Nàng Lệ Thủy cũng cười rồi nói: “Khi cha em chết rồi các nhựt báo Ăng-lê bên Hồng-kông có đăng tin buồn đó và cho hay rằng cha em có để lại cho em một số bạc lớn lắm. Cách vài tháng sau mẹ của em nhớ tổ quán là xứ Nam Kỳ nên tính trở về thăm, bởi vậy em mới được hạnh phúc mà bước chơn lên mặt đất của tiên tổ của em vì em đây cũng có máu thịt Annam. Khi về đến xứ nầy mẹ của em lại yêu mến chẳng muốn bỏ mà trở qua Hồng-kông nữa vì nơi đất khách mẹ của em không bà con dòng họ chi hết. Mẹ của em tính chừng nào em đúng mười tám tuổi thì mới đem em về Hồng-kông lo việc tóc tơ cho em và lo cho em lảnh số tiền to lớn của cha em để lại đó. Dè đâu khi em được mười sáu tuổi thì mẹ của em xán bịnh nặng, mẹ của em nhắm sức sống không đặng mấy ngày nên kêu em lại bên giường vừa khóc và hỏi em rằng: Lệ Thủy con ôi! Bây giờ con đã đặng mười sáu tuổi rồi, nên con cũng biết được việc vợ chồng chút ít, mẹ hỏi con vậy chớ con muốn lấy chồng là người Annam hay là Ăng-lê, con hãy nói thiệt cho mẹ nghe thử nào?”
Nàng Lệ Thủy nói đến đây thì ngưng lời suy nghĩ, Hoàn Ngọc Ẩn thấy vậy sanh nghi tưởng rằng trả lời với mẹ rằng nàng sẽ lấy chồng là người nước Anh. Chàng nóng lòng muốn rõ nên nói với nàng Lệ Thủy rằng: “Sao? Nàng trả lời với mẹ của nàng thể nào, khá nói cho tôi biết?”
Nàng Lệ Thủy nói: “Trong ý anh nghi rằng em nói với mẹ em rằng em sẽ lấy chồng là người nước Anh phải không? Không trúng vậy đâu, xin anh chớ tưởng lầm.”
“Nếu vậy thì nàng nói rằng sẽ lấy chồng người Annam hả?”
“Dạ thưa phải.”
“Rồi sao? Mẹ của nàng có ưng như vậy chăng?”
“Dạ thưa khi mẹ của em nghe em nói như vậy thì tỏ sắc giận dữ mà rằng: Con dại lắm, con muốn khốn khổ hay sao? Con chẳng muốn hưởng số bạc của cha con để lại sao?”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói thì lấy làm lạ hỏi nàng Lệ Thủy rằng: “Lạ thật, hà lý nàng nói như vậy được. Nầy! Vả chăng nàng sanh đẻ bên Hồng-kông từ nhỏ đến lớn nàng chỉ quen biết tánh tình người nước Anh nhiều hơn, bằng không thì với mấy thằng chệt. Gẫm ra vì lẽ đó thì nàng có thích người Annam đâu.”
Nàng Lệ Thủy cười và nói: “Anh nói trúng đó, thuở em còn nhỏ và ở bên Hồng-kông, em đi học tiếng Ăng-lê, em chơi ròng với người Ăng-lê nhưng mà …”
“Nhưng mà sao?”
Nàng Lệ Thủy ủ sầu nét mặt ngần ngại một hồi lâu rồi nói: “Nhưng mà Hoàn huynh ôi! Nếu nói ra tủi hổ trăm chìu …”
‘Sao thì nàng cứ việc nói đi, ngại ngùng chi nữa.”
Nàng Lệ Thủy thở dài một cái, ngồi ngó xuống đất một chập rồi ngước mặt lên nói rằng: “Nhưng mà em khắc ý thương người Annam là bởi duyên cớ nầy: Em về ở Saigon chẳng bao lâu, mẹ của em thì nghiêm nghị lắm chẳng hề rời em ra vì sợ em gặp tay quyến én rủ anh thì chi cho khỏi em hư và nếu như em dại mà thề non thương đó thì số bạc kia phải mất. Thế mà cái thứ hư thì làm sao cũng hư, tường cao cổng kín cũng chẳng ích gì.”
Nàng Lệ Thủy nói đến đây thì biến sắc nàng chẳng nói nữa, còn Hoàn Ngọc Ẩn nghe đến đây lại có ý giận nên nói rằng: “Ờ sao nữa nàng nói hết cho tôi nghe nàng hư là hư cách nào..”
Nàng Lệ Thủy châu mày ứa lụy, nàng ngó Hoàn Ngọc Ẩn một cách thiết yếu rồi nói: “Xin Hoàn huynh chớ nóng nghe làm gì. bây giờ em mệt nhọc lắm chẳng còn sức nào thuật nữa đặng, xin để qua bữa sau sẽ nói tiếp cho Hoàn huynh nghe.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe nàng Lệ Thủy nói mấy lời thì tức tốc đứng dậy sửa áo tỏ ý bất bình về câu chuyện mà bước ra ngoài. Nàng Lệ Thủy ngó theo Hoàn Ngọc Ẩn và nói một mình rằng: “Chàng giận ta đó. Ôi! Khổ cho ta biết là dường nào.”
Hoàn Ngọc Ẩn đi ra ngoài miệng thì nói lầm bầm rằng: “Nàng nói nàng hư rồi. Ờ … ờ hư … thôi còn gì nữa mà ta thương nàng tưởng đến nàng.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói đến đây bỗng có người vỗ vai, chàng day lại thì thấy quan lương y Đờ-bọt đang cười và hỏi rằng: “Có sự gì mà coi bộ thầy buồn dữ và đi nói gì lầm bầm đó.”
Hoàn Ngọc Ẩn gượng cười và nói dối rằng: “Tôi giận nàng Lệ Thủy đi đâu thân gái một mình mà lại đau liệt như vậy. Nếu nàng không nhờ ông tận tâm săn sóc thì ắt tánh mạng không còn.”
Quan lương y Đờ-bọt cười và nói: “Thôi đi, thầy khéo nói, nàng còn sống đây là nhờ thầy khéo bào chế thuốc chích cho nàng quá linh nghiệm.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Đó cũng là một cái may, nhưng xét cho tột lý chẳng phải thuốc ấy linh nghiệm vậy là đủ. Nàng ưu tư vì không muốn gặp mặt tôi nên bịnh rầu buồn mà hư tổn thể ấy. Muốn cứu nàng điều cần nhứt là phục sức cho nàng, sau nữa là dụng phương nào giải sầu cho nàng đặng. Bởi vậy cho nên nàng được hạnh phúc là đang khi bịnh nặng mà gặp được tôi giải dầu.”
Quan lương y Đờ-bọt nói: “Nói như thầy thì có phải là nàng nhờ thầy cứu tử hườn sanh đó không?”
“Cũng phải nhờ ông săn sóc nữa mà.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói rồi cười xòa quan lương y cũng cười rồi nói: “Có phải nàng Lệ Thủy là cục tình của thầy không?”
“không phải đâu ông, bà con gần, nàng kêu tôi bằng anh.”
QUan lương y Đờ-bọt cười và nói: “Thôi mà, giấu làm chi với tôi, bà con có tình với nhau rất lạ thật, gặp mặt nhau như cây héo gặp mưa rào.”
Quan lương y muốn hỏi phăng tới, nhưng thấy Hoàn Ngọc Ẩn giấu giếm thì không lẽ tọc mạnh muốn rõ việc tư, ông bèn nói sang chuyện khác. Ông nói với Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Tôi không dè y khoa thầy rành quá, tôi dám chắc thầy qua Pháp quốc học chừng hai năm là nhiều, thì thầy lãnh được cấp bằng y kho tấn sĩ.”
“Có lẽ nào mau lắm vậy. Tôi cần phải học chữ, lãnh cho được cái cấp bằng Tú tài trước.”
“Thầy tưởng phải học chừng bao lâu?”
“Tôi ráng sức lo học thì chừng nửa năm là nhiều.”
“Vậy thì thầy minh mẫn ít ai bì đó.”
“Không phải tài tình gì đó ông à, số là tôi có học riêng dày công lắm.”
Nói chuyện một hồi lâu, Hoàn Ngọc Ẩn xin kiến ông Đờ-bọt mà trở về phòng hạng ba của chàng mà nằm nghỉ. Mỗi khi chàng nhớ đến câu chuyện của nàng Lệ Thủy thì Hoàn Ngọc Ẩn nửa giận nửa tức, chàng nằm trằn trọc cả ngày không an.
Qua ngày sau lối bảy giờ rưỡi sáng Hoàn Ngọc Ẩn đi thăm nàng Lệ Thủy thì chàng vui vẻ như bữa trước.
Nàng Lệ Thủy chào hỏi Hoàn Ngọc Ẩn và nói chuyện một hồi rồi nói sang qua câu chuyện hôm qua mà rằng: “Hoàn huynh ôi! Hôm qua em nói đến đây: Cái hư thì làm sao cũng hư, tường cao cổng kín cũng chẳng ích gì. Số là một bữa thiều quang kia ác vàng đã lặn chơn trời gió hiu hiu thổi, em và mẹ của em ngồi một cái xe hơi đi dạo. Xe chạy vòng Bà Chiểu dè đâu khi xe chạy đến ngã ba đường hàng sanh khỏi Thị Nghè một chút bỗng đụng nghe một cái rầm em và mẹ của em phải nhào trên xe nhưng mà nhẹ chẳng có ai bị bịnh. Em và mẹ của em thấy xe hơi đã ngừng thì lật đật mở cửa xe mà bước xuống đất với mẹ của em. Em thấy một chàng thanh niên tuổi chừng hai mươi mốt vì khi hai xe hơi đụng với nhau mà văng khỏi xe hơi và nằm trên lề đường còn cái xe hơi hai chỗ ngồi của chàng thì bị hư hao rất nhiều. Mẹ của em thấy chàng đó nằm bất tỉnh, trên đầu có một vít cắt sâu, máu tuông lai láng thì có ý sợ tánh mạng của chàng phải nguy nên biểu sốp-phơ bồng chàng mà bỏ lên xa hơi đặng lập tức chở đến nhà thương Gia Định. Trời lúc đó tối rồi nên trên xe của em có đèn điện sáng lòa, em nhìn kỹ chàng nầy thì nhận được là một gã dung nghi tuấn tú, em thấy chàng nằm thiêm thiếp thì lấy làm lo sợ cho tánh mạng chàng lắm. Chở đến nhà thương Gia Định nhờ quan thầy thuốc Annam tận tâm cứu cấp nên chẳng bao lạu chàng tỉnh lại. Trong lúc chàng nầy nằm dưỡng bịnh tại nhà thương Gia Định thì em và mẹ của em có đi thăm đôi ba lần. Đến sau khi chàng mạnh lại rồi chàng thấy em chàng hữu tình nên có cậy mai đến nói, mẹ của em không ưng gả nên chi chàng ưu sầu, nhưng mà không lẽ chàng ngồi khoanh tay mà chịu sầu tình, chững chàng mới mướn một người sành sỏi trong việc đam tơ xe buộc đến xin ở làm tôi đòi trong nhà của em. Mỗi bữa chiều em hay ra ngồi trước nhà ngắm cảnh hứng gió thì dì mai đó cũng thừa khi rảnh việc ra ngồi đàm đạo, cử chỉ của dì đó khôn lanh nên chi làm cho em thích hạp tâm tình của người. Thường ngày chàng bị xe đụng đó hay cầm máy xe chạy qua chạy lại trước đường. Một là tiếng kèn tiếng quyển của dì mai, hai là thấy người rất hữu tình dày công gắn bó mà lòng của em một lần một xiêu, em trộm lịnh của mẹ em mà giao thông tình tự.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói đến đây có ý bất bình nên vội hỏi nàng Lệ Thủy rằng: “À vậy chớ chàng đó tên họ gì?”
“Dạ thưa tên là Trần Đẹp Gấm.”
“Ờ … có phải là tên họ của người vì nàng mà điên và chết đó không?”
Nàng Lệ Thủy châu mày và nói: “Dạ thưa phải đó.”
“Ờ rồi sao nữa, nàng hãy nói tới.”