Margarita Conencova: Mối Tình Cuối Đời Của Nhà Bác Học Albert Einstein

Năm 1998, Hãng Sotheby ở London tổ chức bán đấu giá chiếc đồng hồ cá nhân cùng ảnh và một số bức thư của nhà bác học vĩ đại gửi cho một phụ nữ Nga tên là Margarita Conencova. Mỹ nhân này vốn là vợ nhà tạc tượng nổi tiếng Conencov, có mối quan hệ thân thiết với Einstein trong gần một thập niên. Khi đó, một chuyên gia của Hãng Sotheby đã nêu lên giả thuyết rằng, thông qua Margarita, Einstein đã cung cấp cho Moscva không ít thông tin tuyệt mật liên quan tới việc chế tạo bom nguyên tử. Cơ quan an ninh Nga tất nhiên là đã phủ nhận giả thuyết này. Thế nhưng, gần đây, trên tạp trí Nga Itogi trong số ra ngày 24-7-2001 lần đầu tiên đã tìm được đầu mối tư liệu để chứng minh rằng giả thuyết nêu ra năm 1998, không phải là không có lý.

Margarita (họ thời con gái là Vorontxova) thuộc típ người vẫn được xếp vào lớp “phụ nữ định mệnh”, những người đàn bà vừa đẹp lại vừa thông minh trong một gia đình quý tộc tỉnh lẻ, đến tuổi cập kê, Margarita được cha mẹ cho lên Moscva theo học Đại học Luật. Nơi tá túc tạm thời của cô chính là biệt thự của Ivan Bunin, nhà văn Nga nổi tiếng về sau được giải Nobel văn học. Chính ở trong môi trường đó, cô gái tỉnh lẻ sớm biết mùi vị cuộc sống nghệ sĩ thượng lưu. Margarita từng chơi thân với gia đình ca sĩ vĩ đại Phedor Saliapin, thiếu chút nữa thì trở thành con dâu của ông. Cô như thể vô tình còn làm cho cả Bunin cũng phải xao xuyến và ông nhà văn trung niên này có lúc đã trở nên giống một cậu con trai mới lớn, ngượng nghịu tỏ tình với cô…

Câu chuyện oái oăm với Bunin đã làm hỏng cơ hội để cô lọt vào nhà Saliapin. Tuy nhiên, vốn nhan sắc mặn mà, Margarita đã chiếm được cảm tình của một nhà tạc tượng trẻ tên là Piot’r Bromirski. Hai người đã hứa hôn với nhau.

Bromirski vốn bản tính thật thà. Lọt vào mắt xanh của mỹ nhân rồi, anh mang bức ảnh chụp cô người yêu vừa tròn hai mươi tuổi của mình cho Sergei Conencov, bạn đồng nghiệp vừa lớn tuổi hơn, vừa tài năng hơn gấp bội phần xem. Lúc này, Conencov, ở tuổi 42 đang cô đơn vì người vợ đầu tiên đã bỏ ông đi. Dĩ nhiên là trái tim bị hư hao nhiều vì những buồn tủi của Conencov đã cảm thấy ấm lại ngay khi ông nhìn thấy gương mặt khả ái và dịu dàng của Margarita. Về sau ông kể lại: “Cô gái trong ảnh tuyệt vời tới mức tôi cứ ngỡ đó là một tác phẩm nghệ thuật của một danh họa nào đó mà tôi còn chưa được biết tên. Hoàn mĩ nhất là dáng vươn đầu. Và đôi tay nữa, đôi tay thật mĩ lệ, với những ngón tay thanh mảnh. Tôi chưa từng được thấy đôi tay như thế bao giờ”… Rồi Conencov nhờ Bromirski dẫn ông lại nhà Bunin chơi để “mục kích sở thị” vị hôn thê của bạn. Ngay trong lần hạnh ngộ đầu tiên, Margarita đã làm chàng họa sĩ đã từng qua mọi “lửa, nước và ống đồng” của tình trường phải rung động tới rơi nước mắt. Trong lúc mọi người chỉ tìm rượu uống thì cô, thực ra cũng nếm không ít mùi đời rồi, lại “ngây thơ” xin nước quả. Thế là chàng họa sĩ tưởng như mình đang gặp một tiên nữ trinh trắng nhất đời không may bị lạc vào chốn tục tử phàm phu. Thế là lửa đã bén và Conencov lặn lội về quê Margarita xin cha mẹ cô cho cưới cô. Là những nhà quý tộc chất phác, cha mẹ Margarita dĩ nhiên là từ chối chàng họa sĩ tuổi gấp đôi con gái mình, lại luôn bị tai tiếng đào hoa. Thất vọng trở lại Moscva, Conencov tự giam mình trong phòng kín, cố hình dung ra gương mặt ý trung nhân và tạc tượng cô. Cảnh chăn đơn gối chiếc này không kéo dài được lâu vì mấy ngày sau, Margarita đã tìm tới nhà Conencov, tình nguyện “cho không, biếu không” mọi thứ để nâng khăn sửa túi cho chàng. Họ sống với nhau ở nước Nga trong cuộc hôn nhân không giá thú nhiều năm liền. Margarita với thẩm mỹ tinh tế và thân hình tuyệt đẹp của mình đã giúp cho Conencov sáng tạo nhiều tác phẩm để đời của ông. Năm 1923, với danh nghĩa vợ chồng chính thức, cả hai cùng sang Mỹ dự một cuộc triển lãm quốc tế. Họ chỉ trở về Moscva sau đó hơn 20 năm.

Tại Mỹ, sức hấp dẫn của Margarita theo dòng thời gian không những không suy giảm mà lại có phần tăng thêm vì cách ứng xử khéo léo và tinh tế bẩm sinh. Chính ở Mỹ, bà đã làm cho nhiều nam văn nghệ sĩ Nga lúc đó đang cư trú ở đây phải chết mê chết mệt. Trong số này có những tên tuổi rất quen thuộc như nhà soạn nhạc Sergei Rakhmaninov hay chính ông bố chồng hụt của bà là ca sĩ Phedor Saliapin… Là một họa sĩ, lại hơn vợ quá nhiều tuổi nên Conencov “mũ ni che tai” trước mọi chuyện “hoa lá cành” của vợ mình. Thực ra, lúc này, quan hệ giữa họ mang tính anh em, đồng chí nhiều hơn là phu phụ.

Khi đó, Margarita đã có những mối liên hệ bí mật với Dân uỷ Nội vụ, Cơ quan An ninh của Liên Xô, tiền thân của KGB. Trong lịch sử Xô Viết, đã có không ít những điệp viên bán chuyên nghiệp hoặc chuyên nghiệp như vậy. Họ thường là chồng hoặc vợ hoặc là con cháu của những văn nghệ sĩ nổi tiếng. Chồng của nữ sĩ Marina Xvetaeva, cháu gái của văn hào Anton Chekhov… khi ra nước ngoài cư trú đều đã cộng tác với Cơ quan An ninh Liên Xô Dân uỷ Nội vụ.

Theo Trung tướng Pavel Sudaplatov, Cục trưởng Cục NDVD – KGB, tại Mỹ, phu nhân của nhà tạc tượng hoạt động dưới sự chỉ đạo của Lisa Zarubina, vợ trưởng cơ quan điệp viên an ninh Liên Xô ở nước này, Margarita đã làm quen được với Einstein và một nhà vật lý vĩ đại khác là Jacob Oppenheimer. Oppenheimer là tác giả của nhiều công trình về vật lý lượng tử. Năm 1943, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm Los Alamos và cùng một nhóm của nhà vật lý khác chế tạo ra một trong những quả bom hạt nhân đầu tiên (bom A)… Chính Margarita và chồng bà đã thuyết phục Oppenheimer nhận về phòng thí nghiệm của mình một số nhà vật lý có tư tưởng thiên tả và ủng hộ Liên Xô, trong số này hiển nhiên là có những điệp viên của Moscva.

Einstein lần đầu tiên bước vào phòng làm việc của gia đình Conencov là vào năm 1935. Khi ấy, trường đại học Priston đặt Conencov làm một bức tượng chân dung của nhà bác học vĩ đại. “Lòng vả cũng như lòng sung”, tác giả của thuyết tương đối đã không thoát khỏi lực hút của Margarita. Bản thân bà cũng cảm nhận được những ấn tượng rất sâu sắc về Einstein: “Ông ấy là người rất khiêm nhường, không thích của cuộc hội hè, thường hay nói đùa là mình nổi tiếng chỉ vì có mái tóc xù như sư tử. Trong lúc chồng tôi vẽ chân dung ông, ông kể rất sinh động và mê say về thuyết tương đối của mình. Tôi chăm chú lắng nghe nhưng còn rất nhiều điều không hiểu nổi. Sự chăm chú của tôi động viên được ông ấy, khiến ông vớ lấy tờ giấy vẽ sơ đồ và hình họa để thuyết minh cho tư tưởng của mình. Đôi khi những lời diễn giải bỗng thay đổi tính chất, chuyển thành chuyện đùa. Chính trong một thời điểm như vậy chúng tôi đã cùng vẽ một bức chân dung Einstein và ông ấy đã nghĩ ra cái tên tác giả là Almar (Albert + Margarita)”.

Vào thời điểm này, Einstein đã 56 tuổi, còn Margarita 39 tuổi; những tưởng cả hai đều đã “no xôi, chán chè” trong cảnh ngộ sôi động, nhiều đa đoan của mình. Lúc này, Einstein đang sống cùng người vợ thứ hai. Còn Margarita, xét theo các bức tượng mà chồng bà tạc nên nhờ bà làm mẫu đã bước vào thu: thân hình không còn thon thả, trái tim đã mệt mỏi vì những cảm xúc mạnh…

Thế nhưng, đúng như Puskin từng viết, “mọi lứa tuổi đều hàng phục tình yêu”, nếu đó là tình yêu đích thực. Người ta yêu nhau lắm khi không phải vì nhan sắc hay lợi lộc. Lửa gần rơm chỉ ít ngày đã bén. Và Einstein, một trí tuệ khoa học khô khan thuần túy đã xao động trước Margarita đến nỗi bạo phổi viết luôn một bài sonat, tạm dịch nghĩa ra tiếng Việt như sau:

Hai tuần anh ám ảnh em hoài

Và em viết rằng em không vừa ý,

Nhưng em ơi hãy hiểu là bao kẻ

Cũng ám ảnh bằng chuyện kể về em

Em không thể rời tổ ấm thân quen

Bất hạnh ấy là của chung hai đứa

Xuyên thủng khung trời như định mệnh ngàn thu

Đầu âm u như một tổ ong ù

Trái tim và đôi tay đều như nhau bất lực.

Hãy tới Priston với anh trong đời thực

Để nghỉ ngơi, để tĩnh tâm đôi chút

Ta sẽ cùng đọc Lev Tolstoi

Em sẽ ngước nhìn anh khi mệt mỏi

Đôi mắt dịu dàng êm ái bình yên

Và anh thấy ánh trời sáng bừng lên

Em vẫn nói em yêu anh,

Có thể,

Nhưng cuộc đời không phải là mê

Anh khấn tình yêu hãy tới

Giúp chúng mình hai đứa cận kề đôi…

Với sự bàng quan gần như đồng lõa của nhà tạc tượng Conencov, trong nhiều năm liền, Einstein và Margarita thường xuyên gặp gỡ nhau, cùng nhau nghỉ hè… Einstein còn tế nghị tới mức viết một lá thư cho Conencov rằng, theo ý kiến của một bác sĩ bạn của nhà bác học, Margarita nên thường xuyên tới vùng Saranak Lake nghỉ vì ở đó có khí hậu thích hợp với những người mắc một căn bệnh bí hiểm như bà. Ai cũng biết rằng tại khu vực đó, Einstein luôn duy trì cái du thuyền nổi tiếng của mình và ông cũng đã thuê tại đó ngôi nhà số 6.

Thông qua Einstein, Margarita đã thu nhận được những thông tin cần thiết về quá trình chế tạo bom nguyên tử ở Mỹ, đồng thời cũng “cấy” được thêm những điệp viên khác vào môi trường thân cận với nhà bác học đại tài. Nhờ Einstein, bà đã biết ngày Mỹ thử quả bom nguyên tử đầu tiên (16-7-1945) tại bang New Mexico hai tuần trước khi sự kiện này diễn ra. Tin lập tức được Dân uỷ Nội vụ chuyển tới lãnh tụ Stalin. Chính thế nên ngày 18-7-1945, trong phiên khai mạc hội nghị Postdam, khi Tổng thống Mỹ Schuman thông báo về việc Washington đã chế tạo được loại vũ khí mới “có sức công phá khủng khiếp”, Stalin vẫn bình thản như không. Thủ tướng Anh Churchill, được biết chuyện này trước đó vài giờ, đã tưởng rằng Stalin không hiểu gì từ những điều mà Schuman nói. Thực là “bé cái lầm” vì ngay trong ngày 18-7, Liên Xô đã ra sắc lệnh số 9887 về việc bắt đầu đưa vào thực hiện kế hoạch sản xuất bom nguyên tử và giao cho lãnh đạo Cơ quan An ninh lúc đó là Beria thu thập những thông tin đầy đủ hơn về công nghiệp chế biến uran làm bom nguyên tử. Lúc này, Tình báo Xô Viết đã thu lượm được khá nhiều thông tin về bom nguyên tử Mỹ nhưng vẫn chưa đủ để tự mình sản xuất bom nguyên tử. Trách nhiệm nặng nề rơi xuống vai người đàn bà khả ái Margarita. Lúc này gia đình bà rất muốn hồi hương và điều kiện chủ yếu để đạt được nguyện vọng này là phải làm sao để Einstein cung cấp thêm thông tin về việc chế tạo bom nguyên tử. Bà đã tổ chức cho Einstein làm quen với một điệp viên Xô Viết chính gốc khoác áo ngoại giao tên là Pavel Mikhailov. Thậm chí, cuối tháng 8-1945, bà còn phải chơi bài ngửa với nhà bác học, buộc Einstein phải hiểu rằng, nếu bà không hoàn thành nhiệm vụ này thì bà có thể gặp rắc rối to ở quê hương mình.

Theo chứng nhận của tạp chí Itogi, Einstein đã làm mọi việc để giúp Margarita, tình yêu cuối cùng của cuộc đời ông. Tất nhiên, để có được đầy đủ những bí mật về bom nguyên tử Mỹ, Tình báo Xô Viết không chỉ thông qua Einstein mà còn tiếp cận hàng loạt các nhà khoa học khác ở Mỹ. Margarita chỉ là một mắt xích trong cả chuỗi chiến dịch đặc biệt đó, nhưng là một mắt xích quan trọng.

Hoàn thành nhiệm vụ, gia đình Conencov hồi hương trong một chuyến đi đặc biệt được bảo vệ kỹ càng. Einstein, như các tài liệu viết về ông, đã khẳng định, cho tới phút cuối cùng của cuộc đời mình (năm 1955) vẫn giữ nguyên vẹn những tình cảm tốt đẹp nhất về người đàn bà Nga đã làm cho ông hạnh phúc nhất trong đời. Margarita qua đời tại Moscva vào năm 1980. Chồng bà, nhà tạc tượng Conencov, chết trước bà 9 năm.

error: Content is protected !!