Năm nay nước lên, nghe nói nhà phú hộ Từ không thuê kịp người cắt lúa. Lúc nước lên nhà họ mới cắt được một phần, hai phần còn lại chỉ có thể kéo ghe đi cắt ngọn lúa nào cao hơn thôi. Những hột lúa chín này làm thức ăn cho chim cò, rồi mọc thành lúa hoang đâu đó trên mấy chỗ đất trũng.
“Không biết có ai đặt mua ghe nữa hay không. Ở đây còn chưa nghe tin gì về chuyện thu hoạch của miệt trong. Tạm thời đóng cầm chừng một hai chiếc”. Lê tứ nghĩ tranh thủ dựng thêm gian nhà cho xong. Quan trọng hơn là cũng sửa sang nhà cửa để ra giêng làm Lễ Vu Qui cho a Cúc. Nhà cửa rộng thì thêm chỗ thoải mái cho nhà nội ngoại, đàng trai thấy cũng coi trọng con gái mình hơn.
Lễ hỏi lần này hơi vội, nhưng hai nhà đều có thành ý. Lại thêm mùa màng đã xong, mọi người trong làng đều vui vẻ nhận thêm tin vui. Không phải chỉ có nhà Lê tứ, có một nhà khác cũng đang chuẩn bị Lễ hỏi, nhà kia thì là Lễ thành thân. Năm nay nhiều gia đình cũng đến đây sanh sống, chuyện mời tân gia, cúng động thổ cũng có liên miên. Cha đã mời Dương trưởng làng, Đỗ lang y và Nguyễn bá đến tham dự. Lưu bá mẫu luôn miệng nói không nghĩ là lễ hỏi Cúc tỷ nhanh vậy. Bá mẫu đành chờ đến lễ cưới, hết thời gian ở cử mới qua phụ nương Mai một tay.
Có nhà khác chuẩn bị lễ vang dội và được chú ý nhất. Đó là Lễ Vu Qui của Từ tiểu thơ. Chuyện thất thu mùa lúa này không ảnh hưởng gì đến nhà phú hộ. Nhà bên đó đến đặt mua thêm một con heo của Nguyễn gia, biết nhà cô bán gà vịt cũng đến mua. An ca vui vẻ chọn gà, bắt vịt, trói chân thành cặp rồi cùng với Nguyễn gia chở đi giao.
Mai xin nương đi theo, cô chưa bao giờ đến nhà phú hộ Từ. Lúc nghe cô nói đến xem nhà phú hộ làm sao, nhà mình cũng có thể làm theo. Nương cười lắc đầu:
– Con đúng là, nhà người ta giàu có mấy đời. Làm sao mà so bì được. Nhà mình cứ sống an lành là nương vui rồi.
“Biết đâu được, cũng không phải là không thể bằng được” Mai nghĩ bụng. Quan trọng hơn là cô không hề muốn so sánh chuyện tiền của. Cô thật sự muốn nhìn thấy cách sắp xếp mấy gian nhà. Nghe nói dựng nhà dựng cửa đều phải xem phong thủy, phải dựa theo hướng nắng hướng gió mà bố trí. Những kiến thức này thì cô không biết. Bản vẽ sắp xếp cô đang làm là theo sự thuận tiện cho người ở thôi. Nếu mình đến nhìn xem thì cũng coi như học hỏi thêm kinh nghiệm.
Con heo nhà Nguyễn bá nuôi rất khéo, mập tròn, sạch sẽ, nặng hơn một trăm cân. Nên Nguyễn bá và Tùng huynh đi theo để khiêng nó. Ghe Nguyễn gia đi trước, ghe An ca và Mai theo sau.
Đợt vừa rồi nước lên cao gần mười ngày, mấy cây tràm đước bị ngâm nước gốc rễ nhiễm bùn, phèn nhìn xơ xác. Mặt trời còn cao, Mai kéo nón lá lụp xụp, nghiêng nghêng đầu nhìn hai bên bờ. Những ngồi nhà thấp trên gò đất cao đã nhiều hơn, mấy chiếc ghe đánh cá, giăng câu lác đác trên rạch, bóng nón lá thấp thoáng.
Lúc quẹo vào con rạch dẫn đến nhà phú hộ, hai chiếc ghe bị đám bèo trôi cản lối. Nguyễn bá dùng mái chèo vớt từng đám, quăng lên bờ. Có mấy loại tôm cá thích sống trong đám bèo giật mình nhảy tủm ra khỏi, trốn mất.
An ca chạy lên phụ một đầu đòn gánh của Tùng huynh để khiêng con heo lên trên. Mai buộc ghe xong định xách gà vịt lên thì a An nói:
– Để đó, ca chạy xuống mang lên.
Từ ngày Đỗ lang y căn dặn cô không thể làm nặng mấy năm thì gân tay mới có thể phục hồi thì ở nhà không cho cô mang vác cái gì. A, cặp gà vịt cỡ bốn năm cân cũng không nặng lắm. Mai tự biết lượng sức mình chứ.
Nghe a An nhắc, cha con Nguyễn bá đều bất giác nhìn vào cánh tay nhỏ của Mai.
– Ta khiêng được.
Tùng huynh nói với a An.
– Không sao, chỉ một đoạn thôi, dù sao cũng phải đợi cân heo xong rồi mới cân gà vịt.
Ba người khiêng được một khoảng thì có một thanh niên từ nhà phú hộ ra giúp. Thế là An ca và Tùng huynh quay lại xách hết đám gà vịt đi theo. Bến ghe này nằm trong đất của phú hộ, vậy mà mất gần một khắc mới tới được cổng sau Từ gia trang. Mai không khỏi quay nhìn một vùng đất đai rộng lớn. Chỗ mấy bờ đất cao, cây thốt nốt, cây dừa vươn lên ngút mắt. Mấy gò đất rộng thì từng nhóm cây dầu cổ thụ xanh um. Dưới ruộng trơ rơm rạ, mấy đàn chim đang líu ríu kiếm thức ăn. Mấy vũng nước đọng lại thì cá quậy đục bùn. A, cái này mà lấy gàu ra tát chắc được nhiều cá tôm lắm!
Từ ngoài cổng đã nghe tiếng xôn xao phía trong. Cổng sau Từ gia trang mở rộng, gian nhà ngoài và sân nhộn nhịp người qua lại. Nhóm đàn ông thanh niên đang dựng rạp bằng thân cây tràm và lá dừa. Cổng vào được kết thành bông lá dừa trang trí rất đẹp. Rạp dựng cũng rộng, đặt được hơn mười bàn tiệc.
Nhóm đàn bà ở phía sau gần khu bếp thì vừa làm việc vừa nói chuyện rôm rả. Nhà có việc vui nên ai nấy đều vui.
– Tam thúc ơi! Ra cân heo.
Tiếng người đàn ông gọi lớn. Từ trong gian nhà chính có một vị trung niên, râu dài ngang ngực bước ra. Nguyễn bá đặt con heo xuống, bước lên chào.
– Từ huynh, ta khiêng con heo đến.
– Đa tạ Nguyễn huynh, mời vào uống chén nước.
Nói rồi vị Từ quản gia dẫn đầu đi vào lương đình, là một gian sảnh xây dạng lục giác. Trên bàn tròn đã có sẵn bình trà và mấy chén sứ. Đồ dùng nhà phú hộ có khác, bình trà và chén được tráng men trắng, có hoa văn hình mây viền quanh thật xinh xắn.
Nguyễn bá và Từ quản gia hỏi thăm nhau vài câu, ba đứa nhỏ đi theo đứng phía sau lắng nghe mà không chen lời.
– Đây là con trai nhà Lê tứ, đến giao gà vịt.
An ca chắp tay chào Từ quản gia lúc nghe Nguyễn bá giới thiệu.
Mai định quan sát xem kiểu nhà Từ gia trang này có phù hợp với nhà mình hay không thì thấy An ca và Tùng huynh đã đi xuống sân để phụ giúp cân gà vịt. Mai nhìn cái cân đòn trên tay người thiếu niên ban nãy, theo sau là một lão bà hơi luống tuổi. Cái cân làm bằng sắt đúc khéo léo nên trơn nhẵn, cục đòn cân lớn cỡ mười cân.
Theo hướng dẫn của lão bà, người thanh niên cân từng cặp gà vịt. Tổng cộng được hai mươi bảy cân vịt và ba mươi sáu cân rưỡi gà. A An tính nhẩm rất nhanh, nhưng hắn không nói gì, chờ lão bà tính tính, đọc ra con số thì hắn mới gật đầu ý phải.
Lão bà lấy trong túi vải ra mấy xâu tiền, đếm đếm rồi giao cho a An. Thịt gà vịt tháng này còn rẻ, chỉ ba mươi văn một cân gà, hai mươi hai văn một cân vịt. Nhưng mà tiền quỹ lại tăng thêm mấy xâu, quá tốt rồi.
A, làm sao cân heo? Mai nhìn cái cân đòn chỉ cỡ mười cân đó. Chẳng lẽ giống như chuyện xưa, dẫn heo xuống ghe rồi cân như cân voi.
Trời, đúng là nghĩ không đâu, đương nhiên là không làm vậy. Người ta làm thịt heo rồi mới cân. Chính vì vậy nên Nguyễn bá mới tới đây. Bá ấy, Tùng huynh và An ca cùng giúp làm thịt heo. Mai hơi tránh ra xa. Cô xin phép Từ quản gia được ngồi ở lương đình nhỏ cách xa khu bếp.
Mai hiếu kỳ kín đáo quan sát khắp nơi. Từ gia trang bố trí các gian nhà đều quay mặt về hướng nam như thường thấy. Các gian liền nhau gần khép kín vây quanh cái sân trong rất rộng. Trong sân trước sau đều có mấy lương đình giống như chỗ cô đang đứng. Có lương đình rộng hơn, dạng bát giác, đặt được cái bàn tròn lớn, có chỗ thì đặt cái khung thêu bằng gỗ.
Gian nhà chính là dạng năm gian chính hai chái, nằm ở giữa, dãy đầu tiên được xây bằng tường gạch, mái ngói âm dương. Các gian còn lại nhỏ và thấp hơn, có hai gian cũng lợp mái ngói chắc là chỗ ở của Từ phú hộ và các vị công tử, tiểu thơ.
Mai bất giác nhìn thêm lần nữa hai gian nhà đó, giờ này Từ tiểu thơ chắc đang sửa soạn hành trang, các món đồ hồi môn sẽ mang theo. Còn Tương huynh, không biết đang làm gì. Cả ngày nay không thấy huynh ấy đâu cả.
Mấy gian phía sân sau thì lợp mái lá, vách một nửa xây gạch một nửa vừng lá, được dựng rất khéo léo, tề chỉnh.
Nhà mình chưa đủ tiền mua gạch ngói, cha đang đẽo cây gỗ làm cột, chặt lá dừa nước phơi khô để lợp. Hơn nữa Từ gia trang có gia đinh, thị nữ đông, đất đai rộng nên không ngại phô trương. Mai hay nghe người lớn nhắc lại chuyện giặc cướp nên cô luôn chú ý đề phòng. “Đợi mình tích trữ đủ tiền, sẽ khai hoang thêm ruộng đất, tạo thành cuộc đất riêng biệt như ở đây sẽ tính đến chuyện sửa sang thành nhà ngói sau”, Mai lẩm bẩm một mình.
Hơn một canh giờ sau thì Nguyễn bá cũng làm xong con heo, cân được tám mươi cân thịt, tính ra gần ba quan tiền. Đúng là nuôi heo rất có lời. Lúc về đến chỗ quẹo vào làng, ghe Nguyễn bá vẫn đi thẳng theo con rạch vào nhà Mai. Bá ấy nói:
– Nghe cha cháu nói muốn để nái mấy con heo, ta đến coi sao.
A, thì ra cha đã nói chuyện với Nguyễn bá rồi. Cô thực sự không nhớ được chút nào về cách nuôi heo nái ở hiện đại. Nhưng mà kiến thức sinh vật học cũng biết chút đỉnh, hy vọng là lúc nghe Nguyễn bá hướng dẫn sẽ nhớ thêm gì đó có ích.