Về đến nhà Hiệp Liệc lấy trong bốp-phơ ra một cái giấy bạc một trăm đồng đưa cho Thanh Long và nói: “Chú thật là một tay háo nghĩa đáng khen, tôi xin chú lấy cái giấy bạc nầy là tiền tôi đền ơn đó.”
Thanh Long cười và nói: “Xin thầy hãy cất lấy tôi gặp việc nghĩa thì ra tay nào trông gì thầy lấy tiền mà đáp nghĩa hay sao, xin thầy chớ phiền. Tôi cũng biết tôi đi xe hơi thường, một ngày kia sao khỏi phải lâm nạn như thầy ắt cũng nhờ có người đến cứu cấp. Xin thầy cho phép tôi đi về vì tôi có việc gấp trong ít ngày nữa tôi rảnh sẽ đến thăm thầy.”
Hiệp Liệc nói: “Xin chú cho tôi biết danh tánh hầu chẳng bao giờ tôi quên ơn đặng.”
Thanh Long cười và nói: “Vài ngày nữa tôi sẽ đến thăm thầy và nói tên cho thầy biết.” Nói dứt lời Thanh Long cúi đầu chào Hiệp Liệc rồi trở gót đi ra đường lên xe hơi đi mất.
Hiệp Liệc nói thầm rằng: “Người nào cứu ta đây thiệt là trọng nghĩa khinh tài cũng nên kính vậy.”
Hiệp Liệc bèn kêu năm Mạnh và hai Danh ra thuật hết mọi chuyện rồi dạy rằng: “Anh năm và thằng hai phải lập tức lấy cái xe hơi lớn sáu máy của tôi mới mua đó và một sợi dây đỏi tàu lên khỏi ga xe lửa Bình Triệu một cây số đặng đem điếu xì gà của tôi về vì để qua ngày mai thì bất tiện. Trước hết hai người phải lật cái xe dưới ruộng dậy rồi cột dây nhờ cái xe hơi lớn kéo lên.”
Năm Mạnh và hai Danh vưng lời lập tức ra nhà sau lấy xe hơi ra đi thì Hiệp Liệc kêu Lục Tặc đem nào là thuốc và vải băng bó rịt các vít tích cho chàng. Lục Tặc nhờ có ở với quan lương y Anh-be là dưỡng phụ của Hoàn Ngọc Ẩn giúp ông trong năm năm trường nên thông thạo việc bó rịt lắm.
Hoàn Ngọc Ẩn trọng bịnh phải nằm vùi trọn hai ngày khi mê khi tỉnh chẳng đi đâu đặng, nàng Bạch Tuyết thương chàng bao nhiêu thì lo lắng cho chàng bấy nhiêu. Đêm ngày nàng vẫn ngồi một bên giường chàng, lo từ miếng ăn miếng uống và thuốc men làm cho Hoàn Ngọc Ẩn vui lòng lắm, thế mà chàng không dè rằng nàng tuy là khác nước mà thầm mang trong lòng khối tình luyến ái mà vẫn thấy chàng lòng sắt dạ đinh nên chẳng dám tỏ ra dường như nằm gai nếm mật.
Hoàn Ngọc Ẩn nhờ có nàng Bạch Tuyết sớm tối tận tâm phụng dưỡng và nhờ thuốc hay nên không mấy ngày sau trong mình chàng khá lại nhiều.
Một ngày kia Hoàn Ngọc Ẩn đang ngồi nói chuyện với nàng Bạch Tuyết như tình cốt nhục vì chàng thương nàng như em ruột, thế mà chàng không rõ nàng thầm yêu ấp tình si bấy lâu. Bỗng đâu Lục Tặc bước vào nói với chàng rằng có người cứu cấp chàng ngày nọ đến thăm.
Hoàn Ngọc Ẩn lấy nét mặt hân hoan day lại nói với nàng Bạch Tuyết rằng: “Em ra ngoài tiếp khách, ấy là một người ân nhân của anh.”
Nói dứt lời Hoàn Ngọc Ẩn đứng dậy đi ra ngoài phòng khách, chàng thấy Thanh Long hình thù vậm vỡ, mắt sâu da ngâm môi trên để râu vắn mà rậm rì. Nhờ ban ngày mà Hoàn Ngọc Ẩn nhìn rõ Thanh Long thì nói thầm rằng: “Người nầy gương mặt có vẻ hung bạo và không phải người chánh tâm, còn xem cốt cách cũng nhận được là một tay võ sĩ.”
Hoàn Ngọc Ẩn tỏ sắc tươi cười chào Thanh Long và nói: “Chú mạnh giỏi, ngày nay tôi có lòng trông chú đến nói chuyện chơi.”
Thanh Long đáp: “Phải, à còn thầy nay trong mình chắc khá nhiều nên coi bộ khỏe quá.”
Chuyện vãn cùng nhau một hồi Thanh Long nói với Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Thưa thầy tôi vẫn nghe danh thầy bấy lâu mà chưa từng gặp mặt, may đâu có dịp may mắn làm quen với thầy thật tôi lấy làm hân hạnh lắm.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe Thanh Long nói dứt lời thì ngạc nhiên tự nghĩ sao anh ta biết mình đặng nên vội vã hỏi rằng: “Tôi có làm việc hi đến nổi danh mà chú nói vậy?”
Thanh Long cười và đáp: “Trong hai mươi tỉnh Nam kỳ nầy ai nghe đến tài Hiệp Liệc mà không kinh cụ.”
Hoàn Ngọc Ẩn càng lấy làm lạ hơn nữa, chàng nói rằng: “Hà lý chú dám chắc tôi đây là Hiệp Liệc, chú lầm to rồi đó.”
Thanh Long lấy trong túi ra tấm danh thiệp của Hoàn Ngọc Ẩn và đưa cho chàng và nói: “Hôm đêm nọ khi thầy bị nạn xe hơi, thầy nằm trên lề đường bất tỉnh nhơn sự thầy có mang mặt nạ, sự đó tôi chưa lấy chi mà nghi quyết thầy là Hiệp Liệc đặng, nhưng may là khi tôi bồng đỡ thầy lên xe hơi trong túi áo thầy có rơi rớt trên xe tôi ba bốn tấm danh thiệp nay tôi có đem theo một tấm nầy đây.”
Hoàn Ngọc Ẩn cầm tấm danh thiệp coi kỹ lại thì biết thiệt của chàng làm rớt nên chẳng còn giấu giếm chi đặng nữa, chàng lắc đầu thở ra và nói: “Như thế thì tôi tưởng chú không vui gì mà cứu lở tôi là một tay ăn cướp như vầy.”
Thanh Long nói: “Tôi vui lắm chớ, ngày nay tôi đến thăm thầy và xin thầy dùng tôi làm tay chơn không biết thầy có ưng cùng chăng?”
Hoàn Ngọc Ẩn suy nghĩ một hồi rồi nói: “Chú tên họ là chi xin nói cho tôi biết, nếu tôi tính được thì tôi sẵn lòng.”
Thanh Long muốn khoe danh lợi hại nên nói: “Tôi có một tên riêng là Thanh Long có lẽ thầy cũng có nghe đến tên nầy một đôi khi rồi.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe Thanh Long hài danh tánh vừa tôi thì ý không đặng vui, chàng tự nghĩ rằng: “Thằng nầy là một đứa đại ác giết người không gớm tay, bấy lâu ta ước ao bắt nó giùm cho Đỗ Hiếu Liêm là bạn hữu chí thiết của ta vì nó giết cha của bạn ta lại làm cho mẹ chàng phải tự sát. Ta bắt nó bây giờ mà nạp cho Đỗ Hiếu Liêm thì được rồi, nhưng vì ta thọ ân của nó hôm nọ không lẽ trở lòng bắt nó ta gẫm ra cũng quấy lắm. Nó đối với bạn ta là một người thù, đối với xã hội là một tay sát nhơn bất chánh, ta bắt nó mà nạp cho Đỗ Hiếu Liêm thì thi ân cho bạn trừ một mối hại bá tánh, thế mà vì ân kia chưa trả đâu nỡ hại nó, thôi chi bằng ta chỉ đàng xẻ ngõ cho Đỗ Hiếu Liêm tự chàng bắt nó thì hay hơn.”
Hoàn Ngọc Ẩn bèn giả đò đứng dậy đi lấy thuốc đem ra mời Thanh Long hút đặng dạy Lục Tặc đi ra ngoài đàng chờ Thanh Long đi về nom theo cho biết nhà.
Hoàn Ngọc Ẩn đem theo thuốc ra mời Thanh Long hút rồi nói: “Xin chú cảm phiền, tôi không thế dùng chú được là vì tôi tuy là một đứa ăn cướp mặc dầu, nhưng vài năm sau đây người người chẳng nhận tôi là một đứa ăn cướp đâu, ấy là tôi dụng tài mà vay bạc; sau rồi phải trả vốn và lời. Tôi chẳng đánh ai giết ai mà tôi vốn là một tay háo nghĩa, tôi đến nhà nào vay được cùng không thì thôi chớ chẳng đánh giết ai, còn chú là một người sát nhơn coi mạng người như cỏ rác nghịch với tánh tình tôi lắm. Tôi vì mang ơn chú nên tôi không nỡ bắt chú mà nạp cho quan, tôi khuyên chú đi về bỏ ác nghiệp đó chớ phải chi chú không có thi ân cho tôi thì chắc là bây giờ chú bị tôi bắt mà nạp cho Đỗ Hiếu Liêm.”
Thanh Long nghe Hoàn Ngọc Ẩn nói thì mặt đỏ phừng phừng. Hoàn Ngọc Ẩn thấy vậy lấy cái giấy bạc một trăm đồng trao cho Thanh Long và nói: “Chú chẳng phải cứu tử hườn sanh tôi chi đêm nọ, chú chỉ có chở tôi về đây ơn ấy chẳng gì là trọng vậy hãy lấy cái giấy bạc nầy là việc tôi đền ơn.”
Thanh Long đứng dậy lấy tấm giấy bạc xé nhỏ rồi liệng vào mặt Hoàn Ngọc Ẩn và nói: “Hiệp Liệc mi hãy chống đôi mắt mà coi ta nghé, một ngày kia mầy sẽ biết ta ra thể nào.”
Hoàn Ngọc Ẩn vẫn có tánh cang cường háo thắng thấy Thanh Long sỉ mạ làm nhục thì chịu không đặng, chàng đá ghế ngã ra mà đứng dậy quyết đánh Thanh Long một trận cho đã nư giận. Hay đâu đang khi chàng lôi đình chi nộ dè đâu nàng Bạch Tuyết đứng núp trong phòng rình nghe cả câu chuyện của hai người và đến khi đó nàng bước ra làm dấu xin Hoàn Ngọc Ẩn dằng tâm.
Hoàn Ngọc Ẩn thấy kịp dừng bước lại gượng làm tỉnh nói Thanh Long rằng: “Chú xé tấm giấy bạc liệng vào mặt tôi thì ơn của chú đổi với một tấm giấy một trăm đồng đó rồi. Thôi, tôi khuyên chú đi về và mặc ý làm chi tôi đặng thì làm, tôi ráng khoanh tay đoanh tròng mà trông đợi.”
Thanh Long giựt mình nghĩ lại tự trách rằng dại dột nóng nảy quá nên đứng dậy đội nón lên đầu mà đi ra về không nói lời gì cả.
Khi Thanh Long đi rồi Hoàn Ngọc Ẩn chạy lại hỏi nàng Bạch Tuyết rằng: “Sao em khuyên anh dằn tâm, không cho đánh thằng Thanh Long. Võ nghệ như anh, tài tình như anh, danh bất hư truyền, sao cam đành nhẫn tâm để cho thằng Thanh Long nó xé giấy bạc ném vào mặt, nhục nhã nầy sông nào rửa sạch nó em ôi!”
Hoàn Ngọc Ẩn nói đến đây nghẹn ngào, mặt lại đỏ phừng phừng như máu nóng trừng lên đến óc. Chàng ngồi xề xuống ghế úp mặt vào tay tỏ dấu ức uất ưu sầu.
Nàng Bạch Tuyết thấy vậy bước lại gần để tay lên vai chàng và nói rằng: “Hoàn huynh chớ buồn làm chi, anh nhẫn tâm được thì có chi làm cho em vui mừng hơn nữa. Nếu khi nãy anh đánh thằng Thanh Long, gẫm ra không phải, vì anh chưa trả ơn cho nó, bây giờ nó xé giấy bạc liệng vào mặt anh rồi, vì bởi anh mất một trăm đồng bạc lại còn chịu sỉ nhục đến thế thì xong. Xin anh phải tập tánh kiên nhẫn là một điều dè dặt vì ngày trước anh có nghe cha em nói với anh lời nầy: Đạp được chữ nhẫn dưới chơn tức là đạp trên hai cái bánh xe chạy đến rốt đàng chông gai trên cõi trần nầy như không, có chi là quí hơn sự nhẫn tâm, đời Đường vua ban thưởng khen ngợi Trương Công Nghệ vì một trăm chữ nhẫn. Hoàn huynh ôi! Xin anh chớ quên lời dạy bảo của cha em ngày trước.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe nàng Bạch Tuyết nói dứt lời tỏ sắc hân hoan ngước mặt lên ngó nàng và nói: ‘Em ôi! Vì cơn nóng giận mà anh quên phứt lời châu ngọc của thầy, có chi làm cho anh vui bằng có em gần gũi với anh và nhắc nhở dùm mấy lời như vậy. Phải lắm, anh vì thương em mà chịu để cho thằng Thanh Long làm nhục mà đi ra khỏi nhà nầy ngày nay, tức là anh cổi được cái ân của nó, vậy không kíp thì chầy anh nguyện sẽ bắt nó giùm cho Đỗ Hiếu Liêm rửa hận báo oán cho song thân của chàng.”
Nàng Bạch Tuyết nói: “Anh tính như vậy thì được lắm.”