung đoàn bộ binh ngụy… đã được lưới báo cáo chi tiết ra miền Bắc, góp phần cho chiến thắng của quân và dân ta trong giai đoạn lịch sử quan trọng này.
Nhiệm vụ vừa hoàn thành, chị lại nhận được lệnh mới: “Tổ chức đường dây từ Sài Gòn qua Nha Trang – Đà Nẵng và Huế, bắt liên lạc với giao thông Trung ương thay cho đường dây theo quốc lộ 14 lên Plei Ku”. Đinh Thị Vân lại lên đường đi Đà Nẵng, Huế với “vỏ bọc” là người đi buôn vải và các mặt hàng thêu. Đến đâu chị cũng tìm đến những gia đình quen cũ để vừa tiện cho việc buôn bán vừa dễ bề hoạt động. Sau chuyến đi ra Đà Nẵng – Huế trở vào Sài Gòn, do sơ hở ở một mắt xích trong lưới, Đinh Thị Vân bị địch nghi ngờ và bắt giam. Tại cơ quan an ninh quân đội, chúng sử dụng mọi thủ đoạn tra tấn rất dã man, nhưng không moi được bất cứ tin tức gì ở chị. Sau đó chúng đưa chị đi biệt giam ở Vân Đồn, trại Lê Văn Duyệt, Sở Thú. Năm năm tù đày qua các nhà lao, nếm đủ mọi cực hình tra tấn về thể xác, uy hiếp khủng bố về tinh thần, nhưng chị đã vượt qua tất cả, tuyệt đối trung thành với cách mạng, bảo vệ trọn vẹn cơ sở mạng lưới tình báo do chị phụ trách.
Cuối năm 1963 đầu 1964, Dương Văn Minh lật đổ Ngô Đình Diệm, rồi Nguyễn Khánh lật đổ Dương Văn Minh. Những người bị giam ở trại Lê Văn Duyệt và Sở Thú đều được xem xét lại. Nhờ lúc chính quyền của địch vừa thay đổi, còn nhiều sơ hở, với bản hồ sơ là “người đi buôn bị bắt oan”, ngày 18-5-1964, chị Đinh Thị Vân được trả tự do. Ra tù, chị lập tức kiểm tra lại an toàn của lưới tình báo, tìm cách chắp nối lại liên lạc với đồng chí và cấp trên để nhận nhiệm vụ tiếp tục hoạt động. Trong thời gian chị bị tù đày, nhiều điệp viên trong lưới tình báo do chị gây dựng đã dần dần luồn sâu, leo cao vào những vị trí trọng yếu trong các cơ quan quân sự của địch, hoặc có quan hệ với những nhân vật đang giữ chức vụ quan trọng của ngụy quyền Sài Gòn: người làm thư ký trong sở quân cụ Sài Gòn, người là sĩ quan ngoại vụ Bộ quốc phòng, người thì giữ chức trưởng ban thống kê thuộc Bộ tư lệnh… Đinh Thị Vân được giao nhiệm vụ tìm hiểu các ý đồ chiến lược của Mỹ – ngụy: nếu địch thất bại trong “chiến tranh đặc biệt” thì tình hình sẽ diễn ra theo hướng nào, có thể hiệp thương và thành lập chính phủ như kiểu ba phái ở Lào, hay sẽ chuyển thành “chiến tranh cục bộ”? Nếu quân Mỹ nhảy vào thì quy mô, số lượng ra sao? Chị suy tính, lên kế hoạch, vạch nhiệm vụ cụ thể cho từng anh em trong lưới. Về phần mình, chị lại tiếp tục lo nghề nghiệp làm ăn hợp pháp để che mắt địch đồng thời có kinh phí phục vụ cho hoạt động: buôn vải, đan bít tất khoán, bán hàng tạp hóa, sao trà… khi ở nơi này, lúc ở nơi khác. Những chủ trương, kế hoạch mới của địch được lưới của Đinh Thị Vân cung cấp đều đặn và kịp thời ra Trung ương: từ chiến lược “Chiến tranh cục bộ” đến kế hoạch xây dựng địa phương quân của địch để thay thế cho quân chủ lực rút khỏi nhiệm vụ lãnh thổ, tập trung mở những cuộc càn quét lớn; kế hoạch hành quân của những sư đoàn chủ lực; sơ đồ phòng thủ của địch; chiến dịch “Ba mũi tên tìm diệt” của Mỹ – ngụy; nội dung cuộc họp của tổng thống với cố vấn của bộ tổng tham mưu và tướng Cao Văn Viên v.v… Chính vì vậy, cuộc phản công chiến lược hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967 của địch đánh vào căn cứ của ta nhằm “tìm diệt” và “bình định” bị quân ta bẻ gãy. Địch vô cùng hoang mang, khốn đốn. Một tên đại tá ngụy đã phải thốt lên: “Chúng nó như ma ấy. Không biết lực lượng chính ở chỗ nào mà sáu nơi mình thọc vào đều bị đánh, không tiến lên được…”.
Phát huy đà thắng lợi hai mùa khô, nhận định cục diện trên toàn miền Nam thay đổi có lợi cho ta, Trung ương Đảng quyết định “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới – thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Chủ trương của ta được thực hiện bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 mà tình báo gọi là kế hoạch “Vụ mùa”. Chị Đinh Thị Vân lại bận rộn với bao công việc: trực tiếp gặp và hướng dẫn về việc chuẩn bị “Vụ mùa”, tổ chức giao liên dẫn đường cho các lực lượng ở bên ngoài vào, thăm dò khả năng hiểu biết của địch về kế hoạch chuẩn bị của ta, sơ đồ phòng thủ của quân khu đô thành Sài Gòn… Tất cả tin tức được lưới của chị Vân gửi kịp thời ra cơ quan chỉ đạo kèm theo những ý kiến phân tích xác đáng. Mọi kế hoạch đều được tuyệt đối giữ bí mật tới mức khi “Vụ mùa” đã triển khai thì địch vẫn khẳng định rằng hiện nay ta chỉ có thể mở những hoạt động bình thường mang tính chất củng cố vùng căn cứ địa mà thôi. Đến đêm 30 rạng ngày mồng một Tết, trong lúc bọn chúng đang say sưa chúc tụng lẫn nhau thì tiếng súng của cuộc tổng công kích bắt đầu phát hỏa. Địch trở tay không kịp, hoang mang lo sợ, máy bay bay rối loạn trên trời, xe nhà binh chạy đâm bừa vào nhau nhốn nháo. Trong thời điểm ấy, Đinh Thị Vân vẫn bình tĩnh điều động các chiến sĩ trong lưới của mình, âm thầm và an toàn làm nhiệm vụ. Vì vậy, sau những ngày vang dội của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, lưới tình báo do chị phụ trách vẫn giấu kín mình trong từng cái vỏ bọc khác nhau và hàng ngày vẫn hoạt động giữa vòng vây kẽm gai của cảnh sát và “mắt kiếng đen” dày đặc của mật vụ Sài Gòn tăng gấp bội so với trước, lặng lẽ đi lại, nắm tình hình, nhận định và tổng hợp báo cáo về Trung ương, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta trên toàn mặt trận miền Nam.
Tháng 3-1969, do yêu cầu công tác và tình hình sức khỏe của chị bị giảm sút sau những năm tháng bị địch tra tấn và hoạt động vất vả, căng thẳng, cấp trên đã quyết định điều động chị ra Hà Nội và phân công chị làm công tác huấn luyện. Trong cương vị công tác mới, người nữ sĩ quan tình báo dày dạn kinh nghiệm đã đem hết tinh thần, năng lực để truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm của mình cho đội ngũ những chiến sĩ sẽ kế tiếp lên đường làm nhiệm vụ đặc biệt, đồng thời viết các bản báo cáo tổng kết, rút ra những bài học thành, bại đúc kết từ thực tiễn công tác trong hoạt động ở nội thành Sài Gòn, công tác vận động quần chúng và phương châm hoạt động độc lập, đó là những minh họa sâu sắc và sinh động trong những bài giảng của chị.
Với công lao cống hiến to lớn, ngày 25-8-1970, chị Đinh Thị Vân đã được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với lời tuyên dương: “Đồng chí thiếu tá Đinh Thị Vân là một cán bộ mẫu mực trung thành tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng trong những hoàn cảnh rất khó khăn”.
Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nhiệm vụ đặc biệt của chị lúc này là vào ngay Sài Gòn để giúp các cơ quan bảo vệ xác minh để trả lại sinh mạng chính trị cho những đồng chí hoạt động trong lực lượng địch, giao nhiệm vụ mới để các đồng chí ấy tiếp tục tham gia công tác giải quyết các vấn đề hậu chiến, chống gián điệp lọt lưới cài lại chống phá cách mạng…
Tháng 10-1977, chị được thăng quân hàm trung tá và năm 1990 thăng quân hàm đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau gần trọn một đời cống hiến, chị về nghỉ hưu ở ngôi nhà số 8 phố Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, sống đời thường thanh bạch, giản dị, khiêm tốn và thật sự trong sạch trong sự yêu mến và ngưỡng mộ của bạn bè, bà con nhân dân.
Chị Đinh Thị Vân mất tại Hà Nội ngày 15-12-1995, thọ 79 tuổi.