Mấy đứa nhỏ đi một vòng thì về lại sạp tam Mi tỷ. Mai để ý a Hậu cứ đưa tay rờ ngực áo, chắc là có mang theo ít tiền, sợ bị rớt mất đây.
Ngồi xuống một lát thì có nhóm thiếu phụ từ trong chợ đi ra. A, có người thiếp của Từ phú hộ nữa. Năm nay Từ tiểu thơ đã thành Châu thiếu phu nhơn rồi.
Những người khác cũng nhận ra người này là thiếp của Từ phú hộ. Đợi nàng đi qua thì xì xầm to nhỏ:
– Lễ thành thân hai họ Từ Châu lớn nhất vùng, chiếc ghe lớn giăng đèn kết hoa đỏ thắm. Châu gia đãi tiệc hai ngày đêm mới hết khách đó.
Hôm đó nhà Mai làm Lễ hỏi Cúc tỷ nên cô không để tâm lắm. Bây giờ nghe thiếm đó tả lại đúng là cảnh tượng rộn ràng hoan hỷ. Gương mặt tam Mi tỷ hơi trầm xuống. Mấy nhà vui thì mấy nhà buồn, chuyện đời xưa nay vẫn vậy.
Mỗi năm qua đi, cô cũng sẽ lớn dần lên, đến lúc bằng tuổi tam Mi tỷ chắc cô cũng phải lo toan việc nhà, rồi hôn sự. A, thiệt là phiền não, chẳng muốn lớn lên chút nào.
– Đi qua nãy giờ mà còn thơm ha. Ta nói a, người ta là thiếp mà không làm động móng tay, cả ngày hương phấn mỹ miều. Như chúng ta đây thì cả đời có được mấy lần son phấn.
Đúng là hương phấn vẫn còn phảng phất. Chắc là người thiếp đó dùng phấn bột, lâu tỏa hương nhưng lại rất bền. Ở hiện đại dùng nước hoa dạng khí hơi, lan tỏa nhanh nhưng cũng phai mùi nhanh.
Đúng rồi, nhà giàu có hay dùng hương phấn thơm. Nhà mình khó khăn nhưng không thể để a Cúc và lục cô xuất giá mà không trang điểm hay sửa soạn. Thiếu nữ ai mà không thích được thêm xinh đẹp thơm tho. A, mình còn chưa có quà gì để tặng hai cô nương nhà mình, giờ thì có rồi!
– A Cúc ở nhà thêu khăn áo sao?
– Dạ phải. May nhiều đồ quá, chắc qua Tết mới xong lận.
– Ừ, may đồ cưới thì phải cẩn thận, tỉ mỉ.
Nghe giọng tam Mi tỷ có vẻ rất hâm mộ. Mai hơi nhếch mép nghĩ “tỷ cũng sắp rồi mà, hâm mộ cái gì”. Chuyện Hân ca quyết liệt chờ tam Mi tỷ hai năm nay đủ thấy ca ấy si tình cỡ nào. Chắc là ca ấy còn lo lắng chuyện Tương huynh chưa thành thân nên chưa lên tiếng.
Ở chợ gần một canh giờ, chợ sắp vãn thì Lưu bá và cha lần lượt đến. Mấy đứa nhỏ thu dọn hàng rồi lên ghe về. Lúc ngồi trên ghe, a Hậu cứ nhìn Mai và tứ Mi hai ba lần, cuối cùng nhỏ giọng hỏi:
– Muội thấy người ta bán mấy chữ viết thật đẹp, sao Mai tỷ không viết để bán?
– Hả?
Ha ha, Mai bật cười hơi lớn làm a Hậu giật mình không hiểu mình nói sai cái gì.
– Trời, tỷ mới học biết vài chữ. Đâu có dễ như vậy!
Cái này là nói trúng “nỗi đau” của a Phúc. Hắn học mấy tháng rồi mà chữ biết chữ không, viết chữ thì lại chẳng ra nét gì, như còng bò. Nghe a Hậu nói, hắn mới bắt đầu dài dòng lê thê diễn giải phải học bao lâu, phải cầm bút chắc tay như thế nào thì mới viết được thư pháp như giấy trên điều.
– Ha, xem ra muốn viết được chữ còng bò như đệ không dễ nha, đệ cũng vất vả dữ lắm mà hổng ai biết chớ!
– A, …
Mọi người lại được trận cười rần rần.
Mặt a Hậu hơi đỏ lên, thì ra viết chữ không dễ như mình nghĩ. Trong làng này, chỉ có Mai tỷ được đến trường học, biết chữ.
– Sao vậy? Muội có ý nghĩ gì?
– Dạ, muội, thấy người ta viết đẹp, mà bán có tiền nữa. Mà … muội thấy khăn thêu thiếm kia bán không khó lắm. Nếu muội thêu giống vậy bán được không?
– Muội biết thêu à?
A Hậu ngượng ngùng gật đầu.
– Nương dạy muội. Nương thêu đẹp lắm, nhưng mà mắt nương không tốt nên không thể thêu được nữa.
Mai nghĩ nghĩ một hồi mới nói:
– Nếu muội có thể thêu thì cứ thêu rồi mang đến bán thôi. Muội về hỏi thiếm xem. Hoặc gởi tam Mi tỷ bán giúp cũng được.
– Được?
A Hậu quay sang hỏi tứ Mi.
– Được mà, ta sẽ xin tỷ bán giúp muội.
– Đa tạ tỷ. Muội sẽ hỏi xin nương.
Mai không nhìn rõ nương a Hậu lắm, mấy lần gặp đều thấy từ xa. Thiếm ấy là người ít lời, ít giao thiệp bên ngoài. Mấy lần buôn bán đều là cha a Hậu đi. Không nghĩ thiếm ấy dấu nghề, đúng là không nên nhìn và đánh giá người khác từ bên ngoài.
Nghề thêu không phải là hiếm, nhưng thêu đẹp thì không có nhiều người. Tính tình a Hậu nhút nhát, không khoa trương. Vậy mà cô bé tự tin mình thêu đẹp như khăn tay bán ở chợ thì chắc là đúng rồi. Mai liếc nhìn đôi bàn tay nhỏ nhắn của a Hậu. Mấy ngón tay thon thon, móng được cắt gọn gàng, sạch sẽ đúng là kiểu bàn tay khéo léo.
A Hậu chỉ có một mình, không anh chị em gì hết. Nếu muội ấy có nghề thêu thì có thể tự mưu sinh rồi. Nghề nào cũng vất vả nhọc nhằn, có thể sống là được, chê tới lui mà ngồi không mới sanh tệ. Nhà a Hậu đơn chiếc như vậy nên khó làm ruộng, phải mua gạo ăn từng tháng chắc không dư giả gì. Muội ấy đi chợ chơi hôm nay mà được cho mang theo tiền là quý lắm, ở nhà cũng được nuông chiều. Mai thấy muội ấy cũng thích mấy món đồ trong chợ, nhưng không mua, lại biết nghĩ cách kiếm tiền. Đúng là a Hậu sáng dạ, còn khéo tay nữa.
Buổi trưa ăn cơm, cha nói nhà thợ rèn qua Tết sẽ làm thử đinh nhỏ hơn. Cha nhớ ông nội có quen mấy ghe đi biển lớn, cha sẽ hỏi thăm ông nội chuyện cây gỗ làm lái. Mà cả nhà đừng nói ra ngoài chuyện cái ghe lần này. Cha đã thuần thục trong giao thiệp, ứng xử hơn nhiều rồi. Cái ghe này chuyên dùng cho thương lái chở lúa gạo, gà vịt; cỡ lớn như vậy thì đóng rất công phu. Giá bán ghe cao, sẽ ít khách mua được.
Sáng nay cha dậy từ canh tư, tự mình nấu nước pha trà chuẩn bị cúng Giỗ Tổ Nghề Mộc. Thất thúc và Bình ca lo dọn dẹp xưởng, quét bụi mạc cưa gỗ, sắp xếp lại mấy miếng gỗ lớn nhỏ cho thứ tự, ngăn nắp. Nương và ngũ cô thì lo nấu xôi đậu, luộc con gà mái và thịt heo. Đến giờ Mão thì cả nhà đã chuẩn bị xong xuôi.
Mặt trời vừa ló dạng đằng đông, cha nghiêm chỉnh đốt nhang khấn vái, rồi lần lượt đến phiên mấy đứa con trai. A Phúc ít làm việc trong xưởng cũng học theo cha lâm râm rồi vái lia lịa.
Mai làm xong mấy việc trong nhà thì ra sân trước bắt đầu tước lá mấy cây mai vàng. Cây mai vàng mới được hơn năm, chỉ cao ngang đầu Mai một chút. Sư ông nói cứ tuốt lá già của nó đi, nó sẽ ra hoa và lá non. Cây còn nhỏ thì hoa ra ít, màu vàng cũng không đậm đà như mấy cội mai già.
Nhưng mà chỉ cần vài bông nhỏ nhỏ, vàng vàng là đã thấy Xuân về, Tết đến rồi. Nếu hai cây mai này trổ bông, vậy sau Tết cô sẽ có thêm hột mai để trồng tiếp. Cứ trồng thành nhiều cây trước, rồi từ từ mình sẽ chiết lọc cây nào giống tốt.
Giấc mộng có mai viên ư! Cô cứ chăm chỉ từng ngày sẽ thành sự thực!
Hàng cây mai trắng và mai vàng ở sân chùa được sư ông chăm chút, tạo dáng. Mai không rành chuyện chơi kiểng hay bonsai, nhưng nhìn sư ông làm cô cũng bắt đầu học hỏi. Sư ông còn tự mình nặn đất làm chậu, trồng cây hoa sứ cùi vào trong. Gốc cây sứ rất to, sù sì mà thân thì ngắn ngủn, hoa chỉ vài chùm. Hương sứ bay ra ngào ngạt, làm không gian chánh điện thêm trang nghiêm thoát tục.
May mắn là có Trần sư phụ là người có học, biết các dáng thế của cây. Trần sư phụ cũng đã uốn cành tạo dáng cho hai cây sung ở sân trước lớp học. Từ ngày có Trần sư phụ, Mai thường thấy Nguyễn lão đi lại trong làng nhiều hơn trước kia. Nguyễn lão, Sư ông vẫn hay đến trường trò chuyện cùng Trần sư phụ.
Thời gian ở đây không vội vã như hiện đại, những thú vui này khiến người ta “ngộ” ra nhiều lẽ ở đời. Những người hơi lớn tuổi, luôn cần mẩn chắm chút cây cối quanh nhà, vun đất, tỉa cành, diệt sâu. Giống như hàng cây bù ngót ở nhà Dương ông và Đỗ lang y được tỉa tót thành hàng thành khối rất đẹp. Muốn nấu canh tôm bù ngót thì cứ chạy ra hái lá, vài ngày sau cây lại ra lá non; không ảnh hưởng gì cả.
Có nhà thì làm giàn trong sân cho dây mướp leo, vừa che bóng mát cho con nít chơi, vừa có trái để ăn. Mà lúc bông mướp nở vàng rộ cả giàn, nhìn cũng đẹp “lộng lẫy” lắm chứ!
Mỗi buổi chiều đàn ông trong nhà sẽ cuốc chút đất đắp gốc cây, tỉa cành; đàn bà ngồi trước cửa đương đệm hoặc may vá. Mấy đứa nhỏ thì chơi lò cò, trốn tìm hoặc rủ nhau đốt lửa nướng cá nướng khoai trên sân. Mùi hương, tiếng cười cứ thế lan tỏa trong nắng chiều, thật ấm áp thật bình dị.