Peterits Kudits (tên thật là Ian Carlovic Berdin) sinh trong một gia đình cố nông vùng Klighen Riga. Chàng trai khó khăn lắm mới thi đỗ vào trường sư phạm, nơi học sinh rất ngang bướng và cậu học sinh mới đã cùng một số học sinh nổi loạn khiến trường bị đóng cửa vào tháng 10 năm 1905. Chàng trai phải quay về nhà. Chịu ảnh hưởng của người anh cả, Berdin tham gia tấn công bọn Côdắc, tấn công lâu đài tên nam tước để rồi phải trốn tránh vào rừng trong đội quân “những người anh em của sơn lâm”. Bọn Côdắc bắt được Berdin, đánh cho tơi tả bằng que thông nòng súng. Sau vụ đó Peterits thề sẽ đấu tranh đến cùng với nền quân chủ chuyên chế.
Hồi phục sau trận đòn roi, Berdin quay trở lại với “những người anh em sơn lâm”. Họ đã đập tan tòa thị chính địa phương ở Iaunpins, bắn chết tên phản động làm văn thư, tịch thu giấy tờ, thiêu hủy quán trọ và tửu quán, trưng dụng vốn liếng của bọn chủ. Trong lúc hai bên bắn nhau Peterits bị trúng ba viên đạn, một viên nằm trong hộp sọ, may không ảnh hưởng tới não, nhưng anh đã bị bắt đưa ra tòa. Với tội trạng như trên lẽ ra bị tử hình, song Peterits chưa đến tuổi thành niên nên chỉ bị phạt giam. Bốn năm sau, năm 1909, Peterits mới được thả. Khi chia tay giám ngục đã nói:
— Hy vọng nhà tù đã cho cậu một bài học đích đáng.
Song ông ta đã lầm. Peterits Kudits đã tiếp tục theo con đường mình đã chọn để trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Và rồi lại tòa án, tù giam, thậm chí cả lưu đày. Chính tại những nơi đó chàng thanh niên Peterits đã nhận thức được khoa học đấu tranh cách mạng. Cũng chính tại nơi lưu đày ở Xiberi nhà cách mạng Ian Carlovic Berdin đã ra đời, họ tên này được ghi trên các tư liệu chính trị cách mạng mà các tù nhân bolsevich đưa cho.
Từ tháng 2 năm 1917, cuộc đời Ian Berdin gắn liền với số phận không chỉ của riêng Latvia, mà còn của cả đất nước Xô Viết. Sau Cách mạng tháng Mười Ian Berdin được cử vào bộ máy chính quyền mới, là trưởng văn phòng Bộ dân ủy chính quyền tự quản địa phương, là thư ký kiêm phó ban kinh tế của Bộ dân ủy Nội vụ. Mùa hè năm 1918, Berdin đã cùng đơn vị Hồng quân đến Iaroslav để trấn áp cuộc nổi loạn của bọn xã hội cách mạng ở đó. Tháng 5 năm 1919 trong khi bảo vệ Riga chống lại quân Bạch vệ, Berdin lại bị trọng thương. Chữa trị vết thương xong Berdin về làm chính ủy sư đoàn bộ binh rồi được điều về Ban đặc trách đấu tranh chống hoạt động phản cách mạng và khủng bố của quân đoàn 15. Ngày 2 tháng 12 năm 1920 chuyển sang ban quân báo. Ngày 27 tháng 12 năm 1921 Pavel Ivanovic Berdin được bổ nhiệm làm phó ban quân báo. Tên Pavel là do ông chọn để tưởng nhớ ông nội của mình, một người lính tham gia bảo vệ Sevatstopon, khi ấy ở làng người ta thường gọi ông cụ là “anh bạn Pavel người Nga”. Berdin sớm bạc tóc nên bạn bè đồng chí gọi ông là “cụ già”, sau này trở thành biệt danh hoạt động của ông.
Cảm thấy trình độ còn non kém, Berdin đã thi vào học lớp buổi tối ở trường Đại học Tổng hợp vô sản. Thấy mình chẳng hiểu biết gì về các nước khác, Berdin với tên họ mới là Dvoreski lên đường đi thăm Berlin, Praha và Varsava.
Ngày 23 tháng 3 năm 1942, Berdin lên làm trưởng ban quân báo. Lần đầu tiên ông ở cương vị này cho đến năm 1935, sau đó được bổ nhiệm chức phó tư lệnh quân đoàn Cờ đỏ đặc nhiệm Viễn Đông, dưới sự chỉ huy của vị anh hùng thời Nội chiến, nguyên soái Vaxili Constatinovich Blukhe. Trước khi đi nhận nhiệm vụ Vorosilov đã nhận xét về ông như sau: “Berdin thực sự là một chiến sĩ bolsevich trung thành, đặc biệt khiêm tốn. Tất cả những ai đã tiếp xúc với đồng chí qua công việc đều yêu mến và tôn trọng đồng chí. Đồng chí Berdin đã hiến dâng toàn bộ sức lực, kinh nghiệm và thời gian của mình cho sự nghiệp khó khăn nhưng quang vinh nhất…”.
Tại sao Berdin lại được đánh giá cao đến vậy? Để giải đáp câu hỏi trên, cần xem lại thời gian và hoàn cảnh làm việc của Berdin khi đó, cũng như tìm hiểu cho dù là lướt qua công việc của Ban phản gián.
Thời gian từ năm 1921 đến 1937 được coi là “thời đại của những điệp viên ngầm vĩ đại”. Tiểu sử của những điệp viên được Ian Berdin đào tạo và tung vào hậu phương địch về thực chất cũng chính là tiểu sử của ông.
Sau Cách mạng tháng Mười chính quyền Xô Viết không động chạm đến mảng quân báo. Quân báo vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng trải qua nhiều tình huống bi đát – phản bội, chạy trốn, chiến sĩ không chịu thực thi nhiệm vụ. Dần dần cho tới đầu năm 1921 bộ máy mới của cơ quan phản gián đã hình thành. Quá nửa cán bộ lãnh đạo ở các vị trí chủ chốt là người Latvia, trong đó có Ian Berdin phụ trách tác chiến. Cùng với sự phát triển của hoạt động phản gián, cơ cấu của nó cũng có sự thay đổi, trách nhiệm của Berdin cũng không cố định. Ông được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo.
Đầu những năm 20 đối với hoạt động phản gián thật khó khăn do nhiều lý do: không có kinh nghiệm, thiếu cán bộ, nhưng cơ bản là thiếu tiền. Để có tiền hoạt động buộc phải buôn bán (như lông thú chẳng hạn). Khó khăn còn ở mối quan hệ giữa Ban nước ngoài của Cục Phản gián với Quốc tế cộng sản. Đã nhiều lần được chỉ thị cấm sử dụng đảng viên Đảng Cộng sản các nước vào hoạt động phản gián vì quyền lợi Liên Xô. Song việc có được những điệp viên “trời cho” không phải mất tiền ấy quả là hấp dẫn đến mức các nhà tình báo bỏ qua mọi chỉ thị và lệnh từ trên xuống.
Dù thế nào thì công việc vẫn được triển khai. Do việc hoạt động “hợp pháp” (“dưới vỏ bọc” sứ quán, đại diện thương mại, hãng buôn…) bị đối phương giám sát nghiêm ngặt, nên phải chuyển sang dựa chủ yếu vào các điệp viên ngầm.
Đức vừa là đồng minh vừa là đối tượng theo dõi của cơ quan quân báo. Từ đầu những năm”
1920, Đức quốc xã và quân báo Liên Xô thường xuyên trao đổi thông tin chủ yếu về Ba Lan (Ba Lan là đối thủ chính của cả Đức và Liên Xô) và cả về vùng bán đảo Balcan cũng như các nước châu Á. Từ năm 1925 Berdin trực tiếp điều hành việc trao đổi thông tin. Đầu những năm 1930 điệp viên Xô Viết ở Vienna đã bị bắt giam rồi được thả tự do nhờ tác động của đại tá Ferdinan fon Bredov phụ trách phản gián Đức lúc đó. Sau khi Hitler lên nắm chính quyền mọi tiếp xúc giữa hai Cục Phản gián đã phải ngừng.
Mọi quan hệ đặc biệt với Đức được sử dụng cho việc điều hành hoạt động phản gián ở các nước châu Âu khác, thậm chí cả ở Mỹ.
Điệp viên ngầm của Liên Xô hoạt động có hiệu quả ở Đức. Một trong số đó là Vladimir Fedorovich Petrov. Sau cuộc nội chiến, Petrov phải sống lưu vong và đã ổn định việc làm ở ban quân sự của sứ quán Nhật tại Berlin. Từ năm 1923 Petrov đã bắt liên lạc được với phản gián Xô Viết và cung cấp cho phía Liên Xô mọi thông tin giá trị, trong đó có việc trao đổi thư từ giữa chính phủ các nước khối Antanta, những báo cáo về kinh tế chính trị ở Đức… Giữa những năm 1920, nhân danh phản gián Nhật, Petrov đã tuyển dụng ba điệp viên: lãnh đạo quân báo Đức, điệp viên Anh Enlis và một giám đốc của “Doiche Verke”.
Đầu những năm 1930, Petrov mở rộng mạng lưới điệp viên của mình, tiếp xúc với tình báo và phản gián Đức, với Bộ Ngoại giao Đức và với giới tài chính công nghiệp ở Berlin. Nhưng ông đã tỏ ra sốt sắng quá. Vì vậy Trung ương đã nghi ngờ mối quan hệ của ông với phản gián một vài nước như Nhật, Anh, Pháp, Đức nên đã ngừng tiếp xúc với ông vào năm 1935. Năm 1937 người ta muốn phục hồi lại nhưng những cuộc trấn áp cản trở chuyện đó.
Biên chế của cơ sở tình báo ở Berlin cho tới trước năm 1928 lên tới 250 người, trong đó có Constantin Basov (Ian Abontn), chính là người góp ý tuyển dụng Richard George.
Trong hoạt động phản gián tất nhiên có thắng có bại, có được có mất. Năm 1927, cảnh sát Pháp đã phá tan cơ sở phản gián ở Pháp. Điều đáng buồn nhất là chính Gian Creme, người lãnh đạo mạng lưới điệp viên, không chỉ là đảng viên cộng sản, mà còn là Trung ương ủy viên, thậm chí ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Pháp, đã bị tổn hại thanh danh. Ông đã cùng vợ chạy được sang Liên Xô. Tuy nhiên Đảng Cộng sản Pháp cũng như phản gián Liên Xô không tránh được những tổn thất nặng nề mới. Chẳng bao lâu sau phản gián Pháp đã vạch trần hoạt động của “mạng lưới thông tin viên công nhân”. Những người này đã viết bài về tình hình ở xí nghiệp mình và gửi đăng báo “Nhân đạo”, những bài này đã được phản gián Xô Viết xử lý. Một số tình báo Xô Viết và Pháp đã bị bắt.
Công việc vẫn tiếp tục đều đều. Một điệp viên ngầm tên là Vinarov được cử sang Pháp tạo dựng mạng lưới tình báo phản gián nhằm vào Tây Ban Nha và đã tổ chức được bốn điểm thu phát tin ở Paris và Toulouse, một hình thức phù hợp với những năm chiến tranh.
ở Italia cũng có một mạng lưới điệp viên rộng lớn. Một trong số họ là Roberto Bartini. Điệp viên này đã tốt nghiệp trường đào tạo phi công, sau đó vừa theo học trường Bách khoa vừa đi làm ở xưởng sửa chữa máy bay. Do môi trường học tập và làm việc Roberto đã có quan hệ sâu rộng trong giới hàng không. Bản báo cáo tổng kết hoạt động của phản gián những năm 1923 – 1924 đặc biệt nhấn mạnh thành tích ở Italia: “… chúng tôi tiếp cận được với mọi tài liệu bảo mật nhất liên quan tới các đơn đặt hàng và mọi thực nghiệm trong lĩnh vực hàng không. Chúng tôi luôn có được những thông tin đầy đủ về tình hình máy bay, phi công với các thông số khác nhau… “
Quân báo viên ngầm tên là Lev Manevich hoạt động ở Italia với mật danh “Etienne”. Manevich tuyển dụng được nhiều điệp viên giỏi, thành lập cơ sở và gửi về Trung Tâm chủ yếu là những thông tin về kỹ thuật quân sự – các bản vẽ và biên bản thử nghiệm các loại máy bay ném bom, máy bay tiêm kích, tàu ngầm mới, loại đại bác 37mm, thiết bị điều khiển hỏa lực pháo đặt trên tàu chiến, về các khí cụ cho phép thực hiện các chuyến bay đêm, về việc điều khiển máy bay và về các chuyến bay của binh đoàn không quân theo đội hình và trong sương mù. Manevich cũng đã ở Tây Ban Nha và mang về từ đó báo cáo cụ thể về không quân của tướng Franco cũng như mẫu mới nhất của máy bay tiêm kích “Messersmit”. Ngày 5 tháng 12 năm 1936, Manevich bị bắt giam do bị phản bội. Ông mất ở trại tập trung của Đức ngày 9 tháng 5 năm 1945.
Trước năm 1925 quân báo Xô Viết có được những thông tin về Mỹ chỉ qua báo chí và một số tư liệu do các cơ sở phản gián ở châu Âu ngẫu nhiên có được và gửi về. Năm 1925 điệp viên ngầm đầu tiên của quân báo đã được tung sang Mỹ. Đó là điệp viên Vladimir Bogdanovich Carlot, tên thật là Verner Racov nhưng vào Mỹ với tên Kark Felic Wolf. Vốn là ng¬ười vùng Kurlandia, xuất thân gia đình gốc Đức Wolf đã được ăn học ở Đức. Năm 1914, Wolf cùng gia đình về Nga, nhưng đầu Thế chiến thứ nhất đã bị quản thúc. Sau cuộc cách mạng tháng hai ông tích cực tham gia công việc cách mạng, thành lập tổ chức tù binh quân sự lớn nhất ở Xiberi, bản thân ông đã bị thương trong chiến đấu với bọn nổi loạn người Tiệp. Sau cuộc cách mạng ở Đức, ông được tung vào nước này tham gia vào đại hội trù bị của Đảng Cộng sản Đức, tham gia vào việc thành lập nước cộng hòa Xô Viết Bremen cho dù nước cộng hòa này tồn tại không được lâu. Sau đó ông là cơ sở cho quân báo Xô Viết ở vùng Bắc nước Đức và ở Vienna. ở đây ông đã phụ trách đào tạo mạng lưới điệp viên cho vùng Balcan. Năm 1923 Wolf phụ trách bộ máy phản gián của Đảng Cộng sản Đức. Chỉ trong một thời gian ngắn ông đã củng cố thành một tổ chức vững mạnh. Sau này trong suốt nhiều năm đó là nguồn điệp viên cho quân báo Xô Viết. Sau khi cuộc cách mạng ở Đức bị đè bẹp, Wolf được triệu về Moskva để rồi không bao lâu sau được phái sang Mỹ. Là thực tập sinh về triết học và xã hội ở trường Đại học Tổng hợp Côlômbia nên Wolf có điều kiện giao thiệp rộng rãi với cánh tả. Từ đó ông đã tìm được những người thích hợp để sau đó tuyển dụng cho phản gián Xô Viết. Và thật kinh ngạc chỉ trong hơn một năm ông đã tạo dựng được cơ sở tình báo tuy không lớn nhưng tài năng hoàn toàn có thể nắm vững được những thành tựu mới nhất thuộc các lĩnh vực hàng không, lực lượng hải quân và hóa học trong quân sự.
Năm 1924, đích thân Vorosilov và Berdin huấn thị điệp viên Lev Triemen trước lúc điệp viên này ra nước ngoài. Lev Triemen vừa là một nhà khoa học vừa là nhạc công. Năm 1921, ông đã làm ra một nhạc cụ điện tử “Triemenvocs” mang tên ông. Từ năm 1928 Triemen mang nhạc cụ “Triemenvocs” đi biểu diễn ở châu Âu, ở Mỹ và được hoan nghênh nhiệt liệt. Mỹ đã cho phép Triemen thành lập hãng điện tử sản xuất nhạc cụ hàng loạt. Nhưng tất cả những cái đó chỉ là “mặt trên của tảng băng”. Khó có thể đánh giá hết giá trị của những thông tin do Triemen cung cấp, chỉ tiếc là đã không được sử dụng đúng tầm của nó. Cũng cần nói thêm rằng trong số những người Triemen tiếp cận và có quan hệ đã có những nhân vật tầm cỡ như tướng Eisenhower (sau này là tổng thống thứ 34 của Mỹ), nhà bác học Einstein, Grofs (sau này là quân hàm tướng, phụ trách dự án nguyên tử “Manhattan”) Triemen đã tham gia cùng họ lập ra hệ thống bảo vệ công nghiệp quân sự có một không hai, điều chỉnh liên lạc bằng điện thoại giữa Mỹ với châu Âu và các vùng khác. Ông còn nắm vững tiềm năng quân sự của Mỹ và các dự thảo chiến lược trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Thế nhưng cuối năm 1938 khi về đến Liên Xô Triemen lại bị bắt và tuyên án 8 năm tù giam.
Quân báo hoạt động cả ở Thổ Nhĩ Kỳ, lúc đầu dựa vào các đảng viên cộng sản Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí cả vào các sĩ quan Bạch vệ để giành lấy chính quyền ở Constantinopon và thành lập ở Thổ Nhĩ Kỳ một nước cộng hòa Xô Viết. Ban quân báo còn mở rộng mạng lưới điệp viên ra nhiều phân nhánh (chỉ ở Trapadund đã có tới 200 điệp viên). Song sau thất bại của vụ đảo chính quân sự, Ban quân báo chỉ còn hoạt động bình thường. Đặc biệt các khuôn mặt sáng giá ở cơ sở Ancara đã không còn nữa trừ S.Aralov, cựu lãnh đạo cơ sở. Tuy nhiên Ban quân báo vẫn giữ được quân số tương đối bảo đảm cho việc cải thiện mối quan hệ Liên Xô-Thổ Nhĩ Kỳ. Theo lời mời của phía Thổ Nhĩ Kỳ, bộ trưởng quốc phòng Liên Xô Vorosilov cũng đã sang thăm chính thức đất nước này, một sự kiện chính trị đáng chú ý thời kỳ đó.
Đối tượng được quân báo Xô Viết đặc biệt lưu ý những năm 1920-1930 là Trung Quốc. Tình hình ở đó những năm ấy rất phức tạp và không ổn định: thù trong – cuộc nội chiến giữa các tướng lĩnh quân phiệt, giữa các đảng phái; giặc ngoài – Nhật, Anh, Mỹ can thiệp. Ban ngoại gián thuộc Bộ dân ủy tập trung sinh lực chống Nhật và bọn Bạch vệ ở Cáp Nhĩ Tân, còn Ban quân báo do Berdin lãnh đạo hoạt động chủ yếu ở Thượng Hải, trợ giúp cho quân đội Trung Quốc tham gia vào việc thành lập “các vùng Xô Viết” ở nước này.
Chính tại Thượng Hải này hai điệp viên ngầm Richard George và Ursula Cutrinxki (Rut Verner), những điệp viên được Berdin “đỡ đầu”, đã bắt đầu cuộc đời hoạt động phản gián của mình. Bên cạnh họ còn có rất nhiều điệp viên ngầm ở các cơ sở khác nữa.
Cuối năm 1932, Ian Berdin nhận được tin về mưu đồ Nhật muốn tách tỉnh Tân Cương ra khỏi Trung Quốc. Tân Cương có vai trò quan trọng đối với Liên Xô: tỉnh giáp giới với Kazastan, dân cư theo đạo Hồi. Trong khi “phía trên cấp cao” thỏa thuận về biện pháp thì ở Tân Cương đã nổi dậy dưới sự lãnh đạo của tướng Mã Dung, người địa phương. Ian Berdin đã đề nghị trấn áp và được Stalin chấp thuận. Trung đoàn 13 của Bộ dân ủy nội vụ được bố trí đóng quân ở Anma Ata đã ăn mặc quần áo dân sự và cất hết giấy tờ rồi đột nhập Tân Cương với tư cách “quân tình nguyện Antai”. Quân nổi loạn của tướng Mã đã bị đập tan một cách dễ dàng. Sau đó một nhóm quân báo đã được phái tới Tân Cương để củng cố chiến thắng. Họ đã giúp chính quyền hợp pháp của địa phương thành lập quân đội chính quy và ổn định lại trật tự.
Tuy nhiên đội quân báo của Berdin không chỉ gặt hái thắng lợi mà còn bị những tổn thất nặng nề.
Vào cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930, sau hàng loạt thất bại và tổn thất, mạng lưới điệp viên ngầm của quân báo thực sự bị xóa sổ ở các nước Rumani, Latvia, Pháp, Phần Lan, Estoni, Italia và chỉ còn tồn tại ở Đức, Ba Lan, Trung Quốc và Mãn Châu thuộc Trung Quốc. Tổn thất quá nhiều và những chuyện ầm ĩ quanh vấn đề này trên báo chí nước ngoài đã khiến Stalin cũng để ý. Ngày 29 tháng 3 năm 1934 ông đã phát biểu “Bàn về chiến cục ở nước ngoài về gián điệp Xô Viết” tại phiên họp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản bolsevich. Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ tìm hiểu nguyên nhân tổn thất cho phòng đặc trách của Bộ dân ủy. Kết luận điều tra thật buồn và bi thảm đối với Berdin: “Quá trình tìm hiểu xem xét nguyên nhân các thất bại dẫn tới tổn thất nặng nề, xóa sổ các cơ sở lớn nhất cho thấy đó là hậu quả của việc để lọt bọn phản bội trà trộn vào, việc tuyển chọn điệp viên nước ngoài có quá khứ và các mối quan hệ đáng ngờ, việc không tuân thủ nguyên tắc bảo mật, lãnh đạo không chặt chẽ của chính Ban 4 thuộc Bộ tham mưu tạo điều kiện cho việc để lọt vào một số lớn các thông tin không xác thực làm chúng ta mất hướng”. Tất cả mọi nguyên nhân nêu ra đều được xác định bằng những sự kiện thực tế.
Sau khi đọc báo cáo Stalin quyết định xem xét lại vấn đề một lần nữa ở Bộ Chính trị vào ngày 26 tháng 5 năm 1934. Và ngày này có thể coi là bắt đầu ngày tàn của Berdin.
Artuzov, điệp viên lão luyện của ngoại gián, đã được chuyển từ Bộ dân ủy sang làm phó ban quân báo. Ông “đem theo” gần ba mươi điệp viên để phụ trách các tiểu ban.
Không bao lâu sau vào tháng 2 năm 1935 lại xảy ra một tổn thất trầm trọng nhất ở Đan Mạch. Bốn điệp viên có trọng trách của phản gián Trung ương đã bị bắt tại cơ sở mật mà họ tới đây lại không phải vì công việc: ba trong số họ rẽ qua cơ sở chỉ để thăm bạn bè. Trong báo cáo về vụ việc trên Artuzov đã nhận định: “Rõ ràng là thói quen đi lại thăm hỏi bạn bè như ở quê nhà ở đây khó có thể bài trừ”.
Tổn thất này ở Copenhago được gọi là “hội thảo các điệp viên”, đã chấm dứt con đường công danh của Berdin ở bên quân báo. Ông đã xin từ chức và được Stalin chấp thuận. Thay thế ông là quân đoàn trưởng Uriski, còn Berdin được cử tới Viễn Đông “lưu đày trong danh dự”.
Tới Khabarovsk ông lập tức bắt tay vào nhiệm vụ ở vị trí trợ lý cho Blukhe, người mà ông học tập được rất nhiều chỉ trong vài tháng ở Viễn Đông. Blukhe truyền cho Berdin không chỉ tri thức quân sự mà cả kinh nghiệm thời ông làm cố vấn ở Trung Quốc với bí danh Galin. Những kinh nghiệm đó rất bổ ích cho Berdin sau này.
Ngày 18 tháng 7 năm 1936 ở Tây Ban Nha xa xôi trong bản tin thời tiết đã nhắc đi nhắc lại ba lần câu “Trên toàn đất nước trời không mây”. Đó chính là tín hiệu cho vụ nổi loạn của bọn phát xít. Quân đội dưới sự lãnh đạo của tướng Franco đã nổi dậy chống lại chế độ cộng hòa, chống lại chính phủ hợp pháp của Mặt trận dân tộc. Để chống lại, khắp thế giới dấy lên một phong trào bảo vệ nước cộng hòa Tây Ban Nha. Trong hai tháng 10 và 11 năm 1936 đã hình thành những đội quân quốc tế thu hút hơn ba mươi lăm ngàn chiến sĩ từ 54 nước, đủ quốc tịch Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Do Thái, Hungari, Ba Lan… Liên Xô không đứng ngoài cuộc và cũng đã cử tới Tây Ban Nha những người tình nguyện của mình – những phi công, chiến sĩ xe tăng, bộ binh và các điệp viên.
Tháng 8 năm 1936, Berdin nhận được lệnh triệu hồi gấp về Moskva và ở đây ông đã nhận được điều mình mơ ước ngay từ lúc mới xảy ra vụ nổi loạn: sang Tây Ban Nha làm trưởng cố vấn quân sự. Ông đã thầm cảm ơn Blukhe về mọi câu chuyện kể trước đây.
Chỉ sau đó vài ngày tướng Grisin (tên mới của Ian Berdin) đã lên đường đi châu Âu trên con tàu Moskva-Paris.
Vừa tới nơi Berdin đã bắt tay ngay vào việc, tạo mối quan hệ rất tốt trong công việc với thủ tướng Largo Cabalero, bộ trưởng quốc phòng và các nhà lãnh đạo khác trong chính phủ và quân
đội. Nhóm cố vấn quân sự Xô Viết do ông lãnh đạo đều có tên tuổi là các nguyên soái và tướng lĩnh tương lai, các Anh hùng của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại sau này như Malinovski, Meretscov, Voronov, Cuznexov, Rodinsev, Batov, Conpacri… Công lao cơ bản của tướng Grisin – Berdin, cố vấn quân sự Liên Xô tại Tây Ban Nha đối với đất nước này là ở chỗ nhờ ý chí, sự kiên trì khéo léo của ông mà vào tháng 11 năm 1936 quân đội Cộng hòa Tây Ban Nha với sự trợ giúp của các đội quân quốc tế đã đánh bại sự tấn công của quân Franco giữ vững Madrid mà số phận lúc đó đã treo trên sợi tóc, thậm chí Franco còn đã ấn định sẽ duyệt binh tại một trong những quảng trường trung tâm thành phố vào ngày 7 tháng 11.
Mùa xuân năm 1937, Berdin bị triệu hồi đột ngột. Vào thời kỳ lộn xộn dữ dội đó, những lệnh triệu hồi bất ngờ ấy chỉ có nghĩa hoặc là bắt giam hoặc là cái chết. Nhưng với Berdin mọi việc lại thật bất ngờ đúng với nghĩa của nó: Ông được tặng thưởng Huân chương Lenin, thăng hàm tướng và thăng chức trưởng ban. Đó là do trước hôm ông nhận thưởng Stalin đã có bài phát biểu tại phiên họp mở rộng của Hội đồng quân sự Bộ Quốc phòng, trong đó Stalin nhấn mạnh “Chúng ta đã đánh tan bọn tư sản ở mọi lĩnh vực, duy trong lĩnh vực tình báo chúng ta lại bị đánh tơi tả như bọn trẻ vậy. Đó chính là điểm yếu của chúng ta. Chúng ta đã không có được mảng phản gián, mảng tình báo thực sự… Nhiệm vụ của chúng ta là phải vực nó dậy. Đó là cặp mắt, là đôi tai của chúng ta.
Ngày 3 tháng 6 năm 1937, Berdin tiếp nhận bàn giao của cựu trưởng ban Uriski và lại ngồi vào phòng làm việc của mình. Song lần “lên ngôi” thứ hai này của ông kéo dài không lâu. Ông chưa kịp làm gì mà lại phải “chủ tọa” ngồi nhìn những điệp viên xuất sắc của mình lần lượt bị diệt trừ. Ông buộc phải phát biểu tại các cuộc họp Đảng và phiên họp của chi ủy gọi những người đồng chí cùng sát cánh hoạt động bao nhiêu năm, nhưng bây giờ đã bị các cơ quan của Bộ dân ủy nội vụ bắt giam coi là “kẻ thù của nhân dân”, là bọn gián điệp và những tên khủng bố. Ông đã nghĩ gì vào những giây phút nặng nề đó? Liệu ông có tin họ thực sự là kẻ thù đã khôn khéo biết che đậy bấy lâu không? Có thể đúng là mọi tổn thất trước nay là do sự phản bội của họ không? Hay ông đã không tin và có băn khoăn thắc mắc tại sao bỗng chốc người ta lại bắt tay vào việc tiêu diệt những Con người trung thực, trung thành với đất nước và sự nghiệp vậy? Ngay tới bây giờ cũng không ai biết được những suy nghĩ của ông.
Ngày 19 tháng 8 năm 1937, tại cuộc họp những cán bộ cốt cán của Đảng mọi người đã được thông báo rằng “Trưởng ban phản gián Berdin đã bị cách chức cách đây 15 hôm vì liên quan tới những kẻ thù nhân dân đã bị bắt giam là Niconov, Volin, Stenmac”.
Kẻ thù nhân dân” tiếp tục bị đưa ra ánh sáng và đội ngũ Ban phản gián theo đó cũng ngày càng giảm đi. Về những vụ bắt giam họ đã được tuyên bố tại các cuộc họp ngày 7 tháng 9, ngày 15 tháng 10 và ngày 15 tháng 11. Cuối cùng chi ủy đã tuyên đọc thêm một danh sách hai mươi hai người bị bắt giam nữa. Danh sách không chỉ theo vần, mà còn theo chức vụ và đứng đầu danh sách là Ian Carlovic Berdin.
Không thể xác định chính xác con số những cán bộ bị bắt giam của Ban phản gián vì rất nhiều người bị bắt với tư cách dân thường, bởi họ đã bị thải hồi từ trước đó vài tháng. Chỉ biết là cả bộ máy lãnh đạo của Ban quân báo và tất cả các trưởng ban đều bị tiêu diệt. Việc trấn áp thanh lọc vẫn tiếp tục cả năm 1938, chỉ trong hai năm cả bộ máy lãnh đạo giỏi giang dày kinh nghiệm của Ban quân báo đã bị xoá sổ hoàn toàn.
Ngày 29 tháng 7 năm 1938, Ian Berdin đã bị xử bắn. Mãi nhiều năm sau ông mới được minh oan.
Về Ian Berdin đã có một huyền thoại được viết lại trong cuốn “Lịch sử phản gián thế giới” của hai nhà nghiên cứu người Pháp R. Faligo và R. Coffere: “Ông đã bị bắt giam bị tuyên án “phản cách mạng” và bị xử bắn ngày 29 tháng 7 năm 1938. Nhưng năm 1984, chúng tôi lại có được chứng cớ là ông vẫn còn sống. Dưới cái tên Vaxia, Berdin vẫn tiếp tục hoạt động bí mật cho tới những năm 1960. Cho tới hôm nay thì những thông tin bổ sung khẳng định luận thuyết trên không có. “Và cho dù đó là huyền thoại nhưng ta vẫn muốn tin.”