Khi xe hơi về đến nhà, năm Mạnh bồng Hoàn Ngọc Ẩn đam vào phòng vén áo chàng lên coi thì thấy sau lưng bị một vít rất sâu, xem tánh mạng của chàng nguy lắm. Nàng Bạch Tuyết thấy vậy nhào lại ôm Hoàn Ngọc Ẩn mà khóc òa, đó mới biết tình thương của nàng đối với Hoàn Ngọc Ẩn là thể nào.
Năm Mạnh trong cảnh ngộ nầy xúc cảm vô hạn nên khuyên dỗ nàng rằng: “Cô ba, xin cô hãy yểm lụy đặng toan tính cùng tôi phải lo cứu cấp thầy hai làm sao, chớ để lâu thì lo không kịp.”
Nàng Bạch Tuyết gạt lệ nói rằng: “Anh biết quan lương y nào tài thì hãy đi rước giùm lập tức.”
Năm Mạnh nói: “Nội Saigon nầy thiếu gì quan lương y tài, nhưng mà phải lựa ông mà rước, vì bịnh của thầy hai thì nặng lắm, giỏi trị ít nữa một tháng mới lành mạnh còn nội ngày mai đây các báo tây nam đều có đặng tin xảy ra đêm nay, bởi vậy quan lương y chữa bịnh cho thầy hai làm sao cũng rõ tại sao mà thầy bị viên đạn nầy và nếu người không kín miệng thì xảy ra việc khốn hại đó.”
Nàng Bạch Tuyết nói: “Anh nói nghe hữu lý, mà anh có biết ông nào đáng rước không?”
Năm Mạnh còn đang suy nghĩ bỗng nghe Lục Tặc nói rằng: “Anh Năm, tôi biết rồi, có ông đốc-tơ Đờ-bọt bên tây mới qua chừng mười lăm ngày rày, ông vốn là một người thân thiết với thầy hai lắm.”
Năm Mạnh nghe nói cả mừng nói rằng: “May lắm! Phải rồi! Anh có nghe thầy hai nói chuyện hôm nọ, nhưng vì đêm nay rối trí mà quên lủng. Quan lương y Đờ-bọt nầy vốn là người có thọ ân thầy hai ngày trước, vậy anh phải đi rước người lập tức.”
Nói rồi năm Mạnh liền chạy ra sân thót lên xe hơi dong ruổi. Cách chừng hai mươi phút đồng hồ sau năm Mạnh trở về và có quan lương y đi theo. Khi vào phòng quan lương y gặp mặt Hoàn Ngọc Ẩn thì lấy làm lạ nói rằng: “Ủa Hoàn Ngọc Ẩn đây mà, chàng đi du học mà về hồi nào đây tôi không hay?”
Khán nơi vít sau lưng của Hoàn Ngọc Ẩn xong rồi quan lương y liền nói: “Nặng lắm, sợ e phải chết cứu không được.”
Năm Mạnh nói: “Xin ông ráng cứu giùm thầy tôi, ở nhà nầy sẵn có đủ đồ nghề về việc mổ xẻ.”
Quan lương y nói: “Tốt lắm, nếu có đủ đồ tôi mổ lấy đạn ra và cho thuốc thử coi có lẽ trông cậy cứu được chăng?”
Quan lương y cứu cấp Hoàn Ngọc Ẩn trọn nửa giờ mới đem viên đạn ra đặng và ông ở trót đêm canh giữ Hoàn Ngọc Ẩn không rời ra một giây phút nào cả. Đúng bảy giờ sáng quan lương y thấy Hoàn Ngọc Ẩn nằm yên thì dặn dò nàng Bạch Tuyết ngồi giữ chàng đặng ông trở về nhà nghỉ trong ít giờ rồi sẽ trở qua mà thăm bịnh của chàng lại.
Qua chín giờ Hoàn Ngọc Ẩn tỉnh lại mở mắt ra thấy nàng Bạch Tuyết ngồi dựa bên giường thì cảm động không cùng, chàng tự nghĩ biết mình khỏi bị bắt đây chắc là nhờ nàng thì vui mừng không cùng. Chàng bèn nắm tay nàng siết lại một cái rất dan díu tỏ dấu cám ơn rồi hai hàng lệ tuôn rưng rưng chảy dài theo má mà nhỏ xuống nệm. Hoàn Ngọc Ẩn muốn thốt lời đa tạ ơn của nàng Bạch Tuyết nhưng mà tâm thần của chàng rối loạn vì bịnh nặng lắm nên chi kế đó chàng nhắm mắt lại mà đê mê hồn quế.
Nàng Bạch Tuyết thương chàng bao nhiêu thì trong cảnh ngộ nầy ruột càng quặn thắt. Một lát nàng rờ đầu của Hoàn Ngọc Ẩn thì nóng hầm như lửa đốt.
Mười giờ quan lương y thở lại thăm Hoàn Ngọc Ẩn và chích cho chàng một mũi thuốc thì xem thế trong mình chàng yên đặng nhiều.
Tối lại năm Mạnh lãnh phiên gác thế cho nàng Bạch Tuyết đi nghỉ vì nàng thức trọn một đêm một ngày lấy làm mệt mỏi lắm. Khuya lại vào khoảng một giờ, Hoàn Ngọc Ẩn tỉnh lại mở mắt ra thấy năm Mạnh ngồi gần bên giường thì châu mày than rằng: “Anh năm ôi! Tôi xem thế tôi chịu sự đau đớn nầy không nổi, mà trước khi tôi chết tôi muốn làm sao gặp được mặt nàng Lệ Thủy cho thỏa dạ. Vậy anh hãy đến nhà nàng tỏ thật cho nàng hay mọi điều và mời nàng đến cho tôi gặp mặt một lần sau hết.”
Năm Mạnh nghe Hoàn Ngọc Ẩn nói thì khuyên dỗ chàng rằng: “Thầy hai ôi! Thầy chớ lo sợ phải chết, quan lương y cứu thầy đây có nói với tôi rằng tuy bịnh tật nặng song cứu được chớ không sao. Xin thầy ráng chịu đau trong ít ngày nhứt là đừng nói chuyện, phải nằm nghỉ không nên day động. Tôi tưởng chẳng nên cho nàng Lệ Thủy hay vì nếu chuyện mật niệm của thầy giữ nhẹm bấy lâu mà đổ bể ra nữa chừng thì khi thầy mạnh lại rồi có phải lỡ dở đi chăng?”
Hoàn Ngọc Ẩn ráng hỏi năm Mạnh rằng: “Quan lương y nào mà đoán rằng bịnh tôi không chết?”
“Dạ thưa quan lương y Đờ-bọt là ông có quen lớn với thầy.”
“Ủa nói vậy ông cứu tôi sao?”
“Dạ phải đó.”
“Vậy thì may lắm, tôi biết ông rất tài vả lại ông với tôi vốn là thân thiết nhau lắm, anh hãy nói ông xin ông giấu nhẹm việc nầy đừng cho ai biết cả.”
“Dạ thưa tôi có lo trước rồi. Xin thầy nằm nghỉ chớ có nói chuyện nhiều sanh mệt và động đến vít ấy rất hiểm nghèo.”
Hoàn Ngọc Ẩn gặc đầu tỏ sắc vui rồi lần lần đôi mắt nhắm mắt lại, kế đó chàng cũng nằm mê như khi nãy.
*
* *
Nhắc lại khi năm Mạnh cứu Hoàn Ngọc Ẩn bồng đem ra xe và khi nàng Bạch Tuyết đi rồi thì quan chánh sở mật thám và mấy người lính chạy lại mở cửa và chạy tuốt ra đàng. Quanh chánh sở mật thám thấy xe hơi của Hoàn Ngọc Ẩn phát chạy thì nhảy lên xe của ông mà rượt theo. Chạy đặng một khúc đàng ‘điếu xì gà’ xả máy chạy mau như bay; quẹo qua đường nầy trở qua đường kia một hồi khuất dạng. Quan chánh sở mật thám không biết đâu mà tìm, mới biểu sốp-phơ cầm máy xe trở lại nhà quan lương y Rú-sen. Chừng đó quan chánh sở mật thám coi lại trên xe chẳng thấy Đỗ Hiếu Liêm thì lấy làm lạ không cùng.
Về đến nhà thầy đội tài thưa với quan chánh sở mật thám rằng: “Bẩm ông, thằng Hiệp Liệc sẩy khỏi tay mình đêm nay là tại Đỗ Hiếu Liêm không chịu bắt và lại còn tha về, tôi thấy vậy nóng lòng mới ra tay bắt nó nên bị nó đánh tôi và bắt tôi mà liệng, nếu tôi dở một chút thì bị va đầu xuống gạch bể óc chết rồi. Xin ông xét lại nếu như thầy Đỗ Hiếu Liêm đã tình nguyện làm tay trinh thám được ông yêu dùng mà dung cho Hiệp Liệc như vầy thì làm cho nó khinh khi sở mật thám mình lắm và lại còn biết dịp nào mà bắt nó được.”
Quan chánh sở mật thám nghe thầy đội Tài nói phải nên day lại hỏi Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Thầy đội cáo tội của thầy như vậy mà có thiệt cùng chăng và thầy có lời gì phản đối xin nói cho tôi nghe.”
Đỗ Hiếu Liêm đứng dậy tỏ sắc buồn và nói: “Bẩm ông lời của thầy đội nói với ông thật quả có vậy, tôi không phản đối lời gì được, tôi cũng quyết nõa tróc Hiệp Liệc trước là cầu danh sau nhờ tiền thưởng. Đêm nay tôi lập kế tưởng là sẽ bắt nó đặng, nhưng mà tôi bị nó nói những lời thấm thía vào lòng tôi nên không thế nào tôi bắt nó cho được. Ông cũng có lẽ biết tôi mang ơn Hiệp Liệc rất trọng, mấy lần cứu tôi khỏi bị thằng Thanh Long giết chết lại còn giúp tôi mà trả thù cho cha mẹ tôi. Đêm nay nó lầm mưu của tôi mới đến đây, tôi vừa muốn bắt nó thì nghe nó thuật lại mấy cái ân nặng của nó, rồi lại nó trao súng nó cho tôi mà biểu tôi muốn bắt hay là tha mặc ý. Xin ông xét lại dầu cho một đứa tiểu nhân kia nghe mấy lời của nó cũng phải hổ thầm, huống lựa là tôi là người có học thừa biết trọng nghĩa, nghe mấy lời của nó mà không đau đớn tâm trung sao? Vả lại nó khí khái lạ lùng, vào nơi hổ huyệt mà không chút chi sợ, trao súng cho tôi không toan tẩu thoát, có lẽ nào tôi có tánh khiếp nhược thừa cơ mà bắt nó, xét ra có phải là hèn hạ lắm chăng. Lại nữa ông cũng biết Hiệp Liệc tài tình đúng bực, có lẽ nào chưa phải cùn thế mà nó khoanh tay để bắt như một đứa con nít kia vậy. Đêm nay là một dịp may tôi gặp mặt nó, cạn giải hết lời khuyên nó cải tà qui chánh, nhưng mà nó không nghe, bởi vậy tôi ép lòng mà tha nó một khi đặng đền ơn ngày trước. Sau nầy tôi có bắt nó thì nó không còn nói lời gì đặng và tôi không thẹn với lương tâm của tôi. Bẩm ông, tôi có tội thật, ông định xử tôi làm sao?”
Quan chánh sở mật thám suy nghĩ một hồi rồi đi lại vỗ vai Đỗ Hiếu Liêm và nói: “Thầy an lòng, tôi nghe thầy nói mấy lời rất chánh đáng, vậy từ rày về sau xin thầy hết lòng với tôi mà trừ thằng Hiệp Liệc cho được kẻo quan trên quở trách tôi bất tài. À, còn thằng Hiệp Liệc bị tôi bắn nặng lắm sợ nó phải chết, nếu nó chết thì yên cho mình lắm. Để ngày mai tôi thông tin cho các quan lương y ở Saigon hay nếu có ai rước đi cứu cấp người bị súng bắn thì cho tôi hay ắt là sẽ tìm được Hiệp Liệc, còn muốn chắc thì tôi hứa cùng ông nào chỉ Hiệp Liệc cho tôi thì tôi thưởng một ngàn đồng bạc.”