Đào Phúc Lộc (1923 – 1969) Nhà Tình Báo Nổi Tiếng Qua Hai Cuộc Trường Chinh Lịch Sử

Ít ai biết rằng, đại gia Đào Ngọc Khanh, một thương nhân giàu có và nổi tiếng ở đất Quảng Ninh – Hải Phòng, người đã dựng nên Nhà máy điện Uông Bí, Nhà máy xi măng Hải Phòng, Chợ Sắt và một số công trình xây dựng trên đất Cảng, người “khét tiếng” trong giới về sự “ăn chơi” – lại là cha đẻ của một nhà tình báo nổi tiếng qua hai cuộc trường chinh lịch sử.

Đào Phúc Lộc sinh ra trong một dòng họ nổi tiếng về truyền thống yêu nước, dòng họ vinh dự được nhà chí sĩ Phan Bội Châu tặng đôi câu đối, đại ý: “Lòng yêu nước thương dân của họ Đào như viên ngọc quý giữa đời thường. Phật ngồi trên tòa sen sẽ phù hộ cho cả gia tộc”. Đào Ngọc Khanh là cháu của cụ Đào Đức Điển, làm Tri phủ dưới triều Nguyễn kiêm Phó lãnh binh phụ trách quân sự từ Móng Cái đến Uông Bí. Các con của ông Điển đều làm quan và đều một lòng đi theo phong trào yêu nước của cụ Phan Bội Châu. Đào Ngọc Khanh từng đỗ tú tài nhưng vì ưa cuộc sống phóng túng, ông đã từ chối chốn quan trường để chọn nghề xây dựng. Nhiều năm trước khi Đào Phúc Lộc ra đời, tên tuổi của người cha đã vang xa khắp nơi với những công trình xây dựng của thành phố Cảng. Trong khi đó, người vợ xinh đẹp và hiền thục đã có với ông 5 mặt con. Một ngày định mệnh, khi vừa sinh được tin báo chồng mình có “vợ bé”. Không chịu nổi cú sốc bà đã mất ngay trong đêm đó. Khi đó Đào Phúc Lộc 6 tuổi, cậu bé út mới tròn 20 tháng. Ít lâu sau, Đào Ngọc Khanh đưa “vợ bé” về nhà. Nhân lúc chồng đi vắng, bà ta đã đuổi 4 đứa con của chồng (Kim Liên đã mất từ nhỏ) ra khỏi nhà. Khi Đào Ngọc Khanh trở về thì sự thể đã rồi, ông đành đưa hai con nhỏ cho một người bà con trông giùm. Còn ông thuê nhà ở hẻm cô Ba Chìa cho hai chị em Hải và Lộc trọ học.

Những năm tháng ở Hải Phòng, số phận đã dun dủi hai chị em được làm quen với đồng chí Tô Hiệu –  người đã dìu dắt hai chị em vào con đường cách mạng. Chị gái là Đào Hải – cô giao liên ZT của Khu ủy với phong trào vùng mỏ bị đánh phá dữ dội nhất, đã làm cho cậu bé Lộc sớm giác ngộ Cách mạng, đi theo Cách mạng từ năm 13 tuổi. Sớm phát hiện ra tư chất thông minh của Đào Phúc Lộc, Tô Hiệu đã giác ngộ và kết nạp anh, chỉ mới 16 tuổi, vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Và ít ai ngờ rằng, căn nhà trọ của hai chị em Hải, Lộc lại trở thành điểm công tác tạm thời của cơ quan bí mật Khu ủy lúc này.

Năm 1940, trong một chuyến đi công tác, Đào Phúc Lộc bị bắt. Anh bị kết án tù 2 năm, bị dẫn giải qua nhiều nhà tù, song bọn chúng đã không khai thác được gì. Bất lực, chúng đưa anh về quản thúc tại Móng Cái trong 5 năm. Chính trong thời gian bị quản thúc và theo dõi gắt gao, Đào Phúc Lộc đã bộc lộ những năng khiếu thiên bẩm của một nhà tình báo tài giỏi. Anh đã khôn khéo đánh lừa bọn mật thám, vượt biên sang Trung Quốc để bắt liên lạc với Đảng và được đồng chí Trường Chinh giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở Móng Cái, thành lập đường dây liên lạc Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Móng Cái – Quảng Tây để đưa cán bộ ra nước ngoài hoạt động.

Cách mạng tháng Tám thành công, Đào Phúc Lộc về Hà Nội, được cử làm Trưởng phòng Tình báo Quân ủy Hội (Bộ Quốc phòng) dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp và Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Anh đã tuyển chọn 50 cán bộ Việt Minh ở Móng Cái về Hà Nội làm công tác tình báo. Với cương vị ấy, Đào Phúc Lộc phân công công việc cụ thể cho từng anh em phụ trách tình báo của các Liên khu. Chỉ trong vòng 2 năm (1945 – 1947), anh đã nắm được các cơ sở tình báo quân đội ở miền Bắc, Khu IV, Khu V, Khu VI. Anh đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an (do ông Lê Giản phụ trách) và sử dụng nguồn tin quần chúng để thu thập tin tức hàng ngày phục vụ cấp trên. Phòng Tình báo – Bộ Tổng tham mưu lúc này đã có tổ chức đặt ở 23 thành phố, tỉnh lỵ thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đến Thừa Thiên.

Đào Phúc Lộc là người đã mở các lớp đào tạo cán bộ tình báo đầu tiên của ngành Tình báo quân sự Bắc – Nam trong những ngày đầu kháng chiến. Năm 1946, anh đã hướng dẫn đội quyết tử tham gia đánh sân bay Gia Lâm. Đêm 19-12-1946, ta phá hủy hoàn toàn 2 máy bay của giặc, gây tiếng vang lớn, góp công đầu trong đêm Toàn quốc kháng chiến.

Năm 1948, Hoàng Minh Đạo (Đào Phúc Lộc) nhận lệnh điều động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử vào tăng cường cho chiến trường miền Nam đảm trách Trưởng ban Quân báo Nam Bộ với nhiệm vụ là Đặc phái viên của Bộ Tổng tham mưu đi kiểm tra tình hình công tác phản gián, tình báo, quân báo ở Khu IV vào đến tận Nam Bộ. Mục đích là để kiện toàn thống nhất lại tổ chức của ngành Tình báo từ Trung ương đến địa phương để giúp Cục có điều kiện chỉ đạo Tình báo toàn quốc. Trong thời gian này, Đào Phúc Lộc đã từng sống ngay trong lòng Sài Gòn cùng với Phan Văn Đáng (Hai Văn), Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam trong một gia đình thuộc chính quyền Sài Gòn.

Đến bây giờ, những người trong cuộc từng chứng kiến việc xử vụ án gián điệp miền Đông năm 1950 đều thấy nhẹ nhõm bởi kết thúc vụ án: giá như không có Đào Phúc Lộc, liệu vụ án ấy có làm nên một câu chuyện bi thương trong lịch sử, hậu thế sẽ mãi còn đớn đau về số phận oan khiên của 34 đồng chí mình không? Năm 1949-1950, chiến trường Nam Bộ được chia ra làm hai Phân liên khu Miền Tây và Phân liên khu Miền Đông. Riêng Phân liên khu Miền Đông, ban lãnh đạo của Đảng có trách nhiệm với phong trào cách mạng ở Đông Campuchia nên ngành Tình báo của ta cũng đặt ở đấy. Trong thời gian đó, có một đồng chí (xin được giấu tên) nhiệt tình trong công tác, nhưng không biết do từ một nguồn tin nào, có thể là ấu trĩ, có thể do cung cấp sai, có thể quá cảnh giác mà địch, ta lẫn lộn, cũng có thể do địch thực hiện thủ đoạn phản gián… đã báo cáo phát hiện ra một tổ chức gồm số đông cán bộ, trong đó có nhiều đảng viên của ta từ cấp huyện ủy đến tỉnh ủy gồm 34 người bị kết tội là gián điệp.

Đứng trước vụ án do cơ sở báo cáo lên đề nghị cấp trên xử lý, Đào Phúc Lộc hết sức phân vân. Trước những chứng cứ, chứng lý chưa rõ ràng, chưa có sức thuyết phục, trong thâm tâm, Đào Phúc Lộc không tin 34 đồng chí mình là gián điệp. Yêu cầu của Bộ Tư lệnh là phải xử lý ngay, nếu không làm ngay thì không chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, nếu xử lý vội sợ rằng sẽ có nhiều oan ức. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định báo cáo với Bộ Tư lệnh xin được chịu trách nhiệm về vụ án này và xin gia hạn thêm. Để làm rõ vụ án, anh đã rút đồng chí Sáu Ninh (Phó ban tình báo Khu VIII) về để trực tiếp điều tra lại vụ án. Về mặt nghiệp vụ đã vô cùng nặng nề, lại điều tra chính các đồng chí ngày đêm đồng cam cộng khổ với mình trên một chiến tuyến, áp lực tinh thần ấy quá lớn. Phải mất tới 6, 7 tháng trời điều tra từng hồ sơ, thẩm vấn và minh xét từng người trong điều kiện giặc ruồng bố liên miên và bằng mọi giá phải bảo vệ được tính mạng cho 34 người, cuối cùng Sáu Ninh đã có bản kết luận. Đào Phúc Lộc đã không kìm nén được sự xúc động. Anh nói với Sáu Ninh: “Cậu đã làm được điều mình suy nghĩ và mong đợi. Các anh em đồng chí của mình không có ai làm gián điệp tay sai cho giặc cả mà chỉ là do hiểu lầm”. Ngay lập tức, Đào Phúc Lộc báo cáo lên cấp trên. Chưa hết hoài nghi, phân liên khu ủy quyết định tiến hành một cuộc họp. Nhờ sự kiên định lập trường của anh ngay trong cuộc họp về “vụ án gián điệp” miền Đông ấy, 34 người được trắng án. Các đồng chí này sau được điều động đi tập kết và đều có những đóng góp và vị trí xứng đáng trong tổ chức Đảng. Nếu không có một người thủ trưởng thông minh, can trường, sáng suốt và có tấm lòng nhân hậu, dám chịu trách nhiệm trước ngành, trước sinh mệnh chính trị của đồng chí, đồng đội mình, chắc sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Thời gian bị quản thúc ở Móng Cái, trong số những thanh niên tiến bộ yêu nước do Đào Phúc Lộc tập hợp có một thiếu nữ đã để lại trong ông nhiều ấn tượng nhất. Đó là Hoàng Minh Phụng, con gái của một vị quan trong phủ nổi tiếng giàu có và thế lực. Phụng thường trốn gia đình lén đi theo nhóm thanh niên tham gia Việt Minh, cô rất nhiệt tình đi quyên góp tiền bạc, gạo thóc, thực phẩm để cứu đói cho những người nghèo. Bản thân cô cũng đã đem hết nữ trang, tiền bạc dành dụm của riêng mình ủng hộ cách mạng. Dẫu chưa một lần nói ra song cả Phụng và Lộc đều dành cho nhau những tình cảm riêng. Một lần, Lộc đi công tác ở Hải Phòng đem tài liệu mật về Móng Cái. Khi đi ngang qua nhà Phụng thì bất ngờ bị tên mật thám dẫn bọn lính rượt theo rầm rập từ phía sau lưng. Anh chưa biết phải xử trí sao, thì bất ngờ gặp Phụng. Cô kéo tay anh rẽ vào một ngõ rồi chạy thẳng về nhà phía cửa sau đẩy anh vào, đóng cửa lại, dắt anh qua một khoảnh vườn nhỏ vào phòng của cô, lấy ra một bộ đồ con gái bắt anh mặc vào, rồi lấy chiếc khăn màu nâu cột lên đầu anh. Cô lại đem một rổ rau ra nhà sau, bắt ông ngồi nhặt rau như hai chị em gái. Khi bọn mật thám tới, nhìn vào thấy con gái ông quan phủ ngồi với một người bạn gái nên chúng bỏ đi. Từ đó cái tên Minh Phụng đã in sâu trong tâm trí ông. Khi chi bộ Đảng đầu tiên ở Móng Cái được thành lập, Đào Phúc Lộc làm bí thư đã lấy bí danh là Minh Phụng.

Tháng 12-1945, đôi trai tài gái sắc ấy đã trình báo cơ quan tổ chức lễ cưới. Một năm sau, con gái đầu lòng là Minh Vân ra đời. Bé Minh Vân mới được mấy ngày tuổi thì Hà Nội bị Pháp chiếm đóng. Đào Phúc Lộc đành gửi hai mẹ con lên an toàn khu ở Thái Nguyên. Năm 1947, anh nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam. Khi về đến trạm quân y an toàn khu Việt Bắc thì vợ ông đã mất do bệnh sốt rét ác tính. Sau đám tang của vợ, Đào Phúc Lộc phải hành quân vào Nam gấp. Ba năm sau, có một người con gái muốn chia sẻ cuộc đời mình với cuộc đời vất vả, gian truân và nhiều hy sinh của ông. Đó là chị Bùi Ngọc Hường, một đồng chí ở Liên khu Miền Đông Nam Bộ, liên lạc viên của Cục Tình báo Trung ương. Được bạn bè đồng chí vun vén, đặc biệt là anh Ba Lê Duẩn, tháng 4-1951, đám cưới được tổ chức ở chiến khu Đ. Được vài tháng, Đào Phúc Lộc lại đi hoạt động và một năm sau, con trai Minh Ngọc ra đời. Năm 1954, con gái Minh Thu chào đời tại Viện Dân y Nam Bộ. Ông chỉ kịp đặt tên cho con, rồi tiếp tục nhận nhiệm vụ về hoạt động tại thành phố Sài Gòn với bí danh là Minh Thu. Bốn năm sau, khi chị Hường hay tin chồng bị bắt, rồi lại nghe báo ông đã vượt ngục trở lại cơ quan công tác, chị lặn lội vào Sài Gòn tìm ông. Chuyến đi mất tới 120 ngày mới gặp được ông tại Nam Vang. Chị được bố trí chuyển công tác từ Nam Vang lên Ban Công vận thành phố Sài Gòn. Lần gặp cuối cùng vào năm 1962, chị theo đoàn giao liên tới rừng Sác huyện Nhà Bè để gặp chồng. Không ngờ, đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng. Chị Hường đã bùi ngùi nhớ lại: “Tôi với ảnh có với nhau 3 mặt con nhưng sống với nhau tính cặn kẽ cũng chưa đầy 3 năm. Ba đứa con của tôi sinh ở ba chiến trường khác nhau. Sau lần gặp năm 1962 ở rừng Sác ít lâu thì tôi bị bắt. Phải mất tới 12 năm bị đày trong nhà tù Côn Đảo, năm 1974 khi trao trả tù binh, tôi đã nóng lòng mong gặp lại ảnh. Vậy mà…”.

Năm 1969, Đào Phúc Lộc được Trung ương Cục điều động từ Phân khu V về làm Chính ủy Phân khu I. Đất thép Củ Chi lúc này có thể ví như một trảng lớn, không có một bóng cây. Địch quyết tâm chà xát suốt ngày đêm. Cuối năm 1969, ông nhận được lệnh mời về họp và báo cáo công tác của Bộ Tư lệnh Phân khu I với Trung ương Cục. Chuyến đi công tác này được ấn định khởi hành đúng vào đêm 24-12-1969. Cùng đi có đồng chí Tám Lê Thanh, Phó tư lệnh Phân khu I cùng nhiều đồng chí khác. Để tránh thương vong có thể xảy ra, đoàn đã chia làm hai nhóm do Đào Phúc Lộc và Tám Lê Thanh dẫn đầu xuống. Khoảng 8 giờ đêm ngày 24 – 12 – 1969, đoàn quân bắt đầu xuất phát, Đào Phúc Lộc đã nói đùa cùng anh em: “Kể ra chúng ta sáng kiến tổ chức đi trong đêm Noel thật là hay. Giờ này hẳn bọn giặc đang say sưa với cái thứ bánh trái rượu ngon bên cây thông mừng Giáng sinh. Trong đêm Chúa giáng thế, có lẽ bọn mình sẽ đi trót lọt, bởi có thể chúng sẽ vì Chúa mà bớt đi sự giết chóc”. Hai chiếc ghe khá lớn ngụy trang cẩn thận đã đậu sẵn. Theo sự phân công từ trước, ghe của anh Tám Lê Thanh bắt đầu qua sông. Khi ghe của Tám Thanh sắp sửa cập bến thì ghe của Đào Phúc Lộc bắt đầu rời chỗ trú ẩn để xuất phát. Thật bất ngờ, khi chiếc ghe của Đào Phúc Lộc qua được một phần hai quãng đường thì đụng phải một chiếc giang thuyền của Mỹ ngụy trang như một chiếc bè thả trôi sông. Năm Thu chỉ phát hiện ra chiếc giang thuyền ấy khi nó theo dòng nước vượt qua khúc quanh. Chưa kịp ra lệnh thì những ngọn đèn pha trên giang thuyền đồng loạt bật sáng, soi rõ mồn một chiếc ghe của ông với những người lính theo phản xạ đang đưa tay lên cò súng. Chỉ trong một tích tắc, một trận mưa đạn phủ xuống chiếc ghe. Tất cả hỏa lực trên ba chiếc tàu Mỹ đồng loạt nhả đạn. Lửa cháy rừng rực một khúc sông. Chiếc ghe của Năm Thu như một chiếc lá rơi vào biển lửa. Anh Tám Lê Thanh cùng đoàn quân núp trong bụi cây ven bờ chỉ cách chiếc ghe Năm Thu chừng hơn 50m. Chỉ độ vài phút sau, một đoàn trực thăng với những ngọn đèn pha rực sáng đã liên tục bắn rốckét và đạn đại liên dài theo hai bên bờ. Tiếp theo là những cụm pháp từ Gò Dầu, Tây Ninh, Trảng Bàng chụp tới.

Sau đêm bão lửa ấy, Trung ương Cục triển khai một lực lượng lớn tìm kiếm bên hai bờ sông hy vọng cứu được những đồng chí may mắn sống sót. Nhưng liên tiếp nhiều ngày, không một ai tìm được dù một vết tích nhỏ của 14 người trên chiếc ghe định mệnh ấy. Và từ đó, tin Năm Thu (Đào Phúc Lộc) hy sinh được giấu kín trong một thời gian dài.

Bà Bùi Ngọc Hường trở về sau 12 năm ở nhà tù Côn Đảo cùng với 4 đứa con sinh ra ở 4 chiến trường. Những đứa trẻ lớn lên không biết mặt cha, thiếu bàn tay chăm bẵm của mẹ vẫn đau đáu một hoài vọng mơ hồ biết đâu một ngày nào đó cha sẽ trở về. Tờ giấy chứng nhận liệt sĩ của chồng và cha không đủ sức để bà con nhân dân nơi quê hương ông hiểu và tin rằng Đào Phúc Lộc đã hy sinh anh dũng. Chiến tranh, mọi sự xảy ra đều là lẽ thường, ngay cả chuyện người dân quê ông vẫn đồn rằng, Đào Phúc Lộc là gián điệp, là phản gián v.v…

Đau đớn vì mất chồng, cha, càng đau đớn hơn khi thanh danh của ông chưa được làm rõ, bà Hường cùng với các con đã ngược dòng lịch sử tìm lại thời gian đã mất của liệt sĩ Đào Phúc Lộc.

Cuộc hành trình tìm cha phải mất tới gần 30 năm. Ba mươi năm, những nghi ngờ ông là một kẻ “phản bội Tổ quốc” mới được gột rửa. Trong khi vợ và các con đi tìm thì ông lại nằm lặng lẽ trong lòng đất trên triền sông Vàm Cỏ Đông ở ấp An Thới, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh với ngôi mộ vô danh. Bác Hai Tờ ở ấp An Thới đã vớt thi thể Đào Phúc Lộc lên cùng với bà con mai táng chôn cất. Bác Hai Tờ kể rằng: “Khi vớt ổng lên, thấy mặc bộ bà ba đen, trên người không có một vết xây xước hay mảnh đạn gì, đoán là người đằng mình nên đã chôn cất và cắt cử người chăm sóc phần mộ đặng sau này có người tìm đến mà giao cho họ. Đoán vậy thôi chớ không biết người ấy là ông Năm Thu, nhà tình báo quân sự làm to đến cỡ ấy”. Từ đấy, bác Hai Tờ cùng vợ chồng Tư Ngãi đã chăm sóc hương khói cho phần mộ của ông với một lẽ rất thường của những tấm lòng nhân ái người Việt.

Vào đầu tháng 4 – 1998, Minh Vân cùng với các em và những đồng đội cũ của cha mình đã lần tìm được dấu tích xưa qua xâu chuỗi của những nhân chứng sống của lịch sử. Khi ngôi mộ được khai quật, một đặc điểm khiến cho mọi người nhận ra ngay đó chính là Đào Phúc Lộc bởi hàm răng dưới có hai chiếc bịt bạc vẫn còn nguyên vẹn.

Ngày 8-4-1998, lễ truy điệu long trọng cho liệt sĩ Đào Phúc Lộc được tổ chức tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 10-8-1998, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Đào Phúc Lộc. Đây là Huân chương cao quý đầu tiên được trao cho ông trong số gần 2000 Anh hùng lực lượng vũ trang của nước ta. Hiện nay, bà Bùi Ngọc Hường đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh cùng với các con của ông đều thành đạt trong cuộc sống và có nhiều đóng góp cho đất nước.

error: Content is protected !!