Về con người này, người ta viết như sau: “Khó mà tìm được trong cuộc đời thực cũng như trong văn học những cuộc phiêu lưu kỳ lạ hơn những cuộc phiêu lưu mà viên sĩ quan SS này đã trải qua”. Và tiếp đấy: “Ít có bộ phim hành động nào chứa đựng nhiều những cuộc phiêu lưu như những cuộc phiêu lưu mà Scorseni đã trải qua khi thực hiện những nhiệm vụ bí mật tại nhiều nước châu Âu”.
Dĩ nhiên, Otto Scorseni đã có nhiều cuộc phiêu lưu đầy hấp dẫn. Nhưng phải nhớ rằng y là một tên phát xít thâm căn cố đế, khát máu. Chỉ cần dẫn ra ở đây những lời y phát ngôn vào năm 1960 “Nếu như Hitler còn sống thì tôi đã ở bên ông ta” là đủ hiểu y là loại người nào.
Trong những cuốn hồi ký của mình được viết sau chiến tranh, Scorseni không đề cập gì đến quãng đời của y từ năm 1908, năm y ra đời, cho đến năm 1943, khi y xuất hiện tại Tổng cục An ninh của nước Đức phát xít.
Thực ra y có nhiều điều để nói. Là người gốc Áo, nhưng ngay từ năm 1934, y đã gia nhập phong trào phát xít đòi sáp nhập Áo vào nước Đức Hitler. Trước đó vài năm, khi còn là sinh viên, y đã làm quen và kết bạn với Caltenbrune, một trong những tên đầu sỏ tương lai của nước Đức phát xít và của cơ quan tình báo phát xít. Caltenbrune về sau bị toà án Nuremberg kết án treo cổ vì những tội ác chống nhân loại. Mối quen biết đó đã đóng vai trò quyết định trong cuộc đời Scorseni. Cả hai đều là những thành viên tích cực của “Đoàn lê dương hàn lâm” trong giới sinh viên, một tổ chức chỉ kết nạp những kẻ chọn lọc chuyên truyền bá chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và những tham vọng Đại Đức.
Caltenbrune giới thiệu Scorseni với thủ lĩnh phát xít Áo là Artur Zeis-Inkvart. Năm 24 tuổi, Scorseni trở thành đảng viên Đảng Quốc xã và đến năm 1934 y gia nhập lực lượng SS. Vào giữa năm đó, ở Áo xẩy ra âm mưu đảo chính nhằm sáp nhập nước Áo vào nước Đức. Một đội sát nhân SS có cả Scorseni xông vào dinh thủ tướng Áo và bắn ông trọng thương. Nhưng âm mưu đảo chính không thành. Lực lượng SS phải rút vào bí mật. Nhưng không lâu. Năm 1938, Hitler chuẩn bị chiếm nước Áo. Trong nước Áo lại ngấm ngầm một âm mưu đảo chính mới. Những người đứng đầu âm mưu này là Caltenbrune và Artur Zeis.
Hai mươi tên SS dưới sự chỉ huy của Scorseni dễ dàng tiêu diệt đội bảo vệ và xông vào phòng làm việc của tổng thống Miclas. Ông bị bắt và bị giải đi mất tích không để lại một dấu vết nào. Tiếp đấy, thủ tướng Susnig cũng bị bắt (ông bị đưa vào trại tập trung cho đến hết chiến tranh). Hôm sau, quân đội Đức tiến vào thủ đô Vienna. Nền độc lập của Áo chấm dứt.
Ngày mồng 9 tháng 11 năm 1938, Scorseni tham gia chiến dịch bài Do Thái “Gà trống đỏ”. “Một trăm chín mươi mốt nhà thờ Do Thái bị đốt cháy, bảy mươi sáu nhà thờ Do Thái bị phá huỷ hoàn toàn, mười một ngôi nhà chung và nghĩa trang bị đốt cháy. Hai mươi nghìn người bị bắt giữ”, – đó là kết quả trong ngày hôm đó được báo cáo lên Hering. Scorseni được ban thưởng hậu hĩnh. Y được sở hữu một toà biệt thự sang trọng mà người chủ Do Thái đã biến mất.
Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, Scorseni trở thành một hạ sĩ quan khiêm nhường thuộc sư đoàn SS “Das Raykhe”. Y tiến qua Bỉ, Hà Lan, Pháp, Nam Tư. Rồi cuộc chiến tranh với Liên Xô bùng nổ. Đâu đâu, con đường y đi cũng kèm theo những vụ bắn giết và hành hình.
Năm 1943, Hitler tuyên bố tiến hành cuộc chiến tranh huỷ diệt tổng lực, cuộc chiến tranh không hạn chế. Vào quãng thời gian đó, Caltenbrune, lúc này đã trở thành tổng cục trưởng Tổng cục An ninh của nước Đức phát xít, chợt nhớ đến Otto Scorseni. Y được triệu đến Berlin. Tại đây, Caltenbrune đề nghị y làm chỉ huy trưởng một đơn vị SS có biệt danh là “Khoá đặc nhiệm Orannienburg”. Đây là trường đào tạo biệt kích, tức là đào tạo những nhóm điệp viên và nhân viên phá hoại thượng thặng. Tại đây chuyên huấn luyện những thủ pháp giết người thầm lặng, những kiểu nhẩy dù, phương pháp sử dụng thuỷ lôi và những thủ đoạn khác cần thiết cho công việc phá hoại. Tàu ngầm và máy bay tầm xa chở các học viên tốt nghiệp đến những nơi khác nhau trên thế giới. Ngoài những viên đạn tẩm thuốc độc dành cho kẻ thù, mỗi học viên tốt nghiệp trường còn nhận được một liều thuốc độc cho chính mình. Họ không có quyền đầu hàng. Một chi tiết nữa tuy nhỏ nhưng rất quan trọng: những chất độc đó được đem thử trên những tù nhân tại trại tập trung Dacsenhaoden, và Scorseni biết rõ điều đó.
Cũng vào khoảng thời gian ấy, Scorseni còn làm thêm một việc nữa. Các nhân viên của y dĩ nhiên là cần tiền – nếu không thì làm sao tuyển mộ được điệp viên? Nhưng đồng mark Đức không mua bán được ở nước ngoài, còn đồng dollar và đồng bảng Anh thì ngày càng hiếm ở trong nước. Bởi vậy, một kế hoạch làm tiền giả được hoạch định. Giám đốc trung tâm SS phụ trách việc làm tiền giả là một người bạn của Otto Scorseni – đó là Berhar, một sĩ quan SS có quá khứ tội phạm.
Đây là một kế hoạch làm tiền giả lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Mật danh của kế hoạch này là “chiến dịch Andreat”. Lúc đầu mọi nỗ lực được tập trung vào việc làm giả đồng bảng Anh. Tuy bắt đầu ngay từ năm 1940 nhưng phải hai năm rưỡi sau việc này mới thật sự sôi động, khi những tờ giấy bạc có mệnh giá năm đến năm mươi bảng Anh và thậm chí một nghìn bảng Anh đã trở nên “giống như thật”. Bỏ công sức vào việc này đương nhiên không phải là lực lượng SS mà là những họa sĩ, những thợ in, những kỹ sư và chuyên gia đầy tài năng – tất cả là 130 tù nhân của trại tập trung Dacsenhaoden. Và tất cả về sau đều bị thủ tiêu.
Scorseni rất cần tiền cho đám điệp viên của mình. Theo đề nghị của y, một bộ phận sản xuất và những chuyên gia giá trị nhất được chuyển vào lãnh địa Fridentan của y là nơi không bị ném bom. Tại đây cũng chuẩn bị làm dollar giả.
Các biến cố tiếp tục phát triển. Sau khi quân Đức thất bại ở vòng cung Curxk và quân đội Anh – Mỹ đổ bộ xuống đảo Sixin, giới cầm quyền chóp bu của Italia hiểu rằng cuộc chiến đã thất bại. Chỉ có thể cứu được Italia bằng cách lật đổ Mussolini. Ngày 25 tháng 7 năm 1943, Mussolini bị bắt khi đến gặp nhà vua để báo cáo.
Thủ tướng mới của Italia là tướng Badolio bắt đầu cuộc thương lượng chính thức với Mỹ và Anh về việc ký hoà ước. Bộ chỉ huy Mỹ – Anh yêu cầu giao nộp Mussolini, nhưng Badolio lần lữa mãi. Ông liên tục chuyển Mussolini từ nhà tù này đến nhà tù khác. Lúc đầu, Mussolini bị quản thúc trên hải phòng hạm “Pecsephone” sau khi chiếc chiến hạm này được biến thành một nhà tù nổi. Tiếp đó, y bị đưa đến quần đảo Paulnan rồi đến Santa Mardalen. Cuối cùng y bị giam giữ tại một khách sạn du lịch hẻo lánh “Campo Imperatore” nằm trong một rặng núi hiểm trở, chỉ có thể đến được theo một con đường dốc cheo leo.
Ngày 26 tháng 7 năm 1943, hôm sau ngày Mussolini bị bắt, Hitler cho gọi Scorseni đến và ra lệnh:
— Bằng bất cứ giá nào cũng phải cứu được Mussolini!
Sau vài tuần tìm kiếm, địa điểm giam giữ Mussolini đã được xác định. Phải đánh giá cho đúng sự tháo vát và nghị lực của Scorseni trong quá trình tìm kiếm này. Quả thật là những tên phát xít Italia làm việc tại cơ quan mật vụ của Mussolini trước kia đã giúp khá nhiều cho các đồng nghiệp Đức. Scorseni tuyển lựa được một trăm linh sáu kẻ tình nguyện lập thành một đội đặc nhiệm do y đứng đầu. Ngày 12 tháng 9 năm 1943, hai mươi chiếc tàu lượn chuyên dùng để đổ bộ đưa chúng vào vùng núi. Trên mỗi chiếc tàu lượn có chín tên. Hai chiếc bị lật nhào khi cất cánh và hai chiếc bị vỡ tan khi hạ cánh. Scorseni tiếp đất an toàn tại một nơi chỉ cách khách sạn chừng vài mét và cùng đội của y xông vào khách sạn. Bị đột kích bất thình lình, đội bảo vệ không kịp nổ một phát súng nào. Giám đốc khách sạn, một viên tướng Italia, kính cẩn đưa một cốc rượu cho Scorseni để tỏ ý khuất phục. Toàn bộ chiến dịch được một nhà quay phim do Scorseni đem theo ghi lại trên phim.
— Tôi đã giải phóng ngài theo lệnh của quốc trưởng – y báo cáo với Mussolini.
Chẳng bao lâu sau có một chiếc máy bay hai chỗ đến đón Mussolini. Nhưng Scorseni vẫn là người thứ ba ngồi lên máy bay. Và mặc dù máy bay bị quá tải (y cao một mét chín lăm và trọng lượng cũng tương ứng), y muốn tự mình áp tải “chiến lợi phẩm”.
Ngay tối hôm đó, đài phát thanh Đức thông báo về thành công rực rỡ của chiến dịch giải cứu Mussolini. Tên tuổi của Scorseni không được nhắc tới, nhưng chỉ hai ngày sau là bắt đầu một chiến dịch tuyên truyền ầm ỹ. Hitler và Hebbels cần có một anh hùng thực sự để nâng cao tinh thần đang sa sút của người Đức. Scorseni đích thân chở Mussolini đến tổng hành dinh của Hitler, và từ giờ phút đó một trận mưa những phần thưởng, những tặng phẩm quý và những cuộc thăng cấp rơi xuống đầu y. Đài phát thanh lớn tiếng nói về y, báo chí viết bài về y, bộ phim tài liệu ghi lại cuộc giải cứu được liên tục trình chiếu. “Liên đoàn các cô gái Đức” tâng bốc y là thần tượng của chủng tộc Đức. Y được thăng cấp thiếu tá SS, và Hitler tự tay quàng chiếc huân chương “Thập tự hiệp sĩ” vào cổ y.
Sau chiến dịch giải cứu Mussolini, Scorseni được trao một nhiệm vụ quan trọng mới là tiến hành hoạt động phá hoại ở nước ngoài. Trong tay y có hơn ba nghìn kẻ cung cấp tin, mật thám và nhân viên phá hoại. Ngoài ra, y còn nhận được một danh sách tất cả các đảng viên phát xít ở hơn 40 nước trên khắp thế giới, những kẻ sẵn sàng hỗ trợ cho mạng lưới điệp viên của y. Nhiệm vụ chủ yếu của y là tung nhân viên phá hoại vào nước Nga. Nhưng trong số mười chín nhóm phá hoại được tung vào thì mười lăm nhóm bị bắt ngay lập tức, bốn nhóm còn lại bị bắt chậm hơn một chút
Về sau, trong cuốn hồi ký của Scorseni, y đã nuối tiếc nhớ lại một trong những chiến dịch mà theo y là một chiến dịch lớn được thực hiện tại hậu phương Hồng quân. Theo lời y, vào mùa hè năm 1944, một “điệp viên nằm vùng” của y đã thông báo rằng nhiều nhóm binh sĩ Đức, tất cả tới hơn hai nghìn tên, do trung tá Serkhorn chỉ huy đang đổ về một vùng rừng rậm ở mạn bắc Minsk. Không ai rõ địa điểm chính xác, mà cũng không liên lạc được với nhóm quân này. Scorseni được bộ tổng chỉ huy Đức trao nhiệm vụ phải cùng đội đặc nhiệm của y thiết lập được liên lạc với đội quân của Serkhorn và tìm mọi cách giúp đỡ. Chiến dịch do Scorseni soạn thảo mang mật danh là “Bracone” và kéo dài từ giữa tháng 9 năm 1944 cho đến hết tháng 5 năm 1945. Để thực hiện chiến dịch này, y chuẩn bị bốn nhóm, mỗi nhóm có hai người Đức và hai người Nga. Tất cả được trang bị súng lục Nga, điện đài Nga, quân phục Nga, đồ hộp Nga, thậm chí cạo trọc đầu theo kiểu Nga và tập hút thuốc lá Nga… Trong hồi ký của mình, Scorseni kể lại là hai nhóm bị mất tích, nhưng hai nhóm còn lại đã tìm được đội quân của Serkhorn và thiết lập được liên lạc với y. “Đêm hôm sau, trung tá Serkhorn đích thân nói vài lời, những lời tuy giản dị nhưng chứa đựng biết bao tình cảm biết ơn sâu sắc kìm nén trong lòng! Đó là phần thưởng lớn nhất cho những nỗ lực và lo lắng của chúng tôi!”
Sau đó, trong suốt mùa thu, mùa đông và mùa xuân cuối năm 1944 – đầu năm 1945, đội quân của Serkhorn thường xuyên được giúp đỡ bằng mọi cách. Đội quân này liên tục di chuyển về phía Tây và đến đâu cũng được máy bay Đức thả xuống vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men, thậm chí cả trinh sát viên và thầy thuốc, không tránh khỏi những cuộc giao chiến đẫm máu với quân Nga, số người chết và bị thương tăng lên hằng ngày và tốc độ hành quân đương nhiên bị chậm lại… Nhưng đó chưa phải là nỗi lo lắng chính của chúng tôi… Mặc dù Serkhorn khẩn thiết yêu cầu nhưng số nhiên liệu bị giảm đi hằng tuần nên phải cắt bớt số lượng các chuyến bay cung cấp… Tiếp đó, nội dung các bức điện phát đi quả là một sự tra tấn ghê gớm đối với tôi… Đôi khi, chúng tôi nghe thấy những lời van nài tuyệt vọng. Tiếp đấy, sau ngày mồng 8 tháng 5, tất cả đều im lặng. Serkhorn không trả lời nữa. Chiến dịch “Bracone” kết thúc thất bại”.
Có lẽ cũng cần nói thêm rằng, ngày 28 tháng 3 năm 1945, Serkhorn nhận được một bức điện có chữ ký của tổng tham mưu trưởng quân đội Đức chúc mừng y nhân dịp y được phong hàm đại tá và được tặng thưởng huân chương “Thập tự hiệp sĩ hạng nhất”. Thật cảm động!
Nhưng cũng cần bổ sung thêm những chi tiết sau đây. Người “điệp viên nằm vùng” đã thông báo về sự tồn tại của đội quân Serkhorn là một điệp viên Xô Viết tên là Alecxandr Demianov, bí danh là “Hayne”. Serkhorn quả thật là trung tá Đức nhưng ông làm việc cho tình báo Xô Viết dưới bí danh “Subin”, và toàn bộ “đơn vị” của ông chỉ gồm vài chiến sĩ chống phát xít và nhân viên điện đài người Đức được tình báo Xô Viết tuyển mộ. Hơn nữa, người lãnh đạo vụ này là một điệp viên Xô Viết tên là Willi Fisher mà về sau trở nên nổi tiếng khắp thế giới dưới tên gọi Rudolf Abel. Còn toàn bộ chiến dịch được đặt dưới sự chỉ đạo của cục trưởng Cục 4 Bộ Nội vụ Liên Xô Sudoplatov và hai nhân viên giàu kinh nghiệm của cục này là Marclareki và Morvinov. Chiến dịch được đặt cho mật danh “Beredino” và nhằm đánh lạc hướng cơ quan tình báo Đức và tiêu hao lực lượng tình báo Đức. Trong thời gian tiến hành chiến dịch đã bắt được 22 điệp viên Đức, thu được 13 điện đài, 223 kiện hàng. Có thể nói “Bracone” bị nhấn chìm trong “Beredino”.
Cũng vào khoảng thời gian ấy, Scorseni còn bận tâm với những loại vũ khí mới như máy bay liều chết và canô liều chết. Nhiệm vụ của y không phải là giải quyết những vấn đề kỹ thuật mà là tuyển mộ những kẻ tình nguyện liều chết. Quả thật, khác với những đội thần phong của Nhật Bản, những kẻ này vẫn có cơ may sống sót là đầu hàng, nhưng cơ may này không phải bao giờ cũng xuất hiện. Trong trường huấn luyện của mình, Scorseni còn đào tạo cả những “người nhái”. Chúng bơi đến gần tàu địch và gắn mìn từ tính vào đáy tàu. Chỉ riêng trong một chiến dịch, chúng đã đánh đắm được những chiếc tàu có trọng tải ba mươi nghìn tấn.
Nhưng đó chỉ là những thành công nhất thời. Quân Đồng minh đã học được cách chiến đấu với chúng mặc dù nghề “người nhái” vẫn được” duy trì đến ngày nay. Cả những kế hoạch tiêu diệt những thành phố lớn và những trung tâm công nghiệp lớn của Liên Xô bằng những chiếc máy bay liều chết điều khiển được cũng thất bại. Tuy Scorseni có tuyển mộ được một số kẻ tình nguyện, nhưng các phương tiện kỹ thuật không cho phép thực hiện các kế hoạch này.
Ngày 20 tháng 7 năm 1944 xảy ra vụ mưu sát Hitler khi những đối thủ của Hitler định cướp chính quyền. Scorseni đã trấn áp âm mưu này bằng bản tính tàn bạo vốn có của y. Theo lệnh của Himmler, y đã cùng tiểu đoàn dưới quyền y chiếm trụ sở của bộ chỉ huy tối cao rồi ở lại đó, kết án và tàn sát trong suốt ba ngày. Một số bị trao cho những tên đao phủ Gestapo, một số khác, trong đó có Oighen Herstenmaier, chủ tịch tương lai của quốc hội Cộng hoà Liên bang Đức, thì bị quản thúc. Scorseni lại một lần nữa được Quốc trưởng khen thưởng.
Vào tháng 10 năm 1944, Scorseni đến thủ đô Budapest của Hungari. Y được trao nhiệm vụ tổ chức đảo chính ở nước này bởi vì “Quốc trưởng” Hungari là Horti có ý định ký hoà ước riêng rẽ với Đồng minh.
Ngày mồng 10 tháng 10, Scorseni tổ chức bắt cóc tư lệnh Budapest là tướng Bacan, hôm sau y tổ chức bắt cóc tư lệnh hạm đội Danupe của Hungari là Hardi, rồi đến lượt con trai của “Quốc trưởng” Horti. Scorseni cần con trai của Horti làm con tin để Horti vứt bỏ ý định chạy sang với Đồng minh. Horti con bị chăng bẫy rồi bị quấn vào một tấm thảm đưa ra khỏi nhà, tiếp đó bị chất lên xe và chở đến trại tập trung.
Hôm sau, Scorseni tổ chức tấn công dinh chính phủ. Y dẫn đầu tiểu đoàn SS xông vào trụ sở chính phủ. Y dùng súng buộc tướng Lada phải ra lệnh cho đội bảo vệ đầu hàng. Ông khuất phục nhưng lập tức cho mình một viên đạn vào đầu. Chính phủ mất lực lượng bảo vệ và bị lật đổ. Chính phủ mới tiếp tục cuộc chiến. Scorseni được thăng hàm trung tá và được Hitler thưởng huân chương “Thập tự hiệp sĩ vàng”.
Vào tháng 12 năm 1944, khi quân Đức bắt đầu cuộc phản công ở vùng Acden, Scorseni bắt tay vào việc thực hiện một chiến dịch bí mật nữa. Y thành lập một đội đặc nhiệm gồm những binh sĩ tình nguyện biết tiếng Anh. Chúng được mặc quân phục Mỹ và trang bị súng Mỹ, chia thành nhiều nhóm rồi xâm nhập vào các vùng hậu phương của quân đội Đồng minh để gieo rắc kinh hoàng và hoạt động phá hoại. Tuy nhiên, chúng bị tổn thất nặng nề. Một trăm ba mốt tên bị người Mỹ bắt được đem xử bắn, hơn một nghìn tên bị chết trong các cuộc giao chiến. Trong thời gian diễn ra chiến dịch này, những tên trong đội đặc nhiệm của Scorseni đã phạm một tội ác chiến tranh khủng khiếp. Chúng bắn chết bảy mươi mốt tù binh Mỹ không có vũ khí trong tay bởi vì mặc dù đã cải trang nhưng chúng vẫn sợ bị họ tố giác.
Quân đội Xô Viết tiếp tục tấn công. Scorseni lúc này đã là sư đoàn trưởng, y nhận được mệnh lệnh cuối cùng của Hitler là giữ vững thành phố Svet trên sông Ode. Scorseni áp dụng phương pháp duy nhất mà y biết – đó là khủng bố. Y ra lệnh treo cổ tất cả những ai nghĩ đến chuyện rút lui hoặc chạy trốn. Rất nhiều sĩ quan và binh lính Đức bị xử tử theo lệnh y. Otto Scorseni được binh lính tặng cho biệt danh “Otto chuyên treo cổ”, còn Hitler thì thưởng cho y “Cành lá sồi gắn huân chương Thập tự hiệp sĩ”.
Việc làm cuối cùng của Scorseni trong chiến tranh là kế hoạch xây dựng “Pháo đài Anpes” trong vùng núi Tiron ở Áo. Tại đây, bè lũ Hitler dự tính sẽ cố thủ để tiếp tục cuộc chiến cho đến “người cuối cùng”. Ngoài người và vũ khí, Scorseni còn nhận được vài trăm nghìn bảng Anh giả để “chi tiêu”. Nhưng mọi mưu toan tổ chức kháng cự đều vô ích. Ngày 15 tháng 5 năm 1945, Scorseni bị bắt. Nhưng cuộc đời y chưa chấm dứt tại đây. Y được sự che chở của người lãnh đạo cơ quan tình báo Mỹ là thiếu tướng William Joseph. Bất chấp vô số những bằng chứng về tội ác của Scorseni, toà án Mỹ vẫn tha bổng y. Công pháp quốc tế bị chà đạp. Tờ tạp chí Tây Đức “Quik” viết: “Cá nhỏ bị treo cổ, cá lớn được thả tự do”.
Tuy nhiên, Scorseni không chạy đâu cho thoát được cơ quan an ninh Mỹ. Y bị đưa vào trại cải huấn Damstad. Nhưng vào tháng 7 năm 1948, có ba người mặc quân phục Mỹ đến đón y và đưa y đi. Y đến Mỹ và dưới bí danh “Able” bắt đầu phục vụ cho tình báo Mỹ. Ngay từ năm 1945, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ là Donovan đã nói về y: “Một chàng trai giỏi đấy!”.
Trong một trại đặc biệt ở bang Georgia, Scorseni huấn luyện cho các đồng nghiệp Mỹ những phương pháp tung vào và sơ tán những điệp viên nhảy dù.
Năm 1950, y đến Pháp và Đức, tại đây, một vài nhà xuất bản chuẩn bị in cuốn hồi ký của y. Sau đó, y đến Italia. Tại Italia, sau khi gặp các chiến hữu của y, y thành lập một tổ chức của những tên tội phạm SS có tên là “Tổ chức những nhân vật đã từng tham gia SS” (ODESSA).
Từ Italia, y đến Tây Ban Nha, nơi mà vào lúc ấy, tên độc tài Franco đang che chở cho mười sáu nghìn tên quốc xã, trong đó có năm nghìn quan chức cao cấp của Hitler. Tại đây, Scorseni chẳng cần trốn tránh ai. Thậm chí y đến thăm một phòng trưng bày tranh ở Madrid với tấm huân chương “Thập tự hiệp sĩ” treo trên cổ. Trong một thời gian dài, Tây Ban Nha trở thành nơi nương thân của y. Y thành lập tại đây hai cơ sở cho bọn quốc xã – một ở gần Xevil, một ở trong một ngôi biệt thự hẻo lánh gần Constantin.
Những mối quan hệ chặt chẽ giữa Scorseni với Ianmar Sakht, một tên tài phiệt được toà án Nuremberg tha bổng, và tướng Gehlens, giám đốc cơ quan mật vụ Tây Đức, đã đem lại kết quả. Vào tháng 1 năm 1951, y được đưa ra khỏi danh sách những nhân vật bị cảnh sát Tây Đức theo dõi. Từ đấy, y được tự do đi lại giữa Tây Ban Nha và Đức, lúc thì mang tên thật, lúc thì mang tên giả, để che giấu càng nhiều càng tốt những phần tử quốc xã ở Tây Ban Nha.
Một trong những “chiến công” mới của y là vụ đe dọa Thủ tướng Anh Winston Churchill. Sau vụ giải cứu Mussolini, trong tay Scorseni có những tài liệu mật của Churchill, kể cả nhiều thư từ của ông ta. Năm 1951, thông qua một nhân viên của mình, y trả lại những lá thư đó cho Churchill. Nhưng Churchill phải cam kết rằng nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử và lên làm Thủ tướng thì ông ta sẽ trả tự do cho những tên tội phạm chiến tranh. Và điều đó đã xảy ra. Sau khi Đảng Bảo thủ của Churchill giành được thắng lợi, ông ta thành lập chính phủ mới và ra lệnh trả tự do cho một loạt những tên tội phạm quốc xã khét tiếng. Chẳng bao lâu sau, chúng được phép rời khỏi nhà tù.
Scorseni dành toàn bộ quãng đời về sau của y (y chết năm 1975) để chăm lo cho những tên tội phạm chiến tranh quốc xã, để tham gia những hoạt động khác nhau của cuộc “chiến tranh lạnh” và chuẩn bị cho cuộc “chiến tranh nóng”. Một lần, tại Nuremberg, y tuyên bố: “Hãy cho tôi một nghìn người và quyền tự do hành động, tôi sẽ đánh bại bất kỳ kẻ thù nào trong cuộc chiến tranh mới”.
Có giả thuyết cho rằng, vào năm 1960, cơ quan tình báo Mossad của Israel đã chiêu mộ được Scorseni và lôi kéo y tham gia chiến dịch chống Ai Cập. Theo giả thuyết này, tổng thống Ai Cập hồi đó là Naser có ý định chế tạo tên lửa riêng của nước này với sự giúp đỡ của một nhóm kỹ sư Đức, trong đó có một số nhân viên cũ của Scorseni. Dường như y đã làm tất cả những gì có thể làm được để phá vỡ kế hoạch đó của Ai Cập, tiếp đó, sau cuộc chiến tranh năm 1967, y tiếp tục giúp đỡ Israel trong cuộc đối đầu với Ai Cập.”