Nguyễn Tài (1926 – ?) Cuộc Đối Mặt Với CIA

Giữa năm 2002, 76 tuổi, nguyên thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Tài đã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), sau nhiều thăng trầm đã được tôn vinh xứng đáng.

Nguyễn Tài sinh năm 1926 tại Xuân Cầu, Văn Giang, Hưng Yên. Thừa hưởng truyền thống của gia đình và quê hương, ông đã sớm giác ngộ cách mạng và năm 1944 tại Hà Nội gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Một năm sau ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ông là một trong những người có công đặt nền móng đầu tiên cho ngành An ninh Cách mạng Việt Nam. Những người thầy đầu tiên của ông về nghiệp vụ quân sự cũng như công tác an ninh là các đồng chí Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái…

Tháng 9-1945, Nguyễn Tài được phân về Sở Liêm phóng Bắc Bộ và nhanh chóng được giao chức Trưởng phòng Công an Khu đặc biệt Hà Nội. Vừa học vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, ông đã đóng góp nhiều công lao to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chín năm.

Năm 1958, khi mới 32 tuổi, ông đã giữ một chức vụ vô cùng quan trọng trong ngành Công an Việt Nam: Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị. Cái tên này đối với người dân thật mơ hồ, nhưng công việc của những người ở cơ quan này là đập tan mọi hoạt động mang tính bí mật của các thế lực nhằm chống lại Nhà nước xã hội chủ nghĩa. 32 tuổi mà ông đã được giao một trọng trách lớn lao như vậy. Năm 1964, ông xung phong vào chiến trường miền Nam. Việc đi chiến trường của ông được người ta kể lại như một huyền thoại rằng, chính Bác Hồ đã gặp ông trước khi đi và Bác Hồ gửi một bức điện vào chiến trường miền Nam với nội dung: Chú Nguyễn Tài là tài sản quý của Đảng, mọi người phải bảo vệ chú. Đồng chí Lê Duẩn gặp ông tại nhà riêng vào một buổi tối và nói với ông về Cách mạng miền Nam và sẽ làm gì khi ta giải phóng. Việc đi chiến trường là do ông xung phong. Hồi đó, ông là cán bộ miền Bắc có chức cao nhất trong ngành Công an đi chiến trường.

Ông Nguyễn Tài là con trai nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan. Nhưng ông không theo nghiệp cha. Có người bảo ông là một cán bộ an ninh bẩm sinh. Ông hoàn toàn không đồng ý nhận xét này. Ông bảo chẳng ai sinh ra lại được trời phú cho nghề an ninh. Hồi Cách mạng tháng Tám, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho làm báo Nước Nam Mới. Nhưng hình như ông chẳng mặn mà với nghề chữ nghĩa này cho lắm. Sau Cách mạng tháng Tám, cấp trên phân công ông làm công tác trong ngành Công an, ông đã lưỡng lự. Ông nói ông không thích nghề này vì nhiều người trong gia đình ông trước đó bị mật thám Pháp bắt bớ. Nhưng cấp trên nói với ông là công an cách mạng chỉ vì dân vì nước. Và thế là ông chấp thuận.

Ông Nguyễn Tài bị bắt ngày 23-12-1970 trên đường đi công tác. Nhiều người sau đó nghi ông Bảy Sết, người lái chiếc ghe chở ông Nguyễn Tài đi công tác, đã phản bội, chỉ điểm cho địch bắt ông. Sau giải phóng, ông đã tìm gặp Bảy Sết và minh oan cho ông ấy, và đề nghị chính quyền làm chế độ hưu cho Bảy Sết. Khi bị bắt, ông đã khai mình là Nguyễn Văn Hợp, đại úy thuộc Cục Nghiên cứu miền Bắc. Ông được đưa vào miền Nam để xã hội hóa và chờ khi chiến tranh kết thúc sẽ đi Pháp để hoạt động lâu dài. Nhưng rồi CIA Mỹ đã lần ra lý lịch thật của ông. CIA đã phát hiện ra ông là con trai nhà văn Nguyễn Công Hoan, làm Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị. Biết ông đã từng đi công tác nước ngoài với Bác Hồ, chúng đã đưa cho ông xem một bức ảnh chụp Bác Hồ đi thăm đền Borubodour ở Nam Dương. Đứng sau Bác Hồ là một người trẻ đeo kính đen, đó là ông Nguyễn Tài. Và chúng biết những chức vụ ông nắm giữ trong thời gian ở Sài Gòn – Gia Định. Chúng biết cả ông Lê Văn Lương (tên thật là Nguyễn Công Miều) là chú ruột ông. Việc CIA biết khá rõ về ông là vì một số cán bộ cấp dưới của ông đã đầu hàng và phản bội cách mạng. Lúc đầu chúng hỏi ông có thích đọc tiểu thuyết tiền chiến không? Rồi hỏi ông có đọc văn Nguyễn Công Hoan không? Và đưa cho ông mượn cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại” của Vũ Ngọc Phan trong đó có in ảnh cha ông để thăm dò phản ứng của ông. Nhưng là một cán bộ an ninh nhà nghề, những trò chơi nghiệp vụ như vậy đối với Cục trưởng Nguyễn Tài quả là một trò chơi xoàng. Trong bài phỏng vấn đăng trên báo L‘Express sau ngày miền Nam giải phóng, Frank Snepp, nhân viên CIA đã từng hỏi cung ông, viết: Vì ông ta (Nguyễn Tài) không chịu nổi sự lạnh lùng cho nên người ta đã tống ông ta vào một xà lim của bộ máy của những người có thế lực để thổi một luồng không khí lạnh vào trong đó, nhưng ông ta không chịu khuất phục. Tôi đã phát hiện ra một điểm yếu khác trong ông. Trong những năm 50, ông đã muốn chứng tỏ lòng trung thành của mình với cấp trên bằng cách từ bỏ cha đẻ của ông, một nhà văn tên tuổi trên văn đàn Việt Nam. Khi mà ta hiểu rõ sự tôn kính gia đình trong con người Việt Nam, ta mới mường tượng ra vết thương lòng đau đớn này… Có thể nói rằng ông ta đã không làm trọn đạo lý. Và vết thương này có thể làm thay đổi con người ông ta”. Khi được hỏi vì lý do gì mà Frank Snepp lại nói như vậy khi nhà văn Nguyễn Công Hoan là nhà văn cách mạng nổi tiếng, người đã chiến đấu không mệt mỏi bằng ngòi bút của mình cho những người lao động, ông trả lời rằng đó là sự xuyên tạc. Ông nói sự thật cha ông như thế nào thì mọi người đều biết. Trong một số cuộc hỏi cung ở số 3 Bạch Đằng, Frank có đề cập đến cuốn “Đống rác cũ” và nói tại sao có người lại phê phán cuốn ấy ghê thế để kích động và phân hóa ông. Nhưng Frank nói riêng và CIA nói chung đã thất bại. Thời gian đó, CIA hứa với ông nếu ông xác nhận đầy đủ về bản thân mình thì chúng sẽ cấp cho ông 20 triệu và một biệt thự ở Thụy Sĩ để ông sang đó sinh sống nếu ông không muốn trở về miền Bắc. Sau này vì một số lý do, ông đã thừa nhận mình là Đại tá Tư Trọng, phục vụ trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN). Tháng 11-1971, ông Trần Bạch Đằng thừa lệnh cấp trên viết một lá thư nhân danh mặt trận để đặt vấn đề với phía Mỹ trong việc trao đổi ông Nguyễn Tài với một tù binh là sĩ quan tình báo Mỹ trước khi ký kết Hiệp định Paris. Bức thư này được giao cho một trung sĩ Mỹ bị ta bắt, được phóng thích mang về Sài Gòn. Trong cuốn hồi ký nhan đề Decent Interval của Frank Snepp thì giữa MTDTGPMNVN và CIA đã bí mật dàn xếp một cuộc trao đổi tù binh đặc biệt vào cuối năm 1971. Frank viết: “Nguyễn Tài, người mà họ đã từng coi là quá quan trọng để đánh đổi lấy Ramsey năm 1971, nay phải thấy là cái tài sản hấp dẫn nhất nằm trong tay Sài Gòn, như họ đã từng rêu rao như thế… để không ai còn có thể chống lại cái quyết định trước đây tức là không đem người này (Nguyễn Tài) ra đổi lấy một sĩ quan ngoại vụ”. Sau này, cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn nói với ông làm thế là một hình thức ngăn cản Mỹ – ngụy có thể thủ tiêu ông. Vì lúc đó, việc trao đổi tù binh khó có thể thực hiện được. Và sau hơn bốn năm trong phòng biệt giam chịu đủ đòn tra tấn thể xác cũng như tinh thần, tình báo ngụy và CIA đã không thể nào khuất phục được ông.

Cũng trong cuốn Decent Interval của Frank Snepp có đoạn: “Ngay trước khi xe tăng Bắc Việt Nam tràn vào Sài Gòn, một quan chức cao cấp của CIA đã gợi ý với nhà chức trách Sài Gòn rằng, tiện nhất là cho y biến mất. Bởi vì Tài là một tay khủng bố có kinh nghiệm, nên khó có thể mong đợi y là một người thắng trận rộng lượng. Người Nam Việt Nam đồng ý. Tài bị đưa lên một máy bay và ném xuống biển Nam Hải từ độ cao mười ngàn bộ. Đến đây, thì ông ta đã trải qua hơn bốn năm bị biệt giam trong một phòng sơn trắng toát, và cũng chưa khi nào xác nhận một cách đầy đủ mình là ai cả”. Đấy là kế hoạch thủ tiêu ông mà CIA đã bàn với chính quyền Sài Gòn. Frank nghĩ ông đã chết mất tích trên biển. Nhưng kế hoạch thủ tiêu ông đã không thực hiện được vì lúc đó Sài Gòn đã hoàn toàn rối loạn trước sự tấn công như vũ bão của quân đội ta, không đủ bình tĩnh và thời gian để đưa ông lên một chiếc trực thăng bay ra biển Đông để thủ tiêu ông. Sau này khi biết được kế hoạch CIA nhằm thủ tiêu ông thì ông nhớ lại bữa cơm ngày 26-4-1975. Khi ông bưng bát canh dưa lên, ông thấy có mùi lạ. Ông đã bỏ bữa cơm vì sợ bệnh đường ruột. Có lẽ do tình cờ vậy mà ông đã thoát chết chăng?

Sau khi ra khỏi tù, ông trở về tiếp tục công tác tại Bộ Công an với chức vụ Thứ trưởng. Và rồi ông bị đình chỉ công tác vì có một tài liệu nào đó nói ông đã bị CIA sử dụng cùng với những đoạn lập lờ thiếu lôgíc trong cuốn hồi ký của Frank Snepp. Đứng về nguyên tắc của tổ chức thì việc ông không được công tác ở Bộ Công an là đúng. Nhiệm vụ của tổ chức phải xác minh nguồn tin này. Tổ chức không thể để một Thứ trưởng Bộ Công an đang có nghi vấn bị CIA sử dụng làm việc. Sau đó ông được điều về công tác tại ủy ban Pháp luật Nhà nước, rồi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan… và về hưu năm 1992. Sau chiến tranh, trường hợp hư hư thực thực của một số cán bộ bị địch bắt như ông không phải hiếm. Nhưng với ông, một trường hợp đặc biệt vì chức vụ cực kỳ quan trọng mà ông đang nắm giữ lúc bấy giờ. CIA cũng như nhiều cơ quan tình báo nào đó cũng có những trò chơi nghiệp vụ của họ. Nếu họ không sử dụng được một nhân vật quan trọng nào đó thì họ tìm cách vô hiệu hóa nhân vật đó.

Nhưng ông đã không hề khủng hoảng tinh thần, vẫn với tính cách và bản lĩnh của mình, ông bình tĩnh và bền bỉ bảo vệ nhân cách trong sáng và sự trung thành với dân tộc của ông trong những năm tháng biệt giam. Chính vì thế mà năm 2002, nguyên Cố vấn Võ Văn Kiệt đã đề nghị với Nhà nước phong tặng ông danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với hai lý do: Trung kiên bảo vệ Cách mạng trong nhà tù Mỹ – ngụy và dũng cảm bảo vệ nhân cách trong sáng của một đảng viên trước nhân dân.

error: Content is protected !!