Người lãnh đạo một trong những nhóm điệp viên quân sự Xô Viết hoạt động bí mật ở nước Đức phát xít là một phụ nữ trẻ xinh đẹp tên là Inda Stiobe mang bí danh là “Anta” (chính xác hơn là “Ante”, tiếng Đức có nghĩa là “Bà lão”, điều này đã gây lúng túng cho bọn mật thám của Gestapo).
Ilza Stiobe sinh ngày 17 tháng 5 năm 1911 ở Berlin, trong một gia đình công nhân. Chị tốt nghiệp phổ thông rồi theo học nghề thư ký đánh máy. Chị làm việc một thời gian tại tổ hợp in ấn, tiếp đó chuyển sang làm việc cho tờ báo “Berline Tagenblat”. Tuy còn rất trẻ nhưng nhờ có năng lực, chị được cử sang Tiệp Khắc làm phóng viên rồi từ Tiệp Khắc chuyển sang Ba Lan. Tại đây, chị quen biết Rudolf Herrnstdadt, đảng viên Đảng Cộng sản Đức và đồng thời là điệp viên thuộc Cục Tình báo của Hồng quân.”
Số phận của Rudolf Herrnstdadt rất đáng chú ý. Anh là con trai của một luật sư thành đạt và bản thân anh cũng là luật sư. Năm 1924, anh gia nhập Đảng Cộng sản Đức và đến năm 1930 thì được tình báo quân sự Xô Viết tuyển mộ và mang bí danh “Arvid”. Năm 1932 anh làm phóng viên ở Varsava, thủ đô Ba Lan, còn từ năm 1933 là ở Moskva, tại đây, anh nhận quốc tịch Xô Viết. Cũng theo nhiệm vụ do Cục Tình báo Xô Viết giao cho, anh “đứng trên lập trường chống cộng điên cuồng”. Vì vậy, anh cùng bốn nhà báo Đức khác bị trục xuất khỏi Liên Xô để phản ứng lại việc các nhà báo Xô Viết không được phép vào phòng xử án trong vụ án xét xử “những kẻ đốt cháy toà nghị viện Đức”. Sau khi trở về Đức, anh được cử làm phóng viên tại Varsava. Tại đây, anh rất được tôn trọng không chỉ như một người anh hùng và nạn nhân của chủ nghĩa bonsevich, mà còn như một chuyên gia xuất sắc, am hiểu Ba Lan và những truyền thống của nước này. Đại sứ Đức ở Ba Lan là fon Monke và những nhân viên quan trọng của sứ quán thường đến anh hỏi ý kiến. Nhưng Herrnstadt không chỉ nổi bật về tài thiết lập mối quan hệ với các quan chức phát xít, anh còn là một chuyên gia tuyển mộ bẩm sinh. Ít nhất cũng đã có ba người trong số những điệp viên do anh tuyển mộ đã đi vào lịch sử ngành tình báo.
Gerhard Kegel sinh năm 1907 trong gia đình một nhân viên đường sắt ở hạt Thượng Xiledi. Năm 1930, khi còn là sinh viên, anh gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản Đức và năm 1933, anh trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đức. Sau khi tốt nghiệp đại học thuộc chuyên ngành kinh tế, anh được bổ nhiệm làm trưởng ban kinh tế của tờ báo “Tin tức mới nhất”. Khi Hitler lên nắm chính quyền và bắt đầu truy nã các đảng viên cộng sản, anh vẫn được an toàn nhờ nắm chắc phương pháp giữ bí mật. Tiếp đó, anh được cử làm phóng viên ở Varsava. Tại Varsava, anh gặp Herrnstadt và được Herrnstadt thu hút vào hoạt động điệp viên cho Liên Xô. Anh mang bí danh là “HVC”. Để vị trí của mình thêm vững chắc, vào tháng 5 năm 1934 anh gia nhập đảng quốc xã, điều này đã cho phép anh xin vào làm ở sứ quán Đức với sự giúp đỡ của Herrnstadt. Một điệp viên nữa được Herrnstadt tuyển mộ là Rudolf fon Selia. Rudolf thuộc một môi trường hoàn toàn khác nên cách tiếp cận với ông cũng khác. Ông xuất thân từ một dòng họ quý tộc: bố ông là một đại địa chủ quý tộc vùng Xiledi, mẹ ông là con gái bộ trưởng tài chính fon Micken trong nội các của Thủ tướng Birmach. Rudolf sinh năm 1890, có hai bằng tiến sĩ luật học, trong thời gian Thế chiến thứ nhất ông gia nhập kỵ binh rồi trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Ông làm việc ở Praha (thủ đô Tiệp Khắc), ở Constatinov (Thổ Nhĩ Kỳ), là phó lãnh sự ở Catovise. Năm 1932, ông được phái đến làm việc tại sứ quán Đức ở Varsava. Con đường công danh của ông không mấy rực rỡ: đến năm 42 tuổi ông mới chỉ là thư ký sứ quán. Hơn thế nữa, việc này cần có nhiều tiền mà thu nhập của ông cùng với thu nhập của vợ ông, con gái một nhà công nghiệp lớn, vẫn không bù đắp nổi các khoản chi của ông. Ông tự cho phép mình có ít nhiều cách nghĩ tự do kiểu quý tộc, chẳng hạn ông hết sức coi thường Bộ trưởng Ngoại giao nước Đức phát xít là Rippbentrop, gọi y là “kẻ chào hàng các loại rượu sâm banh”, và nói chung ông không ưa “những viên chủ hiệu nhỏ” đang nắm chính quyền ở Đức vào lúc đó.
— Tôi căm ghét cuộc sống của tôi ở Ba Lan, – fon Selia nhiều lần than vãn như vậy với Herrnstadt.
“Ngay từ ngày đầu chúng tôi quen biết nhau, – “Arvid báo cáo với Trung Tâm, – Selia đã thông báo cho tôi tất cả những gì mà ông ta cho là quan trọng thuộc đủ mọi loại: cả những tin tức chính trị, cả những mưu đồ cá nhân, cả chuyện tiền nong, cả những xung đột riêng tư với vợ và người hầu… Đối với những tài liệu mà tôi quan tâm thì ông ta hoặc là đọc cho tôi nghe, hoặc là cho phép tôi tự đọc lấy. Vì hiểu rằng làm như vậy là vi phạm trách nhiệm công vụ của mình nên ông ta thường nói: “Hãy cầm lấy tờ báo để phòng xa. Nếu có ai vào thì dùng báo mà che các bức điện đi”.
“Arvid” lưu ý rằng tuy bề ngoài có vẻ rất nhẹ dạ và nông nổi nhưng Selia là một nhà ngoại giao khá thông minh và am hiểu, một nhà phân tích giỏi, biết cách làm người khác cởi mở với mình.
Theo đề nghị của Trung Tâm, Herrnstadt đã tuyển mộ Selia trên cơ sở “tiền trao cháo múc”. Tuy không tỏ ra nhiệt tình lắm nhưng Selia vẫn đồng ý hợp tác. Có thể nói trước rằng những tin tức của Selia (mang bí danh là “Người Aryan”) quý giá đến mức vào tháng 2 năm 1938, Cục Tình báo của Hồng quân đã chuyển vào tài khoản của ông tại ngân hàng Thuỵ Sĩ sáu nghìn rưởi dollar, một trong những khoản tiền lớn nhất mà một điệp viên được trả trước Thế chiến thứ hai.
Những trách nhiệm mới buộc Selia phải xem xét lại cách cư xử của mình. Ông nói năng thận trọng hơn, thái độ làm việc tận tình hơn. Năm 1933, trong thời gian về Berlin nghỉ phép, ông trở thành đảng viên Đảng Quốc xã. Điều này đã giúp ông được thăng cấp và trở thành cố vẫn chính thức của Bộ Ngoại giao nước Đức phát xít.
Và cuối cùng là Ilza Stiobe – một thành công xuất sắc của nhà tuyển mộ Herrnstadt. Việc tuyển mộ chị không gặp phải bất kỳ khó khăn gì: chị là đồng chí cùng đảng với Herrnstadt và là người đồng tư tưởng với anh.
Như vậy là vào năm 1934, tại sứ quán Đức ở Varsava đã hình thành một nhóm điệp viên hoàn chỉnh. Ban đầu, người lãnh đạo nhóm là Herrnstadt, về sau, sau khi anh đi Moskva thì người đứng đầu nhóm là Ilza Stiobe. Không kể Kegel và Selia, chị còn có liên lạc với sáu điệp viên nữa. Nhưng đó là sau khi phát xít Đức tấn công Ba Lan.
Trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, vào tháng 8 năm 1939, những thành tích nổi bật của Selia rốt cuộc đã được cấp trên của ông ghi nhận. Ông được chuyển về ban tin tức Bộ Ngoại giao Đức. “Arvid” báo trước cho “Người Aryan” biết rằng mối liên lạc với ông sẽ do “Anta” đảm nhận.
“Anta” không thể thu xếp được ngay công việc ở Berlin. Chị phải sống một thời gian ở Breslau. Tháng 9 năm 1939, một nhân viên của Cục Tình báo Xô Viết là Zaisev được trao nhiệm vụ tìm kiếm chị và thiết lập liên lạc với chị. Zaisev rời Berlin đi Breslau. Lúc đầu, anh tìm được bà mẹ của chị và được bà cho biết địa chỉ của chị. Khó khăn là ở chỗ chưa xác định được mật khẩu gặp gỡ, do đó phải nêu một vài mật khẩu để Ilza tin được rằng người đến gặp chị đúng là điệp viên Xô Viết.
Nhưng Zaisev vừa nêu loại mật khẩu để gặp gỡ “người mình” ở Ba Lan thì Ilza lập tức tin anh ngay. Hai người tản bộ trên những con đường vắng vẻ ở vùng ngoại ô thành phố Breslau. Ilza kể cho Zaisev biết là chị sắp nhận được giấy phép cư trú ở Berlin và chỉ ít lâu nữa là chị sẽ chuyển về đấy. Hai người thoả thuận về phương pháp liên lạc và về những cuộc gặp mới rồi chia tay nhau.
Đầu tháng 3 năm 1933, Ilza Stiobe được fon Selia giúp đỡ nên nhận được chỗ làm ở Cục Báo chí Bộ Ngoại giao và chị dọn về Berlin. Giờ đây, họ có thể gặp gỡ nhau mà không gặp trở ngại gì. Tuy nhiên, chính Selia lại suýt bị thất sủng. Tính hay ba hoa đã làm hại ông. Một kẻ tố giác với cấp trên về mối đồng cảm “không xứng đáng với một nhà ngoại giao Đức” mà ông thường thể hiện đối với người Ba Lan. Ông bị buộc phải giải thích về “vấn đề Ba Lan”. Để “chuộc lỗi”, ông cùng với cựu đại sứ fon Monke bắt tay vào việc biên soạn cuốn “sách trắng” về nguyên nhân của cuộc chiến tranh Đức – Ba Lan. Đương nhiên là cuốn sách này được biên soạn theo tinh thần những “tư tưởng” và phát ngôn của những tên đầu sỏ quốc xã. Khi Rippbentrop làm quen với cuốn sách đó thì y không những tha thứ cho fon Selia mà thậm chí còn nói bóng gió đến khả năng đề bạt ông lên một chức vụ cao ở Budapest, thủ đô Hungari.
Nhưng đối với Ilza thì việc fon Selia ra đi có nghĩa là chị sẽ bị mất một nguồn tin rất quan trọng, và chị khuyên ông không nên ra đi. Hơn thế nữa, chỉ ít lâu sau, ông đã được chỉ định giữ một chức vụ mới trong bộ máy Bộ Ngoại giao Đức.
Trợ thủ đáng tin cậy của Ilza Stiobe là Gerhard Kegel. Nhờ vị trí của mình, anh có thể thu được những tin tức quý giá. Ngay từ tháng 3 năm 1939, một nhân viên của Rippbentrop là Cleist đã tuyên bố rằng “trong tiến trình thực hiện những kế hoạch lâu dài của nước Đức, cuộc chiến tranh chống Liên Xô vẫn là nhiệm vụ cuối cùng và mang tính chất quyết định trong chính sách của Đức”. Về sau, tuỳ viên quân sự Đức ở Ba Lan là Hisher đã kể cho Kegel nghe về buổi tiếp của Hitler và những chỉ thị của Hitler đề cập đến việc chuẩn bị bí mật cho cuộc tấn công bất ngờ của Đức vào Ba Lan. Kegel còn nhiều lần trò chuyện cả với Đại sứ fon Monke.
Nhưng sau khi chuyển đến Berlin được ít lâu, Ilza rốt cuộc cũng vẫn phải chia tay với Kegel. Đang làm việc tại ban phụ trách chính sách thương mại của Bộ Ngoại giao Đức, Kegel được đề bạt vào một chức vụ mới, quan trọng. Lúc đầu, anh được đưa vào thành phần đoàn đại biểu thương mại Đức đi Liên Xô vào cuối năm 1939, và sau khi đến Moskva thì anh được giữ lại làm việc ở sứ quán Đức tại đây.
Thông qua Kegel, các cơ quan an ninh Xô Viết nhận được những thông tin quan trọng về những gì diễn ra trong sứ quán Đức. Anh cung cấp tin tức về tâm trạng và những câu chuyện của đại sứ fon Sullenburg, của tuỳ viên quân sự tướng Kestring và của cố vấn Hinger. Tất cả mấy nhân vật này đều phản đối cuộc chiến tranh chống Liên Xô vì cho rằng cuộc chiến đó nguy hại cho nước Đức.
Kegel thông báo là vào ngày 30 tháng 4 năm 1941, sau chuyến đi Berlin và trò chuyện với Hitler, đại sứ fon Sullenburg đã tuyên bố với những người bạn gần gũi của mình: “Mọi việc đã quyết định rồi – chiến tranh là không thể tránh khỏi!”.
Sullenburg, Kestring và Hinger chuẩn bị một bản ghi nhớ gửi cho Hitler trong đó nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống Liên Xô không thể thắng lợi được và hơn nữa, còn có thể đưa nước Đức đến thảm họa. Sullenburg đích thân đem bản ghi nhớ này về Berlin, nhưng Hitler thậm chí không “hạ cố” tiếp ông ta.
Chẳng bao lâu sau, tại Moskva xuất hiện hai vị khách. Một người là Valter Sellenberg, giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại của nước Đức phát xít. Dưới danh nghĩa đại diện của ngành công nghiệp hoá chất Đức, y đến Moskva để nghiên cứu tiềm lực chính trị và kinh tế của Liên Xô cũng như mức độ sẵn sàng đối phó với chiến tranh của Liên Xô.
Vị khách thứ hai là đại tá Crebs, người thay thế tướng Kestring từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5 năm 1941. Đấy chính là kẻ mà vào hôm trước ngày Berlin thất thủ (lúc đó y đã lên cấp tướng và là Tổng Tham mưu trưởng cuối cùng của nước Đức phát xít) đã đến gặp tướng Trucov của quân đội Xô Viết để đề nghị đàm phán hoà bình. Sau khi tướng Trucov tuyên bố là chỉ có thể nói tới việc đầu hàng vô điều kiện, y đã quay trở về hầm ngầm của mình và tự sát.
Nhưng vào năm 1941 đó, y đã có mặt trong cuộc duyệt binh của Hồng quân nhân ngày mồng 1 tháng 5, y có thể tận mắt chứng kiến sức mạnh của Hồng quân nhưng không tin vào sức mạnh đó. Y đã trao đổi điều này với Kegel, và Kegel lại thông báo điều này với một cán bộ Cục Tình báo Xô Viết là K. B. Leonchiev, người mà Kegel được biết dưới tên gọi Pavel Petrov.
Ngay trước khi chiến tranh nổ ra, Kegel đã được chứng kiến cảnh ra đi khẩn cấp của những gia đình nhân viên sứ quán Xô Viết cũng như gia đình của những người Đức hiện đang sống ở Liên Xô. Còn vào ngày 21 tháng 6, anh cũng đã tận mắt nhìn thấy những tài liệu lưu trữ và những tài liệu quan trọng khác bị đem thiêu huỷ trong sân sứ quán Xô Viết. Đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy chiến tranh sắp bắt đầu, và anh lập tức thông báo cho Leonchiev biết và Leonchiev lại ngay lập tức thông báo cho cấp trên. Nhưng thông báo đó bị thất lạc ở đâu?
Sau khi chiến tranh nổ ra, Kegel cùng những nhân viên sứ quán khác đi Berlin. Dọc đường, khi đến Serpukhov (hay Kirsk), Leonchiev đã kịp lên tàu, dúi vào tận tay Kegel mảnh giấy có ghi quy ước liên lạc với Stiobe.
Giờ đây, chúng ta hãy quay trở lại với “Anta” và “người Aryan”. Những tin tức mà họ cung cấp là cực kỳ quan trọng. Đó là những tin đề cập đến việc di chuyển của quân đội Đức, đến những thư từ trao đổi ngoại giao cũng như những tin tức về thành công của các nhân viên giải mã Đức. Những tin đó của fon Selia được đánh giá rất cao mà bằng chứng là vào tháng 2 năm 1941, Ilza chuyển cho ông một khoản tiền lớn là ba mươi nghìn mark.
Thông qua một điệp viên nằm vùng của Cục Tình báo Xô Viết là đại tá N. D. Scorniacov (tức “Sao băng”), Stiobe đã chuyển về Moskva những tin tức nhận được từ fon Selia và các điệp viên khác. Dưới đây là vài tin trong số đó.
Gửi Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Hồng quân, ngày 29 tháng 9 năm 1940.
“Người Aryan” đã trò chuyện với Snurre (lãnh đạo đoàn đại biểu kinh tế Đức ở Liên Xô). Snurre cho biết:
1. Quan hệ giữa Liên Xô và Đức đã xấu đi một cách cơ bản.
2. Theo ý kiến của rất nhiều người, trừ Bộ Ngoại giao Đức, thì nguyên nhân của tình trạng đó là do phía Đức.
3. Người Đức tin rằng Liên Xô sẽ không tấn công Đức.
4. Hitler dự định đến mùa xuân sẽ giải quyết những vấn đề ở phương Đông bằng hành động quân sự. Sao băng”.
Gửi Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Hồng quân, ngày 29 tháng 12 năm 1940.
“Anta thông báo người Aryan được biết từ giới thạo tin rằng Hitler đã ra lệnh chuẩn bị cuộc chiến chống Liên Xô. Việc tuyên chiến sẽ được thực hiện vào tháng 3 năm 1941.
Tôi đã giao nhiệm vụ kiểm tra và chính xác hoá tin này. Sao băng”.
Gửi Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Hồng quân, ngày mồng 4 tháng 1 năm 1941.
“Anta yêu cầu người Aryan xác nhận tính đúng đắn của tin tức nói về việc chuẩn bị cuộc tấn công vào mùa xuân năm 1941. Người Aryan khẳng định rằng anh ta đã nhận được tin ấy từ một người quen trong quân đội Đức, hơn nữa, đó không phải là dựa trên lời đồn đại mà dựa trên bản mệnh lệnh đặc biệt của Hitler, một bản mệnh lệnh được giữ tuyệt mật và chỉ rất ít người biết.
Để xác nhận điều này, người Aryan dẫn ra thêm một vài lý lẽ chủ yếu:
1. Những cuộc trò chuyện của anh ta với Slipper trưởng phòng Đông phương Bộ Ngoại giao Đức. Slippe nói rằng cuộc gặp gỡ với Molotov… đã không đạt được nhất trí về bất kỳ vấn đề quan trọng nào.
2. Công việc chuẩn bị tấn công Liên Xô đã được bắt đầu sớm hơn nhiều nhưng rồi bị tạm dừng một thời gian vì người Đức đã không tính đến sự kháng cự của người Anh. Đức dự tính đến mùa xuân thì sẽ buộc được người Anh phải khuất phục và do đó sẽ được rảnh tay trong cuộc chiến với Liên Xô.
3. Thái độ thù địch của Hitler vẫn không thay đổi.
4. Hitler cho rằng:
a) Tinh thần của Hồng quân chính vào thời điểm này là rất thấp, thấp đến nỗi đến mùa xuân thì y chắc chắn sẽ giành được thắng lợi.
b) Quân đội Đức đang tiếp tục lớn mạnh.
Báo cáo tỉ mỉ của Anta về vấn đề này sẽ để lần sau. Sao băng”.
Tình trạng thần kinh quá căng thẳng của Ilza đã để lại hậu quả. Bệnh thận và gan của chị nặng thêm. Chị hai lần phải đi Carlsbad nhưng vẫn không chữa khỏi. Trong bức thư gửi về Moskva cho Herrnstadt, chị than phiền rằng cứ đêm đêm, khi còn lại một mình và những cơn đau khủng khiếp kéo đến, chị lại cảm thấy hoảng sợ cho bản thân cũng như sợ rằng vì bệnh tật mà mình sẽ không thể tiếp tục công việc được nữa. Chị buộc phải rời bỏ Bộ Ngoại giao Đức. Vào đầu năm 1941. Chị chuyển sang làm trưởng phòng quảng cáo nước ngoài tại tổ hợp hoá chất “Lingerverk” ở Dresden. Nhưng hoá ra chị lại có thêm một cơ hội nữa rất lý thú để thu lượm tin tức, ngoài những tin tức chị nhận được từ “người Aryan”. Điển hình là tin tức cực kỳ quan trọng sau đây.
“28 tháng 2 năm 1941.
Giới quân sự thạo tin vẫn giữ quan điểm cho rằng cuộc chiến chống Liên Xô nhất định sẽ bắt đầu vào năm nay. Những biện pháp chuẩn bị cho cuộc chiến này cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Những công trình phòng không quy mô ở phía Đông cho thấy rõ tiến trình của những biến cố tương lai. (Về chuyện này thì “Người Aryan” không biết điều gì thật cụ thể. Nhưng anh thông báo rằng những hầm tránh bom bố trí khắp nước Đức thì ở phía Đông có thể nhằm mục đích bảo vệ khỏi máy bay Nga chứ không phải máy bay Anh). Đã thành lập được ba tập đoàn quân dưới sự chỉ huy của các nguyên soái Bok, Runsdtedt và Ritter fon Leer. Tập đoàn quân “Kenigsberg” có nhiệm vụ tấn công theo hướng Petersburg, tập đoàn quân “Varsava” có nhiệm vụ tấn công theo hướng Moskva, còn tập đoàn quân “Poden” có nhiệm vụ tấn công theo hướng Kiev. Thời điểm dự định bắt đầu chiến sự có thể là ngày 20 tháng 5. Mọi dấu hiệu đều cho thấy là theo dự định thì một trăm hai mươi sư đoàn Đức sẽ tấn công vào khu vực Pinsk. Bằng chứng về những biện pháp chuẩn bị đó là việc tất cả các sĩ quan và hạ sĩ quan biết nói tiếng Nga đều được phân bổ về các ban tham mưu.
Hitler dự định sẽ đưa từ Nga về Đức gần ba triệu nô lệ để thực hiện mọi công việc sản xuất… Y cũng dự định sẽ chia nhỏ nước Nga khổng lồ thành hai mươi hoặc ba mươi quốc gia khác nhau mà không quan tâm gì đến tất cả những mối liên hệ kinh tế bên trong nước.
Tin tức về nước Nga là của một người trong giới thân cận của Goring. Nói chung, tin tức đó thuần tuý có tính chất quân sự và được những người trò chuyện với “Người Aryan” xác nhận. Anta”.
Cần lưu ý rằng đây là tin tức chính xác đầu tiên của điệp viên về những hướng tấn công sắp tới của quân đội Đức.
Ngày 22 tháng 6, nhân viên sứ quán Xô Viết không được phép đi lại trong thành phố nữa và do đó, các điệp viên nằm vùng trong sứ quán bị mất liên lạc với mạng lưới điệp viên của mình. Như ta đã biết, chỉ riêng A. Corotcov, nhân viên Cục Tình báo Nước ngoài Bộ Nội vụ Xô Viết, là vào được thành phố và gặp gỡ với các điệp viên thuộc “Dàn đồng ca đỏ”. Còn mạng lưới điệp viên của tình báo quân sự thì không có người liên lạc.
Mạng lưới điệp viên của “Anta” có trong tay điện đài và nhân viên điện đài K. Sulse. Trong những tháng đầu tiên sau khi chiến tranh bùng nổ, khi điện đài còn hoạt động, Sulse vẫn truyền tin tức về Trung Tâm. Vào mùa thu năm 1941, ông thiết lập được liên lạc với G. Coppi, nhân viên điện đài của mạng lưới điệp viên Bộ Nội vụ do A. Harnac (tức “Người đảo Corse”), Schulze-Boysen (tức “Anh cả”) và A. Cuckhov (tức “Ông lão”) lãnh đạo. Tuy nhiên, cả Coppi cũng mất liên lạc với Moskva, bởi vì điện đài của anh bị hỏng. Các nhân viên điện đài cùng hợp sức tìm cách sửa chữa điện đài nhưng không thành công.
Lo lắng trước sự im lặng của các điện đài, ban lãnh đạo Cục Tình báo nước ngoài thuộc Bộ Nội vụ Xô Viết và Tổng cục Tình báo thoả thuận sẽ hợp tác với nhau. Những mệnh lệnh về vấn đề này được ký vào ngày 11 tháng 9 năm 1941 và đến ngày 11 tháng 10 thì một bức điện được gửi đi cho người lãnh đạo hệ thống điệp viên bí mật ở Brussel là A. Gurevich (tức “Kent”) đề nghị ông đến Berlin để thu xếp đường dây liên lạc.
Gurevich gặp Schulze-Boysen, lấy những tin tức mới được thu thập và chuyển cho Schulze-Boysen hệ thống mật mã mới. Sau khi trở về Brussel, Gurevich chuyển về Trung Tâm những tin tức mà ông nhận được. Nhưng vì các nhân viên điện đài của ông làm việc nhiều giờ liên tục trong suốt những ngày 21, 23, 25, 26, 27 và 28 tháng 11 năm 1941 nên mật mã của họ bị giải và họ bị bắt. Bản thân Gurevich khi ấy cũng may mắn lắm mới chạy thoát. Tuy nhiên, Gestapo đã bắt được những bức điện mã hoá đang được đánh đi vì các nhân viên điện đài không kịp tiêu huỷ. Quả thật là mãi đến tháng 8 năm 1942, bọn Đức mới giải mã được bức điện ngày 11 tháng 10 năm 1941 có ghi địa chỉ những nhân vật mà Gurevich phải gặp khi đến Berlin.
Việc sử dụng mạng lưới điệp viên của “Kent” không phải là biện pháp duy nhất trong nỗ lực thiết lập liên lạc với mạng lưới điệp viên của “Anta”.
Vào tháng 4 năm 1942, một nhân viên của mạng lưới điệp viên ở Stockholm là “Adam” thiết lập được liên lạc với Sulse. Sulse báo cáo là điện đài không hoạt động được do bị hỏng và do thiếu pin dự trữ.
Moskva liền quyết định dùng máy bay tung vào Đức hai điệp viên đem theo điện đài. Họ phải bắt liên lạc với các nhóm “Anh cả” và “Anta” cũng như phải thu xếp lại đường dây liên lạc. Ngày mồng 5 tháng 8 năm 1942, hai điệp viên này nhảy dù xuống hậu phương phát xít tại khu vực Briansk.
Một trong hai người – Albert Hessler – có nhiệm vụ thiết lập liên lạc với nhân viên điện đài Sulse hoặc với các thành viên của nhóm Schulze-Boysen. Anh đã làm được việc này rồi cùng với Sulse tìm cách sửa chữa điện đài.
Người thứ hai – Bart – được giao nhiệm vụ thiết lập liên lạc với điệp viên nằm vùng Leman (tức “Braitenbac”) lúc đó đang làm việc trong cơ quan Gestapo. Nhưng vào thời điểm đó, Gestapo cũng đã lần ra được dấu vết họ.
Đến tháng 8 năm 1942, các nhân viên giải mã của Gestapo đã có thể đọc được những bức điện mà chúng tịch thu được khi bắt giữ các nhân viên điện đài của “Kent”. Kết quả là trong vòng hai tháng – tháng 8 và tháng 9 – tất cả các thành viên của “Dàn đồng ca đỏ” ở Berlin đều bị bắt. Ngày 12 tháng 9, cả Ilza Stiobe cũng bị bắt.
Bart cũng bị bắt. Anh ta không chịu nổi những đòn tra tấn của Gestapo nên đã cung khai tất cả những gì anh ta biết. Anh ta còn đồng ý tham gia “trò chơi điện đài” với Moskva.
Ngày mồng 8 tháng 10 năm 1942, một nhân viên Gestapo đọc cho anh ta gửi một bức điện về Moskva, trong đó anh ta nhân danh “Anta” đề nghị gửi tiền và những chỉ thị mới cho một điệp viên của “Anta” tại Bộ Ngoại giao Đức để khuyến khích người này hoạt động năng nổ trở lại.
Tại Moskva, bức điện này không gây một chút ngờ vực nào. Giữa tháng 10, Trung Tâm cho hai điệp viên của Tổng cục Tình báo là Ern Ayfler và Henrich Coenen (Wilhelm Felendorg) nhảy dù xuống vùng Đông Phổ. Dưới danh nghĩa một người lính ngoài mặt trận đi nghỉ phép, Coenen đến Berlin với nhiệm vụ thiết lập mối liên lạc với “Anta” và “người Aryan”. Để không bị nghi ngờ, Coenen đem theo tờ hoá đơn của fon Selia chứng nhận fon Selia vào năm 1938 đã nhận 6 nghìn rưởi dollar.
Chiến dịch do Gestapo thực hiện đã cho phép chúng bắt được Ern rồi sau đó tổ chức mai phục tại căn hộ của Ilza Stiobe, kết quả là Henrich Coenen bị bắt. Tờ hoá đơn đã đóng vai trò tai hại và chỉ ít lâu sau thì fon Selia cũng bị bắt.
Vài tháng trước khi bị bắt, Ilza Stiobe đã chuyển đến Berlin và làm trưởng văn phòng Berlin của tổ hợp báo chí Đức. Ngày nào chị cũng trò chuyện qua điện thoại với Stockholm, thủ đô của nước Thuỵ Điển trung lập. Nhưng chị không biết làm thế nào lợi dụng hoàn cảnh đó để liên lạc với Moskva.
Chị biểu lộ “tinh thần ái quốc Đức” bằng cách xung phong ra mặt trận phía Đông làm phóng viên chiến tranh với hy vọng vượt qua được chiến tuyến. Chị được tuyên dương vì “tinh thần ái quốc” nhưng đề nghị của chị bị lịch sự từ chối. Và chị bị bắt vào nhà tù của Gestapo. Chị tỏ ra kiên cường và không cung khai bất kỳ thành viên nào trong nhóm chị.
Ngày nào chị cũng bị đánh đập cho đến lúc ngất đi. Bọn đao phủ tưới nước lên người chị rồi lại tra tấn tiếp. Một phụ nữ cùng phòng giam với Ilza nhưng được sống sót kể lại rằng bà sửng sốt trước sự điềm tĩnh và sức chịu đựng của chị. Mỗi khi trở về phòng giam sau cuộc hỏi cung, chị lại cố gắng mỉm cười! Một hôm, chị nói với bà:
— Hôm nay, chúng lại không khai thác được gì ở tôi.
Bọn Gestapo căm thù Ilza không chỉ bởi vì chị là kẻ thù của chúng. Chúng căm thù chị còn bởi vì không có chứng cớ trực tiếp nào để kết tội chị. Và đột nhiên, những chứng cớ đó đã xuất hiện…
Vốn là một quý tộc, một sĩ quan kỵ binh và một kẻ tôn thờ phụ nữ, fon Selia không chịu nổi tra tấn và đã gục ngã. Ông ta cung khai tất cả những gì mà ông ta biết. Thật may mắn là ngoài Ilza, ông ta không biết một ai khác và bởi vậy, sự yếu đuối của ông ta chỉ gây hại cho riêng Ilza.
Hai ngày trước khi xử án, chị được phép gặp mẹ và em trai. Họ không thể không rùng mình khi nhìn thấy khuôn mặt đau đớn và méo mó vì bị đánh đập của chị. Nhưng chị đã biết tin về những thắng lợi của Hồng quân ở Stalingrad và điều này đã tăng thêm sức mạnh cho chị.
Ngày 14 tháng 12 năm 1942, toà án quân sự đế chế tuyên án tử hình đối với Ilza Stiobe. Trong lời phát biểu cuối cùng, chị nói:
— Tôi không làm điều gì phi nghĩa. Các ông kết án tử hình tôi là phi pháp.
Tối ngày 14 tháng 12, khi trở về từ phiên xử án cuối cùng, chị tâm sự với người nữ tù cùng phòng:
— Giờ đây, mọi chuyện đều đã ở phía sau: tôi đã bị kết án tử hình. Giờ đây, đã có thể nói là tôi đã đứng vững, – mọi chuyện đều đã qua rồi. Tôi đã im lặng và nhờ đó ít nhất thì tôi đã cứu thoát được sinh mệnh của ba người đàn ông và một phụ nữ.
Trước hôm thi hành án tử hình vào ngày 21 tháng 12 năm 1942, chị viết cho mẹ: “Mẹ yêu quý, con cảm ơn mẹ vì mẹ đã thực hiện những ước nguyện cuối cùng của con. Mẹ đừng buồn mẹ nhé. Trong những trường hợp như thế này không có chỗ cho nỗi buồn. Và mẹ chớ mặc áo màu đen, con xin mẹ đấy”.
Đúng vào ngày hôm đó, Hitler ký sắc lệnh:
“Quốc trưởng. Tổng hành dinh quốc trưởng. 21. 12. 1942.
1. Tôi chuẩn y bản án của toà án quân sự đế chế ngày 14 tháng 12 năm 1942 dành cho cựu cố vấn chính thức Rudolf fon Selia và nhà báo Ilza Stiobe cũng như bản án của toà án quân sự đế chế ngày 19 tháng 12 năm 1942 dành cho thượng uý Harro Schulze-Boysen và những người khác…
2. Đơn xin ân xá bị bác bỏ.
3. Các bản án đối với Rudolf fon Selia, Harro Schulze-Boysen, Arvid Harnac, Kirt Schumacher và Johannes Graudenes sẽ được thi hành bằng cách treo cổ. Những bản án tử hình khác được thi hành bằng máy chém.
…
Đã ký: Adolf Hitler.
Tổng tham mưu trưởng bộ chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang: Keitel”.
Theo đúng bản án của toà án quân sự đế chế và sắc lệnh của Hitler, vào hồi 20 giờ 27 phút ngày 22 tháng 12 năm 1942, Ilza Stiobe bước lên máy chém trong nhà tù Pliotsenzi.
Về phần những bạn chiến đấu của chị: “cha đỡ đầu” của chị là Rudolf Herrnstadt thì cho đến năm 1943, ông làm việc ở Moskva trong bộ máy của Cục Tình báo Xô Viết và Quốc tế Cộng sản. Năm 1943, ông tham gia vào việc thành lập Uỷ ban “Nước Đức tự do” và sau khi Hồng quân chiến thắng thì ông trở về Berlin. Tại Berlin, lúc đầu ông làm tổng biên tập tờ báo “Berline Saitung” rồi từ năm 1949 làm tổng biên tập tờ “Noies Doichland”. Tiếp đó, ông được bầu làm ủy viên BCHTƯ rồi ủy viên Bộ Chính trị BCHTƯ Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức. Nhưng đến ngày 26 tháng 6 năm 1953, ông bị khai trừ ra khỏi Bộ Chính trị và BCHTƯ và đến năm 1954 thì bị khai trừ khỏi Đảng. Sau đó, ông làm việc trong cơ quan lưu trữ trung uơng của Cộng hòa dân chủ Đức.
Gerhard Kegel chỉ bị theo dõi chứ không bị bắt. Ông tiếp tục hoạt động bí mật chống phát xít. Sau năm 1945, ông làm tổng biên tập tờ “Berline Saitung” và lãnh đạo nhà xuất bản, tiếp đó, trong bộ máy BCHTƯ Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, ông phụ trách những vấn đề về chính sách đối ngoại, rồi sau đó làm đại diện của cộng hòa dân chủ Đức tại LHQ với hàm đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Trong các hồi ký của mình, ông viết:
“Một trong ba người đàn ông được Ilza Stiobe cứu mạng chính là tôi, còn người phụ nữ được chị cứu mạng là Sharlotta, vợ tôi và cũng là bạn chiến đấu của tôi”.