“Dạ thưa, em thấy người hữu tình như vậy thì nổi thương tâm một ngày một sinh ra trong lòng. Chàng gời cho em nhiều bức thơ trong đó chàng viết ròng những lời đau thương mà làm cho em cầm lòng không đậu, những bức thơ đó em coi nhiều lần mà phải thuộc lòng.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Thơ đó viết thể nào nàng đọc lại một cái cho tôi nghe thử.”
Nàng Lệ Thủy suy nghĩ một hồi rồi nói: “Anh muốn nghe em xin đọc lại một cái thơ chót cho anh nghe. Thơ ấy như vầy:
Cùng người yêu dấu!
Đế ngâm chia sầu người bất hạnh,
Mưa tuông khóc vận kẻ vô duyên.
Ngồi cầm canh trí rối gan phiền,
Giòng châu đổ không năn thê thảm. Trách thầm kẻ làm cho cạn giòng lá thấm, hờn tơ hồng gây cuộc dở dang. Trí đoanh sầu không lúc nào an, ngóng tin nhạn đôi tròng lưng lẻo. Hay là” kẻ sắc nước hương trời lòng khô dạ héo, vẩn ngơ tình hại kẻ hữu tình, hại cho đây trọn kiếp phù sanh, phải cam chịu nằm gai nếm mật. Nàng ôi! Mấy thơ trước cạn lời thành thật, nỡ lòng nào nàng bặt tin hồi, cạn nghĩ thầm đến thế thì thôi, đây đành phải dứt nợ trần cho rảnh, sống chi phải buồn tình tủi chạnh, gẫm ra thời thẹn mặt với non sông. Nào hay đâu buổi đang xuân mà luống chịu long đong, thật chẳng khác thuyền tình sóng đập. Vậy thời, kiếp nầy phải ưu tư chồng chập, cũng nên dời để kiếp sau mong ước hữu duyên cùng mày liễu má hồng, đó mới toại đến kỳ sở nguyện.”
Nàng Lệ Thủy đọc đến đây rồi nói với Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Thơ đó còn dài nhưng mà không lẽ em đọc hết cho Hoàn huynh nghe, sợ mất thì giờ vô ích. Trong đoạn sau của bức thơ nầy chàng Đẹp Gấm có để lời như vầy:
Nàng được thơ nầy mà không trả lời cho tôi thì tôi dùng một ly thuốc độc mà tự ải chớ không thế nào chịu sự đau đớn vì sầu tình nữa đặng.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Cha chả! Trần Đẹp Gấm hữu tình đến thế. À rồi nàng tính sao?”
Nàng Lệ Thủy nói: “Dạ thưa em xem thơ rồi thì nỗi thương tâm dồn dập, em dằn lòng không đặng vì sợ người bạo gan tự sát thì tội của em không nhỏ. Chẳng dám để dây dưa, em liền lập tức viết một cái thơ hồi âm xin chàng dẹp sầu gác thảm, trong đó em có hứa rằng chừng nào gặp dịp may em sẽ cùng chàng hiệp mặt.”
Hoàn Ngọc Ẩn hỏi: “Hẳn thật nàng có giao thiệp với chàng Đẹp Gấm nhiều khi phải không?”
Nàng Lệ Thủy nói: “Dạ thưa em cũng có giáp mặt với chàng nói chuyện vắn tắt một đôi khi nhưng điều phượng chạ loan chung chẳng có.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Nếu vậy mà sao cho đến nỗi chàng Đẹp Gấm phải điên rồi thác?”
“Dạ thưa số là mẹ của em có bắt được một cái thơ của chàng Đẹp Gấm mẹ của em mới đem hết câu chuyện thuở trước mà mẹ của em vì tình ma mị nói cho em nghe, cốt là khuyên em xa lánh kẻo để sau phải lâm vào vòng khổ não, sa chơn vào bể trầm luân. Em nghe thì có lòng lo sợ, nên chi em một lần một bớt thương chàng Đẹp Gấm.
Thuở đó có một chàng khác, con nhà trâm anh gặp mặt em thì sanh tình luyến ái, nhưng em không ngó ngàng đến làm gì, chàng nầy tên là Đặng Giao Hoan.”
Nàng Lệ Thủy nói đến đây thì ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói: “Thưa Hoàn huynh, để em nói sang qua khi mẹ em đau nặng và hỏi em muốn lấy chồng là người Annam hay là người nước Anh, rồi sẽ nói qua câu chuyện hai chàng Đẹp Gấm và Giao Hoan đó. Em trả lời với mẹ của em rằng em muốn lấy chồng Annam, thì mẹ của em giận lắm, mẹ em bèn lấy dưới gối một tấm hình chụp đưa cho em coi và hỏi rằng: Nầy con, con biết ảnh hình nầy của ai chăng? Em cầm lên coi thì giựt mình, rồi đó em dối rằng không biết mà trả lời rằng không, chớ hẳn thật hình nầy là hình của chàng Đặng Giao Hoan. Mẹ của em nói: Hình nầy của một gã tên là Đặng Giao Hoan con của quan đốc phủ sứ hồi hưu tên là Đặng Nghiêm Huấn. Chàng nầy hữu tình với con lắm thường khi hay qua lại trước nhà, một ngày kia chàng mướn con ở trong nhà đem thơ và hình cho con may đâu mẹ bắt đặng, chừng hỏi ra mới biết rằng chàng Đặng Giao Hoan là con của người tình của mẹ thuở mẹ còn xuân xanh; ấy là người dụ dỗ mẹ bỏ nhà đi theo người, rồi sau bỏ mẹ bơ vơ chìm nổi tại Saigon đó con à. Thù đó biết bao giờ mẹ trả đặng, vậy mẹ nhờ con giúp giùm mẹ mà báo oán, con có khứng chăng? Em nghe mẹ em nói thì em trả lời rằng: Dạ thưa mẹ đạo làm con dầu biểu chết cũng phải thuận tình, mẹ dạy thì con xin nghe cả.
Mẹ của em nghe nói thì tỏ sắc vui rồi nói: Vả chăng ông Đặng Nghiêm Huấn hại mẹ ngày trước khốn khổ vô cùng, bây giờ con của người lại hữu tình với con, tấc là muốn dẫn con mà xô vào bể khổ nữa, vậy con phải làm làm sao cho lại gan, con phải giả thuận tình cùng Đặng Giao Hoan, đặng hại cho nó bay nhà tiêu mộng, mà con chẳng có nên để nó thỏa tình chung gối, con cứ gạt gẫm làm cho nó thất tình, đó cũng đủ hại nó mà trả thù cho mẹ. Con có khứng chăng?
Hoàn huynh ôi! Em nghe mẹ em dạy những việc độc ác thì em không nỡ vâng lời nhưng mà em là con, đâu dám cãi lịnh, nên chi em trả lời rằng em xin vâng. Mẹ của em liền biểu em giơ tay lên thề. Khi mẹ của em qua đời rồi thì em giữ lời hứa nên chẳng bao lâu Đặng Giao Hoan nịch ái em. Cái trách nhiệm của em là làm cho chàng Đặng Giao Hoan vì tình mà phải khổ, nói chi những mưu nọ chước kia của em mà chàng tốn tiền muôn bạc vạn, gây nợ gây nần, khi thì trộm lấy của nhà chẳng nghe lời nghiêm huấn mới bị nghiêm phụ lên tòa xin từ. Đang khi em lo cái trách nhiệm sâu độc nầy, chàng Đẹp Gấm không rõ em nịch ái dối giả chàng Đặng Giao Hoan mà sanh bịnh thất tình rồi điên bỏ ăn bỏ uống mà thác. Em hay tin đó em buồn rầu, xót phận người bạc mạng nên khóc biết bao nhiêu là nước mắt, cũng vì đó lại tự nghĩ rằng Đặng Giao Hoan đã bị nghiêm phụ từ rồi thì trách nhiệm của em lo xong mới chẳng đoái hoài đến chàng Đặng Giao Hoan nữa. Chàng tức mình mới toan giết em nhưng mà số mạng của em lớn chẳng giết em được nên chàng tức mình tự tử.
Hoàn huynh ôi! Chẳng phải là em độc ác chi mà dụng sắc giết người, em nhớ đến chừng nào em rầu buồn không dứt, em hằng nằm đêm than khóc, thế mà chẳng bao lâu em của Đặng giao Hoa là Đặng Thất Tình toan trả thù cho anh nên tìm đến nhà của em. Khi em hay tin đó thì em lánh mặt chủ ý trốn chàng. Một đêm kia em ngộ một giấc mộng cực kỳ, em thấy mẹ của em hiện hồn về nói với em rằng: “Nầy con, trách nhiệm kia con lo trọn rồi, nhưng chưa đủ, ngày nay em của Đặng Giao Hoan lên Saigon quyết hại con, vậy con phải làm sao mà hại nó đặng trả thù giùm cho mẹ.
Em nằm nghe rõ những lời đó, phần thì em thương mẹ vô ngằn nên tính phải nghe theo. Lạ thay! Sắc bất ba đào dị nịch nhân. Đặng Thất Tình lại vì nhan sắc của em mà sa chơn vào vòng khốn khổ, Hoàn huynh hiểu nhiều em chẳng cần chi nói hết.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói gằn rằng: “Ờ … tôi cũng rõ, Đặng Thất Tình vì nàng mà tự sát. Chết hết ba người rồi thế mà sao nàng không ghê gớm lại còn toan hại Dương Ái Sắc, Trần Vô Cương, Huỳnh Bá Hộ và Lê Tái Ngộ?”
Nàng Lệ Thủy ngồi suy nghĩ một hồi rồi châu mày mà nói rằng: “Hoàn huynh ôi! Em cũng biết tự hối ăn năn lại vì bởi tự hối mà em trở nên một người vô tình chẳng biết thương ai cả. Sau lại em thấy thiên hạ hào phú, thảy vốn là tay phong tình huê nguyệt và lại là con nhà thất đức tham quan ô lại, chặt đầu lột da dân cô thế mà làm giàu thì em sẵn có bụng ghét. Em nghĩ vì cái thân của em chẳng đáng giá gì quyết trải thân mà báo hại những người như vậy. Em tính nếu như em có thế mà hại những người như vậy mà tom góp đủ số tiền một triệu, chín trăm ngàn đồng và thêm nữa đặng chồng bằng số bạc của cha em để tại hãng bạc bên Hồng-kông về lời về vốn thì em sẽ lãnh số tiền của cha em để lại mà trở về Nam kỳ cất học đường, dưỡng đường đặng giúp sĩ khổ ăn học cứu người nghèo nàn lâm bịnh. Em làm như vậy mà tác phước rồi em cạo đầu đi tu chớ không thèm lấy chồng làm chi.
Hoàn Ngọc Ẩn cười và nói: “Lạ thật nàng dám tính chuyện to tác thế ấy! Thế mà nàng không cạn xét sách có câu ‘Tác phước bất như tị tội.’ Làm phước sao cho bằng lánh tội đó a nàng?”
Nàng Lệ Thủy nói: “Hoàn huynh ôi! Em là phụ nhơn nan hóa nào rõ đâu là phải đâu là quấy. Hoàn huynh nghĩ coi, như Trần Vô Cương con ông Hội đồng ở Bạc Liêu, người kêu là công tử bột. Ôi nói sao cho hết những việc đại ác của người làm, nào là gạt gẫm gái nhà nghèo mà phá trinh phá tiếc chơi cho bướm chán ong chường, hiếm chi nàng vì chàng mà chửa oan dẻ lạnh, sau bị chàng bỏ tức mình tự ải. Em biết Trần Vô Cương ỷ giàu mà quá ác nên quyết hại người mà trả thủ giùm cho phe nữ giới.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Phải, nàng nói nghe có lý, thôi an phần của Trần Vô Cương, còn Dương Ái Sắc tội tình gì mà nàng toan hại?”
“Dạ thưa Dương Ái Sắc là con của quan phủ Dương Bất Chánh là tham quan ô lại vì kiêm tiền vi chủ nghĩa, hại biết bao nhiêu người lương thiện phải bị ở tù oan, người ỷ thế mà đoạt ruộng đoạt vườn mới trở nên giàu có, ruộng cả ao liền. Em hại Dương Ái Sắc tốn hao của vì em rất nhiều ước chừng sáu bảy muôn đồng chẳng ít.”