Năm Mạnh vừa thấy Lục Tặc thì sửng sốt, nhưng gượng làm tỉnh không nói lời gì để coi.
Hiệp Liệt ngó Lục Tặc cười và hỏi rằng: “Thằng khốn, mầy làm gì mà muốn vào đây?”
Lục Tặc ngó năm Mạnh rồi đứng làm thinh không nói lời gì cả.
Hiệp Liệt nói với hai Danh rằng: “Thằng hai, mầy đem thằn nầy giam dưới lầu mà chờ một lát ta sẽ tra khảo nó.”
Năm Mạnh thấy vậy nóng lòng nên nói thầm rằng: “Bây giờ không thử còn đợi chừng nào.”
Tính như vậy năm Mạnh bèn rút lưỡi dao trong lưng nhảy tới dùng ngọn ‘Thái âm’ đâm dưới lên trên quyết đâm vào vai tả của Hiệp Liệt. Lưỡi dao vừa tới Hiệp Liệt lấy ngọn ‘khóa kiếm’ lách vai tả qua tấn chơn hữu tới bắt lấy lưỡi dao rồi nói lớn rằng: “Năm Mạnh, anh chớ toan làm dữ.”
Năm Mạnh chưa chịu nhận Hiệp Liệt có tài nên nói: “Ấy là tôi muốn thử nếu quả nhiên chú giỏi hơn tôi mới dám tin rằng chú là bạn học với thầy Hoàn Ngọc Ẩn.”
Hiệp Liệt cười xòa nói: “Anh năm muốn như vậy thì được lắm. Tôi xin hỏi anh chớ trong mười tám món binh khí anh năm biết được món binh khí nào lão thông?”
Năm mạnh nói: “Tôi chẳng tài cán gì mà biết cả mười tám món, nhưng ngày trước thầy Hoàn Ngọc Ẩn có dạy thêm cho tôi độc kiếm, tôi muốn thử độc kiếm mà chú có ưng thử cùng tôi chăng?”
Hiệp Liệt nói: “Được lắm, tôi sẵn đây có hai cây độc kiếm anh muốn thử thì rất tiện.”
Hiệp Liệt đi lại mở tủ ra lấy hai cây kiếm đem lại để trên bàn và nói: “Anh năm hãy lựa một cây nào vừa bụng trước đi.”
Năm Mạnh đi lại lấy một cây kiếm cầm trở qua trở lại và nói: “Tôi chọn rồi, vậy chú hãy lấy cây kiếm còn lại mà thử với tôi cho rồi.”
Hiệp Liệt cầm cây kiếm lên và chỉ nơi khoảng rộng nói rằng: “Nội khoảng trống nầy cũng đủ cho mình thử, vậy anh hãy giữ thế.”
Rồi đó hai người múa kiếm nghe vụt vụt khi tới khi lui lẹ làng coi không kịp.
Đánh đặng một hiệp đầu, Hiệp Liệt đón lưỡi kiếm của năm Mạnh và nói: “Anh thiệt là tài chớ phải lôi thôi đâu.” Nói dứt lời Hiệp Liệt đánh rốc tới, năm Mạnh ráng hết sức đỡ ngăn, được một chập thì coi bộ mệt nên dùng ngọn ‘song ngưng’, Hiệp Liệt lấy ngọn ‘Lưỡng xà khai linh’ mà trừ, năm Mạnh bèn xây qua ngọn ‘Phụng thọ’ Hiệp Liệt lấy ngọn ‘Triển thân hổ khẩu’ nhưng chẳng đâm trúng năm Mạnh chỉ gạt lưỡi kiếm rất mạnh làm cho năm Mạnh tê tay phải buông cây kiếm rớt xuống gạch.
Năm Mạnh lấy làm phục tài của Hiệp Liệt vô cùng, anh ta nói: “Tôi chịu nhận chú là bạn học võ với thầy hai Hoàn Ngọc Ẩn rồi.”
Hiệp Liệt lượm cây kiếm của năm Mạnh lên và nói: “Phải thử rồi mới biết chắc, xin anh ngồi lại tôi nói chuyện. Anh biết thằng mới bị hai Danh liệng dây trói và đem vào đây làm gì mà đi thám dọ?”
Năm Mạnh cười và nói: “Thằng đó tên là Lục Tặc nó vốn là em nuôi của tôi. Tôi dặn nó đi vòng ngả sau mà vô đặng dọ thám là vì tôi có ý sợ chú mạo danh thầy hai Hoàn Ngọc Ẩn mà gạt gẫm tôi chớ chẳng có ý gì khác hơn nữa.”
Hiệp Liệt tỏ sắc vui và nói: “Anh cẩn thận như vậy thật là hay lắm, còn thằng Lục Tặc nầy có thể dùng nó được chăng.”
“Dạ được. Tuy nó còn nhỏ thiểu sức mặc dầu chớ biết võ khá và nhứt là gan dạ lắm. Nó ở làm ở với thầy hai trọn hai năm rồi, thầy hai thương nó và nó cũng thương thầy hai lắm, nếu có dịp nó giúp cho thầy hai thì nó tận tâm.”
“Vậy mà tôi không biết, để tôi sai hai Danh đem nó lên trên nầy ngồi nói chuyện chơi kẻo bị nhốt cầm tù túng tội nghiệp.”
Năm Mạnh hỏi Hiệp Liệt rằng: “Tôi đã nhận thầy là bạn học với thầy hai vậy từ đây về sau tôi phải chịu quyền sai khiến, không biết tôi phải kêu chú bằng chi?”
“Anh kêu tiếng chú đó thật rất vừa lòng tôi, vì tôi đây chẳng khác nào một thằng chệt Quảng Đông vì cách ăn mặc lại thêm giọng nói, vả chăng tôi ở bên Tàu lâu lắm nên nói tiếng chệt như chúng nó.”
Năm Mạnh ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói: “Khi nãy chú có nói rằng tôi phải giúp chú đi ăn cướp vậy tôi xin hỏi chớ thầy hai Hoàn Ngọc Ẩn cần dùng chi một số bạc hai triệu đồng, xin chú nói ngay cho tôi biết.”
Hiệp Liệt nghe năm Mạnh hỏi thì hình như bợ ngợ ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi nói: “Anh cần muốn biết thì không lẽ tôi giấu giếm làm gì, nhưng mà anh có nghe thì phải kín miệng chẳng nên nói lại cho ai biết.
Số là cha của nàng Lệ Thủy khi qua đời có để lại cho nàng một số bạc rất lớn gần ba triệu đồng, số bạc đó bây giờ còn gởi tại Hồng-kông ngân hàng bên Tàu. Trong tờ chúc ngôn có nói rằng nếu nàng muốn lãnh số bạc đó thì có hai điều nầy: Một là từ mười sáu tuổi cho đến hai mươi tuổi nàng phải lấy một người chồng là nước Anh; hai là như nàng không nghe lời cha, muốn lấy người Annam thì nàng phải làm sao cho có đủ số tiền chồng bằng số bạc đó thì mới lấy ra đặng, nếu quá kỳ dầu cho một ngày đi nữa thì số bạc đó phải mất, nghĩa là phải nhập vào của phước thiện.
Thầy hai Hoàn Ngọc Ẩn vẫn có tình âu yếm nàng Lệ Thủy, muốn cùng nàng trăm năm kết tóc, nhưng rủi vì thầy đang vụ chữ công danh, phần thì tiền đâu sẵn đến mấy triệu đồng nên chi thầy ưu tư sầu não. May đâu ngày nọ bên Pháp quốc thầy gặp tôi mới tỏ tâm sự làm cho tôi cảm động không cùng. Vì tình anh em tôi mới bày mưu với thầy đi ăn cướp thế mới kiếm đặng số tiền to tác ấy. Thầy hai nghe qua dụ dự không muốn nghe theo lời của tôi, chừng tôi phân rằng ‘bạn không ưng theo thì biết làm sao, bạn vốn lạo loài cha mẹ, bà con không biết một ai, nào trông cậy ai phụ giúp’.
Thôi chi bằng mình đi ăn cướp chẳng phải là mình cướp giựt của tiền ai chi thật, ấy là mình mượn đỡ cho đủ số mà chồng đặng lấy bạc của nàng Lệ Thủy ra chừng rồi mình sẽ trả lại chẳng vi phạm của ai một đồng, lại muốn khỏi mang tiếng bất lương thì phải chịu trả tiền lời cho người ta, như thế thì gẫm ra trái lẽ có một điều là dụng quyền biến mà đi mượn bạc đó thôi.
Hoàn Ngọc Ẩn nghe tôi phân mấy lời thì vui mừng không cùng chàng bèn cậy tôi giúp chàng cùng nhau trở về Nam Kỳ. Tôi khuyên chàng rằng: Bạn hãy lấy chữ công danh làm trọng, chớ phế bỏ rất uổng xin để cho tôi trở về một mình mà lo giùm cho bạn cũng đủ.
Khi đó Hoàn Ngọc Ẩn nhớ lại có anh ở bên nầy nên nói với tôi rằng anh thuở nọ mang ơn chàng, vậy khi về đến xứ nầy thì chắc có anh là tay trung tín giúp tôi được. Thầy hai lại dặn tôi rằng đi ăn cướp chẳng nên giết người, phải làm làm sao cho người không ghét mới là hay.”
Năm Mạnh cười và nói: “Đi ăn cướp mà sao cho khỏi người ghét.”
“Ậy, anh sẽ coi, ăn cướp mà được mọi người thương thì mới hay chớ.”
Hiệp Liệt nói đến đây sực nhớ đến Lục Tặc nên bấm chuông kêu hai Danh lên dạy đi xuống mở trói cho Lục Tặc và mời lên.
Nói qua Lục Tặc bị hai Danh trói tay chơn và bỏ trong phòng thì ngồi chưởi thề lầm bầm trong miệng mà rằng: “Đéo ỏa! Làm gì mà nó trói ta như đòn bánh tét, còn anh năm Mạnh sao không cứu ta. Ờ hay là anh lọt vào tay của bọn Thanh Long rồi, còn thằng chệt nào mang mặt nạ, ngồi nói chuyện với anh năm trên lầu đó.”
Muốn rõ Hiệp Liệt ăn cướp đại tài là ai, xin coi Cuốn thứ mười ba