Chương 34: Chuyện làng xóm Đông Hồ

Khoảng giờ tỵ thì chợ tan, đường bán hết, dầu còn lại hơn hai ống tre, như vậy là tốt rồi, khi người ta dùng quen sẽ mua tiếp. Lui ghe ra ngoài, cha nương đều chèo, giờ là ngược dòng nên sẽ mệt hơn. Lần trước nương và An ca đi đò ở bên kia sông phải chờ đến đầu giờ ngọ, nước đứng mới về.

Các nhà khác cũng lần lượt ra về, nhà thím Bô Pha rất vui vẻ, chắc bán được giá. Chau Rui thúc làm thợ mộc nhưng không phải dựng nhà, đóng tủ bàn ghế mà thúc ấy làm mấy món đồ mộc nhỏ như chày, cối, chén, bình trà hoặc mấy đồ trang sức trâm, lược, vòng tay. Sáng nay mấy bà mấy cô đều xem tới mấy món được bày bán, gỗ mài bóng loáng, nhẵn mịn thật công phu, thật khéo léo.

Bữa cơm trưa ăn trên ghe gió thổi mát rượi. Trên mảng rừng, đàn ong bu quanh bông đước, mấy con cò trắng chân khẳng khiu cao nhòng sục cái mỏ dài xuống lớp đất bùn tìm thức ăn. Mấy loài chim khác nhỏ hơn thì tìm thức ăn dưới gốc đước. Có đoạn sông đi qua một khoảng đất rộng mênh mông đang trồng lúa, lúa sạ hơn mười ngày đã lên cây mạ non, lá xanh biếc.

– Đồng này là của ông phú hộ Từ Tảng, kéo dài xuống chợ Ba Nhỏ. Mấy năm trúng mùa lúa không có chỗ phơi luôn đó.

Thấy Mai và An ca nhìn, thím Bô Pha bên kia giải thích.

– Có thuê người làm không thiếm?

Nương hỏi thăm.

– Có, nhà phú hộ có ba trai một gái, gia đinh cũng cỡ bảy tám người, làm sao làm hết. Mấy hôm trước thuê người sạ lúa nữa. Mùa gặt chắc phải thuê rồi.

Nhìn xa xa thấy gian nhà lớn, mái ngói đỏ thấp thoáng nằm trong mấy cây cau, thốt nốt cao chót vót.

– Trong nhà có cặp ngà voi với hai bức liễn gỗ khắc đẹp, chắc thợ trên kinh làm.

Chau Rui thúc nói như than thở, ngưỡng mộ. Hai bức liễn đó chắc rất đặc sắc nên thúc ấy mới vừa khen vừa ganh tỵ.

– Thúc có chạm đồ cho nhà phú hộ đó sao?

Đường dài có người kể chuyện nghe cũng thích. Mai hỏi tới để biết thêm chuyện quanh đây.

– Có, lần đó kêu ta làm bộ chén muỗng gỗ hương, bộ vậy là sáu cái, mất gần tháng mới xong.

Chuyện này nối tiếp chuyện kia, đến gần chợ nhỏ thì hai ghe tách ra đi về hai hướng. Chỉ còn ghe nhà mình trên sông, Mai chui vào mui nói.

– Nương, để An ca tính tiền đi. Ca ấy đếm nhanh lắm, ha ha.

Lúc dạy làm toán, tính tiền quả thật a An học nhanh nhất. Lúc đầu còn dùng que tre, bây giờ thì một hai trăm văn đều tính nhẩm đươc. A An thấy nương cười nên vào mui đổ túi tiền ra rổ, hắn đếm, xâu lại thành xâu, tính tính rồi hỏi:

– Nương mua thịt hết một trăm năm mươi văn sao?

– Ừ,

– Vậy hôm nay nhà mình còn ba trăm hai mươi tám văn.

– Ghe như này giá bao nhiêu cha?

Mai nghĩ nghĩ hỏi, nếu nhà mình có ghe thì tốt biết mấy, sẽ đỡ vất vả hơn nhiều.

– Hơn hai mươi quan (1), người ta mới đóng.

A, theo Mai tính nhẩm mấy lần bán đường và tiền hôm nay, nhà mình có khoảng sáu quan, còn thiếu nhiều. Tiết kiệm lắm thì tới năm sau mới có thể mua ghe rồi. Lúc nãy trong chợ Mai thấy có đủ loại ghe, cỡ lớn cỡ nhỏ đều có. Có nhà người Chân Lạp còn dùng bè và ghe lườn nữa. Bè thì nhà mình làm được không?

Bè thì chỉ dùng đi xung quanh nhà, đánh cá thăm câu thôi, không thể đi chợ xa được. Ghe lườn tiện dùng hơn một chút, nhưng cũng không đi ra sông lớn như sông Giang Thành, nước chảy xiết là ghe lườn không chống được. Nghĩ tới lui thì chỉ còn cách nhà mình kiếm thêm tiền, tiết kiệm để mua ghe tam bản như vầy thôi.

Qua giờ ngọ đã đến nhà, sớm hơn mấy lần nương đi quá giang ghe người ta hay đi đò nhiều. Ở nhà có cậu mợ nên cha nương yên tâm, không lo lắng trong nhà không có người lớn.

Vừa buộc ghe xong a Phúc đã chạy ra.

– Cha nương sao giờ mới về. Con chờ lâu quá.

Nương mỉm cười vuốt đầu hắn. Hắn không chờ nương hỏi gì đã nói tiếp.

– Mợ hai mua con gà trống lớn, mập ú. Đang nấu cháo, làm thịt kho nữa.

Đúng là ‘Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ’. An ca nháy mắt với Mai, cười trêu hắn.

– Ca thèm đùi gà quá, chút ca một cái, a Mai một cái. Sáng giờ đi chợ đói bụng ghê!

A Phúc nghe vậy thì xịu mặt xuống, nhìn An ca, nhìn Mai.

– Vậy đệ, đệ, … ăn nhiều nhiều …

Nhóc nhăn mặt nghĩ xem chỗ nào của con gà có nhiều thịt nhất. An ca ôm nhóc đi vào nhà cười ha ha.

– Được, hôm nay cho a Phúc ăn nhiều thịt gà còn có nhiều thịt heo nữa,

– Thật?

– Đương nhiên rồi.

Cậu hai và Bình ca đang lột vỏ dừa khô, mợ và Cúc tỷ thì đang nấu nướng, dọn chén đũa trên sạp tre.

– Đang chờ mọi người về ăn cơm đây,

Cậu nghe tiếng nói An ca và a Phúc bước ra nói.

– Ca, sao không ăn trước.

– Về cùng ăn luôn, không sao.

Nương mang thịt ra bếp hỏi:

– Ta có mua thịt heo, định đổ bánh xèo, tẩu thấy sao?

– Hay để ngày mai đổ, hôm nay ăn thịt gà đi, đã nấu xong rồi.

– Được, ăn xong ngâm gạo, ngâm đậu xanh để kịp sáng mai làm.

Ăn trưa trễ cộng với thức ăn ngon, ai cũng ăn nhiều hơn một chút, nói cười, trò chuyện vui vẻ.

– Lúc sáng ta cũng tìm mua thịt heo mà không có, có hai nhà cũng muốn mua cúng gác Đòn Đông. Nghe nói mới dọn vào đây dựng nhà, từ từ ở đây sẽ đông đúc.

Mợ hai kể chuyện lúc sáng nghe ở chợ.

– Trên đường vô đây ca cũng nghe nói phía Lũng Kỳ, Tà Ten có nhiều nhà dời về đây hoặc về ở làng Thạch, Bình San.

Cậu hai góp lời, nghe nói gọi là làng Thạch vì làng đó dựa vào núi đá, dân cư đa số làm nghề chạm khắc đá. Mà người trong làng đó chủ yếu là người Chân Lạp, họ sống cùng nhau gọi là Sóc. Chau Rui  thúc cũng biết đục đá, nhưng thúc ấy thích chạm gỗ hơn. Người Chân Lạp đặc biệt khéo léo và có khiếu với mấy món đồ trang trí tinh xảo.

Buổi chiều người lớn ra ruộng dặm lúa. Hôm trước mưa to làm khoảng đất trũng ngập nước. Lúa mới gieo mầm không chịu được úng nên chết. Cậu hai chỉ cha cách tỉa chỗ lúa mọc dày sang dặm mấy chỗ lúa thưa hoặc chết. Lúa trồng đều thì khi làm đòng hạt mới chắc, thu hoạch được nhiều hơn.

Mấy đứa nhỏ cũng không ở nhà mà theo ra ruộng bắt ốc. Có con ốc mang bọc trứng to hơn cả mình nó bu theo mấy bụi cây quanh bờ ruộng hoặc mấy chỗ ẩm ướt. Cậu hai còn chỉ cách làm bẫy vịt nước, chim cò. Nhưng vịt nước và cò vạc thích nhất là kiếm ăn ở ven sông bãi bùn. Đặt bẫy trong ruộng thì hay đính chim bìm bịp, chim cu; chúng nhỏ hơn, thịt không bao nhiêu.

Ven vũng Đông Hồ có mấy bãi đất bồi, cò vạc, vịt nước về rất nhiều. Chỉ là lớp bùn dày đi lún xuống tới đùi. Cha nương chỉ cho Bình ca xuống, mấy đứa nhỏ không được đi.


(1): đơn vị tiền xưa: 1 tiền = 36 văn, 1 quan = 10 tiền = 360 văn. Tiền kẽm hoặc tiền đồng là chính. Có thỏi bạc 2 quan, 5 quan, 10 quan. Vàng nén có 1 nén là 50 quan, 1 nén 100 quan.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!