Lúc về đến nhà, con Mực đánh hơi là a Báo nên chạy ra mừng rỡ quẫy đuôi. Mai ôm chụp đèn để trong buồng của mình rồi đi ra xưởng gỗ. Hùng huynh đang ở trong xưởng xem mọi người làm, cũng phụ một tay đỡ ván, cầm cưa.
– Cha con lấy chụp đèn chỗ Sùng bá rồi, trưa cha nghỉ tay một chút xem.
– Ừ. Để đó đi.
Ở nhà bếp ngũ cô và Cúc tỷ đang chọn trứng gà cho đợt ấp tiếp theo. Gà nở lần trước đã lớn, không bán ra ngoài mà chọn chục con gửi ra nhà bà nội. Nương biếu nhà Lưu bá chục con nhưng bá mẫu muốn nuôi ba chục con nên mua luôn. Còn lại mấy con nhập vào nuôi chung cả đàn trong chuồng. Bây giờ đàn gà, đàn vịt có đủ cỡ. Con lớn đẻ trứng, con gion gion chạy kiếm thức ăn , con mới nở thì thay lông tơ.
– Hùng huynh mang đến ba mươi trứng, thêm mười hai gà con gà con. Cũng may hôm trước bán được ba chục con gà con cho nhà tam Mi.
Cúc tỷ thấy Mai đi vào nói. Lúc bán gà con mấy đứa nhỏ đã chụm đầu tính toán bán giá bao nhiêu, cuối cùng là dựa vào giá mua gà con của a Báo bán ra.
– Ta chọn được hơn sáu chục trứng ấp đợt này, bây giờ đốt lò luôn.
Ngũ cô nhanh nhẹn xếp trứng vào khay, đốt lò, phun ít nước giữ độ ẩm. Rồi ngũ cô còn lấy ống tre mới gạch một gạch làm dấu. Ấp trứng gà cỡ hai mươi ngày là nở, trứng vịt là ba mươi ngày.
Mai còn nhắc khi ấp được một nửa thời gian thì đem trứng ra soi. Trứng nào không có con loại ra. Sau đó đốt lửa nóng hơn một chút, vẩy nước thường xuyên hơn. Cả nhà đều nhớ kỹ, xem số gạch trên ống tre mà làm, không để lò ấp tắt, bếp lạnh.
– Bá mẫu dặn mua hai chục con cho nhà ngoại, hai chục cho nhà nội tam Mi. Còn lại hai chục, không ai mua thì mình nuôi luôn.
Xì, Mai cười nghe ngũ cô tính, không lẽ ấp sáu chục trứng là nở được sáu chục con sao.
– Con sợ mình ấp không đủ bán, nhà ngoại tam Mi nuôi thì nhà người khác cũng muốn nuôi.
– Phải đó cô, tam bá mẫu bên kia cũng muốn nuôi, nhưng chưa muốn mua mà nói để tam bá vào rừng bắt gà con về.
Đâu có dễ dàng như vậy chứ, tay không vô rừng đi săn sao?
Cha nói hai anh em a Báo ở lại ăn cơm trưa hẳn về. Dù sao người ta cũng giúp làm từ sáng đến giờ, mồ hôi cũng không kịp lau. Đương nhiên là hai người đồng ý. Lúc ăn cơm Mai nói chuyện nhờ tìm tổ ong, rồi tiếp:
– Sắp tới sẽ có nhiều nhà trong làng muốn nuôi gà. Huynh bắt được bao nhiêu cứ mang đến nhà muội, muội sẽ bán giúp, giá giống như nhà muội mua vậy.
Hai huynh đệ vui vẻ đồng ý. A Báo cười ha ha thích chí. Ngũ cô gói theo ít muối, mực khô, đường để huynh đệ hắn mang về. Hùng huynh từ chối không được liền nhận.
Mai ôm chụp đèn, tháo lớp rơm khô bao quanh ra đặt lên bộ ván nhà trên cho cả nhà cùng xem. Để xem rõ hơn Mai kêu đóng cửa, đốt đèn rồi chụp xuống. Ánh sáng được hắt ra từ những khe hở thật lung linh.
– Giống như đèn lưu ly trong chánh điện chùa Xà Xía, nghe nói trân quý lắm, giống không?
Hân ca xuýt xoa nói, còn hướng Bình ca xác nhận.
– Hơi giống.
Cả nhà đang nói chuyện thì nghe tiếng bước chân đi vào nhà.
– Sao đóng cửa vậy? Cúc ơi!
Là nương về, hôm nay sớm vậy. Cúc tỷ đi vòng ra bếp nói:
– Nương về rồi, ở trong này, nương lên xem.
Đợi nương vào xem, mọi người lại bàn tiếp.
– Cái này mỏng hơn một chút, dày nặng quá.
– Khoét lỗ to hơn sẽ sáng hơn phải không?
– To quá gió lùa vào đèn sẽ tắt.
Mỗi người một câu, chín người mười ý.
– Đèn này giá không rẻ, nó rớt hết xuống dưới này còn dùng nữa được không?
Nương chỉ vụn sáp rơi xuống mặt ván hỏi. Đúng rồi cũng nên để ý cái này, không thể lãng phí vụn sáp.
Lúc a Vĩnh từ nhà lang y về đã bị a Phúc kéo vào buồng chỉ cái chụp đèn kể lể chuyện cả nhà bàn. Đúng là về nhà hỏi trẻ! Cũng không chờ được một lát.
Đã giữa mùa khô, nước mặn theo thuỷ triều tràn vào nhiều. Mấy con vịt gầy hơn, bộ lông không mượt mà bóng loáng nữa. Trứng vịt cũng giảm xuống. Ngũ cô lo lắng không thôi, đành phải chọn mấy con mập mạp bán ở chợ phiên vậy.
Chiều nay thấy cha nương gánh nước từ ao sen tưới cho miếng đất trồng khoai, Mai động tâm tính toán. Ao sen kín, không bị nước mặn ăn. Vậy nhà mình cũng nên đào ao sâu trữ nước ngọt vào mùa mưa.
– Ca, nhắn cha vào giúp đào ao đi. Cả nhà làm sẽ nhanh xong hơn.
– Ừ.
Việc nhắn tin ra làng chài đã nhanh hơn trước, ông nội báo là đầu tháng hai sẽ vào. Người trong làng ra ao sen gánh nước ngọt về dùng cho sinh hoạt ngày càng nhiều nhưng mực nước không xuống, chắc có mạch nước ngầm chảy vào.
– Cha, mình xin sư ông và Dương ông đào ao sen sâu hơn bảo đảm đủ nước ngọt cho cả làng xài đến mùa mưa.
– Cha cũng tính nói đó. Cha sẽ gặp Dương ông nói.
Ngày chợ phiên tiếp theo cha gặp Sùng bá để sửa lại chụp đèn và trả tiền cho cả hai mẫu làm thử. Bá ấy hẹn mấy ngày sau mang cái mới đến, còn trả lại mẫu cho cha.
– Thúc ta còn một cái ở nhà. Lê huynh cứ giữ lại.
Tháng hai đến với những ngày nắng gắt gao, chỉ có đàn cò trắng loá kiếm ăn trong nắng. Còn lại chim le le, cuốc lũi đều chui vào bụi rậm, vũng bùn trốn nắng.
Lưu tam bá dẫn con trai vào rừng đốn gỗ, đi săn. Lúc trở về hân hoan kéo theo con kỳ đà lớn. Tuy nhiên tam bá và con trai có mấy vết xướt hơi sâu ở tay, chân. Kỳ đà lớn rất mạnh mẽ, không dễ bắt được nó. Mấy nhà liên tục bắt được kỳ đà làm mọi người háo hức nghĩ sẽ còn mấy con khác trong rừng. Hôm sau hai ba nhà rủ nhau vào rừng, vừa đốn củi vừa tìm kiếm kỳ đà cầu may.
Hôm nay nương và ngũ cô chọn mấy cặp vịt đi bán ở chợ Sông Lớn. Mai không đi chợ làng mà ở nhà phụ Cúc tỷ trông coi lò ấp. Cha đi trong làng gặp Dương ông và Sùng bá xong trở về nói:
– Dương ông đồng ý vận động người trong làng vét ao sen trữ nước ngọt. Nhà Sùng ông có việc, giữa tháng đèn mới xong. Vậy cũng tốt, mình xong cái ghe năm bản này mới đi Giá Khê.
Xế chiều khi nương và ngũ cô về cùng ghe dì dượng năm, đúng là người Mai đang chờ. Bán được đèn cầy hay không phải nhờ dượng. Lúc ăn xong cơm chiều, dì giao tiền bán hàng lần trước, vui vẻ nói:
– Nương dặn muội nhắc hai sáu tháng này là a Sinh thành thân. Nhà tỷ thu xếp tham dự.
– Ừ, nhà tỷ sẽ về, còn chưa biết ai đi thôi.
Nương nhìn thoáng qua cha mới trả lời. Cha dự tính giữa tháng đào xong ao trữ nước sẽ đi Giá Khê và nhà ngoại luôn.
Thấy dì nói xong, a Phúc nôn nóng chạy đi ôm chén đèn và chụp đất nung ra khoe khoang. Mỗi người một câu kể chuyện muốn bán đèn. Dì cầm chụp đèn xem xét, đốt thử rất hứng thú.
– Ta mua trước cái này, rất tiện lợi. Định bán giá bao nhiêu?
A An lấy quyển sổ của hắn, nói cho cả nhà nghe:
– Tổ ong giá hơn nửa quan tuỳ loại lớn nhỏ, cái chụp và dĩa đựng tám mươi lăm văn, thêm công đúc đèn nữa. Mình bán một bộ gồm một chụp, dĩa và bốn cây đèn là một quan. Mua đèn thì bốn mươi văn một cây.
Hôm trước Mai đã thử đốt hết một cây đèn. Từ lúc chập tối đến đầu canh ba thì cháy hết. Nhà nông dân xài tiết kiệm giống cha nương thì cây đèn này đốt được gần ba đêm. Ngoài tiền công làm đèn, nhà Mai còn dư mật ong. Có thể bán riêng mật cho hiệu thuốc hoặc những nhà có người lớn tuổi, ốm yếu để bồi dưỡng cơ thể.
Dượng năm trầm tư suy nghĩ rồi nói:
– Tỷ phu có thể giao hết cho ta bán giá một quan hai, ta giữ hai phần lẻ còn lại là tỷ phu một quan.
Xem ra cái này có khả năng bán rất tốt nên dượng mới muốn ‘ôm’ bán độc quyền.
– Ta có thấy người ở Trấn Biên, Nam Vang dùng đèn loại này. Hình như màu trắng hơn, lớn hơn giá một quan một cặp. Trong mấy ngày lễ hội có loại màu đỏ, khắc rồng phượng, hổ hùng rất lớn cũng hơn mười quan một cặp.
Dượng đi nhiều nơi, tai nghe mắt thấy nhiều làm mọi người đều chăm chú nghe kể.
– Tỷ phu, ta có ý này. Tỷ phu chia ra nhà làm đèn, nhà làm chụp để tránh gây chú ý không tốt. Cái này không giống xưởng đóng ghe.
Đóng ghe kiếm ra tiền nhưng không phải ai cũng làm được, cần tay nghề và sự tỉ mỉ, khéo léo, còn cần nhiều sức lao động. Những nhà ít người là không khả năng làm. Còn việc đúc đèn tương đối đơn giản hơn. Mặc dù trong nhà chưa ai biết tỉ mỉ Mai làm thế nào, nhưng chỉ cần biết nguyên liệu từ sáp ong làm thử từ từ sẽ được. Dùng cách của dượng sẽ làm người có tâm làm theo chậm hơn một bước, nhà mình cũng kiếm thêm chút tiền.
Cha nương không rành buôn bán nhưng nghe dượng nhắc cũng hiểu ra.
– Dượng nói phải, ta làm theo cách này đi.
Cha ngừng một chút rồi nói:
– Để Sùng huynh chở chụp đèn đến nhà ngoại a Bình. Dượng chịu khó qua lại hai bên được không?
– Được, sao không được.
Lần này dì dượng cũng không ở lại lâu. Sáng ngày thứ hai theo cha đi gặp Sùng ông ở lò gốm. Cha kể dượng còn thương lượng là Sùng ông chỉ làm chụp này giao cho nhà ngoại, không làm cho nhà khác, còn nhờ trưởng làng đó làm chứng lăn tay trên văn tự.
Thật đúng là người làm ăn, rất lưu loát, quản thật chặt. Mấy đứa nhỏ mở to mắt nghe cha kể, đúng là mở rộng tầm mắt.
Trăng tháng hai vừa tròn thì nhà nội vào. Giống như lần gặt lúa, người lớn có sức khoẻ đều vào giúp. Cái ao được đào rất rộng, sâu gần sáu thước phía sau vườn rau. Lúc đào tới tầng nước thấp bên dưới, ông nội nếm thử nói:
– Tầng này nước lợ, làm bãi chăn vịt được.
Thế là mở rộng thêm ao nước, chia hai ao ngăn bởi bờ nhỏ. Bên rộng mà cạn là bãi chăn vịt, bên sâu hơn làm nước tưới cây và sinh hoạt.
Mấy ngày này Dương ông cũng dẫn mọi người đi vét ao sen. Nhà nào cũng có người đến làm, ba ngày đã xong. Mấy đứa nhỏ bị cảnh cáo không được đến gần ao chơi nữa, vì bây giờ ao đã sâu hơn tám thước rồi.
Ngày có nhiều người cùng đào ao, Dương ông nói chuyện đầu tháng đi nhờ người mời thầy đồ dạy chữ về làng. Tin này làm cho mọi người vừa phấn khởi vừa lo lắng hỏi han chuyện tiền học. Con học hành đỗ đạt ai chẳng muốn nhưng nghĩ đến tiền bạc hao tốn hơn mười năm không khỏi thở dài.