Những ngày cận Tết này, ai bận thì rất bận, ai rảnh thì cũng rất rảnh. Chẳng hạn như nhà Mai thì nương, ngũ cô và Cúc tỷ bận rộn may vá, làm bánh mứt, lau dọn đồ đạc trong nhà. An ca thì từ hôm ở Trấn Giang về càng bận rộn hơn, một mình chạy tới lui mua bán. Ca ấy có thể tự mình đến nhà Tiêu Ân thúc trao đổi hàng rồi đem về quán bán. Có ngày ca ấy rủ theo Vĩnh ca chèo ghe ra làng chài bán hàng Tết luôn. Thất thúc ngoài kia cũng phụ một tay vác đồ, khiêng hàng. Mấy ngày cận Tết đúng là làm mua bán mệt xỉu.
Trong khi cha và Bình ca thì không làm ở xưởng nên rảnh rỗi. Mai thấy vậy thì xin cha đắp bờ, khoanh cho cô một chỗ đất tốt.
– Con muốn làm gì? Trong vườn không còn chỗ trồng cây sao?
– Không phải cha, con xin ông ngoại ít lúa giống miệt trong. Con tính thử trồng chung lúa ở đây, có thể tạo ra lúa tốt hơn.
Cha hơi giật mình rồi rất nhanh chóng gật đầu, kêu Bình ca ra phụ. Ha ha, chỉ cần nói ông ngoại đồng ý rồi thì cha làm sao dám lắc đầu!
Chỗ đất cha chọn cỡ hai công, cha đắp bờ lớn và cao hơn đất ruộng ngoài kia. Mai còn nhờ cha làm cái cống để sau này cô có thể cấp thoát nước trên ruộng theo ý muốn.
– Để cha đào mấy cây thốt nốt hay gốc dừa trồng ở góc bờ làm dấu cho con, đất cũng khỏi sạt lở.
Mai vui vẻ ôm giấy và bút ra vẽ lại khoảnh đất lên giấy. Hai công này nên phân chia như thế nào để bắt đầu lai giống lúa mới đây? Mai vừa lẩm bẩm vừa tính toán, cô không thấy ánh mắt cha đang nhìn cô vừa trầm tư vừa lo lắng. Ông nhớ lại lời cậu hai Mai nhắc nhở :”Đừng để có lời đồn đãi về a Mai nhiều quá, có thể gây bất lợi cho con bé”.
Ông hiểu ý nhạc gia và nhị cửu ca. Chuyện Mai có thiên phú về y thuật, lại thêm lần con bé quá linh trí lúc ở rừng làm cả Bùi gia và Trần gia chú ý. Nhà mình thân thế cô, không nên giao du với nhà quyền quý, chỉ mang lại thiệt thòi cho a Mai. Nhưng mà mình không thể cản con bé được, những chuyện nó làm đều vì cuộc sống người nhà, giúp đỡ người ta, làm sao ngăn lại đây? Ông sẵn lòng bảo bọc con gái cả đời, chỉ sợ mình không đủ sức, ông thường tự an ủi, “con gái út sẽ phước lớn mạng lớn, cả đời bình an.”
Bây giờ ra vào làng chài rất thuận lợi, mỗi ngày đều có hai lượt lái đò chở khách. Thất thúc đã về làng chài sau khi cúng Tổ. Đến ngày Tảo mộ, nhà cô sẽ ra đó đi với ông nội. Ngũ cô đang may gấp cho kịp quần áo của nhà nội.
Chuyện ngũ cô đã qua hơn một năm, mọi người dần quên lãng và quen với việc ngũ cô đi về từ làng chài và Đông Hồ. Bản thân ngũ cô đã thích nghi và bận rộn với cuộc sống ở đây. Mai không còn thấy cô nhìn ngó mông lung hay thở dài sầu não.
Nhưng mà cuộc sống có đôi lúc mình nghĩ chuyện đã qua thì nó đột nhiên quay trở lại.
Sáng ngày hai mươi bốn Tết, cha và mấy đứa con trai đều về làng chài cúng mả ông bà, ngũ cô cũng theo về đó. Trong nhà chỉ còn nương, Cúc tỷ và Mai đang ngồi nhà trong may vá. Trời đã xế bóng, Mai đứng dậy quơ tay chân cho đỡ mỏi thì nghe tiếng bước chân của nhiều người đi vào. Con Mực phát hiện ra người lạ sủa lên inh ỏi. Mai hơi nhíu mày, nhanh chóng bước ra cổng.
Có ba người lạ mặt xăm xăm đi vào sân, còn dòm ngó về phía xưởng gỗ và quán nhỏ đang đóng cửa. Nếu là khách đến mua ghe cũng không hiếu kỳ như thế, ánh mắt rất bất thiện. Mai nghĩ thầm trong bụng. Cô đi ra chặn hỏi:
– Xin hỏi các vị đến tìm ai?
– A, cháu gái. Cháu không nhận ra ta sao? Là con gái tứ ca hả? Vậy phải gọi ta là ngũ cô trượng đó.
– Nhanh, chúng ta vào nhà trên uống nước, đi từ hòn đến đây khát khô cổ rồi!
Mai còn lơ mơ chưa biết nhân vật ngũ cô trượng này là ai, ở hòn là ở đâu thì ba người họ đã đi vào đến hiên nhà. Cả ba lại nhìn ngó khuôn viên nhà cửa, rồi nhìn nhau có vẻ hài lòng lắm.
– Nương ơi, có khách!
Mai đành nhịn thắc mắc đi xuống nhà sau gọi nương. Cô cũng mang ấm nước lên.
– Con không biết là ai, xưng là ngũ cô …
Vừa nói tới đó, Mai à ra, nhớ rồi! Không lẽ là,… Nương cũng đoán giống cô, nhăn mày lại rồi chậm rãi đi lên nhà trên. Mai không chờ nghe chào hỏi mà đặt ấm nước lên bàn rồi chạy nhanh vào trong làng. Nếu người đó là chồng (cũ) của ngũ cô thì người đàn ông còn lại chắc là đệ đệ, còn người đàn bà đi theo là ai? Dù là ai thì ánh mắt tham lam của họ làm Mai lo lắng. Hiện trong nhà cô không có đàn ông thanh niên nào, Mai nghĩ nên có người đủ làm ba người đó ngần ngại mới được.
Lúc cô mời được người về nhà thì có vẻ cô đã đoán đúng. Nương, Cúc tỷ đứng sát nhau đang chặn ba người khách.
– Dương bá.
Nương có vẻ nhẹ nhõm khi thấy Dương ông đến cùng với Mai.
– Ừ, ba vị này là?
– Đây là Dương trưởng làng Đông Hồ. Ba vị này đến từ làng muối ở ven hòn Phụ tử ngoài kia. Là nhà chồng trước đây của ngũ muội nhà cháu. Họ nói đến thăm viếng, nhưng hôm nay phu lang đã về làng chài. Cháu không tiện đón tiếp.
Ba người kia thấy Dương ông đến thì gượng vui chào hỏi. Người đàn bà cười giả lả nói:
– Hôm nay Đinh lang cũng đi tảo mộ bên kia Tô Châu, nên đến thăm hỏi nhà Tứ ca. Lâu rồi cũng không gặp Hằng tỉ tỉ. Đinh lang rất tưởng tỷ tỷ nên muốn đến gặp mặt.
À, thì ra người này là kế thê của người đàn ông này, gọi ngũ cô là tỉ tỉ quá thân mật rồi. Mai bước lên đứng cạnh nương, chắp tay nói:
– Đa tạ các vị đến thăm. Trời cũng chiều rồi, nếu các vị không gấp về sẽ không kịp đâu.
Nghe ra ý đuổi người trong cách Mai nói. Người đàn bà liếc nhìn Đinh nhị như hối thúc. Ông ta liếc quanh sân nhà, rồi nhìn lại Dương ông nói:
– À, Lê gia và Đinh gia cũng là thân quyến, không cần tị hiềm lễ nghĩa vậy. Ta muốn ở lại chờ tứ ca về thăm hỏi, gặp mặt.
– Ta nghĩ hôm khác các vị đến sẽ tốt hơn. Ta nói a, làm người giữ lễ nghĩa mới đáng trọng. Trời xế bóng rồi.
Dương ông không nhanh không chậm nói làm ba người kia không còn cách nào đành miễn cưỡng cáo từ. Mai mời Dương ông vào nhà trên uống nước. Ông không gật không lắc chỉ đứng chờ ba người khách không mời kia quay ghe đi mới nói:
– Không cần khách sáo đâu. Ở đây hơi ít nhà. Qua năm chắc có thêm vài nhà đến, ta sẽ hỏi xem họ có muốn đến đây không.
– Dạ.
Ông không vào nhà mà quay ra đi về. Đúng là trong nhà chỉ còn đàn bà con gái, ông không nên ở lâu. Trên đường về, ông không khỏi nhíu mày nghĩ đến cảnh khi nãy. Chuyện Lê ngũ nương ông cũng có biết. Đinh gia kia đúng là không nhân hậu, thấy cảnh nhà Lê tứ ngày nay khấm khá nên muốn quay lại làm thân sao?
A, lòng người cũng không phải khó dò lắm! Tiền tài luôn thu hút lòng tham!
Mai tiễn Dương ông một đoạn, lúc thấy ông đi đến gần quán Lưu tam bá mẫu bên kia thì có người đi ra nói chuyện. Xem ra chuyện ngũ cô lại làm đề tài cho người ta bàn tán rồi.
Trời chạng vạng thì mọi người từ làng chài về. Lúc ăn cơm nương kể lại chuyện xảy ra thì ai nấy đều bực bội. Ngũ cô buông chén cơm đứng dậy đi vào gian nhà trong. Mọi người cũng không còn vui vẻ, ăn rất nhanh rồi ai lo việc nấy.
Sáng nay Mai háo hức khui nắp vải đậy bình đậu nành đã ủ mấy tháng nay. Mùi đậu được ủ lâu lan ra nhè nhẹ, vừa có ngọt, có hơi béo và có mùi men. Mỗi bình nương chỉ chắt ra một nửa phần nước cốt. Nước đậu đục đục, ngả ánh vàng đậm chuyển nâu; không phải là màu đen như nước tương ở hiện đại.
Sau đó nương đổ thêm phần nước muối để nguội vào rồi ủ tiếp lần hai. Mai chấm một ít nước tương ở đầu đũa đưa cho nương và ngũ cô nhắm thử.
– Có mặn không nương?
– Không, không mặn, bùi bùi lạ miệng quá. Mà mùi nó cũng lạ nữa.
– Cái này ăn với cái gì Mai? Cháu nói thay nước mắm cá hả?
– Dạ phải đó cô. Chút nữa mình ăn thử với rau luộc.
A, nghĩ tới mấy món rau luộc, mướp luộc chấm với nước tương, ăn cơm nóng đã thấy thèm rồi! Mai lật đật ra vườn hái thêm mướp non, cô thích nhất là mướp non hấp cơm chấm nước tương. Trong nhà ngũ cô để riêng chậu nước tương cúng dường một bên, đợi nước lắng xuống cho trong. Phần nhà mình thì ngũ cô múc một chén để ăn sáng nay, còn lại thì cho vào bình rộng miệng.
Mùi nước tương thơm ngọt, chắc ăn sẽ rất ngon miệng “Gởi về cha nương ở làng chài ăn thử” Thị Hằng nghĩ bụng. Tối qua đến giờ mình cứ không yên, lo lắng sợ sệt. Nhưng mà tứ tẩu nói đúng, hai nhà đã đoạn tuyệt, cha nương sẽ không để mình trở về nhà đó. Nếu như trước đây mình sẽ nhắm mắt cắn răng chịu đựng, nhưng bây giờ thì ..!
Cô đưa mắt nhìn ngôi nhà, cái bếp, sân vườn, đồng ruộng, đây mới chính là nơi mình muốn sống. Ở nơi đây mình được quan tâm, làm việc mình muốn làm, có không gian riêng cho bản thân. Những ngày không khỏe, mình có thể lười biếng một chút. Thị Hằng hơi mỉm cười nghĩ chuyện a Mai hình như biết chuyện mỗi tháng phụ nữ có những ngày không khỏe. Mấy ngày đó con bé sẽ bóng gió không cho mình lội xuống nước vớt bèo, hay làm việc quá sức. Mà làm sao con bé biết được, tứ tẩu chắc chưa dạy chuyện này đâu!
Trước đây, mình nghĩ chỉ có một con đường, một cuộc sống là ở lại nhà đó. Nhưng mà mình không nhứt thiết phải làm vậy, đúng không? Mình có thể sống một mình, như a Mai hay nói. Sau này phần tiền góp trong việc nuôi gà mình sẽ dùng để mua ngôi nhà, khai hoang mảnh ruộng, trồng vườn rau, nuôi gà vịt, nuôi heo.
Như vậy là mình đủ sống rồi, mình không cần chi dùng nhiều. Biết đâu còn tích góp chút ít, mình có thể mua cho cha nương đôi giày, khúc vải. Đến cuối đời có thể để lại tiền của cho người nhà nữa! Nên như vậy, mình sẽ không về nhà đó, không bao giờ!