Sáng ra Hoàn Ngọc Ẩn nói với nàng Bạch Tuyết rằng: “Anh cậy em một việc, em phải cẩn thận dè dặt mà hỏi han cho thành sự. Số là nàng lịch sự em chỉ cho anh thấy hôm qua chắc là một tay phú hộ nhưng không biết nàng có chồng hay chưa mà đi xuống ở dưới nầy một mình.”
Nàng Bạch Tuyết hớt lời và nói: “Anh hỏi làm chi, dạ hay là anh muốn cưới nàng, anh nói thiệt đi, em sẽ làm mai cho.”
“Em sao kỳ quá, không để anh nói dứt lời, hay là em tưởng anh là bợm háo sắc sao?”
“Thôi, thôi anh hãy nói cho em nghe đi.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Nầy em, số là hồi hôm nầy anh thấy nàng ấy làm gì đi nói chuyện với một người Ăng-lê đó vốn là tay giàu có lớn, anh không biết nàng là vợ hay là chi của người Ăng-lê đó, anh giận một điều là anh không nghe được. Vậy em phải đợi nàng xuống làm quen, đợi chừng nào nàng có lòng yêu và tin cậy em thì em sẽ hỏi qua việc ấy giùm cho anh.”
Nàng Bạch Tuyết ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói: “Dạ được, anh để mặc em lo liệu.”
Hoàn Ngọc Ẩn bước ra ngoài đi dạo để nàng Bạch Tuyết ở tại nhà hàng đợi nàng Lệ Thủy xuống phòng mà làm quen. Chàng đi dạo cảnh hứng gió trọn ba giờ đồng hồ mới trở về nhà hàng thì nàng Bạch Tuyết đón chàng mà thuật chuyện lại cho chàng hay rằng: “Nầy anh hai, nàng quốc sắc nầy vui vẻ tử tế quá, em đợi nàng xuống phòng bước lại chào hỏi, nàng thấy em biết nói tiếng Annam thì hỏi em biết tiếng Quảng Đông không, em phân rằng em có ở bên tàu lâu và nói tiếng ấy khá lắm, chừng câu chuyện bằng tiếng Quảng Đông ráp lại tâm đầu ý hiệp lắm. Thấy nàng vui vẻ và thật tình, em bương lời hỏi nàng có chồng chưa và người tây nào nói chuyện với nàng hôm qua thì nàng cho hay rằng người tây ấy là người Hồng Mao, con của một người hùn hiệp với cha nàng lập nhà ngân hàng tại Hồng Kông. Nàng vốn là bạn thuở nhỏ hay chơi với người ấy cho đến mười sáu tuổi, người Hồng Mao nầy đến Saigon là có ý tìm nàng tính việc vầy duyên tơ tóc song nàng không ưng là vì nàng đã hứa hôn với một người Annam.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe nàng Bạch Tuyết nói đến đây thì giựt mình áy náy nên hỏi rằng: “Vậy chớ nàng có nói nàng hứa hôn với ai không?”
Nàng Bạch Tuyết ngó xéo Hoàn Ngọc Ẩn và nói: “Với anh chớ với ai?”
Ngọc Ẩn trông vào nét mặt của Bạch Tuyết thì ngụ ý chi, nên đổi vẻ uy nghiêm và nói: “Em đừng có nói giỡn anh không chịu đâu, hãy nói thật anh nghe thử nào?”
Nàng Bạch Tuyết cười xòa và nói: “Anh sao khéo làm bộ không hiếu sắc, cha … thấy nàng khoái như chết mà …”
Ngọc Ẩn nói: “Mà gì? Em chớ có nói chơi vô ích, không muốn nói thật cho anh nghe thì thôi anh không cần.”
Nàng Bạch Tuyết nói thầm rằng: “Anh nầy lạ thật, nói chơi mà ảnh làm mặt giận. Ờ … hay là anh riêng thương ta mà thôi, nói trái ảnh không chịu. Nếu vậy thì hạnh phúc cho ta là dường nào, dầu cho ta nằm gai nếm mật mấy năm trời, ôm ấp tình riêng trong bụng cũng vui lòng. Mừng thay! Sông Ngân có thuở bắt cầu Ô-thước, chén đắng cay sau trở ngọt bùi, non sầu biển thảm có ngày xô lấp đặng.”
Nàng Bạch Tuyết tưởng như vậy nên má đào hóa đẹp, mày ngài nở nang, nàng cười duyên và nói: “Anh hai, em nói thử lòng anh, sao anh tỏ dấu không vừa lòng. Đây em xin tỏ thật cho anh tường, em có hỏi nàng ấy chớ người mà nàng hứa hôn là ai, nếu không phải Kim chi thì cũng là Ngọc bội giống dòng. Nàng phán rằng: Xin cô chớ hỏi đến làm chi, vì e câu ‘vô duyên đối diện bất tương phùng’ thất dạ yêu cầu mà thẹn cùng cô trăng dì gió. Em thấy nàng riêng yêu gìn tâm sự không lẽ em đem thôi tọc mạch hỏi thêm mà thẹn cùng nàng vậy.”
Ngọc Ẩn cười và nói: “Phải đa em, người không muốn tỏ thật thì thôi, hỏi ra chẳng là vô ích.”
Đây nói qua từ ngày gã Ăng-lê thanh niên nầy tên là Nhiêu-Sôn gặp mặt nàng Lệ Thủy tại Vũng tàu thì vui mừng không xiết, đêm ngày thường lựa dịp gần nàng chuyện vãn ước nguyện sao mua được lòng nàng tính cuộc trăm năm trước đặng hưởng phần ăn của nàng gần ba triệu bạc, sau được ngọc báu trên tay, thì còn chi may mắn hơn nữa. Nàng Lệ Thủy nghĩ vì tình cố giao bằng hữu nên gặp mặt chàng thì vui mừng chuyện vãn, nhưng lời xe tơ kết tóc, tiếng hoa nguyệt phong tình thì nàng để ngoài tai và lắm phen ngăn trở.
Chàng Nhiêu-Sôn thấy nàng chặt dạ thì vẫn bèn lòng tìm dịp gần nàng luôn. Thường ngày gã nầy và nàng Lệ Thủy đồng đi dạo chơi, song không ai thấy Hoàn Ngọc Ẩn núp lén theo luôn. Mười hai ngày sau, thừa một đêm trời trong mây lặn, gương nga tỏ rạng. Nhiêu-Sôn mời nàng Lệ Thủy đi ra bãi biển hứng gió. Cảnh chìu người, cô Hằng ghẹo khác, đêm đã khuya mà hai người còn ngồi trên cát trắng, nhìn lằn sóng bạc dưới trăng, nhấp nhố xao động con thuyền lưới cá. Đêm một lần một khuya, cảnh một lần thêm lịch, câu chuyện canh tràng gần dứt, nàng Lệ Thủy muốn đứng dậy ra về, dè đâu cảnh giục tình, làm cho chàng Nhiêu-Sôn đổi tánh thấy vắng dạng người mới toan ôm nàng mà hôn cho thỏa dạ.
Hay đâu nàng Lệ Thủy tay chơn non nớt đâu tưởng làm gì ngăn cản được, nàng vẫy vùng vừa đuối sức, bỗng đâu Hoàn Ngọc Ẩn chạy đến kịp nắm cổ gã Nhiêu-Sôn xô nhào ngã lăn trên cát. Nhiêu-Sôn giùn mình chổi dậy tức tốc, quyết ra tay đấu sức với Ngọc Ẩn nên chuyển tay nhảy đến đánh nhầu. Ngọc Ẩn không kiêng né mặt qua tránh khỏi, tấn bộ tới và đánh vào mặt của Nhiêu-Sôn một thoi rất mạnh không sức nào chịu nổi phải té nhào chết giấc.
Hoàn Ngọc Ẩn day lại nói với nàng Lệ Thủy bằng tiếng Quảng Đôn rằng: “Nàng hãy đi về, đêm khuya thân gái liễu bồ, sao dám tin bụng trai hữu tình chuyện vãn chốn không người mà có khi phải danh phai giá rữa.”
Nàng Lệ Thủy biết mình có lỗi nên thở dài và rằng: “Lời chàng nói vốn là một lời dạy biểu đó, tôi xin khấu tạ ơn người háo nghĩa.”
Nàng Lệ Thủy nói dứt lời đoạn cúi đầu chào và trở gót đi về. Hoàn Ngọc Ẩn vừa muốn nối gót theo nàng mà đi về, bỗng có một người vỗ vai chàng và nói: “Khá khen hảo hớn là người sức mạnh và võ nghệ cao cường đánh ngã đứa súc sanh nằm dài bất tỉnh.”
Hoàn Ngọc Ẩn ngó lại thấy người Langsa quen biết với chàng khi trước thì cười bắt tay ông, chào và nói lời nhu mì mà rằng: “Tôi mà giỏi gì, ấy chẳng qua là cái sự may đó.”
Người Langsa nói: “Đây chẳng phải là yên đâu, mai mốt thằng nầy biết thầy rồi thì chi cho khỏi nài nỉ đánh gươm mà rữa hờn, thầy cũng còn nhớ ngày nọ tôi nói cho thầy nghe về tài đánh gươm của nó.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói máu anh hùng sôi sụt trong tâm nên nói: “Xin ông chớ lo sợ giùm cho tôi, nó tài thì mặc nó, tôi chẳng bao giờ biết sợ. Nếu nó khiêu khích tôi đánh gươm với nó thì tôi chẳng hề từ chối.”
“Ủa! Nói vậy thầy đánh gươm tài lắm sao?”
“Tôi không dám xưng rằng tài, nhưng tôi dám chắc cái bộ thằng nầy không thế nào đánh hơn tôi được.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói dứt lời bèn bước ra đi, người Langsa cũng nối gót theo sau, chàng đi chậm bước lại cặp kè với người Langsa và nói: “Nếu ông có quen biết với thằng khốn nầy, tôi xin ông nói lại bới nó, muốn rữa hận theo hạng người anh hùng hào kiệt thì hãy đánh gươm với tôi.”
“Úy không nên đâu, tôi xin khuyên thầy lánh y thì hay hơn, vì chẳng phải y đánh gươm giỏi hơn các tay võ nghệ Saigon nầy mà thôi, nó còn có chức vô địch ở Hồng Kông nữa. Có người lại nói rằng khi y còn ở bên Tàu mỗi lần đánh gươm với ai về cừu hận thì giết chết tại trận không một người sẩy khỏi.”
Hoàn Ngọc Ẩn cười gằn mà nói rằng: “Thì giỏi cho y giết người ta mà. Số y phải chết tại Saigon nầy nên khiến cho y gặp tôi đêm nay sanh việc cừu hận như vầy!”
Người Langsa lắc đầu và nói: ‘Tôi không biết tài đánh gươm của thầy thể nào mà nghe lời của thầy rất khẳng khái.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Nếu như ông muốn biết, xin ông mượn cho tôi hai cây gươm, ngày mai tôi sẽ dượt gươm với em gái tôi cho ông coi.”
“Được lắm, nguyên ông chủ nhà hàng sắm hai lưỡi gươm để cho khách dượt chơi, tôi vẫn quen lớn với ông mượn thì chắc được.”