Hẳn thật là nàng Lệ Thủy có một cái tâm sự đoạn trường muốn tỏ ra cho chàng biết, vì nàng chỉ biết có một mình Hoàn Ngọc Ẩn là người tri kỷ của nàng đó thôi. Nàng thương chàng tột bực nên vì tình thật mà nàng không tiện tỏ ra, sợ e rằng chàng biết đặng tâm sự của nàng rồi thì chàng phế việc học hành thì hại cho chàng lắm. Vì vậy mà Lệ Thủy vẫn khóc chớ chẳng chịu cạn phân.
Khi xe chạy đến nhà Hoàn Ngọc Ẩn và ngừng lại sốp-phơ nhảy xuống mở cửa thì Hoàn Ngọc Ẩn bịn rịn phân tay, chàng ngó Lệ Thủy một cách thiết yếu rồi nói với nàng lời chót rằng: “Nàng có ưng cho tôi rõ tâm sự của nàng không?”
Nàng Lệ Thủy day lại ngó chàng và châu mày lụy đổ mà rằng: “Tình lang vào nhà nghỉ, để em đi về. Em chẳng tiện tỏ cho tình lang rõ tâm sự của em đâu, xin chàng chớ phiền em làm chi. Ngày nào chàng xuống tàu xin chàng cho em biết trước ít ngày vì em muốn đưa chàng xuống bến tàu đó là sở nguyện của em. Chàng có đi rồi xin chàng chớ nhớ đến em làm chi, chàng hãy gắng chí lo học cho mau đỗ cấp bằng y khoa tấn sĩ mà hồi hương cho khỏi phụ cái sở ước của dưỡng phụ chàng.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe Lệ Thủy nói thì ruột tợ thắt gan tợ dần, nhưng chàng dằn lòng thở dài một cái và nói: “Tôi cám ơn nàng khuyên giải, thôi nàng hãy trở về nghỉ, vì tôi xem nàng mệt lắm.”
Nói dứt lời Hoàn Ngọc Ẩn liền ríu ríu bước xuống xe thì sốp-phơ đóng cửa lại, đoạn mở máy ruổi dung. Xe chạy vừa khuất dạng, Hoàn Ngọc Ẩn đứng ưu sầu và trước khi chàng đi vào nhà chàng nói thầm rằng: “Đó là một nàng ta chỉ biết hữu tình trên đời nầy mà thôi. Ôi! Ta bứt nàng ra tính đi du học mà nát trí cùn tâm. Thế mà biết làm sao?…”
Năm ngày sau Hoàn Ngọc Ẩn xin được đủ giấy tờ và còn bốn ngày nữa quá giang chiếc tàu Paul Lecat, chàng liền gởi thơ cho nàng Lệ Thủy chủ ý cho nàng hay tin đặng đến ngày trẩy sang nàng đưa chàng đến bến tàu cho toại lòng sở cầu của nàng.
Khi nàng Lệ Thủy đặng thì hồi âm lại chàng như vầy:
‘Kính cùng Hoàn huynh yêu dấu;
Có sự gì đau đớn bằng em hay tin cận ngày anh cùng em phân ly, em cầm cây viết mà thảo ít hàng nầy mà ruột go chín khúc lụy đổ hai hàng! Em xin anh từ ngày nay chớ để trong trí rằng Lệ Thủy là bạn tình của anh nữa, mè e phải đêm nhớ ngày thương, rối rắm công đọc sách, lãng trí lúc gần đèn. Hoàn huynh ôi! Em cạn xét thì cho rằng em với anh có duyên kỳ ngộ, lắm lúc dựa má kề thân, nhưng mà nợ gối chăn về sau không hẳn! … Vậy thời xin anh tưởng cho em là một con thọ ân anh ngày trước, từ đây về sau ngày nào còn đội chung trời đạp chung đất với anh, em nhớ tiền ân đối đãi với anh cho khỏi mang lời phụ nghĩa đó thôi, lại anh chớ tưởng đến việc tóc tơ đừng mong tơ hồng se buột. Em cạn xét chẳng toàn trinh liệt, có đâu dám sánh duyên cùng anh là bực anh tài. Em ước một điều từ đây về sau là anh với em xưng tụng với nhau cho phân biệt lớn nhỏ đủ rồi xin anh chớ tưởng rằng em hờn chạ sao anh phân ly em mà nói chuyện xuôi ngược như vầy thì đau cho em lắm.
Sau đây em xin mời anh ngày mai đúng bảy giờ tối đến nhà hàng Hôtel de la Terrasse dùng với em một bữa cơm tây gọi là tiệc tiễn hành anh đi du học, anh chớ chối từ thì em buồn lắm.
Lệ Thủy.’
Hoàn Ngọc Ẩn được thơ đọc đi đọc lại hai ba lần rồi nói thầm rằng: “Tội nghiệp nàng biết là dường nào nàng thương mình lắm có chi đau đớn bằng khi phân tay kẻ ở người đi, thế mà nàng ngăn sầu lấp thảm muốn cho mình đi học cho thành danh, nàng muốn đãi mình một tiệc tiễn hành lẽ nào mình từ chối. Để tối mai mình coi nàng đãi mình cách nào cho biết.”
Đêm 11 tây đúng 7 giờ Hoàn Ngọc Ẩn đã đến tại nhà hàng ngồi chờ cách ít phút đồng hồ sau nàng Lệ Thủy đi xe hơi tới, chàng vừa gặp mặt nàng thì nói thầm rằng: “Trời ôi! Chắc nàng ưu sầu lung lắm, ta cách mặt nàng có mấy ngày mà nay trông vào sắc mặt của nàng suy đổi rất nhiều, bịnh nầy gốc bởi âu sầu nên ăn ngủ thất thường mà ra.”
Nàng Lệ Thủy gặp mặt Hoàn Ngọc Ẩn thì gượng làm vui hỏi chàng rằng: “Anh đến dây chờ em bao lâu rồi?”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Tôi mới đến đâu chừng bốn phút đồng hồ. Ủa còn nàng có đau chi hay không mà tôi xem khác sắc vậy?”
Nàng Lệ Thủy cười và nói: “Thiệt vậy sao anh, tôi có đau chi đâu, dạ có lẽ tại người đầu bếp mới xin ở, nấu ăn không kéo, chẳng vừa miệng của em nên em ăn không đặng mà có mấy ngày rày phải sút sức.”
Đang khi ăn uống vui cười, nàng Lệ Thủy có nói với Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Dạ thưa Hoàn huynh, tiền bạc của dưỡng phụ anh để lại, anh tiêu phí hết bao nhiêu và còn đủ mà dùng trong hai năm ăn học không, như không đủ, anh cần dùng bao nhiêu em sẵn có đưa cho anh dùng kẻo thiếu.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Tôi cám ơn nàng lắm, nhưng tôi chẳng cần dùng thêm làm chi, vì tôi mới lãnh một muôn đồng bạc của dưỡng phụ tôi để lại, số bạc đó tôi mới xài chừng ba trăm đồng còn dư lại trên chín ngàn đồng bạc, số tiền đó cũng đủ cho tôi ăn học bốn năm năm tràng huống gì hai ba năm.”
Nàng Lệ Thủy nói: “Anh có qua đến Pháp quốc rồi thì kíp xin vào trường lo học chớ đừng có ham chơi theo mấy cậu công tử khi qua bển thấy cuộc ăn chơi lộng lạc phá của cha mẹ rốt lại trở về không một miếng cấp bằng gì lộn lưng thì thất công hao của và để cho người đời khinh rẻ vậy.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Nàng nói rất phải, nhưng nàng chớ lo cho phận tôi làm gì, tôi quyết chí tranh đua với với chúng bạn thì làm sao tôi cũng được công thành danh toại. Còn nàng ở lại xin chớ tiếp rước những người nào ái sắc hữu tình nàng làm chi, mà tiếng đời chê bai nàng là phường lá gió nhành chim không tốt. Như nàng gặp được người nào phải giá cho nàng cử áng tề mi thì tốt hơn nàng tính việc bách niên với người đó.”
Nàng Lệ Thủy nghe Hoàn Ngọc Ẩn nói thì dàu dàu nét mặt nói rằng: “Em chẳng toan lấy chồng đâu, xin anh đừng nói tới.”
“Nàng tưởng nàng ở vậy trọn đời được sao?”
“Dạ thưa có chi hay bằng? Đời bây giờ em tưởng nghèo thì nên lấy chồng mà nương dựa tấm thân, còn giàu thì ở một mình đừng lấy chồng làm chi.”
“Ủa! Nàng nói sao lạ vậy?”
“Dạ thưa không lạ. Anh nghĩ coi lấy chồng làm chi cho cực tấm thân vào lòn ra cúi trải thân nô lệ đối đãi anh chồng, vả lại mười hai bến nước biết đâu là trong đục cái khổ biết đâu mà tránh, em nguyện từ đây về sau em chẳng giao thiệp với ai là đàn ông cả, em tính ở vầy trọn đời, tuy em không đi tu chớ cũng như đi tu.”
“Nếu nàng ở vậy được thì tốt, nhưng tôi e nàng nói miệng tài thì được chớ sợ mai sau thế nào nàng cũng phải có chồng.”
Nàng Lệ Thủy nghe nói thì cười và nói: “Ngày sau Hoàn huynh sẽ rõ, như em có lấy chồng đang khi anh còn họcv bên Tây thì em sẽ gởi thơ cho hay chớ chẳng hề em giấu đâu.” Nói rồi nàng giả bộ cười ngất!
Đêm một lần khuya, ăn uống mãn tiệc Hoàn Ngọc Ẩn bèn đứng dậy xin kiếu nàng Lệ Thủy mà đi về. Cách ít ngày sau đến giờ Hoàn Ngọc Ẩn xuống tàu, chàng thấy trên cầu dập dìu tài tử giai nhân nào tây nào là Annam sửa soạn xuống tàu người đi đưa chuyện vãn. Hoàn Ngọc Ẩn có ý trông chờ nàng Lệ Thủy đến nhưng trông một giờ một vắng dạng thì chàng chín chìu ruột thắt mòn mỏi ngóng trông, chàng chấp tay sau đít đi tới đi lui nóng nảy trong lòng dường như lửa đốt.
Vợ chồng Năm Mạnh và Lục Tặc thấy Hoàn Ngọc Ẩn đi tới đi lui ngóng trông nàng Lệ Thủy thì thảy đều thương tình.
Năm Mạnh đón Hoàn Ngọc Ẩn mà nói rằng: “Thầy hai ôi! Nàng Lệ Thủy không đến đưa thầy thì thôi, hơi nào thầy trông ngóng, thầy đã quyết du học mà còn đeo khối tình trong lòng thì làm sao gắng chí học hành đặng. Nàng không đến đây, chắc là nàng muốn thầy đừng nhớ thương đến nàng nữa, ấy là nàng muốn để thầy an trí ra đi, nàng còn dẹp tình đặng thay, hà huống thầy không dẹp được sao?”
Hoàn Ngọc Ẩn gặc đầu dàu dàu nét mặt và nói: “Lời anh phân chánh đáng tôi nghe thấm vào tai, thế mà anh ôi! Không rõ vì sao giờ nầy tôi thương nhớ nàng quá, ước trông sao cho gặp mặt nàng trước cho thỏa dạ, sau phân trần hơn thiệt một đôi lời. Ờ … ờ hay là nàng đã có gá tình cùng người khác ngoảnh mặt tôi đó chăng?”
Năm Mạnh muốn làm cho Hoàn Ngọc Ẩn dứt tình thương nàng Lệ Thủy, nên lập tức tiếp lời chàng mà nói rằng: “Chắc vậy chớ gì a thầy. Lòng đàn bà sâu hiểm khó dò, bạc đen khó phân biện, thôi thôi hơi nào thầy thương tưởng đến nàng làm gì, lấy việc công danh làm trọng, ngày sau thầy được áo gấm hồi hương, thiếu chi là con nhà trâm anh phiệt duyệt gắm ghé gieo cầu, chừng đó mặc tình thầy chọn lựa.”
Hoàn Ngọc Ẩn lắc đầu và nói: “Thôi đi anh, đừng nói chi nữa hết. Tôi biết rồi, có lẽ nào lòng nàng Lệ Thủy bạc vôi đến thế, nàng không đến đây chẳng qua là nàng đau nằm vùi không đi được, hoặc là nàng chẳng muốn đến vì khi tàu lui rồi nàng chịu sự đau đớn, lúc rẽ bức không nổi. Ờ … ờ … Tôi tưởng như vậy là phải, nàng thật tình thương tôi lắm. Không thương sao đặng, đêm nọ tôi nói với nàng một lời, dầu nàng nghĩ rằng phải chết, mà dám cầm ly rượu có thuốc độc lên uống. Phải rồi, nàng thương tôi vô hạn nàng dám chết vì sự muốn của tôi. Trời ôi! Tôi đi sao đành … À … tôi nhớ rồi. Đêm nọ khi nàng đưa tôi đi về nhà nàng có nói như vầy: Tôi đi học trong hai năm sợ khi trở về tôi chẳng còn thấy mặt nàng nữa. Xét gẫm về lời nói của nàng thì tôi sợ có khi đến ngày tôi bước đặng thanh mây trở về cố quốc thì nàng đã vùi vóc ngọc mình vàng dưới ba tấc đất. Than ôi! Chừng đó kẻ dương gian người âm cảnh thương nhau chỉ thấy nắm mồ lạnh ngắt. Anh Năm ôi! Như thế tôi đi sao đành, trí nào để nhớ, để thương, trí nào chuyên lo đèn sách, thôi để tôi xuống tàu vác rương lên ….” Nói dứt lời Hoàn Ngọc Ẩn khóc ròng.
Năm Mạnh thấy vậy cảm động không cùng thế mà Năm Mạnh gắng gượng thốt lời khuyên dỗ chàng mà rằng: “Thầy chớ toan như vậy không nên, thầy không đoái đến những lời của bạn yêu dấu của thầy là Đỗ Hiếu Liêm can gián thầy sao, thầy quên những lời khí khái của thầy thề nguyền với chàng sao?”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe Năm Mạnh nói thì thở dài chẳng nói lời chi đặng.
Một chập sau chàng ngó Lục Tặc đang đứng buồn dàu dàu đôi tròng ứa lụy mà hỏi rằng: “Lục Tặc nầy, em thấy anh gần xe em mà em buồn phải không?”
Lục Tặc nghe Hoàn Ngọc Ẩn hỏi thì khóc ré lên rồi mếu máo nói rằng: “Thầy ôi! Thầy đi rồi thì Lục Tặc thương nhớ sợ ăn ngủ không được phải chết. Mai sau thầy có về xứ Nam kỳ nầy thì thấy có kêu Lục Tặc ơi! Lục Tặc hỡi! Thì chẳng còn nghe tiếng dạ của Lục Tặc nữa. Thầy có muốn gặp mặt Lục Tặc thì chắc là không thấy mặt đặng, Lục Tặc đã ra người thiên cổ, còn như thầy có muốn đi thăm Lục Tặc thì thầy chỉ còn thấy nắm đất trày trày có mọc xanh um, để đêm trời trăng mấy con mèo mặc tình lên tửng giỡn.” Lục Tặc nói dứt lời thì khóc ngất.
Hoàn Ngọc Ẩn thấy vậy cũng rơi lụy, rồi đó chàng bước lại gần rờ đầu Lục Tặc và nói: “Lục Tặc ôi, em muốn anh ở lại không?”
Lục Tặc gạt lệ ngước mặt lên ngó Hoàn Ngọc Ẩn rồi nói: “Thầy ôi! Em muốn lắm, nhưng mà em xin thầy gắng gượng xuống tàu mà đi. Em thương thầy thật nhưng em muốn sao thầy du học cho thành danh hầu ngày sau chiếm một cái địa vị cao sang trên võ trụ mới phải. Xin thầy đừng ở lại vì một chút tình ma mị mà sau ăn năn rất muộn.”
Năm Mạnh nghe Lục Tặc nói thì tiếp nói với Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Thầy nghe chưa, mấy lời của Lục Tặc nói không phải là không hữu lý nó còn nhỏ mà biết cạn nghĩ như vậy thay! …”
Hoàn Ngọc Ẩn gặc đầu hai ba cái rồi nói với Lục Tặc rằng: “Lục Tặc nầy, anh có dè đâu em thương anh và lại biết dùng lời khôn ngoan mà khuyên anh như vậy. Thôi em ở lại với anh Năm chị Năm gìn giữ coi sóc nhà cửa của anh, chờ trong hai năm trở lại anh về. Anh thương em vì em cũng mồ côi như anh, em phải vưng lời chịu lụy anh Năm và chị Năm, đừng bỏ nhà đi đâu thì trái ý anh lắm.”
Lục Tặc dạ dạ vâng lời rồi nói: “Thưa thầy, em ráng ở dễ thương có lẽ nhờ anh Năm và chị Năm dạy em học nghề võ cho giỏi.”
Hoàn Ngọc Ẩn gượng cười và nói: “Được lắm, anh Năm và chị Năm chẳng phụ lòng sở một của em đâu. Em có học được giỏi rồi thì chớ ỷ tài lung lăng phóng đãng thì anh giận lắm đa.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói vừa dứt lời thì rền tai nghe tiếng súp lê tàu giục giã bộ hành xuống tàu. Hoàn Ngọc Ẩn ráng nói lời chót với vợ chồng Năm Mạnh rằnG: “Nầy anh Năm và chị Năm, tôi xin gởi thằng Lục Tặc cho anh và chị ráng dạy dỗ cho nó sửa tánh lao chao và trở nên trọn lành. Số tiền ba trăm đồng tôi để lại cho anh và chị dùng thì mỗi tháng cho thằng Lục Tặc chừng mười lăm đồng đặng nó xài, nếu có xảy ra thiếu thốn tiền bạc thì anh hãy gởi thơ cho tôi biết thì tôi sẽ gởi mandat về cho mà dùng. Thôi anh và chị ở lại mạnh giỏi, nhà cửa của tôi cho anh được quyền tự chủ nhưng đừng có bán cho ai thì thôi.”
Hoàn Ngọc Ẩn day lại nói với Lục Tặc rằng: “Lục tặc, em ráng nhớ mấy lời anh dặn nghé.”
Hoàn Ngọc Ẩn gạt lệ một lần sau hết đoạn ríu ríu đi thẳng xuống tàu.
Khi tàu sắp tách bến Hoàn Ngọc Ẩn đứng nhìn hai vợ chồng Năm Mạnh và Lục Tặc, chàng thấy cả ba đứng lau nước mắt thì cũng khóc ròng. Tàu chạy một lần một xa Hoàn Ngọc Ẩn nhìn cảnh Saigon mà than rằng: “Saigon yêu dấu ôi, ta phải cách xa mi một hai năm tràng, xa mi tấc là xa những cuộc cui thú của ta từ bé đến lớn bao giờ ta quên đặng. Saigon ôi! Ta cách xa mi tất là ta xa cách một người bạn ngọc của ta, ngày sau ta có về đến tới xứ nầy rồi nào biết ta thấy mi mà có gặp người yêu dấu của ta chăng. Ôi! Sự chia uyên rẽ túy là một sự đau đớn khôn ngằn, nhắm ra cũng gần bằng kẻ về chín suối, người ở dương gian …”
Tàu chạy một lần một xa, Saigon một lần một cách, Hoàn Ngọc Ẩn ngoảnh mặt ra phía sau lái tàu thì chỉ thấy cảnh trạng Saigon mờ mịt cây cối xanh um, lải rải thấy được vài nóc đền đài dinh thự. Hoàn Ngọc Ẩn ngổn ngang trăm mối bên lòng mà mặt châu mày úa, chàng liền vào phòng (cabine) lên giường năm luống thở than …