Frans Fon Rintelen (Thế Kỷ XX) Điệp Viên Biệt Kích Vĩ Đại Nhất Của Thế Chiến Thứ Nhất

Nhiều tác giả coi ông là điệp viên và biệt kích vĩ đại nhất của Thế chiến thứ nhất. Ông còn sống và viết sách tự thuật, viết về hoạt động tình báo Đức tại Mỹ, về những vụ nổ tàu, gây những đám cháy bất ngờ, sử dụng mật mã và lợi dụng các công đoàn Mỹ vào mục đích do thám.

Rintelen bị thất bại vì ông chủ bất tài Frans fon Papen, khi ông này đem sử dụng bộ mật mã cũ rích, mà khối Đồng minh đã biết rồi. Rintelen cho rằng đó là việc làm cố ý. Đó là chuyện ông kể trong tập hồi ký in năm 1933.

Ngày 22-3-1915, Rintelen rời Berlin đến Shtettin, từ đó đi Thuỵ Điển rồi đi New York. Ông mang hộ chiếu của một người Thuỵ Sĩ tên là Emil Gashe có visa thật của Anh và Mỹ. Khi đến New York, việc đầu tiên của Rintelen là đến thăm câu lạc bộ Đức, tại đó ông gặp gỡ tuỳ viên quân sự và hải quân là các đại uý Boy-Edeli và Papen. Những người này không mấy vui vẻ khi gặp ông, bởi vì họ hiểu rằng ông sẽ phá vỡ cuộc sống yên tĩnh của họ. Tuy vậy, ông đã làm vui lòng fon Papen khi thông báo rằng ông này được ban tặng huân chương Thập tự sắt. Cũng có thể vì thế mà Papen viết thư cho tướng Falkenhayn cảm ơn ngài đã phái đến một con người “bằng mọi cách phải phá hoại được các chuyến hàng tiếp tế quân sự của Mỹ”.

Rintelen mang theo một bộ mật mã mới cho ông đại sứ và hai tuỳ viên, bởi vì Berlin cho rằng bộ mật mã cũ khối Đồng minh đã biết rồi, không nên dùng lại nữa. Trao mật mã xong, Rintelen chào tạm biệt rồi “biến thẳng”.

Ông về ở một khách sạn khiêm tốn nhưng tiện nghi tại phố 57 và bắt đầu tìm cách chế tạo chất nổ. Khi dạo chơi trên các đường phố New York ông thấy có nhiều thuỷ thủ Đức đi lang thang: các tàu Đức không rời được cảng, vì ra ngoài khơi họ có thể bị tàu Anh đánh chìm hoặc bắt cóc. Một trong các cộng sự của Rintelen là đại uý fon Kleist đã sử dụng được những thuỷ thủ này vào mục đích phá hoại.

Hầu hết những phu khuân vác là người Ireland, họ căm ghét người Anh và Đồng minh của Anh. Họ chửi bới văng mạng khi nhìn thấy những tàu chở vũ khí sang Anh.

Rintelen phải hành động dưới sự chỉ đạo của Papen, nhưng Rintelen không thích ông này, vì nhiều lần nghe nói ông ta bất tài. Nhiều điệp viên đã từ chối không làm việc với ông ta. Nhưng rồi họ vẫn phải làm. Ít lâu sau ông nghe nói có một người mà cả Đức và Ireland đều tin tưởng. Đó là tiến sĩ Buyns, trước đây đã là lãnh sự Đức ở New York. Thời gian đó ông đại diện cho ngành tàu biển Hamburg-Mỹ, chuyên đi thuê tàu để bí mật cung cấp than cho các tàu tuần tiễu Đức ở ngoài khơi. Để trao đổi với ban chỉ huy hạm đội Đức ông đã có một bộ mật mã riêng. “Khi chúng tôi gặp nhau, ông nói rằng nếu tôi cung cấp cho ông ta một ít kíp nổ thì tốt quá. Tôi hỏi kíp nổ để làm gì, thì ông bảo rằng những người anh em muốn làm một việc gì đó. Nếu ngoài khơi họ gặp một con tàu chở súng ống sang châu Âu, họ sẽ bắt tàu, bắt chỉ huy và cho nổ tàu…”. Tôi không phản đối, nhưng ở New York lấy đâu ra kíp nổ mà không bị chú ý? – Rintelen nhớ lại.

Ông lãnh sự đưa cho Rintelen địa chỉ một nhà xuất khẩu mà chiến tranh đã làm ông sập tiệm. Đó là Makc Visir. Rintelen đã thử thách ông ta và khẳng định rằng ông này biết mọi chuyện và có thể làm được mọi chuyện. Hai người cùng nhau lập ra hãng “E.B. Gibbons và K”, thuê một văn phòng ở phố Chedar, trung tâm khu phố thương mại New York và ghi tên vào sổ đăng bạ thương mại với tư cách là công ty xuất nhập khẩu. Chẳng bao lâu sau có tiến sĩ hoá học Sheele đến với họ. Ông mang thư giới thiệu của đại uý Papen và một vật gì đó giống như điếu thuốc lá, thì ra đó là một kíp nổ. Họ đem vào rừng thử, thấy rất tốt. Bây giờ phải tìm cách sản xuất và đem ra tàu.

Nhờ các bạn Ireland và những người khuân vác mà vấn đề đưa kíp nổ ra tàu được dễ dàng. Con tàu đầu tiên được chọn là “Fobus”, vài hôm nữa nó sẽ chở đạn dược sang Arkhangenlsk. Một anh khuân vác đã bình tĩnh mang kíp nổ lên tàu trước mắt lính gác.

Suốt ngày hôm sau Rintelen cùng các anh em ngồi trong văn phòng chờ đợi tin nhanh. Không thấy đâu cả. Ngày thứ hai, rồi… ngày thứ ba. Bỗng nhiên có “Bản tin Lloyd” (hãng bảo hiểm): “Các sự cố. Tàu “Fobus” chạy từ New York về Arkhangelsk đã bốc cháy ngoài biển và đã được kéo về Liverpool”.

Rintelen rất vui. Ông khẳng định rằng họ không muốn ban lãnh đạo con tàu phải chết, vì thế không gắn kíp nổ vào đạn pháo, mà gắn vào đạn thường. Cuộc thí nghiệm đã thành công.

Hãng “E.B. Gibbons” cần thể hiện tính năng động thương mại hơn nữa. Thông qua một bà bạn, Rintelen đã liên hệ được với tuỳ viên quân sự Nga ở Paris là bá tước Ignatiev, nhờ ông mà ổn định được việc nhập khẩu rượu vang Pháp “Claret” vào Mỹ. Sau đó hãng lại đề nghị Ignatiev mở rộng buôn bán bằng cách cung cấp cho quân đội Nga. Một thời gian sau hãng lại ký được hợp đồng cung cấp cho quân đội Nga nhiều mặt hàng nữa. Con tàu đầu tiên chở hàng cho quân đội Nga (đồ hộp và đạn dược) bị cháy ngoài khơi là do một quả mìn của nhóm ông. Công việc của họ thật dễ dàng: ông và các bạn ông được tự do thăm tàu khi bốc hàng vì đã được tín nhiệm.

Những người Nga rất phiền lòng. Con tàu thứ hai chở hàng cho Nga cũng được bốc hàng không có sự cố gì dưới sự quan sát của ông. Nhưng… nó lại bốc cháy ngoài khơi.

Khi bốc hàng cho con tàu thứ ba, Rintelen và đồng sự không rời mắt khỏi quá trình làm việc. Nhưng bỗng nhiên những chiếc xà lan kéo hàng chòng chành, và chẳng mấy chốc tất cả đã chìm xuống đáy cảng New York. Đoàn chủ tàu may mà thoát chết.

Sáng hôm sau những người Nga mặt mày xanh xám đến văn phòng ông yêu cầu chở nốt số hàng còn lại. Rintelen tuyên bố rằng ông không có ý định tiếp tục công việc. Hai bên chia tay không chút hài lòng. Hãng ông tuyên bố sạt nghiệp và không tồn tại nữa. Ông Rintelen hết sức vui mừng: những người Nga không nhận được hàng!

Tiến sĩ Sheele vẫn tiếp tục chế tạo ngòi nổ suốt ngày đêm. Số lượng những tai nạn ngày càng nhiều, tờ “Thời báo New York” liên tục đăng trên trang nhất những thông báo làm vui lòng Rintelen và bạn bè. Ngày 5-7-1915 thủ tướng Nga Miliukov trình lên Duma một bản báo cáo nói rằng việc chậm trễ gửi hàng từ Mỹ sang đang trở nên ngày một trầm trọng và rằng cần có biện pháp điều tra và trừng phạt.

Việc cung cấp hàng sang Nga bị gián đoạn. Rintelen viết: “Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc”. Ông vẫn tiếp tục đặt bom và đã mở những chi nhánh của mình ở Boston, Philadelfia, Baltimor và ở các cảng phía Nam nước Mỹ. Ngòi nổ được các nhân viên của ông mang lên tàu trong hành lý của mình. Cuồng tín nhất là những người Ireland. Họ không từ bỏ một cơ hội nào để đặt mìn vào tàu nước Anh.

Rintelen nhớ lại: “Họ không biết thực sự tôi là ai, chỉ cho rằng tôi có liên lạc với Bộ chỉ huy của phong trào giải phóng Ireland. Nhưng tôi phải từ bỏ phục vụ cho phong trào này, bởi vì họ đã đặt bom không đúng yêu cầu”. Vấn đề là ở chỗ ông không có kế hoạch đặt bom vào tàu của Mỹ để không phá vỡ tính trung lập của họ và không làm người Mỹ nổi giận, nhưng người Ireland lại làm việc đó.

Rintelen mở một công ty mới “Công ty đường sắt Tây Bắc Mexico”. Tác giả và người thực hiện phi vụ đầu tiên là kỹ sư người Đức Fey. Ông đã đi thuyền đến sát con tàu đỗ tại cảng và gắn mìn vào chỗ buồng lái. Ra ngoài khơi mìn nổ, con tàu đúng là “không buồm không lái”. Mấy con tàu đã phải nằm bẹp như vậy. Các cơ quan bảo vệ cảng tăng cường cảnh giác. Fey không thể dùng xuồng máy tiếp cận được nữa. Ông bèn thiết kế một cái mảng nhỏ. Chờ đêm xuống ông ra gắn mìn. Lúc đó mọi người áp dụng cả mìn gắn vào hàng hoá và cả mìn của Fey. Kết quả thật đặc biệt và “công suất” của nhóm ông tăng lên gấp hàng chục lần.

Một lần Rintelen đọc báo về vụ đình công của anh em bốc dỡ New York không bị các công đoàn trừng phạt. Ông nảy ra một ý tưởng mới. Hầu hết anh em bốc dỡ là người Ireland, họ cho rằng nếu ngăn cản được việc chở vũ khí thì nước Anh sẽ thua trận và nước họ sẽ được tự do. Nhưng các công đoàn dưới sự chỉ đạo của thủ lĩnh thân Anh là Samuel Gompers đã cấm đoán những cuộc đình công này. Không phải mọi thủ lĩnh công đoàn đều đồng tình với ông ta, và trong lãnh đạo đã có sự chia rẽ. Rintelen quyết định thành lập công đoàn “riêng”, ủng hộ những cuộc bãi công của anh em bốc dỡ, và ông đã có tiền để làm điều đó.

Ông không thể đấu tranh với tư cách là người Đức, việc đó sẽ làm người ta không tin ông. Ý đồ đấu tranh của người Ireland cũng không phải là tối ưu, bởi vì nó không được anh em các dân tộc khác ủng hộ. Lúc đó ông đưa ra tư tưởng tình anh em công nhân quốc tế. Khẩu hiệu của ông là: “Không cho phép chở bom đạn để công nhân các nước tham chiến giết hại lẫn nhau!”.

Các nhân viên được ông trả tiền đã đi truyền bá tư tưởng đó. Họ tổ chức mít tinh kêu gọi các nghị sĩ và các nhân vật tiếng tăm đấu tranh phản chiến. Không ai nghi ngờ gì rằng họ trở thành con rối của viên sĩ quan Đức đang khiêm tốn ngồi trong đám người biểu tình.

Ngày hôm sau ông gặp các thủ lĩnh các công đoàn Đức, Mỹ và Ireland. Họ thành lập một công đoàn mới mang tên “Hội đồng công nhân quốc gia vì hoà bình”. Tất nhiên là chính Rintelen không tham gia vào ban lãnh đạo, nhưng trong số đó đã có người tin cậy của ông. Ông mong muốn thống nhất được trong “công đoàn” càng nhiều công nhân bốc vác Mỹ càng tốt, nó cho phép ngăn cản được hoàn toàn việc bốc hàng quân sự cho các nước Đồng minh. Các công đoàn chính thức thì cười diễu công đoàn mới này, nhưng ông thì đã có thể tổ chức được hàng loạt các cuộc đình công tại các cảng Mỹ. Tuy nhiên ông phải trả tiền cho những người tham gia, mà không phải là ít. Lại còn mất nhiều tiền để đánh điện gửi tổng thống Wilson, những bức điện này được gửi từ nhiều thành phố yêu cầu chấm dứt việc cung cấp vũ khí “để giết hại anh em công nhân”. Tổng thống đã có ý định tiếp kiến với các thủ lĩnh công đoàn Rintelen, nhưng sau lại thôi.

Trong khi đó thì áp lực từ phía các công đoàn chính thức và tổ hợp công nghiệp quân sự ngày càng tăng, bản thân Rintelen cũng cảm thấy mình bị theo dõi. Phần lớn công nhân đã trở lại làm việc. Tư tưởng của ông có vẻ thất bại.

Rintelen chú ý đến một đối tượng mới – Mexico. Ông cho rằng nếu nổ ra chiến tranh giữa Mexico với Mỹ thì vũ khí Mỹ sẽ được ném sang mặt trận Mexico. Rintelen đã gặp gỡ cựu tổng thống Mexico là Guerte, ông này đang sống trong một khách sạn New York và đang chuẩn bị một cuộc chính biến nhằm giành lại chính quyền. Ông công khai tự giới thiệu là một sĩ quan Đức có thể cung cấp vũ khí cho Guerte và hỗ trợ cho đảng ông lên nắm chính quyền. Đầu tiên Guerte tưởng ông là điệp viên của Mỹ, nhưng cuối cùng đã tin tưởng. Hai bên thoả thuận rằng sẽ có một tàu ngầm Đức chở vũ khí đến bờ biển Mexico, ngoài ra nước Đức sẽ hỗ trợ ông ta về mặt tinh thần. Để đổi lại, Mexico sẽ quay mũi súng chống lại Mỹ.

Rời khách sạn sau cuộc gặp Guerte, Rintelen thấy có bọn mật thám trước đó đã theo dõi ông. Một lát sau ông thấy Guerte đi ra, có hộ vệ đi kèm, còn bọn mật thám thì lên taxi đi theo. Ông biết rằng đã bị theo dõi. Trở về văn phòng, ông đánh một bức điện mật mã cho Berlin kể về cuộc gặp mặt và việc thoả thuận với Guerte. Nhưng ngày hôm đó luật sư của ông là Bonifeys thông báo cho ông một tin không vui: mật mã của Đức đã bị đánh cắp. Tình báo Anh đã cài được một điệp viên nữ chơi với một anh thư ký được trả lương ít ỏi của tuỳ viên hải quân Đức và anh này đã bán cho cô ta. Cũng ngày hôm đó tin này được ông khẳng định: vấn đề này được thảo luận trong chính phủ Washington. Đó là bộ mã bí mật nhất mà Rintelen mang theo để thay thế bộ cũ mà địch đã biết.

Rintelen vội vã đến báo cho tuỳ viên hải quân. Ông này lại không tin. Ông chỉ còn cách ngồi chờ tin Berlin. Khi được báo lại là đồng ý, ông đến cựu tổng thống, nhưng ông ta đi đâu mất không có tin tức gì cả. Mấy ngày sau ông đi dự một dạ hội về thì có một người lạ mặt giữ lại.

— Người ta đang theo dõi ông, đừng chờ Guerte nữa. Ông ta đã bị đầu độc.

Sau này ông mới biết rằng Guerte bị chính đầu bếp của mình đầu độc trên biên giới Mexico.

Mặc dầu ông biết mình bị theo dõi, nhưng vẫn yên tâm: ông rất thận trọng, không để lại dấu vết ở đâu và nhân thân trong sạch. Hôm sau ông nhận được qua bưu điện một bức thư đề ở ngoài “Ngài đại uý hải quân Rintelen”. Ông bóc ra, đó là thư của tuỳ viên quân sự. Ông kinh ngạc vì tính vô tư và ngu ngốc của Papen.

Ngày 6-6-1915 khi ông đang ở câu lạc bộ đua thuyền thì có người mời lên nghe điện thoại. Ông tuỳ viên hải quân muốn gặp. Khi gặp nhau ông ta đưa cho ông một bức điện: “Gửi ông tuỳ viên hải quân. Mật báo cho đại uý Rintelen về Đức ngay”. Thế là thế nào? Cách đây hai tuần ông đã đề nghị không nêu tên ông trong các bức điện hay sao? Ông không hiểu vì sao lại có bức điện này, nhưng vẫn phải tuân lệnh. Nơi đây người ta đang cần ông: người Ireland tin cậy ông, các cuộc bãi công đang được khởi động lại, bom phá đang được cài đi các tàu. Bây giờ mọi việc sẽ chấm dứt. Rintelen hiểu rằng ông trở thành nạn nhân của một mưu đồ gì đó.

Ông dùng hộ chiếu Thuỵ Sĩ và bức thư của bá tước Ignatiev mời ông làm đại diện bán “Klaret” sang Mỹ. Ông lên tàu “Noordam” về châu Âu.

Ngày 13-8-1915, trên đường đi Remsgeyt “người công dân Thuỵ Sĩ” Emil Gashe bị bắt và bị dẫn độ về Tauer. Ông không khai báo gì cả.

Ngày 13-4-1917, sau khi nước Mỹ tham chiến, ông bị đưa về Mỹ. Tại nhà tù Tombs ông gặp ngài Kleist, kỹ sư Fey và ba mươi thành viên đội điệp vụ của ông và bị giam ở đó đến năm 1921.

Sau đó ông về Anh vì quyết định chia tay với Cục Tình báo Đức và kể lại tất cả những gì ông biết về phương pháp hoạt động tình báo Đức. Ông sống ở Anh và từ chối mọi dính líu với bọn Quốc xã trong Đại chiến thế giới lần thứ hai.

error: Content is protected !!